Tác giả-tác phẩm
Về một hướng tiếp cận mới tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng
07:39 | 25/03/2014

YẾN THANH

(Đọc Thi pháp tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng của Nguyễn Thành)

Về một hướng tiếp cận mới tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng

Vũ Trọng Phụng là một trường hợp đặc biệt, nếu không muốn nói là đặc biệt nhất trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Vậy là, “nhà văn trẻ” mà vỏn vẹn sự nghiệp chỉ dừng lại ở tuổi 27 ấy (1912 - 1939) đã vĩnh biệt chúng ta được 74 năm, một khoảng thời gian có lẽ đủ để làm lắng đọng, kết tủa hay chiêu tuyết cho những giá trị từng bị xem là bấp bênh. Nhưng lạ thay, dường như những tranh luận về ông vẫn chưa thôi sôi nổi, và có vẻ lại câu chuyện lại càng trở nên thú vị hơn theo năm tháng. Cao Việt Dũng trong tiểu luận Vũ Trọng Phụng trong lịch sử văn chương Việt Nam: một số nhìn nhận mới [1] cũng đã xem họ Vũ là nhà văn đóng vai trò “đá thử vàng” của những thế hệ phê bình khác nhau. Đã có nhiều bài viết, các số báo chuyên đề, các sách chuyên luận và cả những tranh luận sôi nổi liên quan đến Vũ Trọng Phụng trong lịch sử, ngay từ năm thập niên 30 thế kỷ XX cho đến tận ngày nay. Phái ngợi ca thì tung hô nhà văn lên mây. Văn Tâm gọi ông là “thiên tài không còn nghi ngại được”, Phan Khôi xem ông “là nhà tiểu thuyết hiện thực phê phán có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa”, Nguyễn Khải xem Số đỏ là tác phẩm “có thể làm vinh dự cho mọi nền văn học”… Phái chê bai cũng dìm ông đến tận đáy. Nhất Chi Mai xem ông là “một nhà văn nhìn thế gian qua cặp kính đen, có một bộ óc đen và một nguồn văn cũng đen nữa”, Vi Huyền Đắc, Nguyễn Đức Đàn, Vũ Đức Phúc xem văn ông là thứ văn chương tư sản, là tự nhiên chủ nghĩa, là đề cao đế quốc, Hoàng Văn Hoan lại xem ông là “thứ văn chương chống cách mạng… loại văn chương nguy hiểm”… Thậm chí, còn cả một phái “thứ ba” vừa khen lại vừa chê, hoặc trước khen sau chê, khen chỗ này chê chỗ khác như Mộng Sơn, Nguyễn Đình Thi... Lịch sử tiếp nhận Vũ Trọng Phụng đầy mâu thuẫn, đối kháng này, xem xét lại một cách thật kĩ càng, chúng tôi còn thấy một điều đặc biệt khác, cả ba phía, bao gồm khen, chê và nửa khen nửa chê đã phán xét chủ yếu dựa trên đời tư tác giả, bằng cách qui chiếu thế giới hình tượng nghệ thuật với thế giới hiện thực mà tác giả đang sống, hoặc xa hơn tí nữa, là bàn vào nội dung các tác phẩm một cách trừu tượng, giáo điều. Hết. Tức chúng ta chủ yếu vẫn quẩn quanh dừng lại ở tư duy tiền hiện đại trong nghiên cứu văn học, với hai hướng tiếp cận cơ bản là “lịch sử tinh thần” và “thực chứng”.

