VÕ TẤN CƯỜNG
Đinh Hùng - một hồn thơ kỳ ảo với vũ trụ thơ thuần khiết, song hành với thực tại là hiện tượng thi ca đầy phức tạp và bí ẩn. Số phận cuộc đời của Đinh Hùng và thi ca của ông chịu nhiều oan trái, bị chìm khuất dưới những dòng xoáy của thời cuộc cùng với những định kiến và quan niệm hẹp hòi về nghệ thuật…
Kể từ khi tư tưởng lý luận về phản ánh hiện thực trong văn học nghệ thuật trở thành “thống soái” trên thi đàn cho đến nay, các nhà phê bình “ngại” viết về thơ Đinh Hùng bởi thơ ông có vẻ siêu hình, thoát ly thực tế.
Bóng tối của sự lãng quên vẫn còn bao phủ gia tài thi ca của Đinh Hùng. Trong khi đó, thi phẩm của các nhà thơ cùng thời với ông như: Hàn Mặc Tử, Vũ Hoàng Chương, Trần Dần, Hoàng Cầm… đều đã được in ấn, xuất hiện hàng loạt trên thi đàn. Thi ca của họ đã được trả lại chỗ đứng trên thi đàn và trong lòng người yêu thơ đúng như giá trị nghệ thuật tự thân của nó. Đinh Hùng với vũ trụ thi ca lung linh và huyền ảo vắng bóng trên thi đàn đã để lại khoảng trống trong dòng chảy thơ tâm linh vốn đã hiếm hoi của dân tộc.
Đinh Hùng là nhà khảo-cổ-thi-ca đầu tiên ở Việt Nam đã dám ngược về thời tiền sử để vớt lên những mảnh hồn của nhân loại bị chôn vùi dưới bao lớp sóng thời gian. Thơ Đinh Hùng với cái đẹp thơ siêu thực tế của thiên nhiên và tình yêu không phải là một phản-thực-tế như một vài nhà phê bình đã đánh giá mà là một thế giới mở được dựng lên bởi linh thị của siêu cảm và trực giác nhà thơ. Không gian và thời gian trong thơ ông xóa nhòa ranh giới, hòa nhập với cõi vô cùng, tan vào thời sơ khai của vũ trụ với sự khốc liệt, dữ dội của cảm xúc, tư duy và sự khuấy đảo đến kinh hoàng của hình tượng thơ:
Khi miếu Đường kia phá bỏ rồi
Ta đi về những hướng sao rơi
Lạc loài theo hướng chân cầm thú
Từng vệt dương sa mọc khắp người
Rồi những đêm sâu bỗng hiện về
Vượn lâm tuyền, khóc rợn trăng khuya
Đâu đây u uất hồn sơ cổ
Từng bóng ma rừng theo bước đi
……
Từng buổi hoàng hôn xuống lạ kỳ
Ta nằm trên cỏ lắng tai nghe
Thèm ăn một chút hoa man dại
Rồi ngủ như loài muôn thú kia
(Những hướng sao rơi)
Cái đẹp trong thơ Đinh Hùng huyền nhiệm và rợn ngợp với sắc màu sử thi trong các bản trường ca Iliat và Ôđixê của Hôme. Cái đẹp thơ ông mang bóng dáng và tinh thần nhân đạo của hình tượng người anh hùng sử thi:
Ta lảo đảo vùng đứng lên cười ngất
Ghì chặt nàng cho chết giữa mê ly
Rồi dày xéo lên sông núi đô kỳ
Bên thành quách ta ra tay tàn phá
Giữa hoang loạn của lâu đài, đình tạ
Ta thản nhiên đi trở lại núi rừng
Một mặt trời đẫm máu xuống sau lưng
(Bài ca man rợ)
Cái đẹp của tình yêu trong thơ Đinh Hùng không phải là những cung bậc cảm xúc bình thường mà tràn đầy, choáng ngợp sự mê dại của tâm linh trước thế giới diệu kỳ của ái tình:
Ta thường có những buổi sầu ghê gớm
Ở bên em-ôi biển sắc rừng hương!
