PHAN ĐĂNG NHẬT
1. Sơ lược về cuộc đời và sự nghiệp Phan Đăng Lưu
Phan Đăng Lưu sinh ngày 5/5/1902, tại xã Hoa Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An; con cụ Phan Đăng Dư và cụ bà Trần Thị Liễu.
Là “một trí thức uyên bác” (Tố Hữu), giác ngộ chủ nghĩa Cộng sản; ông là nhà cách mạng, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng; ông đã đảm nhiệm xứ ủy Trung kỳ, trung ương ủy viên, rồi Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Sau khi Nguyễn Văn Cừ bị bắt (17/1/1940) Phan Đăng Lưu đảm công việc Tổng bí thư/ Bí thư Trung ương. Sau khi Võ Văn Tần, Trung ương ủy viên cuối cùng bị bắt (21/4/1940), Phan Đăng Lưu tiếp tục chèo lái con thuyền cách mạng, vượt qua mọi khó khăn, giành thắng lợi. Ở Hội nghị VII, Phan Đăng Lưu từ chối nhiệm vụ Quyền Bí thư, giới thiệu Trường Chinh, lúc ấy là Xứ ủy viên Bắc Kỳ, để mình nhận đi vào chỗ “sớm muộn cũng bị địch bắt”.
Cuộc đời hoạt động của Phan Đăng Lưu rất phong phú, đa dạng; từ bỏ đời làm cán sự kỹ thuật canh nông, dấn thân vào hoạt động cách mạng 18 năm, từ Đảng Tân Việt đến Đảng Cộng sản; 7 năm bị tù ở Buôn Ma Thuột; đã vận động và lãnh đạo thắng lợi công cuộc đấu tranh trong và ngoài Viện dân biểu Trung kỳ, thời kỳ Mặt trận dân chủ; đã vận động và lãnh đạo có kết quả phong trào mặt trận chống đế quốc 1936 - 1940, tạo mọi điều kiện để tiến tới thời kỳ Cách mạng Thắng Tám 1945, giành độc lập tự do cho đất nước.
Về tri thức, ông uyên thâm văn hóa Á đông, đã qua 10 năm đèn sách, thông thạo Tứ thư Ngũ kinh, “đã đi thi hương cùng các cụ chống gậy, khi còn để tóc trái đào”, và về sau, lưu loát Trung văn, nhờ đó ông đóng vai người Hoa hoạt động ở Chợ Lớn. Phan Đăng Lưu uyên bác văn hóa Âu Mỹ, qua tiếng Pháp (rất giỏi, “tự vị sống”) và tiếng Anh; giỏi cả tiếng Ê đê.
Ngoài ra ông giỏi bơi lội, leo trèo, viết chữ Hán rất đẹp, được bà con Nam Bộ tôn là “ông đồ mỹ tự” (theo nhà văn Sơn Tùng).
Về tính tình, ông rất điềm đạm, giản dị, cởi mở, vui vẻ, hài hước, thân thương, có sức thuyết phục cao đối với mọi tầng lớp, kể cả từ tên cướp ở Phú Yên, đến các vị đại thân sĩ và thượng lưu trí thức.
Phan Đăng Lưu đã hy sinh vì Tổ quốc tại pháp trường thực dân phong kiến ngày 26/8/1941, lúc 39 tuổi.
2. Phi Bằng là bút danh của Phan Đăng Lưu
Sách Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam (viết tắt là Thi văn…), Nxb. Tân Thanh, Huế, 1939, là do Phan Đăng Lưu, biên soạn, lấy bút danh Phi Bằng. Các tài liệu sau đây công bố nội dung trên:
1. Tổng tập văn học Việt Nam: Chủ tịch hội đồng biên tập: Đinh Gia Khánh; Tổng chủ biên phần văn học cách mạng: Hồng Chương; chủ biên tập 35: Phong Châu, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993. Trong sách ghi: “Phan Đăng Lưu trực tiếp chỉ đạo các báo Sông Hương tục bản, Dân, Nhà xuất bản tư tưởng mới ở Đà Nẵng và viết nhiều bài nghị luận chính trị… Phan Đăng Lưu thường dùng các bút danh: Đông Tùng, Phi Bằng, Bằng Phi, Tân Cương, Sông Hương, Dân,…; và nhiều bài viết không ký tên” (tr. 361).
Và ở tr. 362 ghi: “Những tác phẩm của Phan Đăng Lưu gồm:
- Xã hội tư bản, Tư tưởng mới xuất bản, Tua ran, 1937.
- Thế giới cũ và thế giới mới, Tư tưởng mới xuất bản, Tua ran, 1938.
- Thi văn các nhà chí sĩ việt Nam, Tân Thanh xuất bản, Huế, 1939.”
2. Sách Đồng chí Phan Đăng Lưu, tác giả: Ngô Nhật Sơn, Nxb. Nghệ Tĩnh, 1987. Trong sách ghi: “Tuy rất bận công việc Đảng, anh vẫn tranh thủ thì giờ tập hợp được một số thơ văn yêu nước và cách mạng, cho xuất bản dưới đầu đề Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam, lấy tên Phi Bằng” (tr. 39).
3. Sách Nguyễn Thành; Đồng chí Phan Đăng Lưu, tiểu sử - tác phẩm, Nxb. Thuận Hóa, 1998. Trong sách ghi: “ Phan Đăng Lưu sưu tầm thơ văn của các nhà yêu nước tiền bối, biên soạn cuốn Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam, bút danh là Phi Bằng(1), do nhà in Tiếng Dân in năm 1939; Huỳnh Thúc Kháng, bút danh Tha Sơn Thạch viết lời tựa” (tr.50).