Thật hiếm ai chú ý, hoặc chú ý đầy đủ đến hình thức của tác phẩm Vũ Trọng Phụng. Văn bản của nhà văn không có chỗ trong phiên tòa phán xét. Một lối tiếp cận phiến diện làm chúng ta không khỏi nhớ đến những lời than vãn của Milan Kundera trong Những di chúc bị phản bội Một cuộc gặp gỡ, về cách mà nhiều người đã phán xử, xử tử những nhà văn như Salman Rushdie hay Berton Brecht, khi chỉ dựa trên tiểu sử hay hiện thực. Kundera viết: “Đúng rồi, chẳng ai còn nghi ngờ việc Rushdie đã công kích đạo Hồi, bởi chỉ có sự buộc tội là có thật; văn bản của cuốn sách chẳng còn quan trọng gì hết, nó không tồn tại” [2,201]. “Ôi, Bertolt, vậy thì còn lại gì của anh đây? Cái mùi hôi của anh, được bà cộng tác viên trung thành của anh giữ gìn trong ba mươi năm, sau đó được một nhà bác học lấy lại… đã gửi nó vào tương lai của thiên niên kỷ chúng ta” [3,193]. Câu chuyện về Vũ Trọng Phụng, sở dĩ có những khác nhau trong tiếp nhận và đánh giá, là bởi tồn tại những cách đọc khác nhau, tức những lý thuyết khác nhau được dùng làm cơ sở tiếp cận. Những nhà nghiên cứu đã dùng phân tâm học, tiểu sử học, văn hóa - lịch sử, xã hội học, lý luận văn nghệ Marxism cứng nhắc… và đó thông thường là các cách đọc dựa trên những phương pháp ngoại quan, tức vẫn không lấy hình thức văn bản làm đối tượng nghiên cứu chính. Ngay bản thân việc sử dụng phân tâm học thì cũng là lối làm việc dựa trên “phân tâm học tác giả”, chứ “phân tâm học văn bản” hay “phân tâm học người đọc” hầu như vẫn chưa được tính đến. Chính vì vậy, lối tư duy tiền hiện đại này đã dẫn đến những cách hiểu lệch lạc, như Thái Phỉ xem họ Vũ là “văn chương dâm uế”, hay điển hình nhất cách làm việc theo phương pháp phân tâm học tác giả (khiên cưỡng) như Lan Khai: “Viết văn đối với Vũ Trọng Phụng tức là một cách hành dâm”, hay Vũ Ngọc Phan từng nghĩ: “Người ta bảo những người ngực yếu (Vũ Trọng Phụng bị lao - Y.T) phần nhiều là những người dâm dục. Vũ Trọng Phụng có lẽ cũng thuộc về cái ca ấy”. Cho đến những năm gần đây, tình hình nghiên cứu và tiếp nhận Vũ Trọng Phụng có vẻ chuyển dần dịch sang tư duy hiện đại và hậu hiện đại. Trong số chuyên đề kỉ niệm về Vũ Trọng Phụng của tạp chí Nghiên cứu văn học (10 - 2013), Đỗ Thị Hường đã tiếp cận Số đỏ từ ngôn ngữ nghịch dụ (oxymoron). Những tiểu luận nghiên cứu khác về họ Vũ của Hoàng Tố Mai, Tôn Thất Thanh Vân trong số này cũng ít nhiều khảo cứu đến phương diện hình thức và ngôn ngữ của sáng tác Vũ Trọng Phụng.