Em rực rỡ như một ngàn hoa sớm
Em đến đây như đến tự thiên đường
……
Buổi em về xác thịt tẩm hương hoa
Ta sống mãi thở lấy hồn trinh tiết
Ôi cám dỗ! Cả mình em băng tuyết
Rộn xuân tình lên bệ ngực thanh tân
(Kỳ nữ)
Cái đẹp dưới cái nhìn và cảm thức của Đinh Hùng là một thế giới đầy cám dỗ với sự huyền nhiệm, siêu thoát. Thi sĩ tôn thờ tình yêu và xem nó như một thứ tôn giáo. Ông đặt sắc đẹp lên ngôi, xem nó là một thứ quyền năng chi phối tâm linh và sự sống của mình. Cái đẹp trong thơ Đinh Hùng vừa là cứu cánh vừa là cái chết, nó ảo hóa với muôn sắc thái và ma mị nên dễ gây ấn tượng rờn rợn:
Hỡi kỳ nữ! Em có lòng tàn ác
Ta vẫn gần - ôi sắc đẹp yêu ma
Lúc cuồng si nguyền rủa cả đàn bà
Ta ôm ngực nghe trái tim trào huyết
Ta sẽ chết, sẽ vì em mà chết
Một chiều nào tắt thở giữa môi hôn
Ta hái trong em lấy đóa hoa hồn
(Kỳ nữ)
So với thơ tình của các nhà thơ mới, thơ tình yêu của Đinh Hùng đã vượt qua nỗi khát khao dâng hiến, yêu đương của cái tôi để hướng về thế giới tâm linh huyền bí trộn lẫn với cái siêu hình của tôn giáo. Sự linh thiêng của cõi vô hình tôn giáo đã phủ lên thế giới tâm linh trong thơ Đinh Hùng vẻ hư ảo, huyễn hoặc. Người đọc muốn khám phá thế giới tâm linh của thơ Đinh Hùng cần vén màn sương lãng đãng của sự huyền nhiệm. Nhưng vấn đề quan trọng là ở chỗ không thể xem nhẹ nó như một yếu tố phụ bởi vì chính màn sương ấy lại làm nên vẻ đẹp lung linh, huyền bí của thơ Đinh Hùng:
Trời cuối thu rồi em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu…
(Gửi người dưới mộ)
Cái chết và sự sống thường bị chia cắt, giới hạn bởi không gian vật lý nhưng trong cõi tâm linh của thi sĩ khát vọng giao hòa, đồng điệu với con người vẫn có thể vượt qua mọi ranh giới để hướng đến những khoảng cách tưởng như vô tận:
Ta hát bài kinh, thoảng dã hương
Từng đêm chiêu niệm bắt hồn nàng
Lời ra cửa biển tìm sao rụng
Rỏ xuống mộ em giọt lệ thương…
(Màu sương linh giác)
Thế giới tình yêu của thi sĩ Đinh Hùng bàng bạc giữa không gian vô định nhưng lại vang vọng những âm thanh muôn màu của sự vật đang giao hòa và tan chảy vào nhau. Thi sĩ Đinh Hùng không hoàn toàn tạo nên vũ trụ riêng mình, ông chỉ hóa giải thế giới của con người bằng những thành tố tâm linh trộn hòa cùng đời sống và tạo vật. Thi sĩ Đinh Hùng trốn vào thế giới tiền sử với những qui luật tàn khốc của tự nhiên và ngân lên khúc ca mê hồn là để xa lánh thế giới xô bồ, đượm màu chết chóc của thời hiện đại và để cảnh tỉnh con người? Hay là ông muốn tìm lại dấu chân của nhân loại thời tiền sử để tiên tri về con đường của tương lai? Dù thế nào ông vẫn là thi sĩ của những bài thơ với nhiệt năng tâm linh như ngọn lửa trắng lung linh luôn thắp sáng và làm ấm áp tâm hồn của con người hậu thế…
Cặp mắt xanh của Hoài Thanh, Hoài Chân đã phát hiện ra “niềm kinh dị” của thơ Chế Lan Viên nhưng lại bỏ sót thế giới kỳ ảo của thơ Đinh Hùng. Hai nhà phê bình Hoài Thanh, Hoài Chân với lối phê bình nặng về trực giác và kinh nghiệm nên đã không để mắt tới thơ Đinh Hùng cũng là lẽ thường nhưng chẳng phải vì thế mà tầm vóc tư tưởng và nghệ thuật của thơ Đinh Hùng bị giảm sút.
Nếu thi ca của Chế Lan Viên sừng sững như những tháp Chàm thì thơ Đinh Hùng lại huyền ảo một thế giới hỗn mang và đầy mê cung kỳ ảo. Tầm vóc thi ca của thi sĩ Đinh Hùng có thể sánh với bất kỳ tác phẩm của nhà thơ hiện đại nào. Thi ca của ông vẫn còn là sự huyền bí chờ sự giải mã của những ai quan tâm đến vận mệnh thi ca của dân tộc.
V.T.C
(SDB11/12-13)