PHẠM PHÚ UYÊN CHÂU - PHẠM PHÚ PHONG
Ở miền Nam trước năm 1975, những ai học đến bậc tú tài đều đã từng đọc, và cả học hoặc thậm chí là nghiền ngẫm Việt Nam văn học sử giản ước tân biên của Phạm Thế Ngũ - một trong những bộ sách giáo khoa tương đối hoàn chỉnh xuất bản ở các đô thị miền Nam, cho đến nay vẫn còn giá trị học thuật, nhất là trong thời điểm mà ngành giáo dục nước ta đang cố gắng đổi mới, trong đó có việc thay đổi sách giáo khoa.
Phạm Thế Ngũ (1921 - 2000), người làng Ngọc Chi, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Thuở nhỏ học chữ Hán với bố, năm lên mười, khai trụt bớt bốn tuổi vào học trường Pháp - Việt ở quê, sau đó lên Hà Nội học trường Trung học Bảo hộ (trường Bưởi). Sau khi đỗ tú tài (1944), ông thi đỗ vào Đại học Khoa học, nhưng do chiến tranh, việc học bị gián đoạn. Sau ngày toàn quốc kháng chiến 1946, ông cùng gia đình tản cư về quê, làm giáo viên các trường Bắc Sơn (Hải Dương), Phạm Ngũ Lão (Hưng Yên), rồi trở về Hà Nội học Đại học Văn khoa. Năm 1953, tốt nghiệp cử nhân. Sau 1954, vào Nam sinh sống, dạy học tại các trường trung học Võ Tánh (Nha Trang), Phan Thanh Giản (Cần Thơ), Pétrus Ký (Sài Gòn) cho đến lúc nghỉ hưu (1983).
Cuộc đời của Phạm Thế Ngũ như một con lắc chuyển động đều trên hai điểm là dạy học và viết sách, xoay quanh cái trục là tri thức uyên nguyên, mà phần lớn là nhờ vào nỗ lực tự học, về các lĩnh vực văn học, triết học, giáo dục chuyên khoa cho bậc phổ thông. Ông còn thành lập Nhà xuất bản Thế Ngũ, xây dựng nên Quốc học tùng thư để tự xuất bản sách của mình và của những đồng nghiệp, thân hữu. Tác phẩm về văn học của ông không nhiều, nhưng đều là những tác phẩm văn học sử và giảng văn nổi bật như Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (3 tập, Quốc học tùng thư xuất bản, Sài Gòn 1961 - 1965), Văn thể lược giảng (Quốc học tùng thư xuất bản, Sài Gòn 1965, bài giảng về tất cả các văn thể trong chương trình trung học và các kỳ thi tú tài), Bình luận văn chương (Quốc học tùng thư xuất bản, Sài Gòn 1970, luận đề khái quát về văn học sử và các tác giả, tác phẩm), Tự Lực văn đoàn trong tiến trình văn học dân tộc (Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội 2000). Trong đó, công trình đồ sộ và có giá trị hơn cả là Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, gồm 3 tập, 47 chương, 1530 trang, đã liên tục được tái bản nhiều lần vào các năm 1968, 1972, 1974 và sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Nhà xuất bản Đồng Tháp tiếp tục tái bản năm 1996.
Khoa học về lịch sử văn học ở nước ta hình thành tương đối chậm. Trong những công trình mở đầu như Nữ lưu văn học sử (Lê Dư, 1928), Việt Nam văn học sử yếu (Dương Quảng Hàm, 1941), Đại Việt văn học lịch sử (Nguyễn Sĩ Đạo, 1941), Việt Nam cổ văn học sử (Nguyễn Đổng Chi, 1942), Việt Nam văn học đời Lý và Việt Nam văn học đời Trần (Ngô Tất Tố, 1942)… ta dễ dàng nhận ra những tác phẩm này chỉ biên soạn một phần của lịch sử văn học, hoặc chỉ dừng lại phác thảo chân dung tác giả nữ, hoặc ở các giai đoạn văn học cổ, văn học Lý - Trần, hoặc chỉ khảo sát đến thời kỳ ra đời của văn chương quốc ngữ. Dù vậy, từ đó, cánh buồm đỏ thắm của lịch sử văn học có sức vẫy gọi nhiều nhà nghiên cứu trên cả hai miền Nam Bắc không ngừng tiếp tục khai phá và đã có nhiều thành công đáng kể như Việt Nam văn học sử trích yếu (Nghiêm Toản, 1949), Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (Nhóm Lê Quý Đôn, 1957), Văn học Việt Nam (Phạm Văn Diêu, 1960), Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam (Văn Tân, Hoài Thanh, Nguyễn Đổng Chi, 1961) và đến công trình Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Phạm Thế Ngũ đã thực hiện trong vòng 5 năm (1961 - 1965) chỉ mới là công trình thứ 11 về lịch sử văn học ở nước ta. Ngày nay, đã có vài chục công trình nghiên cứu về lịch sử văn học tiếp tục ra đời, với những tên tuổi thời danh như Thanh Lãng, Hoàng Trọng Miên, Trần Đình Hượu, Nguyễn Lộc, Lê Trí Viễn, Đặng Thanh Lê, Bùi Duy Tân, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Bùi Văn Nguyên… nhưng những gì mà Phạm Thế Ngũ đã làm được trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên cách đây hơn nửa thế kỷ vẫn còn nguyên giá trị học thuật và không thể thay thế.
Cũng cần nhắc lại rằng, ở miền Nam thời đó, Bộ Giáo dục và Thanh niên cho một chương trình khung, được coi như “phần cứng”, bắt buộc phải tuân theo. Người soạn sách giáo khoa dựa vào chân trời rộng mở đó mà nghiên cứu, khám phá, tùy thuộc vào trình độ năng lực chuyên môn, quan niệm học thuật của mình, viết sao cho người học có thể hiểu và nắm được vấn đề một cách tốt nhất. Công trình nào được nhiều thầy cô giáo tham khảo, cung cấp cho người học được nhiều kiến thức, sách bán chạy, thì tác giả thành công và nổi tiếng. Một quan niệm nghệ thuật luôn kèm theo một phương pháp nghiên cứu nghệ thuật tương ứng. Phạm Thế Ngũ quan niệm một cách chân thành và khiêm tốn khi giải thích cách làm của mình rằng: “Văn học sử nước nhà, trong mười năm nay, đã được nhiều vị để công biên soạn. Gần đây, có những bộ sách rất có giá trị, như bộ Việt Nam văn học toàn thư của ông Hoàng Trọng Miên, bộ Văn học Việt Nam của ông Phạm Văn Diêu đều là những công trình, tuy chưa hoàn tất song xem ra, chuẩn bị lâu năm, quy mô vĩ đại, tài liệu sung thiệm, biên chép tinh tế, có thể là sách tham khảo quý giá cho ngay bậc học giả. Bỉ nhân tự xét đọc ít, thấy hẹp, lại biếng hỏi, ngại tìm, thật không dám đua đòi ở chỗ uyên bác. Chỉ nhặt nhạnh một ít điều “biết thừa”, cố gắng dựng nên đây một cái nhất lãm giản dị và ước lược về toàn bộ nền văn học nước nhà, hầu mong giúp ích phần nào cho bạn đọc không có thì giờ hoặc không muốn đi sâu vào việc khảo cứu. Những dẫn chứng, thí dụ và chú thích thêm vào khiến bộ sách hơi nặng. Song sự giản ước là cách nhìn các giai đoạn, nhận định các vấn đề, trình bày các kiến thức. Cũng trong cách nhìn nhận và trình bày ấy, có thể có ít nhiều không giống với những sách về trước cho nên lại lạm dụng hai chữ “tân biên”. Việc biên soạn cũng như việc in có đôi phần vội vả, tất không tránh được những chỗ sơ suất. Rất mong các bậc cao minh lượng thứ hoặc hạ cố chỉ bảo để sữa chửa lại thì thật là vạn hạnh” (1, tr.6). Đối với văn học sử, các nhà nghiên cứu trên thế giới thường lấy các khuynh hướng tư tưởng, các sự kiện chính trị và văn học, các thể loại văn học hoặc các văn tự biểu đạt để làm tiêu chí phân chia. Phạm Thế Ngũ là người kết hợp cả hai yếu tố làm cơ sở cho sự phân kỳ văn học, đó là khuynh hướng tư tưởng và vỏ ngữ âm vật chất của văn tự, tạo một cái nhìn toàn diện, đầy đủ và tương đối có hệ thống, là sự minh định về tiến trình hiện đại hóa văn học Việt Nam.
