DƯƠNG PHƯỚC THU
Chiều ngày 12/5/2014, tôi nhận được món quà vô cùng quý giá, đó là cuốn sách Hải Triều Toàn Tập do chính gia đình của Nhà văn hóa, Nhà báo Hải Triều gửi tặng.
Cuốn sách quý này vừa được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia - Sự thật ấn hành “Nhằm tôn vinh những cống hiến của Hải Triều Nguyễn Khoa Văn trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa và hướng tới kỷ niệm 60 năm ngày mất của ông (6/8/1954)”, mới ra mắt bạn đọc vào tháng 4 năm nay, mà chỉ mở có vài trang tôi đã cảm nhận được mùi thơm tinh nguyên của giấy mực. Tôi thích thú đọc liền ba ngày.
So với lần đầu Hải Triều Toàn Tập được Nhà xuất bản Văn học thực hiện vào năm 1996, chỉ mới có 64 bài; lần này được bổ sung thêm 17 bài nữa của Hải Triều. Tổng cộng có 81 bài viết và 5 phụ lục với một số hình phụ bản, cùng lời giới thiệu của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, và 1 bài của Tiến sĩ Phạm Hồng Toàn, 1 bài của nhà nghiên cứu Chu Giang… cuốn sách dày hơn bảy trăm trang, khổ 16 x 24cm, đóng bìa cứng khá xinh xắn. Quả là món quà rất quý đối với người làm báo, nhất là với những ai muốn tìm hiểu, nghiên cứu sâu về lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam.
Theo người Chủ biên cuốn sách thì Hải Triều Toàn Tập xuất bản lần này được bổ sung thêm 17 bài viết của Hải Triều, trong đó có 16 bài do chính nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm - con trai của Hải Triều Nguyễn Khoa Văn tìm ra và 1 bài do Tiến sĩ Phạm Hồng Toàn sưu tầm được…
Trong mấy năm qua, thực hiện chủ trương của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Hội Nhà báo tỉnh đã cử cán bộ đi nhiều nơi sưu tầm nguồn tư liệu báo chí để phục vụ cho việc biên soạn cuốn Lịch sử Báo chí Thừa Thiên Huế, từ sơ khởi đến 2015. Chúng tôi đã tìm được đủ 9 số báo Nhành Lúa và phát hiện ra ở đấy còn nhiều bài viết của Hải Triều chưa in lại ở vào bất cứ cuốn sách nào cả. Dưới đây là những bài viết của Hải Triều đăng trên Nhành Lúa chưa có trong Hải Triều Toàn tập nói trên:
1. Một bức thư trả lại cho người gửi, Nhành Lúa số 1, ra ngày 15/1/1937.
2. Những lời nói mà người dân Đông Dương không bao giờ quên, Nhành Lúa số 2, ra ngày 22/1/1937.
3. Hỏi… trả lời: Kinh tế - Xã hội - Chính trị - Quốc tế - Văn hóa (viết chung với Hải Thanh), Nhành Lúa số 2, ra ngày 22/1/1937.
4. Chúng tôi rất phàn nàn về sự cấm 2 tờ báo Tiếng Trẻ, Hà Nội cùng các tờ báo khác gần đây, Nhành Lúa số 3, ra ngày 29.1.1937.
5. Hỏi… trả lời: Kinh tế - Xã hội - Chính trị - Quốc tế - Văn hóa (viết chung với Hải Thanh), Nhành Lúa số 3, ra ngày 29/1/1937.
6. Hỡi anh em chị em thợ thuyền, hỡi anh em chị em dân cày, hỡi anh em chị em học sanh, hỡi những người bị áp bức, hãy đi đón rước ô. Godard cho đông, Nhành Lúa số 4, ra ngày 5/2/1937.
7. Một công trình vĩ đại của lịch sử loài người Mười chín năm kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở Liên bang Sô -Viết, Nhành Lúa số 6, ra ngày 19/2/1937.
8. Hơn một vạn quần chúng nông, công, học sanh và tiểu thương rước viên Lao công Đại sứ của Chánh phủ chiến tuyến bình dân, Nhành Lúa số 8, số đặc biệt về việc đón ông Godard, ra ngày 5/3/1937.