4. Sách Phan Đăng Lưu - Tiểu sử, Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối, Vũ Văn Thuấn, chủ biên (theo Quyết Định số 1721- QĐ/ HVCT-HCQG, tháng 6/2009); Nxb. Chính trị Quốc gia, H, 2015. Trong sách ghi: “Phan Đăng Lưu với bút danh Phi Bằng, đã sưu tầm văn thơ của các nhà yêu nước tiền bối, biên soạn cuốn Thơ văn các nhà chí sĩ Việt Nam, in tại nhà in Tiếng Dân, năm 1939; do Huỳnh Thúc Kháng (bút danh Tha Sơn Thạch) đề tựa.”(2)
Cụ Huỳnh Thúc Kháng, bút danh Tha Sơn Thạch, đã đánh giá cao sách Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam, coi sách ấy đã “lưu dấu vết về một thời dĩ vãng”, giúp ích cho học giới-sử giới”. Cụ viết:
“Riêng món thi văn, báo Tiếng Dân có góp nhặt được nhiều ít, nhưng linh tinh từng số, không tiện cho nhà khảo cứu. Nay ông Phi Bằng, được nhà báo Tiếng Dân đồng ý, gia công góp nhặt thêm và sắp đặt có thứ tự, mà in thành sách, lưu một dấu vết về thời đại dĩ vãng.
Quyển Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam này đáng gọi là thứ sách có giúp ích cho học-giới, sử-giới vậy” (Tha Sơn Thạch - Huỳnh Thúc Kháng, - Lời tựa, sách Thi văn…).
Sách Thi văn các nhà chi sĩ Việt Nam, chủ yếu là một bộ sưu tập thi ca. Tuy nhiên, qua đây có thể cho chúng ta biết một số quan niệm của tác giả, một trí thức uyên bác (Tố Hữu), một nhà lãnh đạo cách mạng xuất sắc (Vũ Văn Thuấn); về các vấn đề sau:
- Vai trò của thơ ca cách mạng, yêu nước.
- Mối quan hệ giữa văn chương và lịch sử, văn chương và chính trị.
- Tiêu chí đánh giá tác phẩm văn chương.
- Tính sinh động và chân thực của một bộ sưu tập
-…
3. Hoàn cảnh ra đời của bộ sưu tập này và soạn giả của nó
Phan Đăng Lưu xuất bản sách Thi văn… vào năm 1939. Bản thảo có thể được chuẩn bị trước đó ít lâu. Đây là lúc bên Pháp, chính phủ bình dân đã thất bại, chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương chuyển sang chính sách đàn áp, trừng trị những người cách mạng. Phan Đăng Lưu là chính trị phạm, cộng sản, bị an trí ở Huế, mỗi bước đi của ông đều bị theo dõi. Hiện chúng tôi có hồ sơ về tình trạng này.
Ngoài ra năm 1939 là năm ông rất bận rộn, trong không khí nước sôi lửa bỏng của nhiệm vụ chuyển hướng chiến lược của Đảng, (tháng 11/1939, Hội nghị Trung ương VI). Vì những lý do trên, sách Thi văn… không thể thỏa mãn soạn giả và cũng không thỏa mãn độc giả. Chúng ta thấy, bìa đề quyển nhất, nghĩa là soạn giả rất mong muốn và đồng thời có khả năng tiếp tục quyển nhì, quyển tam,… Nhưng không thể được. Sự tham khảo cũng có hạn, thì giờ đâu mà tra cứu.
Trong hoàn cảnh như vậy ông vẫn xuất bản sách Thi văn…, chứng tỏ ông xác định, thơ văn yêu nước cách mạng có vai trò quan trọng trong việc giáo dục lòng yêu nước cho quần chúng nhân dân. Ngay bản thân ông, vào giờ phút bi tráng, thiêng liêng nhất của đời mình, giờ bước ra pháp trường, cũng đã dùng câu đối của Trần Hữu Lực để thổ lộ tâm can.
Trần Ngọc Điệp, người bạn tù ở cùng xà lim với Phan Đăng Lưu, người chứng kiến phút cuối cùng của ông, sau này kể lại: “Tối khuya hôm ấy, đêm 23 rạng ngày 24/6, khi bữa cơm cuối cùng dành cho người tử tù được đưa đến xà lim chúng tôi, tôi tin rằng, thế là đến lúc anh phải ra đi. Dưới ánh đèn đỏ dọc, bữa cơm như chan máu và Phan Đăng Lưu không hề đụng đũa. Thời khắc qua đi, nặng nề nghẹt thở. Còn anh, vẫn như thói quen thường ngày, đi đi lại lại trong xà lim, những bước đi trầm lặng, bồn chồn vốn có. Trong tâm trạng bời bời, tôi thầm cầu mong anh nói một điều gì, không phải cho anh, mà cho tôi, cho chúng tôi… Nhưng không, tuyệt nhiên không! Bỗng nhiên tiếng phanh ô tô hực lên ngoài sân, tiếng giày đinh thô bạo, rồi tiếng xích khóa xà lim rít lên. Cửa bật mở, Phan Đăng Lưu dừng bước, nhìn tôi… Bỗng nhiên, tiếng anh rành rọt, trầm tĩnh vang lên:
Giang sơn dĩ tử, ngô yên đắc thâu sinh, thập niên lai luyện kiếm ma đao, tráng chí thệ phù hồng Tổ quốc;
Vũ dực vị thành, sự hốt nhiên trung bại, cửu tuyền hạ điều binh khiển tướng, hương hồn ám trợ thiếu sinh quân.
(Non sông đã chết, mình há nỡ sống thừa, trên mười năm mài chùi súng gươm, chí cả quyết vùa nền Tổ quốc;
Lông cánh chưa đều, việc giữa đường vội hỏng, dưới chín suối điều binh khiển tướng, hồn thiêng ngầm giúp đội thanh niên).
Ông Trần Ngọc Điệp kể tiếp: cái nhìn trang nghiêm, đắm đắm, cái phẩy tay cuối cùng, có thể cả cái nhếch mép thoáng qua… Tất cả đều biến mất khi cửa xà lim sập lại, chỉ còn lại với tôi, giọng đọc trang trọng của anh, đôi câu đối của một chí sĩ hồi đầu thế kỷ. Đó là lời nhắn gửi cuối cùng của anh đối với chúng tôi”’(3).
Phan Đăng Lưu sưu tầm thơ văn của các nhà yêu nước tiền bối, biên soạn cuốn Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam, Quyển nhất, bút danh là Phi Bằng1 do Nhà xuất bản Tân Thanh, Huế, xuất bản, nhả in Tiếng dân in cuối tháng 3 năm 1939. Cuốn sách này do Huỳnh Thúc Kháng, bút danh Tha Sơn Thạch viết lời tựa. Người biên soạn giới thiệu 22 người yêu nước nổi tiếng chống thực dân Pháp xâm lược, mở đầu là Nguyễn Đình Chiểu, kết thúc là Lê Đại. Mỗi người có tóm tắt cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm, kèm theo những lời bình luận ngắn ca ngợi khí phách của tác giả. Những bài thơ có phần chữ Hán và dịch ra quốc văn của người biên soạn. Đây là một tác phẩm lịch sử chính trị văn học rất có giá trị để bồi dưỡng tinh thần yêu nước, truyền thống bất khuất của các bậc chí sĩ cho thế hệ đương thời và mai sau. Sự đánh giá về mỗi tác giả được chọn và giới thiệu trong tập sách của Phan Đăng Lưu có tính khách quan và khoa học, không hô hào một chiều. Những luận điểm của đồng chí đưa ra thuyết phục người đọc bằng những chứng minh đầy đủ luận cứ. Trong việc sắp xếp, khảo cứu, Phan Đăng Lưu quan tâm đến các tác giả ở các vùng miền, cả nam và nữ. Nhân vật nữ sĩ Tú Ý, mọi người còn biết ít đến, nhưng đã được Phan Đăng Lưu giới thiệu trân trọng: “người đương thời chẳng những kính phục bà vì nghĩa khí mà còn vì văn tự nữa”2. Ngoài ra, với bút danh Bằng Phi, Phan Đăng Lưu còn viết bài nhan đề “Văn thơ của các chí sĩ Việt Nam” đăng trên tạp chí Đông Phương do Nguyễn Văn Tây, một trí thức cộng sản làm Tổng biên tập, xuất bản ở Mỹ Tho. Bài đầu đăng trên số 5, ngày 15/4/1939, có phần giới thiệu khái quát thế nào là nhà chí sĩ và giá trị của văn thơ họ: “Nhà chí sĩ tức là những người suốt đời cúc cung tận tụy vì dân vì nước. “Nhà chí sĩ tức là tinh túy của một dân tộc. “Hoạt động của họ luôn luôn nhằm vào một mục đích: “làm cho Tổ quốc được vẻ vang, dân chúng được tự do sung sướng”. “Bởi thế nên văn thơ của họ khẳng khái lâm ly, khiến người đọc, kẻ nhu nhược trở lên cứng cáp, kẻ sẵn có khí phách càng hứng khởi thêm. Văn thơ của họ có cái sức mạnh như một quả bom, một tiếng sét”. Tiếp theo, bài giới thiệu tiểu sử cụ Phan Đình Phùng và bài thơ cụ sáng tác ngày Một tết Mậu Tý (1888), có phần phiên âm chữ Hán và dịch ra thơ lục bát. Tác giả định viết làm nhiều kỳ, nên cuối bài có chữ “Còn nữa” không hiểu tại sao, không thấy tạp chí đăng tiếp ở số sau3,4. ............................................. 1. Có ý kiến nói rằng: cuốn sách này có Lê Nhiếp cộng tác với Phan Đăng Lưu, chú thích của Nguyễn Thành (tr.50). 2. Nguyễn Thành: Phan Đăng Lưu tiểu sử - tác phẩm, Nxb. Thuận Hóa, 1998,tr. 50 3. Có ý kiến nói rằng: cuốn sách này có Lê Nhiếp cộng tác với Phan Đăng Lưu, chú thích của Nguyễn Thành (tr.50). 4. Nguyễn Thành: Phan Đăng Lưu tiểu sử - tác phẩm, Nxb. Thuận Hóa, 1998, tr.49, 50, 51. |
4. Mối quan hệ văn chương với lịch sử và chính trị
Về vấn đề này, Phan Đăng Lưu viết: “Đọc thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam trong khoảng trên 70 năm nay, chúng ta nhận thấy trong thời gian ấy, tư tưởng chính trị Việt Nam đã trải qua những cuộc biến đổi, ăn rập với cuộc tiến hóa của trào lưu tư tưởng thế giới và quyết định bởi hoàn cảnh khách quan trong xứ, có thể phân tách và chia ra làm ba thời kỳ:
1. Thời kỳ Cần Vương: Văn chương trong thời kỳ này rặt một giọng Cần vương nhương di (cứu viện nhà vua, đuổi giặc ngoại xâm).
2. Thời kỳ Chủ nghĩa dân quyền và Chủ nghĩa dân tộc: Trong thi ca người ta tán dương những bậc anh hùng ái quốc như Mã chi ni, Hoa thịnh đốn…, ca tụng Lư thoa, Mạnh đức là những học giả đã xướng lên thuyết dân quyền.
3. Thời kỳ Chủ nghĩa xã hội: Từ vài mươi năm lại đây, tư tưởng lại khuynh hướng về Chủ nghĩa xã hội. Đảng phái xã hội kế tiếp nhau thành lập; sách báo xã hội đua nhau xuất bản.
Văn thơ các nhà chí sĩ như ông Phan Bội Châu, ông Huỳnh Thúc Kháng cũng luôn luôn săn sóc, nhắc nhủ tới giai cấp cần lao”.
(Phi Bằng - Phan Đăng Lưu, Mấy lời nói đầu, sách Thi văn…).
Chỉ trong một đoạn ngắn, chúng ta thấy quan niệm của ông về văn chương rõ ràng có mấy điểm như sau:
- Văn chương bị chi phối, ảnh hưởng bởi tư tưởng chính trị của thế giới và trực tiếp bởi hoàn cảnh khách quan trong xứ, như thể là có hai mức độ ảnh hưởng khác nhau, không thể đánh đồng.
- Tư tưởng chính trị có ảnh hưởng nhưng không đồng nhất với văn chương và như vậy chính trị có lịch sử phát triển của chính trị, còn văn chương có lịch sử của văn chương.
Phan Đăng Lưu đã trình bày quan điểm của mình cách đây 76 năm, trong khoảng thời gian đó có cuộc tranh luận sôi nổi “nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh”.
Cụ Phạm Quỳnh đưa ra luận điểm: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; Tiếng ta còn, nước ta còn”. Cụ nghè Ngô Đức Kế thì đấu tranh lại quyết liệt. Còn luận thuyết về mối quan hệ chính trị và văn chương còn được thảo luận dài dài cho đến sau kháng chiến.
Theo chúng tôi, những vấn đề trên đã được Phan Đăng Lưu có cách lý giải riêng, rành mạch, ngắn gọn mà đầy đủ. Kết thúc bài giới thiệu Thi văn các nhà chí sỹ Việt Nam, đ/c còn khẳng định lại: “Như đã nói trên, tư tưởng chính trị Việt Nam biến đổi tùy theo cuộc tiến hóa của tư trào thế giới và hoàn cảnh khách quan trong xứ. Tuy vậy, một điều chúng ta cần nên nhận rõ là dù thời thế đổi thay, tư tưởng không đồng, song các bậc tiền bối chúng ta vẫn nhằm một mục đích thiêng liêng: tranh tự do độc lập cho dân tộc mình” (Mấy lời nói đầu, sách Thi văn…).
Phan Đăng Lưu là người nghiên cứu rất sớm kinh tế học Marx qua tài liệu Âu tây, ắt hẳn nắm vững luận thuyết thượng tầng và hạ tầng, mối quan hệ giữa chúng, ảnh hưởng của máy hơi nước và máy in đối với văn hóa nghệ thuật, v.v. Tóm lại là “kinh tế quyết định luận”. Tuy nhiên ông không “xài tươi” các thứ đó, mà vận dụng chúng rất sáng tạo và uyển chuyển. Phan Đăng Lưu - trí tuệ tuyệt vời.
5. Tiêu chí của văn chương có giá trị/hay
Sau đây là một số nhận định, đánh giá văn thơ các chí sĩ của Phan Đăng Lưu:
- Về cụ Đặng Thế Thân: “văn chương của ông hùng hồn, bi tráng; người đương thời chẳng những phục ông vì cái chí khẳng khái và tính người trầm tĩnh; mà còn phục ông văn tài lỗi lạc nữa”. (Thi văn…, tr.88).
- Về cụ Hoàng Trọng Mậu: “Lúc ở Tàu, ông Sào Nam viết quyển Việt Nam sơ khảo, đưa cho ông Hoàng Trọng Mậu phê bình, ông phê bình nhiều câu xác đáng, và sau hết, có kết thức mấy lời nghe thống thiết” (Thi văn…, tr. 94).
- Về cụ Ngô Đức Kế: “Thơ ông cũng hay, nhất là thơ tứ tuyệt “bài nào cũng trầm thống và khẳng khái, nghe rất tự nhiên, như ai làm cũng được, mà kỳ thực ở trong nấu nướng un đúc rất công phu”. (Lời phê của ông Huỳnh Thúc Kháng), (Thi văn… tr. 105).
- Về cụ Lê Đại: thơ ông tao nhã, trôi chảy nhẹ nhàng và có ý hài hước/ nghịch ngợm”. (Thi văn… tr. 132).
Ví dụ:
+ Kệ thây chúng nó, thi mà chi, đỗ cũng mà chi; từng đòi phen quen thú phong lưu, nào là rượu đầy bàn, đàn đầy vách, sách đầy án, bạn đầy nhà, nghênh ngang phong nguyệt bốn mùa, ai có lạ gì phường mặt trắng;
Còn có lũ mình, tội cũng vậy, tù mà cũng vậy; may gặp lúc xoay nên thời thế, thử xem miệng như tép, mép như rồng, tiếng như cồng, mắt như đuốc, xốc vác giang sơn một gánh, làm cho xong việc, ta về hỏi thử bạn non xanh.
(Lê Đại - Ở tù mừng bạn thi đỗ, Thi văn… tr. 135-136).
+ Bốn bể gặp người tri kỷ, bước phong trần mây nước bỗng chia đôi, tôi may về còn sống, bác cũng may sống mà về, thôi chi bằng lên đỉnh non xanh, ba chén rung đùi, mặc kệ ngũ châu kim thế giới;
Trăm năm tính bạn sinh nhai, vòng tuế nguyệt, tuyết sương đà quá nửa, trước lấy nước làm nhà, sau hóa lấy nhà làm nước, kìa chẳng thấy trên thềm tóc bạc, suốt ngày quanh gối, sướng hơn nhất phẩm đại triều đình.
(Lê Đại - Mừng bạn ở tù về làm nhà mới, Thi văn… tr. 136).
- Bàn về cụ Hồ Quý Châu: “Ông Hồ Quý Châu người làng Quỳnh Đôi, tỉnh Nghệ An, người thông minh có tiếng, hay chữ đã sớm, tính khẳng khái, tuy nhà nho mà tư tưởng vượt ra ngoài khuôn sáo Khổng học - PĐN in nghiêng”. (Thi văn… tr.59).
- Về cụ Nguyễn Thành: “Ông chuyên về thực học, ít làm văn thơ, song ông là người có chí khí lớn, có tín ngưỡng sâu xa, nên mỗi lần cảm xúc mà ngâm vịnh thì vượt hẳn ra ngoài khuôn sáo, khác hẳn với bọn văn sĩ tầm thường - vượt ra ngoài khuôn sáo - P.Đ.N in nghiêng”. (Thi văn… tr.64).
- Về cụ Nguyễn Thượng Hiền: “Ông mất năm 1927, thọ 61 tuổi. Văn thơ ông lời tao nhã, ý thâm trầm, đọc nghe khoái trá, nhẹ nhàng”. (Thi văn… tr. 74).
Tóm lại, theo Phan Đăng Lưu, thơ hay phải vượt ra ngoài khuôn sáo Khổng học, nhận xét đánh giá thơ không phải là tầm chương trích cú, chẻ nhỏ ra theo niêm luật, bằng trắc, âm vận… Mặt khác, không lấy đôi kính tư tưởng, lập trường mà soi. Ông quan niệm, văn chương có giá trị là sự hòa đồng nhuần nhuyễn giữa nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật, đem lại một cảm xúc thẩm mỹ mạnh mẽ và sâu sắc: “hùng hồn, trầm thống, khảng khái, bi tráng, lời lẽ thống thiết, ý tứ dồi dào, quan sát một cách sáng suốt rộng rãi, tham khảo đủ ý tứ đông tây, tao nhã, thâm trầm, khoái trá, nhẹ nhàng…”.
Theo chúng tôi, đây là phương pháp nhận định, đánh giá thi ca theo thi pháp học từ thời Aristote; hay là nói về Á Đông, theo Lưu Hiệp, đòi hỏi sự nhuyễn luyện giữa “tâm” và “long” giữa “dụng tâm” và “điêu long”,… mà mấy thập kỷ gần đây chúng ta khôi phục lại. Phương pháp tiếp cận trên, trong sách Thi văn… đã được thực hiện cách đây 76 năm mà đến nay vẫn cập nhật.
Phương pháp tiếp cận trên đây khác xa luận thuyết thô thiển được gọi là “hình thức cũ, nội dung xã hội chủ nghĩa”, hoặc là “bình cũ, rượu mới”, đã chặt đôi không thương tiếc một thân thể thơ ca ra làm nội dung và hình thức, cái được đựng và cái để đựng.
6. Quan tâm đến sinh hoạt và môi trường của thơ ca
Một số bài thơ thường có hoàn cảnh ra đời, môi trường tồn tại riêng, Phan Đăng Lưu thường lưu ý giới thiệu những điều trên khiến cho người đọc hiểu cuộc đời của chí sĩ hơn, hiểu nội dung thơ ca và đồng thời sự tiếp xúc với thơ ca sinh động và chân thực hơn. Sau đây là một số ví dụ:
- Thơ cụ Huấn Đặng được tặng thuốc lá ở Côn Đảo.
“Những chính trị phạm ở Côn Lôn hồi ấy, hầu hết là những người có danh phận, nhưng kể quan tước thì ông Đặng (Đặng Nguyên Cẩn) to hơn cả, vì trước ông làm đốc học, bởi thế ở đảo, từ lính ma tà cho đến các phạm nhân đều gọi ông là quan đốc. Một hôm, ông cùng với vài người nữa, đương ngồi đan đệm ở nơi hàng ba, thấy người lính ma tà dẫn hai người đàn bà đi qua, có một người trông vẻ mặt cũng sạch, chừng 25 tuổi, nhìn rồi hỏi: ai đây là quan đốc?
Ít hôm sau, một người tù thường cầm một đẫy thuốc lá đưa cho ông và nói, đó là của người đàn bà bữa trước gửi làm quà tặng ông. Nhân đó ông có bài thơ:
Tóc xanh răng trắng, gái thuyền quyên
Dạo bước sen vàng thoảng trước hiên
Động Khẩu vô tình kêu Nguyễn Triệu
Nam Minh có khách biết Hồ Thuyên
…. (Trích)” (Thi văn… tr.83).
- Thơ cụ Nguyễn Quyền cắt búi tóc
- “Phen nầy cắt tóc đi tu
Tụng kinh độc lập ở chùa duy tân
… … (Nguyễn Quyền).
Bài này viết lúc ông với ông Phan Chu Trinh rủ nhau đi hớt tóc”
(Thi văn… tr. 128).
- Thơ diễu ông tú Nguyễn Duy Viên.
“Trong bọn tù, có ông tú Nguyễn Duy Viên, người Bình Định, tính nghiền cờ bạc, có lúc không có tiền đánh, song ông cũng cứ ngồi xem suốt đêm. Ông lại có tính thích ăn ớt (hột cay), thường nói: “Ớt cay ngon hơn thịt”. Một bữa ăn nọ, có dọn thịt gà và thịt heo cùng cá khô, có vẻ sang, lại có đĩa ớt trái. Ông Siêu Tùng (Lê Đại) chơi xỏ, nhắc lại câu ông tú thường nói. Ông nầy giận lắm, đành ăn cá khô với ớt vậy. Ông Siêu Tùng có bài thơ nhạo:
Mình sánh Tào Giao tám thước dài
Miệng như nước chảy, lưỡi dao phay
Bình sinh đáo để nghiền hai cái
Xem mãn sòng chơi, xực ớt cay.”
(Thi văn…tr. 133).
- Họa bài thơ của bà Huấn (Huấn Quyền)(*)
Cầu trời cầu biển quản gì công,
Dệt gấm khi nao mượn má hồng.
Đuổi đập kình nghê muôn lớp sóng,
Đứng trơ mưa gió một chùm thông,
Hỏi han ả Lý vừng trăng bạc
Chờ đợi nàng Tô chén rượu nồng,
Đắp lạnh quạt nồng ai đó tá?
Hiếu tình nầy vẫn hiếu tình chung.
(Nguyễn Quyền, Thi văn… tr.131).
- Khóc bà Phan Bội Châu
Nghe nói bà gian truân hiền phụ, chồng vắng nhà lo tính vẹn trăm đường, nhà còn tê, chồng hãy còn tê, dâu bể cuộc tàn, vùi đất ngàn thu khôn nát ngọc;
Nhắn hỏi ông thất bại anh hùng, vợ với nước thương yêu cùng một mối, nước như rứa, vợ nay như rứa, non sông khí uất, đập trời một tiếng muốn quăng gươm.
(Lê Đại - Thi văn… tr. 137).
7. Chân dung các chí sĩ
Sách Thi văn… đã công bố được 5 tấm ảnh chân dung 5 vị chí sĩ. Việc này phải được đánh giá là một cố gắng quan trọng. Về phương diện kỹ thuật, thời bấy giờ ảnh hiếm và in khó. Vả lại tất cả đều là chân dung của các vị bị gọi là “chính trị phạm”, được trưng một loạt trên sách, ắt hẳn không mát mắt nhà cầm quyền thực dân và quan lại.
Tuy nhiên hiệu quả của các tấm ảnh chân dung này khá lớn, qua đó chúng ta được chiêm ngưỡng hình tượng những bậc anh hùng của dân tộc, chúng ta càng gần gũi họ hơn, thấm thía thơ ca họ hơn.
Các ảnh chân dung đó là:
- Cụ Nguyễn Thượng Hiền (tr 15).
- Cụ Phan Châu Trinh (tr. 96).
- Cụ Ngô Đức Kế (tr. 105).
- Cụ Lê Văn Huân (tr. 104).
- Cụ Nguyễn Quyền (tr. 129).
8. Trường hợp đại chí sĩ - cụ Nguyễn Trường Tộ
Phan Đăng Lưu vô cùng hâm mộ, tín ngưỡng, sùng bái tất cả các nhà chí sĩ. Vì vậy trong hoàn cảnh gian nan hiểm nghèo ông vẫn sưu tập biên soạn được sách thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam. Tuy nhiên chúng tôi đọc thấy một trong những chí sĩ cao cấp là cụ Nguyễn Trường Tộ, được ông tôn xưng là một nhà đại chí sĩ, một nhà đại chánh trị, đại văn học:
“Nước ta, giữa đời Tự Đức, ở phủ Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, nảy ra một nhà đại chí sĩ, vừa lại là một nhà đại chánh trị, đại văn học, (P.Đ.N. in đậm), ấy là ông Nguyễn Trường Tộ” (Thi văn… tr.17).
Rõ ràng là ông có biệt nhãn với cụ Nguyễn. Vậy thử xem quan niệm của đ/c Phan Đăng Lưu thế nào là đại chí sĩ, qua trường hợp cụ thể là cụ Nguyễn Trường Tộ.
Theo Phan Đăng Lưu, chí sĩ, - một kiểu người lý tưởng đương thời,-tiêu chí cao nhất và trước hết là yêu nước, cụ thể ở 3 phương diện:
- Chí hướng, lý tưởng là “suốt đời cúc cung tận tụy vì dân vì nước” (Phan Đăng Lưu: Văn thơ của các chí sĩ Việt Nam, Tạp chí Đông Phương, số 5 ngày 15/4/1939).
- Giá trị, phẩm chất là “tinh hoa của dân tộc” (Phan Đăng Lưu: Văn thơ của các chí sĩ Việt Nam, Tạp chí Đông Phương, số 5 ngày 15/4/1939).
- Hành động “luôn luôn nhằm vào làm cho Tổ quốc được vẻ vang, dân chúng được tự do, sung sướng” (Phan Đăng Lưu: Văn thơ của các chí sĩ Việt Nam, Tạp chí Đông Phương, số 5 ngày 15/4/1939).
Và cụ thể ở cụ Nguyễn Trường Tộ là:
1. Cụ Nguyễn là người học rất rộng, biết rất nhiều, đã từng du học dài ngày ở Pháp, Ý, có du khảo ở Singapore, Hồng Kông, Mã Lai. Thời gian tổng cộng hơn 2 năm. Cụ có tư chất thông minh lỗi lạc, uyên thâm Hán học, giỏi tiếng Pháp và Tây học, đương thời gọi cụ là “Trạng Tộ”. Trí tuệ đó quả là “tinh hoa của dân tộc”.
2. Cụ Trạng không chỉ thuyết chữ nghĩa, càng không phải chỉ có chữ nghĩa Thánh hiền, mà rất dồi dào tri thức thực tiễn. Khối tri thức đó chứa đầy trong 59 bản điều trần gửi vua Tự Đức và triều đình nhà Nguyễn. Điều trần rồi lại điều trần liên tiếp, dầu không được trả lời, kiên trì đến nỗi các bộ não đặc sệt bảo thủ, biệt thị tôn giáo, có khi nhúc nhích, nhưng cuối cùng không thực hiện được gì.
