Tác giả-tác phẩm
Nhà văn Hà Khánh Linh
17:02 | 01/04/2009
Hà Khánh Linh xuất thân trong một gia đình khoa bảng nổi tiếng ở Huế. Tên khai sinh của chị là Nguyễn Khoa Như Ý. Năm 20 tuổi, đang học dở dự bị đại học Khoa Học Sài Gòn thì chị quyết định bỏ học để gia nhập quân Giải phóng. Từ đó cho đến khi nghỉ hưu chị đã từng đi dạy, làm phóng viên Đài phát thanh Giải phóng, Đài phát thanh Bình Trị Thiên, làm biên tập, Thư ký Tòa soạn rồi Phó tổng biên tập Tạp chí Sông Hương. Chị quen biết và giao tiếp khá rộng từ các vị quan chức đến các vị đại đức, linh mục, trí thức... cùng những năm tháng gian khổ ở chiến trường Trị Thiên, những chuyến đi thực tế ở Căm pu chia... đã giúp chị có một vốn sống hết sức phong phú.
Nhà văn Hà Khánh Linh

Trong khoảng 40 năm cầm bút cho đến nay chị đã xuất bản 8 tập tiểu thuyết, 7 tập truyện và ký, 2 tập thơ. Chị là một nhà văn trưởng thành trong chiến tranh chống Mỹ nên đề tài chiến tranh là đề tài được chị quan tâm nhiều nhất. Trong các tác phẩm: Thúy, Chiến tranh và sau chiến tranh, Nụ cười Áp xa ra, Ngày ấy Trường Sơn... Hà Khánh Linh không chỉ thể hiện sự ác liệt, tàn khốc của chiến tranh mà chị còn đề cập đến nhiều vấn đề mang tính nhân loại như: chính nghĩa và phi nghĩa, cái cao cả và cái thấp hèn, sự sống và cái chết... Những vấn đề chị đặt ra trong những tác phẩm ấy hết sức gay cấn, quyết lịệt và căng thẳng. Điều đó góp phần tạo nên sức hấp dẫn đối với độc giả - đặc biệt là những độc giả từng trải qua hai cuộc chiến tranh chống Mỹ. Mấy năm gần đây chị mở rộng đề tài. Chị muốn tái hiện lại một số giai đoan lịch sử quan trọng của Huế qua các tác phẩm dài hơi như tiểu thuyết Người kinh đô cũ (dày 576 trang), Con gái người cung nữ... Về mảng đề tài này chị cũng đã có những thành công nhất định.

Thơ không phải là sở trường của Hà Khánh Linh nhưng tâm hồn đa cảm và lãng mạn đã cho chị những giây phút thăng hoa. Và với những giây phút thăng hoa ấy chị viết được những câu thơ thật xúc động. Như những câu thơ sau đây trong bài Hoang tưởng: Bài thơ xưng tụng tình yêu/ Tạc lên vách, dựng phù điêu mây trời/  Hoàng cung lạnh buốt anh ơi/ Dấu xưa rêu phủ/ Nghẹn lời tình trăng...

 Hà Khánh Linh là một nhà văn làm việc không biết mệt mỏi. Chị đã vượt qua mọi chông gai, thử thách trên đường đời để tự khẳng định mình. Tôi rất đồng tình với điều mà chị tâm niệm: “Viết là một cách sống, một thái độ ứng xử trước cuộc đời”.
         MAI VĂN HOAN giới thiệu



LTS
: Những dấu chân của mẹ là tập ba trong bộ tiểu thuyết “Người kinh đô cũ” (NXB Hội Nhà văn, 2004), Lửa kinh đôNhững dấu chân của mẹ của nhà văn Hà Khánh Linh. Hai nhân vật chính là Nguyễn Phúc Bửu Toàn và Đoan Thuận đã xuyên suốt tác phẩm. Bửu Toàn là một vương gia Tây học, làm Chánh văn phòng Toà khâm sứ Trung kỳ nhưng bí mật hoạt động cách mạng tháng Tám. Đoan Thuận là Nữ sinh Đồng Khánh, nữ sinh Khải Định (Thời đó trường Đồng Khánh chưa có ban Tú tài) cô giáo trường Việt Anh đã tham gia cách mạng với lòng yêu nước thiết tha và nhiệt tình cháy bỏng của tuổi trẻ... Kỳ này Tạp chí Sông Hương xin trích giới thiệu với bạn đọc phần I của chương I Những dấu chân của mẹ.


Những dấu chân của mẹ

CHƯƠNG I
PHẦN I

Từ khi dự lễ khánh thành tượng đài chiến thắng về Ngô Trần luôn băn khoăn đặt câu hỏi: Vì sao Từ Huy tạc chân dung Đoan Thuận trên nhóm tượng đài? Phải công nhận rằng chân dung đẹp và sống động đến mức làm Ngô Trần phải giật mình khi vừa chợt nhìn lên... Thông thường người nghệ sĩ phải hiểu sâu sắc, phải yêu mến, trân trọng đối tượng lắm, mới chọn đối tượng làm mẫu cho tác phẩm quan trọng, tác phẩm để đời của mình.

Khi Ngô Trần còn đang tại chức tuy giữa Từ Huy và Ngô Trần chưa hề có điều gì xích mích, nhưng chưa bao giờ là chỗ gần gũi thân tình, dẫu thời gian đó Từ Huy vẫn chịu sự chỉ đạo của Ngô Trần. Còn bây giờ ai trong các anh cũng chỉ là người nghệ sĩ thuần túy. Ngô Trần thỉnh thoảng viết một ca khúc, còn Từ Huy thì mãi mê với sự nghiệp điêu khắc của anh. Từ đáy lòng Ngô Trần dấy lên một niềm biết ơn vô hạn đối với Từ Huy, vì anh đã có công làm sống dậy vẻ thanh tân yêu kiều và đầy khí phách ở Đoan Thuận - người phụ nữ mà Ngô Trần đã một thời đắm say, mãi mãi đắm say, nhưng mãi mãi chỉ là tình yêu đơn phương! Cái tình đơn phương ấy tưởng đã chôn vùi theo thời gian, nào ngờ giờ đây sống dậy mãnh liệt trong Ngô Trần. Cho hay tuổi tác chồng chất, thân xác con người sẽ già đi, nhưng tình yêu thì cứ mãi xanh tươi. Ngô Trần nghiệm ra điều đó từ chính bản thân mình, dẫu rằng trước đây ông đã đọc, đã nghe nói, nhưng ông không tin rằng tình có thể xanh trong một thể chất già nua, ốm yếu. Cái tình ấy, nói chính xác hơn là cái “màu xanh” ấy thúc đẩy Ngô Trần chủ động tìm gặp họa sĩ Từ Huy không một chút ngần ngại.

- Đoan Thuận là biểu tượng của sắc đẹp, tuổi trẻ, và lòng yêu nước thiết tha... Anh Từ Huy chọn để làm mẫu tượng đài là quá đúng đắn.

Ngô Trần dè dặt nói. Từ Huy nghĩ trước đây Ngô Trần không ưa gì Từ Huy, bởi vì Từ Huy không biết ton hót, nịnh bợ, lòn cúi, bè phái. Nhưng hôm nay Ngô Trần đã đến đây để chúc mừng thành công của Từ Huy, có thể coi là một dấu hiệu vui. Từ Huy chiết trà thơm vào tách sứ rồi đưa mời Ngô Trần. Ngô Trần nói lời cảm ơn, bưng lên nhấp một ngụm nhỏ rồi giữ nguyên tách trà trong tay, đôi mắt nhìn chăm về phía trước, nơi có đặt mấy tượng tròn thấp thoáng dưới tán cây. Từ Huy nói:

- Điều đáng mừng nhất là anh Ngô Trần đã hiểu anh em hơn, quan tâm anh em, tìm tới thăm như thế nầy... tôi cho rằng đó là thành công đáng ghi nhận nhất.

Ngô Trần vẻ chân thành:

Chẳng giấu gì anh Từ Huy, từ khi tôi nghỉ hưu, không có điều kiện theo dõi hết tình hình sáng tác của anh em. Hôm dự lễ khánh thành tượng đài chiến thắng về, tôi cảm phục và xúc động thực sự vì tài năng của anh. Hơn thế nữa, Đoan Thuận là người mà... tôi yêu với tất cả tâm hồn...