Trong hoàn cảnh đọc nói trên, chuyên luận Thi pháp tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng (Nxb. Văn học, 2013) của TS. Nguyễn Thành ra đời vừa là tiếng nói nhằm đối thoại lại lối nghiên cứu ngữ văn học theo tư duy tiền hiện đại, lại vừa là sự hợp lưu vào lối nghiên cứu theo tư duy hiện đại, tức dựa vào hình thức tác phẩm, thông qua lý thuyết về thi pháp học. Thực ra, chuyên luận Thi pháp tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng chỉ là sự kết tụ của một hướng nghiên cứu mà tác giả đã kiên trì trong nhiều năm qua, khởi đi từ mốc 1995, 1997, 1999 bằng ba tiểu luận nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng đã công bố trên tạp chí Văn học, và sau đó là nhiều tiểu luận khác được in chung. Có thể nói, cho đến nay, mặc dù có nhiều công trình lớn nhỏ khác nhau về Vũ Trọng Phụng, thì chuyên luận của Nguyễn Thành là một lối đi riêng đáng ghi nhận. Nó là một lối đi khác, có thể chưa hoàn toàn hay hơn những cách đọc còn lại, nhưng cần ghi nhận ở tính khách quan, khoa học và hiện đại, đúng với tinh thần thi pháp học. Không phải ngẫu nhiên, tác giả lại dành riêng chương 1 nhằm tổng quan nhìn lại lịch sử tiếp nhận Vũ Trọng Phụng. Trong chương này, tác giả đã không bị nô lệ, phụ thuộc vào những năm tháng, sự kiện tiếp nhận vốn vô cùng sôi động, phức tạp, mà đã xác lập nên một “cấu trúc tiếp nhận” rõ ràng, mạch lạc, bao gồm ba góc độ tiếp nhận chính là: đạo đức, nghệ thuật và chính trị. Tiếp sau đó, Nguyễn Thành chia lịch sử tiếp nhận Vũ Trọng Phụng thành bốn giai đoạn bao gồm: 1. Từ 1930 đến 8/1945; 2. Từ 8/1945 đến 1954; 3. Từ 1955 đến 1975; 4. Từ 1975 cho đến nay. Chuyên luận đã chỉ rõ được sự khác biệt trong tư duy nghiên cứu nói riêng và thực tiễn tiếp nhận các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng nói chung. Trong chương này, chúng tôi chỉ hơi tiếc, nếu tác giả chia lịch sử tiếp nhận Vũ Trọng Phụng theo hướng hệ hình nghiên cứu (tiền hiện đại - hiện đại - hậu hiện đại), hoặc dựa trên phương pháp nghiên cứu (phân tâm học, tiểu sử học, xã hội học, thi pháp học…), thì sẽ có chiều sâu hơn. Về các phân kỳ lịch sử tiếp nhận tác phẩm Vũ Trọng Phụng, hiển nhiên cách phân chia của tác giả là hợp lý, nhưng một cách chi ly, có lẽ vẫn còn chưa thuyết phục, bởi hình như lịch sử văn chương với lịch sử chính trị đã bị đồng nhất. Thực ra, sự thay đổi về chính trị mặc nhiên kéo theo sự thay đổi về tiếp nhận văn học, nhưng hai quá trình này hiếm khi trùng khít về thời gian. Đơn cử trong lịch sử tiếp nhận Vũ Trọng Phụng, ở giai đoạn 4, có lẽ nên lấy mốc 1986 cho đến nay là hợp lý hơn. Bởi vì, chỉ sau Đổi mới, với những thành tựu của chủ trương mở cửa tư tưởng, kinh tế của Đảng, Vũ Trọng Phụng mới được nhìn nhận lại, công bằng hơn và khoa học hơn.

