Tác giả-tác phẩm
Xuân tình như Nguyễn Trãi
15:22 | 13/02/2015

Mùa xuân chiếm một ví trí quan trọng trong thơ Nguyễn Trãi. Xuân hiện lên bằng nhiều vẻ dáng khác nhau, được khắc họa bằng nhiều cung bậc khác nhau. Mỗi một bài thơ xuân như là một trang nhật kí và cảm xúc của cuộc đời thi nhân.

Xuân tình như Nguyễn Trãi
Tranh "Trong vườn" của họa sỹ Lê Phổ

Hẳn thế! Có những mùa xuân tươi tắn trẻ trung đầy nhiệt huyết. Có những mùa xuân của tình cảm lứa đôi. Có những mùa xuân của hoài niệm và tiếc nuối. Cũng có những mùa xuân của trí tuệ và đạo học, của xông pha rồi xa lánh quan trường. Những chiều kích ấy trong thơ Nguyễn Trãi đan cài và hòa quyện với nhau để tạo nên vẻ đẹp đa chiều trong thơ ông. Nhưng nổi bật hơn cả vẫn là những bài thơ tình, không chỉ là nói về tình yêu mùa xuân mà còn ca ngợi cái xuân tình trần gian của con người.

Cái xuân tình ấy trước tiên là về mùa xuân tuổi trẻ, luôn háo hức và tràn đầy nhựa sống:

Từ bén hơi xuân tốt lại thêm,

Đầy buồng lạ màu thâu đêm.

Tình thư một bức phong còn kín,

Gió nơi đâu gượng mở xem. 

(Cây chuối) 1 

Bài thơ này chứa đựng những mã khóa đầy ẩn ý về yêu đương. Nào là các chữ “bén hơi xuân” dường như đang nhắm đến sự “bén duyên”, “bén hơi bén tiếng”. “Hơi xuân” là hơi dương (dương khí), là năng lượng của cuộc sống. Bản thân chữ “xuân” vốn cũng có nghĩa trỏ “chuyện ấy” của gái trai2 (trường phái tranh tính dục của Nhật Bản cũng được gọi là “xuân họa” - Shunga). Nào là “buồng lạ” không hẳn chỉ để trỏ “buồng chuối” mà còn trỏ chốn “buồng riêng đôi lứa”. Cái màu đêm đen vốn chẳng mấy ai ưa lại là kẻ đồng minh cho những người đang yêu. Chợt nhớ đến câu thơ “con cò mấp máy suốt đêm thâu” trong thơ Hồ Xuân Hương với “mỹ cảm phồn thực”. Lại nhớ đến cái đa tình, lơi lả trong câu thơ “người hòa tươi tốt cảnh hòa lạ, màu Thích Ca nào thuở hữu tình” của nàng Điểm Bích khi “vào vai Thị Màu” để thử lòng ngài Huyền Quang.

Mặt khác, cây chuối cũng đã là một biểu tượng đa nghĩa trong văn hóa cổ phương Đông. Bài Vị triển ba tiêu của Tiền Hủ đời Đường tả đọt lá chuối chưa mở, hàm ý cái lòng xuân trinh trắng của người thiếu nữ đang e ấp chờ gió xuân lật giở. Còn trong văn hóa Việt Nam, cây chuối còn là biểu tượng của sinh dục và phát triển. Chuối nảy buồng ra nải, một bi mà nhiều quả, một gốc mà nhiều cây, nó là hình tượng sống động cho sự sinh nở phong nhiêu, đông con nhiều cháu. Lá chuối còn trỏ cái sinh thực khí của phụ nữ nữa. Lá vông, lá khế,… lá nào thì cũng vậy! Thế nhưng, những tầng hàm nghĩa ấy lại được Nguyễn Trãi thể hiện bằng những ngôn ngữ ẩn ước: bức tình thư đang phong kín chờ đợi gió xuân đến lật mở.

Biết rằng mùa xuân của đất trời là vô tận, còn đời người thì hữu hạn, tuổi thanh xuân chỉ là một điểm chấm nhỏ nhoi trên dòng chảy bất tận của thời gian. Cho nên, con người dường như đang tận dụng từng giây từng phút:

Tiếc xuân cầm đuốc mảng chơi đêm,

Những lệ xuân qua tuổi tác thêm.

Cực thấy ngoài hiên tơ liễu rủ,

Một phen liễu rủ một phen mềm.

(Tích cảnh thi 7)

Tiếc xuân nên mới cuống cuồng thưởng xuân, sợ (lệ) tuổi trẻ ngắn ngủi nên mới miệt mài tận sống. Các chữ “cầm đuốc chơi đêm” vốn dịch từ cụm bỉnh chúc dạ du 秉燭夜遊,  từ điển Từ nguyên chú nghĩa là: cập thời hành lạc (gặp thời vui chơi)3. Cổ thi thập cửu thủ đời Hán có đoạn: “Sống chẳng qua trăm tuổi, thường ôm lo ngàn đời. Ngày ngắn đêm dài thế, sao chẳng cầm đuốc chơi?”. Mà đã chơi đêm thì chơi thâu đến tận sáng. Đến lúc ngoảnh ra ngoài nhìn thì lại thấy một màu dương liễu xanh mướt. Liễu càng xanh càng mướt càng mềm, thì lại càng thấy xuân. Trong thi ca cổ phương Đông, liễu chẳng những là một tín hiệu của mùa xuân đất trời, mà còn là biểu trưng của tấm lòng của người con gái đối với tình lang: nhành liễu khi chia tay, tưởng đã thề nguyện sẽ mãi một lòng một dạ, vậy mà chẳng biết lại bị kẻ khác bẻ mất? Cho nên, đang xuân thì hãy cứ tận hưởng, đào liễu đang xanh đang tơ thì hãy cứ “bẻ cho người tình chung” (Nguyễn Du). Biết mai sau thế nào mà gìn với giữ trong khi thời gian cứ trôi đi như nước chảy về Đông:

Cướp thiếu niên đi, thương đến tuổi, 

Ốc dương hòa lại, ngõ dừng chân... 

Cầm đuốc chơi đêm, này khách nói, 

Tiếng chuông chưa dộng ắt còn xuân. 

(Vãn xuân)

Vẫn là cái cảm giác “giành giật cuộc sống”, một cuộc giành giật không cân sức giữa sinh mệnh cá thể và quy luật của tạo hóa. Bất lực nhìn thời gian chảy trôi, bất lực nhìn những mùa xuân trôi đi, bất lực thấy thời niên thiếu trẻ trai bị cướp đoạt. Giống như cái thảng thốt của Nguyễn Du hơn ba trăm năm sau: “cái nắng mùa hè, cái lạnh mùa đông đã cướp tuổi thanh xuân đi mất” (hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên). Nhà thơ thấy tóc bạc trên đầu, mà muốn gọi mùa xuân trở lại (Ốc dương hòa lại ngõ dừng chân).  

Tiếc xuân như thế, tiếc đời như thế, cho nên, có lúc Nguyễn Trãi còn “mong chiếm cả hết hòa xuân(Tự thán 11). Mà chẳng chỉ có mùa xuân đâu, đến lúc thu vàng rơi rụng vẫn còn “thèm chết bên hoa đôi chim trắng” (Tiễn sát hoa biên song bạch điểu - Vãn lập). Cái cảm xúc “thèm sống muốn chết đi được” quả là sự thể hiện tột cùng của ước muốn nhân sinh.

Những mùa xuân nhân sinh là những cảm xúc của một cá thể trước sự vận hành, chảy trôi của vũ trụ và đời người. Con người ai cũng thế, luôn có những cảm thức hiện sinh khi mình đang tồn tại và nhận thức về sinh mệnh của chính mình khi mỗi độ xuân về. Nguyễn Trãi lại càng thế. Ông đã sống hết mình với những sức xuân trong tâm hồn và trí tuệ. Điều đó làm nên chất xuân tình trong những câu chữ cổ kính mà tân kì trong thơ ông! 

Nguồn: Trần Trọng Dương - Tia Sáng

 

---------------------------------------------------------------

Chú thích:

1. Các bài thơ Nôm được dẫn trong Trần Trọng Dương. 2014. Nguyễn Trãi quốc âm từ điển. NXB Từ điển Bách khoa. Hà Nội.

2 谷衍奎 Cốc Diễn Khuê.《字源流字典 (Hán tự nguyên lưu tự điển). 语文出版社 Ngữ văn xuất bản xã.2010. P.773.

3 辭源》(Từ nguyên)。商務印書館 Thương Vụ ấn thư quán。上海 Thượng Hải.(1999).  P.2103.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng