Tác giả-tác phẩm
Khát vọng thơ ca và tình yêu
08:39 | 13/04/2009
BÍCH THU          (Đọc thơ Dòng sông mùa hạ của Hoàng Kim Dung. NXB Hội Nhà văn, 2004)Nhìn vào tác phẩm đã xuất bản của Hoàng Kim Dung, tôi nhận thấy ở người phụ nữ này có sự đan xen giữa công việc nghiên cứu khoa học với sáng tạo thi ca. Ngoài bốn tập thơ và bốn cuốn sách nghiên cứu về nghệ thuật đã in, với tập thơ thứ năm có tựa đề Dòng sông mùa hạ mới ra mắt bạn đọc, đã làm cán cân nghiêng về phía thơ ca.
Khát vọng thơ ca và tình yêu

Có lẽ không phải do ngẫu nhiên mà Hoàng Kim Dung bộc bạch “sẽ thế nào khi tôi không làm thơ”. Điều ấy giải thích vì sao chị đã tự nguyện ghi tên vào hội “đoạn trường nghệ thuật”, dấn thân vào con đường thi ca, dẫu biết “thơ như lộc trời cho trong đau đớn nhọc nhằn”, vẫn coi nó như một cách thức hoá giải những buồn đau, mỏi mệt cùng những “níu kéo đa đoan” của thân phận.

Cấu trúc trong thơ Hoàng Kim Dung là sự xoắn kết, giao thoa của những cảm xúc, suy tư về thời gian, tình yêu và khát vọng của một chủ thể trữ tình giản dị, thuần hậu mà lãng mạn và đầy nữ tính. Xuyên thấm trong Dòng sông mùa hạ là cảm thức về thời gian được cụ thể hoá, nhân hoá trong những hình tượng thơ về mùa. Mùa của thiên nhiên, của tình đời và tình người. Tất cả vương vấn, quấn quyện trong những câu thơ trong trẻo, đầy màu sắc nhưng cũng đượm buồn và tiếc nuối, gợi về một mùa xưa, mùa yêu được soi chiếu từ nhiều góc độ và đầy tâm trạng của một cá thể trữ tình luôn có ý thức lưu giữ, bảo tồn tình yêu như một báu vật. Một tình yêu đã xa nhưng không xưa cũ, lúc nào cũng bất chợt ùa về, hiện hữu trong một trái tim đong đầy nhớ và da diết yêu: Em vẫn đọc bài thơ mùa xuân anh viết/Lắng nghe dịu dàng từ mùa ấy/Em vẫn yêu dòng sông đang hát/Và tiếng gọi ban trưa trên đỉnh núi... Bài thơ anh viết về mùa xuân/Là bài thơ em đọc mãi (Khúc hát mùa xuân). Đón nắng xuân ở Cố đô, người nữ cũng không nguôi nhớ và thầm mong ước: Người yêu xa xôi/Sao không cùng em xứ Huế/Xuân đã về đất trời thanh tịnh quá/Và trái tim em da diết yêu thương (Nắng xuân xứ Huế). Đặt chân lên vùng biên ải, người nữ ấy cũng không quên: Gửi lại nỗi nhớ bên kia sông Hồng/Mang trái tim yêu tôi về ngược núi/Cát Cát chiều mưa đưa tôi huyền thoại/Cát Cát chiều mưa chạm tới bến bờ. (Bản Cát Cát chiều mưa).