- Anh Ngô Trần đã... yêu Đoan Thuận? Vào thời gian nào? Từ Huy không giấu ngạc nhiên mở to mắt hỏi.

- Từ khi ở trạm xá quân y, tôi là bác sĩ, Đoan Thuận là y tá.

- Vậy anh Ngô Trần có biết sau trận địch ném bom vào trạm xá Đoan Thuận đi về đâu?

- Đó là điều mà hôm nay tôi rất muốn hỏi anh.

Từ Huy thất vọng, giọng trầm hẳn xuống, buồn bã:

- Tôi nào có biết gì hơn, chỉ nghe những người thân của Đoan Thuận kể lại, tôi chỉ nắm bắt được mỗi khi một ít.

- Xin lỗi, cho tôi tò mò một chút, là quan hệ giữa anh Từ Huy với gia đình Đoan Thuận?

- À... Đoan Thuận là bác bên vợ của tôi. Vợ tôi lớn lên ở miền Bắc. Sau giải phóng 1975 mới về Huế tìm gặp mẹ và các em, còn ba thì đã mất. Gặp được người bác ruột của mình còn sống đến tận ngày nay để mà thương nhớ mong chờ Đoan Thuận... Nơi chúng ta đang ngồi nói chuyện với nhau đây là vườn nhà một thời Đoan Thuận đã từng sống. Cho đến nay, chưa có một nguồn tin chính thức về sự mất còn của Đoan Thuận, nên bác ông không thờ cúng, không hương khói, và giữ nguyên trạng căn phòng của Đoan Thuận ngày ra đi.

Nét mặt Ngô Trần trũng buồn:

- Tôi được biết Đoan Thuận đã từng có con, nuôi con ở chiến khu một thời gian, rồi đem con về Huế gởi cho gia đình nuôi. Vậy đứa bé... con gái của Đoan Thuận ngày xưa?

Từ Huy mỉm cười, mắt lấp lánh, vừa rót thêm nước vào tách trà cho Ngô Trần nói:

- Chắc chắn anh không lạ gì về người mà tôi sắp nói tới, chỉ có điều anh chưa biết đó là con gái của Đoan Thuận - mà về vai vế tôi phải gọi bằng chị, đó là Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi.

- Tiến sĩ Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi, chủ nhiệm Khoa Báo chí - người đẹp của Huế?

- Vâng, và kia là tượng Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi mà một học trò của tôi vừa làm xong.

Theo hướng tay trỏ của Từ Huy, Ngô Trần chợt vỡ lẽ. Thì ra đấy không phải là chân dung của Đoan Thuận như Ngô Trần suýt nhầm lẫn lúc bưng tách trà uống vừa nhìn xuyên qua những tán cây.

- Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi có xây dựng gia đình không? Ngô Trần hỏi với tất cả sự quan tâm.

Từ Huy nói:

- Cuộc đời Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi bình dị và khá suôn sẻ, chứ không vất vả, rắc rối như mẹ. Chồng của Anh Thi là một nhà báo danh tiếng. Họ có một con trai, một con gái. Thời gian gần đây Anh Thi thường cùng chồng viết chung bài báo. Thỉnh thoảng Anh Thi còn viết nên một vài truyện ngắn... đọc được.

Những thông tin vắn tắt của Từ Huy cho Ngô Trần được hiểu thêm những gì liên quan đến Đoan Thuận. Chỉ có điều trước đây ông rất muốn được đối mặt, được nhìn thấy rõ, được đối thoại - kẻ tình địch không đội trời chung - cha của đứa bé! Người mà Đoan Thuận yêu bằng tất cả những gì quý báu nhất trên đời cộng lại, bằng tất cả tâm lực, trí lực, bằng mạng sống của chính mình... Người đó giờ đây đang ở trong ngôi nhà kia, cách chỗ Ngô Trần khoảng vài chục bước chân, nhưng Ngô Trần hoàn toàn không muốn gặp, không cần thiết nữa. Bởi vì Hoàng thân Bửu Toàn không xa lạ gì trong đội ngũ trí thức Huế, bản thân Ngô Trần đã nhiều lần được gặp gỡ, được nhìn thấy, và lần gần đây nhất là đêm hôm khánh thành tượng đài chiến thắng. Cũng chính cái giây phút bất ngờ được nhìn thấy Đoan Thuận xinh tươi, rực rỡ, sống động trên tượng đài chiến thắng bỗng Ngô Trần chợt nhớ một lần, cái nhan sắc rạng ngời ấy rung lên khi nói lời cự tuyệt dứt khoát với Ngô Trần:

- ... Kể cả khi tái sinh làm người ở kiếp khác, tôi cũng không có khả năng để yêu một người đàn ông nào khác - ngoài cha đẻ đứa con gái bé bỏng duy nhất của tôi!...

Rời vườn tượng của Từ Huy, Ngô Trần ra về lòng cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản. Nhưng Từ Huy thì lại bồn chồn day dứt đứng ngồi không yên. Anh quyết định đi tìm Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi và Vĩnh Tuấn để thông báo ngay về việc Đoan Thuận chỉ bị thương nhẹ sau trận bom ấy.

Nghe xong Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi ngồi lặng lẽ, mặc cho nước mắt tuôn trào. Vĩnh Tuấn nói:

- Sau giải phóng anh vừa từ Sài Gòn ra Huế tình cờ bắt gặp trò mèo mỡ giữa thằng cha Ngô Trần nầy với vợ chú Vĩnh Cơ, anh không kìm nén được nên chửi toáng lên, vừa nhắc cho thằng cha biết anh là người thương binh mà dạo nọ hắn muốn cưa đứt chân cho xong chuyện, nhưng hắn bất ngờ bị vạch mặt, nên sau đó chân anh mới khỏi bị cưa, còn gặp được dì Đoan Thuận và sống cho đến tận ngày nay...

Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi trách khéo:

- Hóa ra giữa thành phố nầy có một người biết được số phận mẹ em sau trận bom đó như thế nào...

Từ Huy nhăn nhở:

- Ông Ngô Trần chắc cũng không biết gì nhiều. Chính ông tìm đến gặp Từ Huy để hỏi tin tức của Đoan Thuận.

- Nhưng có thêm một người được gặp mẹ, biết về mẹ, dù rất ít - em cũng muốn tiếp cận - Anh Thi nói.

Vĩnh Tuấn dịu giọng:

- Nếu muốn thì em có thể đi gặp Ngô Trần để hỏi thêm về mẹ.

Từ Huy tán đồng:

- Đúng thế, chỉ nên để một mình chị Anh Thi đi gặp Ngô Trần, anh Vĩnh Tuấn không nên xuất hiện.

Ba anh em bàn bạc mãi, cuối cùng Anh Thi đi gặp Ngô Trần.

Đúng như họa sĩ Từ Huy nhận định, Ngô Trần chẳng biết gì hơn. Ông nói:

- Bom dội trúng vào trạm quân y, Đoan Thuận bị thương không nặng, chủ yếu ở phần mềm, nhưng bị mất máu nhiều, nên sức khỏe không hồi phục ngay được. Giữa lúc đó chúng tôi nhận được quyết định chuyển hết thương binh về tuyến sau, trong danh sách có cả Đoan Thuận. Năm 1954 khi hòa bình lập lại, tôi về Hà Nội cố ý đi tìm Đoan Thuận, nhưng không gặp. Có người bảo đã từng gặp Đoan Thuận đi dạo chơi ở bờ hồ Hoàn Kiếm, có người gặp Đoan Thuận ở phố Hàng Đào, Hàng Ngang... Có người còn cho cả địa chỉ trên phố Hàng Đào. Tôi tìm đến nhưng người ta trả lời không biết, vì nhà đã thay chủ. Tôi tìm đến chủ cũ hỏi thăm, nhưng hình như người ta không muốn nói nhiều. Họ chỉ cho biết có một tiểu thư ở Huế ra Hà Nội chơi một thời gian rồi đi, họ không quan tâm.

Trời đất! Vậy là mẹ đi dạo phố phường Hà Nội dưới sự kiểm soát của chính phủ bảo hộ Pháp – trong cái lốt của một tiểu thư đến từ kinh đô Huế? Rồi sau đó mẹ đi về đâu? Đây là câu hỏi gây thắc thỏm se thắt lòng đứa con luôn khắc khoải về mẹ, để cuối cùng Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi quyết định đi tìm Tổ chức để có câu trả lời rõ ràng về mẹ. Nhưng chuyện ấy về sau, còn lúc nầy cô chưa muốn từ giã Ngô Trần ngay, cô muốn biết thêm về mẹ.

Ngô Trần cho biết: Đoan Thuận thoát ly gia đình tham gia cách mạng, tại chiến khu Hòa Mỹ, cô được bố trí làm hộ lý trong một trạm y tế dã chiến. Một thời gian sau cô mới biết mình mang bầu. Cô khai với Tổ chức rằng trước lúc thoát ly, cô và người yêu đã gần gũi nhau một lần. Rồi Đoan Thuận sinh con. Vừa nuôi con vừa làm việc trong điều kiện khó khăn vất vả của chiến khu. Sau khi đem con về Huế gởi cho gia đình nuôi, Đoan Thuận được bố trí ra Hà Tĩnh học lớp y tá. Chính Ngô Trần là một trong những thầy dạy lớp nầy. Ông cho biết Đoan Thuận là một học viên xuất sắc toàn diện, tốt nghiệp hạng ưu. Trạm quân y xin Đoan Thuận ở lại làm việc. Ngô Trần thú nhận lần đầu tiên nhìn thấy Đoan Thuận ông như bị va phải một tiếng sét. Thất thần và chuyếnh choáng bởi cái phong thái hết sức đặc biệt, một sắc đẹp hiếm có. Tất cả những cái đó hòa quyện lại làm nên một sức hấp dẫn kỳ lạ ở Đoan Thuận...

Được biết thêm một thông tin nào dù rất nhỏ về mẹ, Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi càng thấy cuộc đời mẹ quá bí ẩn. Rồi cô càng suy diễn nhiều về mẹ. Trí tưởng tượng của cô có lúc đi rất xa. Cô nghĩ: Hôm người đàn bà ăn mặc sang trọng dẫn bé gái mới hơn hai tuổi đi trên chiếc xe hơi đời mới, bóng lộn, đến phủ Vinh Quốc Phong với một lá thư của Đoan Thuận nhờ ngài Bửu Toàn nuôi giúp đứa con thơ cho mình, để mình yên tâm vào chiến dịch mới... Có thể lúc đó Đoan Thuận cũng có mặt. Đoan Thuận nấp ở đâu đó rất gần để quan sát quá trình bàn giao đứa bé. Rồi sau đó có thể Đoan Thuận đã bí mật về lại ngôi biệt thự trên đường Chương Đức, bởi Đoan Thuận vẫn còn giữ nguyên bộ chìa khóa. Đoan Thuận đã mở cửa bước vào lúc mọi người đi vắng hết, để một mình lặng lẽ tìm lại những kỷ niệm ngọt ngào và say đắm... Mẹ ơi, mẹ có thể chọn cách ra đi mãi mãi để không thể gặp lại ba, còn con – đứa con gái rất đỗi thương yêu của mẹ vì sao mẹ lại lìa xa mãi như thế nầy?!... Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi cất lên tiếng kêu mẹ thống thiết và đặt một câu hỏi chưa bao giờ tìm được trả lời! Cuối cùng, cô đã quyết định đi Hà Nội tìm gặp Tổ chức để có câu trả lời về mẹ.

Mất bao công tìm kiếm, cuối cùng Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi được biết những dòng lý lịch vắn tắt về mẹ: Hoàng Hoa Đoan Thuận - bác sĩ giải phẫu thẩm mỹ, hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn. Một quyển nhật ký với vài đồ dùng cá nhân của Đoan Thuận do một người học trò cũ - một người trợ lý thân tín - vừa là đồng chí cất giữ mãi tận Năm Căn - Cà Mau, đến khi ra tù một thời gian mới đem gởi cho Tổ chức. Tổ chức đưa về Cục Lưu trữ.

Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi không thể nào diễn tả được cảm giác của mình khi bất ngờ được người cán bộ Tổ chức trao cho quyển nhật ký của mẹ. Là một quyển sổ tay màu xám, giấy carô - chắc chắn một thời trắng mịn - giờ đây thời gian nhuộm một lớp màu vàng nhạt. Mẹ dùng nhiều loại mực khác nhau. Thời gian đầu là mực nước, về sau là loại bút bic, khi thì xanh sóng biển, khi thì xanh lá cây, có lúc màu đen rồi màu đỏ tươi. Màu mực đỏ tía đề NHẬT KÝ ĐOAN THUẬN trên trang bìa không phải nét chữ của mẹ và tươi mới hơn, so với các màu mực bên trong viết mỗi khi một ít, qua nhiều đoạn đời khác nhau. Thậm chí có hai trang nhật ký liền kề nhau nhưng thời gian cách nhau rất xa, chưa kể một số trang bị mất. Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi nhận biết dễ dàng vì mạch văn bị đứt nửa chừng. Có phải vì đụng chạm một ai đó, hoặc một vấn đề tối kỵ nào đó, nên Tổ chức đã xé bỏ trước khi giao tập nhật ký vào tay Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi? Hình như ngay từ buổi ban đầu – từ cuộc chia tay đau đớn với đứa con gái bé bỏng là mẹ đã bắt đầu viết nhật ký “để cho con”. Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi thầm trách Tổ chức đã để món quà mẹ dành cho con trong ngăn lưu trữ quá lâu. Kể cả khi được con trình bày ý nguyện rồi, người ta cũng đắn đo cân nhắc mãi mới trao nhật ký cho con. Nhưng dẫu sao giờ đây con đang cầm nhật ký trên tay, muôn vàn cảm ơn mẹ, cám ơn Cục Lưu Trữ, cám ơn Tổ chức, cám ơn những người đồng chí đồng bào đã giữ gìn kỷ vật của mẹ trong thời binh lửa.

Có quãng thời gian dài hơn sáu năm mẹ không ghi lại một dòng một chữ. Phải chăng thời gian đó mẹ không được phép đối diện với lý lịch của mình? Không thư từ liên hệ với ai? Thời gian đó mẹ sống cuộc đời của người khác? Ở những chỗ khác, câu nhật ký được lặp lại nhiều lần là: Tình yêu nào khi cách xa mà không đau đớn? Làm sao mẹ sống qua được hở Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi ơi? Phải chăng ngoài tình yêu đối với ba Bửu Toàn, ở đây còn có tình mẹ con. Chính mẹ đã chọn sự chia ly ấy để rồi chính mẹ phải đau đớn. Cuộc đời người đàn bà hai lần đứt ruột vì chia ly. Lần thứ nhất phải xa người đàn ông mà mình yêu quý hơn cả mạng sống của chính mình. Lần thứ hai  phải chia ly với con nhỏ mới chập chững biết đi, biết gọi những âm tiết đầu tiên “Ba”, “Ma”... hẳn là mẹ phải cố gắng nhiều mới thắng vượt được, mới sống qua được.

Từng lời, từng chữ, từng sự kiện... Khi mạch lạc khúc chiết, lúc vắn tắt gãy gọn, nhưng con gái mẹ đã có thể hình dung công việc, bối cảnh chính trị xã hội vào từng thời điểm, cả những nỗi niềm không nói hết nhưng con gái đã cảm nhận được một cách sâu sắc. Đặc biệt những tên đất tên người được nhắc trong nhật ký nhiều lúc tưởng như không ăn nhập gì với nhau, cả những sự kiện tưởng chẳng liên quan gì với nhau... Nhưng tất cả giờ đây đã trở thành thiêng liêng, trở nên báu vật, trở thành liên quan đối với con mẹ ạ. Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi thủ thỉ trò chuyện với mẹ trong yên lặng.

Ngày... tháng... 1948

Từ chiến khu về. Đường đêm trăng mờ. Sương dày đặc. Bọc con trong chăn mỏng địu lên vai. Dọc đường các đồng chí đòi cõng con giúp mình một đoạn, nhưng mình không muốn, mình tranh thủ cận kề con được phút nào hay phút ấy, vì mình sắp phải xa con. Ba lô đồ dùng của con và của mình nhờ các đồng chí mang giúp. Mình sợ nhất là bị ngã đau con nên từng bước chân đi mình hết sức thận trọng, vì thế mà tốc độ chậm. Các đồng chí đi một lúc lại đứng chờ. Thông cảm với tâm trạng người mẹ sắp phải xa con nên không ai tỏ ra khó chịu về sự chậm chạp của mình, lại còn sốt sắng động viên, vỗ về, an ủi... cuối cùng cũng đến được “trạm”.

Có thể nói qua địa phương nào cũng được Ủy ban Hành chính kháng chiến đón tiếp bố trí chỗ ăn ở cho hai mẹ con chu đáo. Điều hết sức bất ngờ thú vị là khi đến thôn Niêm, làng Ưu Điềm, xã Phong Dinh, huyện Phong Điền liền được một thanh niên chừng hai mươi tuổi và một thiếu nữ chừng mười lăm tuổi đón lấy hai mẹ con, rồi dẫn tới một toà nhà xây dựng theo kiểu Tây, sang trọng và xinh đẹp. Chàng trai tên là Dương Triếp cho biết chủ nhà là một quan chức về hưu non ở tuổi ngoài ba mươi (sao mà giống Bửu Toàn đến thế!). Dương Triếp là con nuôi của quan chức nầy, ông là Hồng Lô Tự Khanh, ở quê thường gọi là ông Hường (thay vì gọi là ông Hồng). Cô gái là Nguyễn Khoa Thị Thiêm vừa được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu Quốc, còn Dương Triếp là đảng viên trẻ vừa kết thúc thời kỳ dự bị. Cả hai xem ra là hạt nhân tích cực năng nổ của phong trào. Điều bất ngờ nữa là ông Hồng Lô Tự Khanh nầy nhận ra mình ngay từ phút đầu, nhưng ông giữ ý, không nói. Đến lúc sắp tạm biệt gia đình ông để theo đò vô Huế, ông mới nói:

- Tôi nhận ra bà, vì tuy đi tham gia kháng chiến gian khổ nhiều, nhưng bà vẫn xinh đẹp như ngày trước. Khi ngài Bửu Toàn giữ chức Chánh văn phòng Tòa Khâm Sứ Trung kỳ thì tôi là Phó của ngài. Khi ngài chuyển vô Hội An, tôi thay thế vị trí của ngài. Một thời gian sau chúng tôi nghe tin ngài bỏ việc, rồi ngài về Huế. Lúc nầy tôi cũng đau yếu luôn nên xin về hưu non, và chuẩn bị đưa cả nhà về nghỉ ngơi trên quê cha đất tổ, không có dịp đến thăm ngài Bửu Toàn. Về sau chúng tôi nghe tin ngài đã đau khổ buồn phiền nhiều khi bà bỏ đi... Dịp nầy, chúng tôi hân hạnh được đón bà và cháu bé tại tệ xá của mình, có gì sơ suất xin bà bỏ qua cho...

Ôi chao thật là những con người tốt bụng và trang nhã. Hai ngày qua mẹ con mình được tiếp đãi, cưng chiều, như thể con gái đi lấy chồng xa lâu ngày nay bồng con về thăm cha mẹ. Ông bà Hường và người nhà đã chăm sóc cưng chiều hai mẹ con như trứng mỏng.

Cũng hai ngày qua Dương Triếp và Nguyễn Khoa Thị Thiêm tích cực đi lo phương tiện cho hai mẹ con vào Huế. Được biết ông Hường về hưu nhưng hàng tháng vẫn đi Huế lãnh lương hưu mang theo tùy tùng, lúc về, mua những vật dụng cần thiết đủ dùng trong tháng. Vì thế, tuy ở vùng quê hẻo lánh nhưng trong nhà ông Hường không thiếu một vật dụng sinh hoạt nào của đô thị. Chỉ thiếu điện. Buổi tối thắp măng sông, thắp đèn dầu hỏa và nến. Một vườn cây trái và những bồn hoa, cây cảnh, làm mình nhớ ngôi nhà trên đường Chương Đức. Mình được giới thiệu với mọi người là bà con từ trong Huế ra thăm ông Hường. Trước mặt nhà ông Hường là một con hói nước sâu, nghe nói đầy rong rêu và cá phát lát, cá tràu... Bên kia con hói là một trảng cát mênh mông. Mỗi ngôi nhà đều có bến lên xuống hói để lấy nước dùng cho mọi sinh hoạt và tưới cây trong vườn. Đường xuống bến nhà ông Hường có cây mưng to cao, cành lá um tùm xanh mướt. Buổi trưa tiếng chim bồ chao trên vòm mưng hòa với tiếng chúc miều, cà cưỡng, chim khách, chim sâu... trong vườn cây nhà ông Hường - làm huyên náo cả một vùng, hệt như trên chiến khu.

Buổi chiều người chủ đò chèo đò từ trong Huế ra, ông tên là Chua, chở theo một cô con gái nhỏ chừng năm tuổi tên là bé Khế. Ông bà Hường dục người nhà hái những quả thanh trà hườm chín và những trái cam trái quýt mọng nước đưa xuống đò cho hai mẹ con. Đò đi một ngày đêm thì đến Bao Vinh. Dương Triếp và Thiêm đưa hai mẹ con vô ở một ngôi nhà trên phố Bao Vinh. Chủ nhà là bác Đãnh, có cô con gái trạc tuổi Thiêm tên là Kỳ Nam. Nửa ngày sau có người thiếu phụ ăn mặc sang trọng đi chiếc xe hơi cũng sang trọng sịch đỗ trước hiên nhà.

- Có xe đến đón rồi!

Dương Triếp thông báo và nhanh tay gói gém đồ dùng của bé giúp mình.

Mình khóc suốt trên chặng đường về không có con. Lại ở nhà ông bà Hường. Bà Hường biết mình đau đớn vì xa con nên lựa lời an ủi.

- Mẹ đi ra trận mạc không thể mang theo con được. Con phải được ở chỗ bình yên để còn phải học hành, lớn lên con sẽ hiểu mẹ và thương mẹ. Cầu xin trời phật cho cô được tai qua nạn khỏi, kháng chiến mau thành công để cô về gặp lại con.

Nhật ký mẹ nói hai lần ghé lại thôn Niêm làng Ưu Điềm. Cả hai lần đều ở nhà ông bà Hường, lần thứ hai không qua đêm mà chỉ ở buổi trưa đợi tối có giao liên đến đưa đi. Tuy thời gian ở ngắn ngủi, nhưng nhìn lại gian phòng mà hai mẹ con từng qua đêm, hành lang, góc sân... nơi con từng đứng chơi... lòng mẹ nhớ con day dứt. Ông bà Hường thấu hiểu nỗi lòng người mẹ phải xa con nên đã lựa lời an ủi. Nhật ký mẹ viết: “... Bà Hường tự tay nấu canh bông lý, nấu chè hột sen, ông Hường hái những trái chín đầu mùa trong vườn đưa cho, dục người nhà làm mấy thứ bánh ngọt để mình mang theo lên chiến khu. Ông Hường nói:

- Phải xa con nhỏ thì đau lòng lắm, nhưng muốn làm cách mạng thì phải hy sinh chứ!

Bà Hường nói:

- Gởi con về bên nội nuôi là quá yên lòng rồi. Chịu khó đợi kháng chiến thành công rồi về gặp con cô ạ.

Còn Dương Triếp với Nguyễn Khoa Thị Thiêm một lần nữa hết lòng chăm sóc mình...”.

Gấp nhật ký của mẹ lại, Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi muốn đi ngay về thôn Niêm làng Ưu Điềm. Rồi cô đã thực hiện - hôm sau vào buổi sáng sớm tự lái xe Honda chạy trên Quốc lộ I. Bốn năm trước trong một lần đưa sinh viên đi dã ngoại, Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi đã về xã nầy, nhưng sau khi làm việc với lãnh đạo xã rồi đưa sinh viên đi tham quan làng cổ Phước Tích ở đầu xã xong, liền trở lại Huế chứ không hề đến thôn Niêm làng Ưu Điềm. Lần nầy trở lại, đi sâu vào các thôn làng trong xã, Công Huyền Tôn Nữ Anh Thi không gặp khó khăn gì khi hỏi thăm nhà ông bà Hường với Dương Triếp và Nguyễn Khoa Thị Thiêm. Nhưng người xưa nay đã không còn, chỉ còn lại đất xưa và người mới.

H.K.L
(241/03-09)

Các bài mới
Các bài đã đăng