Phan Đăng Lưu đánh giá cao giá trị ý nghĩa của “ý kiến sáng suốt” cụ Nguyễn, tương đương với Phúc Trạch, Bồ Sơn; nếu được triều đình tham khảo thực hiện thì có cơ chuyển biến được đất nước như Nhật Bản: “Phải chi hồi đó vua Tự Đức không khinh rẻ những ý kiến sáng suốt của ông thì chắc rằng nước Việt Nam không phải là nước Việt Nam bây giờ, mà sự nghiệp tiếng tăm ông có thua gì Phúc Trạch (Fukuzawu), Bồ Sơn (Vrayama) nước Nhật” (Thi văn… tr.17), Bồ Sơn nước Nhật”.
Trong mấy dòng ngắn gọn, ông chỉ ra tinh túy chiến lược cứu nước của cụ Nguyễn sau đây: “Bấy giờ, tin rằng không thể lấy võ lực mà chống với người Pháp, ông đề nghị một mặt tạm cầu hòa với họ, đồng thời giao hiếu với các nước Âu tây, nhất là nước Anh, để mong lấy nước này kiềm chế nước kia; một mặt chỉnh đốn việc nước như: sửa sang võ bị, hợp các tỉnh, huyện để giảm số quan lại, đánh thuế cờ bạc, thuế rượu, thuế trà Tàu cùng các thứ xa xỉ khác, sửa lại việc học, lập nhà nuôi trẻ và nhà tế bần, cải lương hương chính, cấm địa lý, tướng số, phái người đi du học, v.v. Tóm lại, mục đích cốt bồi bổ lấy thực lực để lo sau này khôi phục giang sơn” (Thi văn… tr.17)
Về việc học, không chỉ có khoa cử từ chương, theo kiểu Tàu, “Ông xin đặt ra các khoa canh nông, thiên văn, địa lý, cơ xảo (máy móc), luật học, sau hết, dùng quốc âm thay cho chữ Hán. Đọc bài trên ta thấy ông là một nhà đại chính trị. Tiếc thay, mực cạn, bút cùn mà cái tài giúp nước cứu dân, không có chỗ thi thố, đến phải uất ức mà chết” (Thi văn… tr. 24).
3. Hơn nữa, bên cạnh khối tri thức thực tiễn, ông là một người thực hành giỏi: “Năm 1686, ông Hoàng Kế Viêm, tổng đốc Nghệ An phải nhờ ông mới đào được Kênh Sắt. Nhà thờ Xã Đoài, nhà phước Sài Gòn, cột cờ thành Gia Định đều do ông làm cả. Mỏ than Quảng Yên cũng chính ông tìm ra.” (Thi văn… tr.28).
4. Mọi việc cứu nước đều không thành, ngày 10/10/1871, cụ qua đời nơi quê nhà (Xã Đoài), ở tuổi 41, sau khi trăng trối lại bằng câu đối “Nhất thất túc thành, thiên cổ hận; Tái hồi đầu thị, bách niên cơ” (Một kiếp sa chân, muôn kiếp hận; Ngoảnh đầu cơ nghiệp, ấy trăm năm”) (Nguồn: Kho lưu trữ MEP).
Giám mục Gauthier, người hết sức quý mến cụ, tích cực dắt dẫn cụ và vô cùng hiểu cụ đã viết lại, trong thư đề ngày 1/11/1871: “Người giáo hữu Việt Nam mà tôi đem theo năm 1867, mà người ta gọi là kiến trúc sư, (…) đã là nạn nhân của một âm mưu đầu độc.” (Nguồn: Kho lưu trữ MEP).
Các chí sĩ Việt Nam là một bộ phận trí thức, yêu nước và cách mạng; trong các chí sĩ, Phan Đăng Lưu mới có điều kiện nêu lên một đại chí sĩ là cụ Nguyễn Trường Tộ. Như trên ta thấy, đúng là tinh hoa của dân tộc. Các bậc đại chí sĩ thế hệ đương thời còn nhiều, cụ Phan Bội Châu, cụ Phan Chu Trinh, cụ Huỳnh Thúc Kháng…; về sau này tiếp bước là các trí thức tân học: Nguyễn Văn Tố, Hoàng Minh Giám, Tạ Quang Bửu, Nguyễn Văn Huyên, Trần Đại Nghĩa, Nguyễn Khắc Viện, v.v.
Trong sự nghiệp cách mạng, Đảng ta đã lãnh đạo, tổ chức, động viên thành phần tinh hoa này đóng góp to lớn cho sự nghiệp của Đảng và dân tộc.
KẾT LUẬN
1. Cách đây 76 năm, trong hoàn cảnh rất bận rộn và tràn đầy khó khăn, với nhân thân của người tù cộng sản bị an trí, bị ràng buộc đủ thứ, mà Phan Đăng Lưu cũng quyết để lại cho chúng ta những thi ca huyết lệ cùng với tấm gương yêu nước chói ngời của các chí sĩ; đã trải qua tù đày khổ ải và một số đã bị hành hình. Chúng ta vô cùng biết ơn các liệt sĩ, chí sĩ và soạn giả của tập thi ca, Phan Đăng Lưu - cũng là một chí sĩ và liệt sĩ lẫm liệt.
2. Với Thi ca các nhà chí sĩ Việt Nam, Phan Đăng Lưu đã là người mở đầu sưu tập một dòng thơ ca: thơ ca yêu nước và cách mạng. Cụ Huỳnh Thúc Kháng, GS. Đặng Thai Mai đã nói điều đó và đặc biệt là GS. Chương Thâu, đã đề nghị ghi công cho soạn giả tiền phong này:
“Theo tôi, đây là một tập sách mở đầu cho các hợp tuyển “Thơ văn yêu nước và cách mạng” mà lớp con cháu đồng chí Phan Đăng Lưu như chúng tôi cũng đã học tập Phi Bằng để sưu tầm biên soạn nên các tập “thơ văn yêu nước”, như anh đã thấy. Có thể nói, Phi Bằng là người mở đầu cho một thể loại tác phẩm văn thơ yêu nước của lịch sử văn học nước nhà. Rất đáng ghi công cho tác giả tiền phong này”(4)
3. Không chỉ là “hợp tuyển mở đầu” (đồng ý với Chương Thâu), hơn nữa, sách Thi ca… đã chỉ dẫn cho chúng ta một số lý luận văn học cơ bản:
- Thứ nhất là mối quan hệ giữa lịch sử và văn chương, chính trị và văn chương. Văn chương và hai phạm trù liên quan nói trên có ảnh hưởng qua lại chặt chẽ, nhưng văn chương nghệ thuật độc lập tương đối, không đồng nhất.
- Thứ hai là nội dung và hình thức gắn bó nhuần nhuyễn, nội dung được thể hiện qua hình thức, hình thức là của nội dung.
Các vấn đề trên đây không chỉ nói suông mà đã được vận dụng thể nghiệm và mặc dầu trải qua hơn 70 năm, cho đến ngày nay vẫn có giá trị cập nhật.
4. Thơ văn không chỉ trơn trụi mấy dòng chữ nghĩa, mà người tiếp nhận còn cần biết văn cảnh, môi trường sống của chúng. Soạn giả sách Thi văn… đã cho chúng ta biết những điều trên: thơ cám ơn một cô gái trẻ tặng quà ở Côn Đảo, thơ cùng cụ Phan Chu Trinh đi cắt búi tóc - một sự cách tân, thử tài thơ ở trường cụ Thám Đạt…
Thơ ca Việt Nam đầu thế kỷ trước có đặc điểm là không phải sáng tác để in, lấy tiền nhuận bút và xuất bản lấy danh giá. Thơ văn thời bấy giờ, ra đời ngoài mục đích khác, còn vì một số mục đích cụ thể của cuộc sống nhằm phục vụ sát cho một sinh hoạt như: khóc một người quen/thân qua đời để chia buồn, tỏ nỗi thương tiếc, mừng một thành công của bạn bè (làm nhà mới, thi đỗ,…), viếng một người qua đời, họa một bài thơ của bạn - coi như sự đáp lễ văn chương… Đó là thi ca có tính sinh hoạt. Trong thời kỳ hiện đại, thi ca không còn tính sinh hoạt nữa. Sách Thi văn… đã ghi lại đặc điểm tính sinh hoạt của văn chương Việt Nam một thời đã qua, không trở lại nữa và sách sưu tập cũng do đó trở nên hấp dẫn và chân thật hơn.
30/12/2015
P.Đ.N
(TCSH325/03-2016)
------------------
1) Có ý kiến nói rằng: cuốn sách này có Lê Nhiếp cộng tác với Phan Đăng Lưu (chú thích của Nguyễn Thành).
2) Chương trình viết tiểu sử các đồng chí lãnh đạo tiền bối: Phan Đăng Lưu - tiểu sử, Nxb. Chính trị Quốc gia, 2015, tr. tr.390.
3) Trần Ngọc Điệp: Tấm gương khí tiết một người công sản, tài liệu lưu tại nhà lưu niệm Phan Đăng Lưu.
*) Bài thơ của bà Huấn tiễn chân bà Hoàng Tăng Bí theo chồng vào Kinh. Ông Hoàng cũng bị bắt một lần với ông Huấn, nhưng được ông Cao Xuân Dục là nhạc phụ ông, lúc ấy làm Thượng thơ bộ Học, bảo lãnh cho vào ở Huế. Bài thơ tiễn ấy như sau:
Chỉ thêu nên gấm dám nài công,
Bạn chị em ta mãnh má hồng.
Mặt nước kìa ai câu bọt bể,
Chùa nhà riêng những quét hoa thông.
Méo tròn thử vẽ vừng trăng bạc,
Cay đắng xin vơi chén rượu nồng.
Say quit lại cười, cười lại bảo:
Ơn riêng nầv chở phụ tình chung.
4) GS. Chương Thâu: Thư gửi Phan Đăng Nhật ngày 8/12/2015, lưu ở nhà lưu niệm Phan Đăng Lưu.
________________
1. Phi Bằng (bút danh): Thi văn các nhà chí sĩ Việt Nam, Nxb. Tân Thanh, Huế, 1939.
2. Tân Cương (bút danh): Xã hội tư bản, Nxb. Tư tưởng mới, (Tua ran) Đà Nẵng, 1937, 32 tr., khổ 13x19.
3. Tôn Quang Duyệt: Phan Đăng Lưu - Một chiến six cộng sản lỗi lạc kiên cường, một người trí thức cách mạng tiêu biểu, Tài liệu lưu tại ban tuyên giáo tỉnh ủy Nghệ An. tr.53.
4. Phan Đăng Lưu với báo chí và văn học, HK.23, Sđd.
5. Chương Thâu: Thư gửi Phan Đăng Nhật ngày 8/12/2015, lưu ở nhà lưu niệm Phan Đăng Lưu.
6. Một giờ với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, HK.22, tr.10, 12 tài liệu lưu tại Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Phan Đăng Lưu v[si báo chí và văn học, HK.23, Sđd.
7. Nguyễn Thành: Phan Đăng Lưu tiểu sử - tác phẩm, Nxb. Thuận Hóa, 1998, tr. 50.
8. Hoa Trung (biên): Kinh tế học tiểu sử (Quyển hạ), tủ sách Quan hải tùng thư, nhà in Tiếng dân, năm 1929, đường Đông Ba, Huế.