Người ta không thể sống mà không yêu, nhất là đối với người đàn bà đã trải qua những đắng xót, xót xa, những buồn vui, mưa nắng trong đời. Trong thơ Hoàng Kim Dung có một nhân vật trữ tình là người nam, lúc ẩn lúc hiện, như thật, như hư, hoá thân trong nhiều dạng vẻ, lúc là anh, lúc là “người yêu dấu”, có “lực hấp dẫn” cực mạnh đối với người nữ - là em, khiến em luôn ở trong tâm trạng quá khứ hoá hiện tại. Ở đâu làm gì và lúc nào em cũng hồi nhớ, ghi tạc những kỷ niệm về anh, về “người yêu dấu”. Chủ thể trữ tình đã không dấu mình trong thơ. Người làm thơ luôn ám ảnh, giăng mắc mình trong những “đợi chờ thương nhớ” và cả những khao khát hòng bứt ra khỏi cái hiện tại khép kín chỉ có gió “từ quạt điện và máy điều hoà nhiệt độ” với mong muốn: Sao em thèm ngọn gió từ núi cao/Nơi có lần anh tìm cho viên đá trắng/Hôm ấy gió heo may về/Bầu trời thì xanh thắm/Em đã mang nụ hôn cho gió.... Giá mà đêm nay có thể bay lên được/Em sẽ thu ngọn gió nhớ thương/Trong vòng tay bé nhỏ của mình (Bây giờ mùa hạ). Trước sự xa cách và “im lặng của anh”, người nữ không hề trách móc mà với thiên tính nữ của mình đã tự nguyện “thuỷ chung tiền kiếp”. Thuỷ chung cả trong đêm cô đơn, tĩnh lặng đến nỗi nghe được cả Tiếng trở mình rất nhẹ của những cây hoa dại trên con đường lên núi. Hoa cúc tím là loài hoa biểu tượng cho tình yêu chung thuỷ, Hoàng Kim Dung đã mượn cái đẹp bình dị và lâu bền của nó để thể hiện tâm thế và cách ứng xử của mình với tình yêu: Hoa cúc tím giữa mùa xuân êm ả/Khi khô rồi vẫn màu tím thuỷ chung (Hoa cúc tím).

Trong thơ Hoàng Kim Dung, lịch thiên nhiên cứ tuần tự giao mùa: xuân qua, hạ tới rồi thu về và tất cả như được lắng lọc qua trạng thái của tâm hồn. Không gian mùa thu “vơi đầy xao xuyến”, “vơi đầy ngất ngây” trong Dòng sông mùa hạ đã trở thành không gian màu nhiệm nâng đỡ con người: Cất đi khoảnh khắc/Lo toan đượm buồn/Tựa vào mùa thu/Niềm yêu tha thiết/Nụ hôn êm đềm (Thế rồi mùa thu). Có ai đó nói, sao thơ Hoàng Kim Dung không có mùa đông. Có đấy. Nhưng mùa đông chỉ là cái cớ để nhân vật trữ tình “kiểm nghiệm” tình cảm của người khác giới, lấy lại sự cân bằng, an nhiên cho chính mình: Có phải nhớ em như anh nói/Hay là chút rượu thả tơ vương/Để em sóng sánh bờ hư thực/Làm say ngọn lửa gió mùa đông (Say).

Trong thơ Hoàng Kim Dung tràn ngập gió. Nhà thơ như ”cuốn theo chiều gió” của tình yêu và khát vọng. Những ngọn gió trong Dòng sông mùa hạ như có linh hồn, là biểu tượng của một cái tôi trữ tình nồng nàn yêu, nồng nàn nhớ, dịu dàng và đắm đuối với nhiều sắc thái biểu cảm. Đó là Ngọn gió đam mê (Ngọn gió), ngọn gió tháng ba lắng sâu khát vọng, ngọn gió tháng ba khắc khoải mùa màng (Gửi tháng ba), ngọn gió vô tình đã đi qua nỗi nhớ (Nhan sắc) và cả những ngọn gió dịu dàng để con người le lói niềm tin hoặc thắc thỏm bởi một lời hứa hẹn: Ai sẽ gửi về bức tranh có dòng sông chảy... (Gió dịu dàng).

Có thể nói, với Dòng sông mùa hạ, thời gian, tình yêu và nỗi khao khát đã hội tụ trong cảm hứng sáng tạo của một chủ thể trữ tình không phải lúc nào cũng an phận và cam chịu. Hơn lúc nào hết, người làm thơ đã cảm nhận được “thơ như của hiếm đâu dễ tìm kiếm” và với tình cảm lứa đôi “yêu bao nhiêu cũng không đủ cho nhau”, và vì thế luôn luôn nuôi dưỡng trong mình: Một khát vọng bình yên/Gửi theo người yêu dấu (Cánh rừng xanh).