9. Lại vấn đề ngôn luận tự do: Báo Dân Quyền được trắng án, Báo Le Travail lại bị đưa ra tòa. Nhành Lúa số 9, ngày 19/3/1937.
Sau khi tìm được thêm 9 bài viết trên của Hải Triều, chúng tôi trân trọng chuyển đến nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm để ông bổ sung vào tập tư liệu gia đình. Trong khoảng thời gian này chúng tôi vẫn tiếp tục sưu tầm tư liệu ở các thư viện trong và ngoài Thừa Thiên Huế và rất may, đã tìm thêm được 2 bài nữa của Hải Triều đăng trên Báo Phụ Nữ Tân Tiến:
1. Ông Hoàng Tăng Bí với vấn đề Phụ nữ - Đáp lại bài: Ý kiến của hai nhà đại chính trị đối với Phụ nữ Trung Bắc Tân Văn ngày 9/2/34, đăng ở mục Bình đàn, Phụ Nữ Tân Tiến số 3, ra ngày 5/3/1934.
2. Sau khi đọc quyển La Condition humani của André Malraux, Phụ Nữ Tân Tiến số 4, ra ngày 5/4/1934.
Riêng bài “Ông Phan Khôi là một học giả duy tâm” đăng ở số 1 Phụ Nữ Tân Tiến ra tháng 2/1934, đã đưa vào Hải Triều Toàn Tập rồi.
Ngoài ra cũng cần bổ sung và đưa vào thư mục trong Hải Triều Toàn Tập những tờ báo đã in tác phẩm của Hải Triều.
1. Báo Phụ Nữ Tân Tiến (bộ mới). Chủ bút: Phạm Bá Nguyên, xuất bản ở Huế vào tháng 2/1934 và chỉ ra được 4 số, thì có 3 số (1, 3 và 4) đăng bài của Hải Triều.
2. Nhật báo Ánh Sáng. Chủ bút: Tôn Quang Phiệt từ số 2 đến số 23, xuất bản ở Huế năm 1935, ra được 52 số; các số 23 và 24 ra tháng 4 và 5/1935, đăng trọn vẹn bài Nghệ thuật vị nghệ thuật hay nghệ thuật vị nhân sinh của Hải Triều. Bài này trước đó đăng ở Báo Đời Mới, Hà Nội, tháng 3 và 4/1935.
Như vậy, tính từ tháng 3/1928 đến lúc lâm bệnh qua đời vào ngày 6/8/1954, Hải Triều đã viết nhiều bài bút chiến nổi tiếng, nhiều bài có nội dung về triết học, chính trị, kinh tế học, văn hóa, văn học, báo chí… cho 27 tờ báo lớn trong Nam ngoài Bắc và ở Liên khu IV. Cộng tất cả những bài viết của ông thì hiện có 93 tác phẩm đã tìm ra. Và có thể vẫn còn một số bài viết của Hải Triều nằm lại đâu đó mà chúng ta chưa tìm thấy?
Trong quá trình sưu tầm nghiên cứu, chúng tôi nhận ra rằng, tất cả các bài viết của Hải Triều dù được in thành sách từ những năm ba mươi hay sau này mới in lại thành toàn tập thì ban đầu đều là những tác phẩm báo chí được Hải Triều viết để đăng trên báo chí, rồi sau đó mới in thành tập.
Với Hải Triều, ngoài tư cách là một người viết báo đích thực, ông còn tham gia tích cực vào công việc tổ chức nội dung của các tờ báo.
Dưới vai trò Biên tập: Hải Triều có chân trong Ban Biên tập của tờ tuần báo Sông Hương Tục Bản và Báo Dân của Xứ ủy Trung Kỳ; tờ Xã Hội Mới và Tạp chí Ánh Sáng cơ quan cổ động tuyên truyền của Hội Nghiên cứu chủ nghĩa Các Mác Trung Bộ; Tạp chí Đại Chúng của Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Trung Bộ; Tạp chí Tiên Phong cơ quan vận động văn hóa mới của Hội Văn hóa Cứu quốc Việt Nam…
Dưới vai trò Chủ nhiệm, Tổng Biên tập: Hải Triều trực tiếp làm Tổng Thư ký Tòa soạn báo Nhành Lúa của Xứ ủy Trung Kỳ; Chủ nhiệm Tạp chí Tìm Hiểu của Chi Hội Nghiên cứu Chủ nghĩa Mác Liên khu IV từ tháng 3/1949 đến đầu tháng 8/1954; Chủ nhiệm Báo Thi Đua Ái Quốc Liên khu IV từ tháng 7/1948. Báo Thi Đua Ái Quốc xuất bản mỗi tháng hai kỳ, khổ 20 x 26cm, mỗi số có 16 trang cả bìa; số 1 ra ngày 15/7/1948, ra được trên tám số mà chúng tôi vừa tìm thấy. Theo ngày tháng ghi ở trang 2 phần “lý lịch” tờ báo thì Hải Triều làm Chủ nhiệm tờ Thi Đua Ái Quốc trước khi làm Chủ nhiệm Tạp chí Tìm Hiểu đến 9 tháng.
Nhưng trước hết và hơn hết Nguyễn Khoa Văn là một nhà báo đích thực, nhà báo cách mạng tài năng, với sinh lực dồi dào, trí tuệ mẫn tiệp, tính cách mạnh mẽ, quyết liệt, không chịu khoan nhượng trước những quan điểm lệch lạc về tư tưởng, học thuật; ông viết nhiều bài bút chiến vô cùng xuất sắc khi mới ngoài hai mươi tuổi. Bài báo đầu tiên của Nguyễn Khoa Văn có tựa đề Cuộc chiến tranh thế giới sau này đăng 4 kỳ trên Báo Tiếng Dân của Tiến sĩ Nho học Huỳnh Thúc Kháng, các số 66, 67, 69, 70; kỳ thứ nhất ra ngày 31/3/1928, dưới bút danh Xích Nam Tử (Chàng trai đỏ). Từ đấy ông luôn cộng tác với Tiếng Dân và nhiều tờ báo khác bằng những bài viết sắc sảo, lời lẽ đanh thép. Sau năm 1932, ông mới lấy bút danh Hải Triều (Sóng biển), bút danh này đã gắn với cuộc đời hoạt động chính trị, văn hóa, văn học nghệ thuật, nghiệp cầm bút hơn cả tên thật của ông. Bút danh Hải Triều đã trở nên thân thiết với bạn đọc từ rất lâu, chính vì thế mà có nhiều người biết đến Nhà báo, Nhà tư tưởng Hải Triều nhiều hơn là Nguyễn Khoa Văn!
Cách mạng Tháng Tám thành công, Hải Triều hăm hở ra Hà Nội nhận công tác một thời gian rất ngắn ở Bộ Thông tin Tuyên truyền, rồi ông được lệnh trở về Huế. Từ giữa tháng 9/1945 đến hết năm 1946, Hải Triều hoạt động sôi nổi ở vùng đất Cố đô; ông tham gia tích cực trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là công tác chỉ đạo, tuyên truyền chính trị, văn hóa, văn nghệ và báo chí.
Với tư cách là Giám đốc Sở Thông tin Tuyên truyền Trung Bộ, ông có nhiều buổi nói chuyện về “nền văn học Việt Nam dưới thời Pháp - Nhật thuộc” tại nhà Đại chúng ở đường Hàng Bè, thành phố Huế. Vào giữa tháng 9/1945, Hải Triều cùng Thanh Tịnh, Hoài Thanh hiệu triệu anh chị em văn nghệ sĩ, báo chí để thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Trung Bộ.
Báo Quyết Chiến, số 19, ra ngày 15/9/1945 Thông báo: “Tối thứ ba ngày 18 tháng 9, vào hồi 7 giờ tối sẽ có cuộc hội nghị các nhà văn, nhà báo, kịch sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ và các nhà nhiếp ảnh tại Sở Tuyên truyền Thuận Hóa. Để bàn chuyện thiết lập một Liên đoàn Văn hóa Trung Bộ với mục đích cấp thiết tham gia vào công cuộc cứu quốc của toàn thể đồng bào Việt Nam”.
Theo Thông báo này thì Ban tổ chức mời tất cả các giới văn nghệ đến dự “cho đông đủ” để bàn chuyện thiết lập một Liên đoàn Văn hóa Trung Bộ. Tại buổi họp tối hôm ấy Ban tổ chức lại quyết định thành lập Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên, còn Đoàn Văn hóa Cứu quốc Trung Bộ thì mãi đến ngày 23 tháng 11 năm 1945 mới tổ chức được và do Nguyễn Lân (nhà văn Từ Ngọc) làm Chủ tịch.
Buổi thành lập ấy có “Hơn 50 nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ ở Thuận Hóa họp tại Sở Tuyên truyền tối hôm 18/9/1945 đã lập xong Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên. Liên đoàn này gồm có 4 ban: Văn học, Hội họa điêu khắc và kiến trúc, Âm nhạc, Ca kịch, dưới sự điều khiển của một Ủy ban chấp hành lâm thời 5 người:
Chủ tịch: Hoài Thanh; Phó Chủ tịch: Đào Duy Dếnh
Thư ký: Thanh Tịnh, Hà Thế Hạnh
Thủ quỹ: chị Quốc Thuận.
Chương trình và Điều lệ Liên đoàn do Ủy ban Chấp hành lâm thời dự thảo sẽ đưa ra thảo luận trong một cuộc Đại hội nghị các nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ ở Thuận Hóa sắp tới”.
Và chỉ sau 4 ngày hoạt động lâm thời, Đại hội nghị Liên đoàn Văn hóa cứu quốc Thừa Thiên đã chính thức khai mạc như dự kiến. Quyết chiến số 26 ra ngày 23/9/1945, đưa tin về kết quả Đại hội chính thức lần thứ nhất: “Tối hôm 22/9, Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên họp Đại hội nghị tại trụ sở Ban Tuyên truyền Trung Bộ, đã duyệt y điều lệ và chương trình hành động của Liên đoàn do Ủy ban Chấp hành lâm thời dự thảo và bầu Ủy ban Chấp hành chính thức như sau:
Chủ tịch: Hoài Thanh;
Phó Chủ tịch: Đào Duy Dếnh;
Thư ký: Hoàng Hữu Xứng, Thanh Tịnh;
Ủy viên tài chính: chị Quốc Thuận.
Liên đoàn dự định xuất bản một tờ tuần báo lấy tên là Đại Chúng và lập một Đoàn tuyên truyền lưu động sẽ đi khắp các huyện trong tỉnh”. (Trên thực tế Đại Chúng đã xuất bản được bốn kỳ).
Trụ sở tạm thời của Liên đoàn đóng ở số 2 đường Nguyễn Tri Phương; về sau chuyển qua số 35 đường Hàng Bè, Thuận Hóa.
Ban Chấp hành Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên vừa mới hoạt động được ba tháng, do yêu cầu của cách mạng trước tình hình mới, một số cán bộ của Liên đoàn được điều động nhận công tác khác - như Hoài Thanh chuyển ra Hà Nội, nên Liên đoàn quyết định tổ chức Đại hội nghị để bầu lại Ban Chấp hành.
Theo Quyết Chiến số 103, ra ngày 22/12/1945 thì “Đại hội nghị Đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên đã họp vào lúc 8 giờ tối ngày thứ năm 20/12/1945 tại Trụ sở Ban Tuyên truyền Trung Bộ đã bầu lại Ban Chấp hành và bàn nhiều vấn đề quan hệ khác”.
Ban Chấp hành mới Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên gồm các anh:
Hải Triều: Chủ tịch;
Nguyễn Xuân Dương: Phó Chủ tịch;
Dương Kỵ: Thư ký;
Vương Tứ Ba: Phó Thư ký;
Trần Đình Giám: Thủ quỹ.
Trên cương vị Giám đốc Sở Thông tin Tuyên truyền Trung Bộ, Hải Triều còn kiêm giữ chức danh Chủ tịch Liên đoàn Văn hóa Cứu quốc Thừa Thiên cho đến đầu năm 1947, khi ông cùng cơ quan và gia đình rời Huế.
Huế, tháng 8/2014
D.P.T
(SH309/11-14)