Chương 2 của chuyên luận, tác giả Nguyễn Thành dành riêng để khảo sát quan niệm về tiểu thuyết của các nhà văn đầu thế kỷ XX và của cá nhân Vũ Trọng Phụng. Với Nguyễn Thành, tiểu thuyết là một thành tựu lớn trong công cuộc hiện đại hóa văn học Việt Nam, chuyển dịch từ mô hình tiền hiện đại kiểu phương Đông, sang mô hình hiện đại theo kiểu phương Tây. Đi từ quang phổ rộng rãi của quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nói chung và văn xuôi nói riêng, tác giả đã chỉ ra các tiêu chí phân biệt tiểu thuyết với các thể loại khác (tính hư cấu, tính văn xuôi, tính tự sự, nhân vật và cốt truyện). Trong đó, theo chúng tôi, tính văn xuôi và tính tự sự có lẽ nên gộp vào với nhau gọi là tính tự sự (vì đa phần tiểu thuyết trong thời hiện đại đều viết bằng văn xuôi, không cần nêu ra nữa), còn phần nghiên cứu về nhân vật và cốt truyện là đóng góp đặc sắc đáng ghi nhận của tác giả. Nguyễn Thành đã chỉ ra được nhân vật trong quan niệm tiểu thuyết Việt Nam hiện đại là mang tính đa diện, có cả vô thức, có chiều sâu tâm lý. Cốt truyện trong tư duy tiểu thuyết hiện đại vừa có loại “có cốt truyện”, lại vừa có loại “không có cốt truyện”. Ngoài ra, tiểu thuyết hiện đại còn mang đặc trưng kết cấu mở, có người kể chuyện hướng về phía trước, người kể chuyện cũng là một nhân vật… những đặc điểm đều được thể hiện trong những sáng tác của Vũ Trọng Phụng cũng như tư duy tiểu thuyết của nhà văn. Quan niệm tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đã được Nguyễn Thành chỉ ra xác đáng, đó là quan niệm về tả chân xã hội. Tả chân ở đây vừa là chủ nghĩa hiện thực, lại vừa là chủ nghĩa tự nhiên, chứ không có sự phân biệt rõ ràng như ngày nay. Tả chân như thế là quan điểm xuyên suốt và bao trùm thế giới nghệ thuật của nhà văn. Trong phần này, theo chúng tôi, nếu tác giả nghiên cứu sâu hơn về quan niệm mỹ học xuyên suốt trong tư duy tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đó là cái hài, chủ yếu được xây dựng dựa trên thủ pháp nghịch dị (grotesque) thì sẽ đầy đủ, hoàn thiện hơn.

Bất cứ một nghiên cứu thi pháp học nào ở nước ta, cũng gần như phải đề cập đến quan niệm nghệ thuật về con người, không - thời gian nghệ thuật và kết cấu. Chuyên luận của Nguyễn Thành cũng triển khai nghiên cứu theo ba hướng trên, lần lượt trong các chương 3, 4, 5. Trong chương 3, dành riêng để khảo cứu con người và xã hội trong quan niệm nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng. Tác giả đã chỉ ra được đặc trưng trong quan niệm nghệ thuật về con người của nhà văn, đó là con người phi lý, con người vô nghĩa lý, vì nó được sinh ra, lớn lên trong một xã hội suy đồi, đảo lộn các giá trị. Nguyễn Thành đưa ra nhận định Vũ Trọng Phụng là “người đầu tiên thể hiện cái nhìn phi lý trong văn học Việt Nam hiện đại” [4,95]. Tuy nhiên, Nguyễn Thành không quá cả tin về sự hình thành nhân cách con người chỉ phụ thuộc vào mặt xã hội, mà nhà nghiên cứu đã tính đến sự chi phối mạnh mẽ của bản năng, bởi vì con người trước tiên là một động vật. Chính cách nhìn nhận các nhân vật trên cả phương diện ý thức lẫn vô thức, đạo đức lẫn dục vọng, đã giúp quan niệm nghệ thuật về con người của Vũ Trọng Phụng trở nên toàn diện, đặc sắc và có tính khiêu khích với những cách đọc qua từng giai đoạn phê bình. Tác giả cũng tiến hành phân loại con người nghệ thuật thành các nhóm như: 1. Con người dục vọng - ác độc; 2. Con người lưu manh, dối trá, bịp bợm; 3. Con người tha hóa - bi kịch; 4. Con người đạo đức - lý tưởng. Kiểu phân loại này bao quát, toàn diện, nhưng tên gọi nhìn chung còn khá rối và chồng chéo. Trong chương 4 khảo cứu về không - thời gian nghệ thuật, chúng tôi đánh giá đây là một trong những chương thành công của chuyên luận. Về không gian nghệ thuật, Nguyễn Thành chia tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng ra các dạng thức và đặc tính nổi bật: 1. Không gian xã hội (không gian đô thị rộng lớn, đua đòi theo phong trào Âu hóa); 2. Không gian thiên nhiên (không gian khép kín có tính bản năng); 3. Không gian tâm trạng. Về thời gian nghệ thuật, tác giả chia thành các đặc trưng nghệ thuật như: 1. Thời gian đảo tuyến (hồi ức, kể lại quá khứ); 2. Nhịp độ trần thuật (gấp gáp, biến chuyển, tốc độ nhanh). Nhìn chung, chúng tôi cho rằng, nếu không gian nghệ thuật là nơi bút pháp Vũ Trọng Phụng đã tung hoành với nhiều thành tựu, thì thời gian nghệ thuật trong tiểu thuyết của ông vẫn còn khá đơn giản, tính đảo tuyến mà tác giả chuyên luận nói đến chưa phải là đặc trưng nghệ thuật đặc sắc, thậm chí, nhiều chỗ chưa hẳn đã là đảo tuyến như quan niệm của các nhà văn hiện đại/hậu hiện đại sau này. Dĩ nhiên, cần xét đến hoàn cảnh lịch sử cụ thể, khi Vũ Trọng Phụng là một trong những người mở màn cho công cuộc hiện đại hóa văn xuôi Việt Nam. Ở chương 5, tác giả chuyên luận đi sâu vào nghiên cứu cốt truyện và kết cấu. Theo Nguyễn Thành, cốt truyện tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng vừa có sự tiếp thu từ phương Tây, lại vừa ảnh hưởng cốt truyện truyền thống của văn học trung đại Việt Nam. Tính hiện đại thể hiện ở kiểu cốt truyện luận đề, kịch tính, mà đặc biệt là cốt truyện tâm lý. Trong văn học trung đại, nhân vật văn xuôi thường chỉ miêu tả hành động chứ không đi vào tâm lý, như các tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa. Ngược lại, kiểu cốt truyện phiêu lưu, “giả” chương hồi trong Số đỏ lại được xem là sự kế thừa truyền thống. Về mặt kết cấu, tác giả đánh giá cao kiểu “tư duy phi đối xứng”, tức kiểu kết cấu nhấn mạnh một khía cạnh, một tính chất, Nguyễn Thành xem đó như một “nỗ lực lạ hóa phương thức biểu hiện của Vũ Trọng Phụng” [4,201]. Ngoài ra, việc sử dụng các yếu tố ngẫu nhiên như một thủ pháp kết cấu mang đặc trưng thời đại cũng là tìm tòi đáng ghi nhận. Ở đây, bởi vì Nguyễn Thành không nêu quan niệm riêng về kết cấu, nên thật khó để đánh giá những nhận định. Tuy nhiên, có thể có người còn băn khoăn về đặc trưng “tư duy phi đối xứng” mà nhà nghiên cứu chỉ ra, thì đa phần lại hoàn toàn đánh giá cao phát hiện yếu tố ngẫu nhiên trong cốt truyện Vũ Trọng Phụng. Có vẻ như, kết cấu mà Nguyễn Thành nói đến ở đây là kết cấu của cốt truyện.

Các chương còn lại (6, 7) Nguyễn Thành tiến hành nghiên cứu đặc trưng dung hợp thể loại và điểm nhìn trần thuật cùng ngôn ngữ tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Trong phần nghiên cứu về sự dung hợp thể loại (chương 6), tác giả đặc biệt nhấn mạnh đến sự hỗn dung giữa tiểu thuyết và phóng sự, bên cạnh đặc trưng kết hợp bi - hài và việc áp dụng các kĩ thuật của các bộ môn nghệ thuật khác, mà đặc biệt là điện ảnh. Chúng tôi chú ý đến việc Nguyễn Thành đã nhấn mạnh tính phóng sự trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng, và đồng thời xem nhà văn họ Vũ là đỉnh cao của tiểu thuyết hiện đại Việt Nam. Chịu ảnh hưởng của Nguyễn Đăng Mạnh về việc xem những tiểu thuyết của Vũ: “…như những phim thời sự. Đương thời ít có cuốn tiểu thuyết nào lại gần với không khí chính trị thời đại đến thế” [4,217], nhưng Nguyễn Thành lại xem chất phóng sự không tạo nên giá trị nghệ thuật cho tiểu thuyết, mà giá trị là “do chất tiểu thuyết đậm đặc của chúng” [4,217]. Như vậy, cách đánh giá của Nguyễn Thành đã khác, và có tính đối thoại với nhận định của Cao Việt Dũng, khi anh xem “thế nhưng phần chính yếu tác phẩm của ông lại không hoàn toàn là tiểu thuyết, kể cả những tác phẩm ngày nay vẫn được xếp vào thể loại tiểu thuyết, một cách đương nhiên” [1,79]. Đây là một cuộc “đối thoại” thú vị mà cả hai bên đều có lý. Đúng là vào thời của Vũ Trọng Phụng, quan niệm tiểu thuyết với tính hư cấu là đặc trưng nghệ thuật cơ bản nhất, như cách hiểu của Milan Kundera ngày nay chưa thể hình thành. Bản thân nhiều tác phẩm của nhà văn như Cơm thầy cơm cô, Kỹ nghệ lấy Tây, Cạm bẫy người… trước tiên là những phóng sự. Tuy nhiên, quan điểm về tiểu thuyết hiện đại vốn ngày càng được giãn nới về đường biên phân biệt, với sự đề cao những tác phẩm có tính phi hư cấu. Về thực chất, tính “tiểu thuyết đậm đặc” trong các tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, nếu có, không phải là do ý thức văn nghệ của nhà văn qui định, mà là do sự phát triển và vận động của quan niệm về tiểu thuyết của lý luận văn học. Sự vận động của thể loại, ngoài sự vận động của thực tiễn sáng tác, với chúng tôi, trước tiên là sự vận động về lý thuyết thể loại.

Trong phần nghiên cứu về điểm nhìn và ngôn ngữ trần thuật, Nguyễn Thành đã áp dụng cả tự sự học, kết hợp với thi pháp học trong quá trình khảo cứu. Tác giả chỉ ra nhà văn họ Vũ thường có xu hướng sử dụng ngôi trần thuật thứ ba, với điểm nhìn bên ngoài có tính khách quan, bởi nhà văn chủ trương tả chân, và những tiểu thuyết của ông mang đậm tính hoạt kê. Nhưng ở tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, theo Nguyễn Thành, đã có sự luân phiên các góc nhìn trần thuật. Mặc dù tác giả chuyên luận đã phân tích rất kĩ càng, thuyết phục, nhưng nhìn chung, chúng ta có thể thấy so với các nhà văn Tự lực văn đoàn, và cả so với những nhà chủ nghĩa hiện thực phê phán khác như Nam Cao, tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng vẫn không mang lại nhiều cách tân và thành tựu xét trên nghệ thuật tự sự, trong đó bao gồm cả kĩ thuật luân phiên điểm nhìn. Tính phóng sự đậm đặc trong tiểu thuyết của họ Vũ nếu mang lại giá trị hiện thực, thì đương nhiên, nó phải hi sinh giá trị kĩ thuật tự sự. Trong phần nghiên cứu về ngôn ngữ, chúng tôi đặc biệt đánh giá cao sự phát hiện, thống kê và so sánh chi tiết, trực quan của Nguyễn Thành về ngôn ngữ tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng so với các nhà văn cùng thời khác. Chuyên luận đã chỉ ra được, Vũ Trọng Phụng có xu hướng sử dụng lời văn đối thoại, có cuốn như Giông tố Số đỏ tỷ lệ lời đối thoại lần lượt chiếm 54,9% và 56% trong diễn ngôn truyện kể, một tỷ lệ cao hiếm có, ít nhà văn đương thời nào có thể sánh bằng. Chính việc “đặt nhân vật vào lập trường đối thoại” này đã tạo nên kịch tính, giúp nhân vật tự bộc lộ mình, hết sức phù hợp với tiểu thuyết hoạt kê. Những đoạn đối thoại trong tiểu thuyết của Vũ Trọng Phụng đa phần là đối thoại lệch chuẩn, phi phạm qui tắc hội thoại, liên tục đối kháng lẫn nhau. Có thể thấy Nguyễn Thành đã vận dụng khá nhiều lý thuyết đa thanh, đối thoại của M.Bakhtin trong việc nghiên cứu ngôn ngữ Vũ Trọng Phụng, và hiển nhiên, đó là một lựa chọn hợp lý, bởi nhà nghiên cứu đã tìm ra được chính xác đặc trưng mỹ học ngôn ngữ tiểu thuyết của nhà văn. Ngoài ra, những tìm tòi của Nguyễn Thành về ngôn ngữ nhân vật mang cá tính đặc sắc, kĩ thuật lặp lại trong phát ngôn, thủ pháp sử dụng nghịch ngữ, so sánh bất ngờ, giọng điệu đặc sắc, trào phúng, câu văn hiện đại với việc sử dụng phổ biến các phó từ, trạng ngữ, cấu trúc bị động theo kiểu phương Tây, kĩ thuật danh từ hóa động từ… đã giúp làm rõ giá trị nghệ thuật của diễn ngôn tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Theo chúng tôi, đây là phần thành công nhất của chuyên luận, bởi tác giả vừa tìm được phương pháp phù hợp, những kết quả tìm được có tính trực quan, và quan trọng hơn, ngôn ngữ tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng đúng là đặc trưng nghệ thuật quan trọng nhất, có nhiều cách tân cũng như mang cá tính sáng tạo rõ rệt nhất của nhà văn. Sự áp dụng lý thuyết và vào đối tượng nghiên cứu như thế, vừa đòi hỏi trình độ của người nghiên cứu, nhưng trước tiên, đòi hỏi tính tương thích giữa đối tượng và lý thuyết.