Trong Dòng sông mùa hạ, Hoàng Kim Dung không chỉ đối thoại với riêng mình. Chị đã gửi gắm vào thơ nỗi niềm, tình cảm cùng những lo âu, khắc khoải, đau đáu yêu thương với người thân, với gia đình. Không ai khác là người con đã cảm nhận đến tận đáy sự đau thương và hẫng hụt khi người cha không còn nữa: Chỉ còn ảnh cha trong căn phòng rộng/Và dáng mẹ con liêu xiêu chiều hạ (Chỉ còn ảnh cha). Với bà ngoại, nhà thơ như vẫn lưu giữ trong ký ức hình bóng và cốt cách của bà: Khi lưng đã mỏi, khi chân đã mềm/Bà vẫn muốn san gánh nặng lo âu/Thế rồi nhẹ nhàng ra đi như lá cây (Ngày của bà ngoại).

Bên cạnh những giãi bày, tâm sự về nỗi nhớ, niềm yêu, thơ Hoàng Kim Dung còn là tiếng nói đồng vọng, sẽ chia với những số phận, cuộc đời, đặc biệt với những người cùng giới. Trong bài Bà lão bán trầu cau. Với sự mẫn cảm và tinh tế, Hoàng Kim Dung đã làm nổi bật sự tương phản giữa hình ảnh xưa cũ của bà lão bán trầu cau Bà vấn khăn mặc áo cánh nâu với những cô gái thế hệ @ Tóc nhuộm nâu, môi thoa son Hàn Quốc trong dòng đời hiện tại: Lá trầu thì vẫn xanh/Quả cau thì vẫn thắm/Chỉ có bà cũ kĩ như trôi về cổ tích. Hoàng Kim Dung cũng đã thâu nạp được những chi tiết thú vị của đời thường vào thơ. Từ người mẹ trẻ địu con mang hàng lên phố ở Sapa “cất tiếng Hello khi có người ngoại quốc tới thăm” đến người thiếu phụ chở khách dạo chơi bằng thuyền thúng trên đảo Miễu Nha Trang với duyên thầm xứ biển cũng biết mời chào “bằng tiếng Việt, tiếng Anh”. Và cả hạnh phúc trong đón đợi giản dị mỗi ngày của của người đàn bà Phan Thiết mà không phải ai cũng có được: Chị tắm biển trong bộ đồ thường mặc/Không bikini không áo tắm choàng vai/Chị ra biển đón người đàn ông của chị. Hoà nhập và giao cảm với đời sống quanh mình, Hoàng Kim Dung đã cảm nhận một cách thấm thía và sâu sắc ý nghĩa của cuộc đời, tình người: Để được sống đã là điều quý giá/ Thì nhọc nhằn buồn khổ có sao đâu/ Thật khủng khiếp khi lời yêu thương cạn kiệt/Khi người ta cứ vô cảm trước sự đời/Trước nét đẹp của ánh trăng, ngọn cỏ/Trước nỗi buồn da diết cũng dửng dưng (Khoảng cách).

Dòng sông mùa hạ, Hoàng Kim Dung đã trổ được lối riêng cho thơ mình, với một cái tôi bình dị, luôn thành thật đến tận cùng. Thơ chị có nỗi buồn và sự cô đơn nhưng không rơi vào “hội chứng” buồn, cũng không ồn ào, bứt phá. Chị lặng lẽ đi, lặng lẽ quan sát, chiêm nghiệm và lặng lẽ viết. Người đọc đã bắt gặp trong thơ chị những tâm trạng rất thực của một người phụ nữ sống và viết với niềm đam mê thánh thiện. Hoàng Kim Dung quan niệm mọi điều giản dị, tự nhiên như cuộc đời. Trong khi viết, dường như chị không chú ý nhiều đến những biến ảo của câu chữ, đến những “thôi xao” trong hình thức biểu đạt. Nhưng với sự cô đọng và kiệm lời, thơ chị đã thuyết phục người đọc ở cái tình của nhà thơ đối với những điều mình bộc lộ, đặc biệt với khát vọng trong tình yêu và sáng tạo.

B.T
(200/10-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng