Tiến bước trên đường “công nghiệp hoá, hiện đại hóa”, những người may mắn được trang bị những đôi giầy đàng hoàng, kiên cố, có thể đạp phăng lên mọi chông gai, cứ thế mà bước. Nhưng nếu như trong giày, bàn chân cảm thấy những hạt sạn, người đi giày sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu. Có những tác phẩm văn học giống như những hạt sạn ngoan cố trong những đôi giày của những người đương tiến bước, chúng thường trực nhắc họ những thực tại nhức nhối của đất nước mà vì “mảng vui” hoặc quá “hăng say” (vì công danh? vì công ích?) họ đã quên tịt như là chưa bao giờ có. Có những người khó chịu muốn tụt giầy, vứt chúng đi, làm sao những hạt sạn quái quỉ này biến mất, vĩnh viễn biến mất; có những người tuy rằng khó chịu nhưng thấy chúng không phải là hoàn toàn vô ích. “Làng Mía” của Đào Thắng là một hạt sạn ngang ngạnh. Trên đất nước, có bao nhiêu làng Mía? Mấy trăm làng Mía, ngàn mấy làng Mía?
Làng Mía cũng như mọi làng xã nông thôn Việt Nam là địa bàn “thử nghiệm” những cuộc cải cách “long trời lở đất”, những phong trào cải tạo “sắp đặt lại giang sơn”. Có những nỗ lực, những thành tựu tích cực. Nhưng những mặt trái của những công cuộc “cải cách”, “cải tạo” này vẫn còn lại đó, bầy hầy, nhức nhối. Đọc Dòng sông Mía của Đào Thắng thấy rõ không tìm hiểu nghiêm túc những mặt trái này thì không thể hiểu được xã hội và lịch sử Việt
đương đại. Từ những thân phận của những con người làng Mía tác giả đặt ra nhiều vấn đề đáng suy nghĩ. Có những vấn đề riêng tôi mới tiếp xúc không khỏi ngỡ ngàng.
“Nó (tức Lẹp, một nhân vật Đội phó quái quỉ.H.N.H.) và đồng bọn, trong công cuộc này đã xây đài cao cho cái sự ác. Hàng vạn, có thể hàng chục vạn người con ưu tú, trung kiên, một lòng phụng sự đất nước đã chết trong oan khuất. Liệu có quên được không? Nợ nần thì trả được, oan cừu cũng trả cho xong, còn oan khuất chưa phải đã xoá ngay được, chưa quên đi được. Kinh thánh đức Chúa Lời đã dạy, nếu các người nhẹ dạ quên cái ác thì cái ác sẽ trở lại với bộ mặt ghê gớm hơn, ở chỗ này và chỗ khác, nơi này và nơi khác, nước này và nước khác, nó có thể đến tận nước Đức Chúa Lời!
“Cả một lớp thanh niên phơi phới tuổi xuân khắc vào lòng triết lý thời loạn của một dân tộc nhiều chiến trận: “Chết xanh cỏ, sống đỏ ngực”. Họ thật hồn nhiên, đặt lòng tin hết sức trong sáng vầo cái gì tốt đẹp, không lường đến một sự tráo trở, chưa biết đến những thủ đoạn tinh vi, những âm mưu thâm độc và trò lừa mị đểu cáng”.
Sẽ có những nhà xã hội học, những sử gia có công tâm lên tiếng về những vấn đề này, mặc dầu tác giả tỏ ra hoài nghi “các nhà chép sử đương đại”, họ “sẽ còn tốn nhiều giấy mực cãi nhau, thậm chí mạt sát nhau, vì nguyên cớ gốc gác họ chưa dám sờ tới chân lý của sự thật”.
Trong xã hội làng Mía, “những câu chuyện loạn luân, trả thù, chửi bới, xếch mé, cưỡng hiếp, thông dâm, chọc ghẹo, trẫm mình, đấu tố... xảy ra như cơm bữa” (H.N.H. tô đậm) Trong bảng liệt kê này của Nguyễn Trọng Tạo về những câu chuyện xảy ra “như cơm bữa” ở làng Mía, có đến 40% là chuyện sex, có liên quan đến đời sống tính dục, đến cái “dâm” của con người. Sau Vũ Trọng Phụng, bẵng đi một thời gian dài, Đào Thắng miêu tả những nhân vật của anh, không quên rằng “dâm” là một phần cốt yếu bản tính của con người. Ngay mối tình lặng lẽ, tế nhị giữa Khuê và Mận cuối cùng cũng bùng lên thầnh những khát khao xác thịt mãnh liệt. “Khuê ôm ngang tấm lưng rắn chắc. Hơi ấm từ anh đang truyền sang thân thể rét run của Mận. Mận mạnh bạo cầm tay anh đặt lên ngực, bắt ngón tay xoè ra ấp lên hai bầu vú ấm nóng của chị. Bàn tay Mận còn như quơ tìm thấy cái gì đấy”. Đọc Dòng sông Mía, tôi nhớ đến một lời nhắn của Bertold Brecht: “bạn đừng có lẩn tránh những sự kiện: nhân loại còn sống là nhờ vào những hành động cầm thú”.
Từ đời sống tính dục của những con người làng Mía được đặt ra nhiều vấn đề xung quanh cái “dâm”: “dâm” và đấu tranh giai cấp, “dâm” và cải cách ruộng đất, “dâm” trong quan hệ gia đình họ hàng, dâm trong cộng đồng làng xã. “Dâm” trong Dòng sông Mía thường là bản năng thô bạo nhưng ở một số nhân vật nó cũng có cái “lý” của nó: “Lạy Chúa tôi - đây là lời độc thoại nội tâm của nhân vật bà Mến - tôi không dập tắt được nỗi khát khao, được sống với một người đàn ông mạnh mẽ. Lạy Chúa tôi sáng láng vô cùng, ở chốn quê mùa dân dã, người đàn bà chết chồng ở goá chúng tôi sao mà khổ thế. Chúng tôi cũng như người khác mà sao cả đời họ có người đàn ông cùng gánh vác, cùng vui thú và được ân hưởng đàng hoàng lạc thú mà Chúa phát ngang bằng cho mọi người. Còn chúng tôi phải vụng trộm, che dấu và chính sự vụng trộm mà người đời cho là tà dâm đã dẫn đến bao điều khổ đau”.
Bạn đọc sẽ tiếp nhận những bùng nổ của “dâm” đủ kiểu và đầy rẫy trong tiểu thuyết của Đào Thắng như thế nào? Tôi liên tưởng đến một nhận định của Freud: “Tình dâm hẳn là một trong những chủ vị của cuộc sống và sự thống nhất của khoái cảm tinh thần và khoái cảm xác thịt trong lạc thú tình yêu là một trong những đỉnh điểm của nó. Ngoại trừ một số ít kẻ cuồng tín dở hơi, cả thế giới đều biết điều này và sống theo sự dắt dẫn của cái đó, chỉ có khoa học là còn quá ư tế nhị để chấp nhận nó”. Khoa học cũng như văn chương Việt
đương đại “hơi bị” quá tế nhị. Chắc là Dòng sông Mía của Đào Thắng sẽ gây nhiều tranh cãi. H.N.H (196/06-05) |