Nguyễn Thành là người “đi trước, về sau” trong đối tượng nghiên cứu mà ông quan tâm: tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng. Hơn 18 năm qua, khởi đi từ bài viết đầu tiên về Vũ Trọng Phụng năm 1995, hoặc 11 năm kể từ khi Nguyễn Thành bảo vệ xong luận án về Vũ Trọng Phụng, tác giả mới hoàn thiện cách đọc của mình về tiểu thuyết nhà văn họ Vũ. Đó là một sự trận trọng, nghiêm túc trong khoa học đáng ghi nhận, thậm chí, quá thận trọng đến “đáng tiếc”. Nhưng sự thiếu “tức thời” của Nguyễn Thành lại càng chứng minh cho giá trị khoa học của chuyên luận, bởi sau khi những người bộ hành đã dẫm chi chít các “vết chân chữ” trên giấy về Vũ Trọng Phụng, nhà nghiên cứu vẫn tìm thấy cho mình lối về và ngõ riêng. Và nếu nói như Cao Việt Dũng, Vũ Trọng Phụng là viên “đá thử vàng” của phê bình, nơi chứng kiến sự thử bút của “hầu như mọi nhà phê bình tên tuổi đã làm nên lịch sử phê bình văn học Việt Nam”, thì Nguyễn Thành có lẽ đã tìm đúng và đã thành công cho quá trình “tìm đá” và “thử vàng” ấy.

Trường An, 30/11/2013
Y.T
(SH301/03-14)


.......................
Chú thích

1. Cao Việt Dũng (2013), “Vũ Trọng Phụng trong lịch sử văn chương Việt Nam: một số nhìn nhận mới”, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 10-2013, tr.77-86.
2. Milan Kundera (2001), Tiểu luận, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.
3. Milan Kundera (2013), Một cuộc gặp gỡ, Nxb. Văn học, Hà Nội.
4. Nguyễn Thành (2013), Thi pháp tiểu thuyết Vũ Trọng Phụng, Nxb. Văn học, Hà Nội. - Mọi trích dẫn trong bài viết nếu không có chú thích đều được trích từ tài liệu này.








 

Các bài mới
Các bài đã đăng