Việt Nam văn học sử giản ước tân biên chia làm ba tập. Tập 1, Văn học truyền khẩu, văn học lịch triều Hán văn, ông chỉ dành 50 trang cho ba thể loại văn học truyền khẩu chủ yếu là truyện cổ tích, tục ngữ và ca dao. Tác giả đã xác định đúng bản chất của văn chương dân gian đó là đặc tính bình dân và phương thức truyền khẩu. Tuy tóm lược, nhưng tác giả đã luận giải khá đầy đủ và chính xác về khái niệm, nguồn gốc, phân loại và ý nghĩa thẩm mỹ của từng thể loại. Khác với nhiều người, ông không thừa nhận tính chất hư cấu trong truyện cổ tích: “Truyện cổ tích là tiếng chỉ chung những câu chuyện thuật những sự việc đã xảy ra về đời xưa, ghi lại một dấu vết của thời xưa. Ở nước ta, nơi dân gian, có nhiều câu chuyện như vậy, phát sinh từ những thời xưa, người dân thường ghi nhớ và kể lại cho nhau nghe. Có thể coi đó là một hình thức sơ khởi của nền văn học bình dân truyền khẩu” (tr.13). Còn “tục ngữ là kho tàng kinh nghiệm và hiểu biết của người xưa về vũ trụ cũng như về nhân sinh… Có thể nói đó là một quyển sách khôn mở ngỏ và lưu truyền trong giới bình dân từ xưa đến nay” (tr.22). Văn học truyền khẩu hình thành, tồn tại và phát triển của mỗi dân tộc mỗi khác, nó phụ thuộc lịch sử phát sinh và phát triển, đời sống kinh tế và văn hóa tinh thần, cũng như thiết chế xã hội và sự hình thành của ngôn ngữ, chữ viết, nhằm tái hiện đời sống tinh thần của con người, mang những đặc điểm riêng. Từ đó, ông chỉ ra vai trò quan trọng của văn chương truyền khẩu trong nền văn học dân tộc: “Ở nước người, văn học truyền khẩu thường chỉ một giai đoạn văn học và chấm dứt khi trong nước có văn học ký tái. Ở nước ta, dựa vào hoàn cảnh và tâm lý, văn học truyền khẩu của chúng ta phát triển mạnh mẽ sống bền bỉ trong lịch sử như một ngành văn chương riêng biệt của giới bình dân, bên cạnh nền văn học ký tái của nho sĩ. Không những “sống giàu bền” cho nó, mà nó còn gây ảnh hưởng tốt đẹp cho văn chương ký tái, đem thể và chất của nó để nuôi nấng những sáng tác quốc văn của nho sĩ sau này” (tr.45). Nếu không căn cứ vào nền tảng đời sống kinh tế - văn hóa tinh thần và thiết chế xã hội, thì sẽ không thể giải thích được tại sao các dân tộc thiểu số ở nước ta như Mường, Ê đê… có trường ca sử thi rõ nét, mà dân tộc Kinh lại thiếu vóc dáng của những tác phẩm sử thi hoàn chỉnh. Văn học lịch triều, theo ông là nền văn chương trải qua các triều đại phong kiến, trong đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của chữ Hán trong việc hình thành nền văn học viết ở nước ta, xuyên suốt nhiều triều đại phong kiến. Thông thường, người ta phân kỳ văn chương dựa vào phân kỳ lịch sử. Vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu không đồng tình với ông khi ông chia văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm ra thành hai bộ phận riêng biệt. Nhưng theo ông “tách bạch riêng phần Hán văn ra và dồn vào để khảo sát một lượt cho cả lịch triều” là căn cứ vào đặc trưng chữ viết của nó, mới có thể thấy hết giá trị nội dung. Khi phân tích văn học Hán văn, ông đặt trong bối cảnh của nền văn chương cử tử, học để thi và đỗ đạt để ra làm quan với các kẻ sĩ lừng danh như Lê Quý Đôn, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Bỉnh Kh- iêm, Nguyễn Khuyến, Phan Huy Chú… và qua đó, còn giới thiệu tóm tắt nhưng rõ ràng về “chế độ giáo dục và thi cử dưới chế độ phong kiến” với những nhược điểm cố hữu của nó mà giáo dục hiện đại cần tránh. Ông đã dành đến 200 trang cho gần mười thế kỷ văn chương chữ Hán với các thể văn như thơ, truyện ký, sử ký, trong tâm thế “tôi sẵn lòng nghĩ rằng rồi đây, vài trăm năm nữa, khi văn học nước ta, với đà tiến triển cầu chúc, đã thực hiện được năm, bảy giai đoạn sáng tác rực rỡ, phần Hán văn ấy chắc chắn sẽ rơi vào quên lãng. Hoặc chỉ coi như dấu vết của một thời đại xa xưa mà văn học Việt Nam phải dựa vào một cái học ngoại lai để đi những bước chân chập chững đầu tiên” (tr.55). Trong công trình nghiên cứu của mình, Phạm Thế Ngũ không chỉ quan tâm đến thành tựu về sáng tác mà còn chú trọng đến các mảng biên khảo, các công trình nghiên cứu sử học và văn chính luận (mà ông gọi là công văn). Ở mỗi loại, ông lần theo nguồn gốc khái niệm, giới thiệu và chỉ ra những tác phẩm có giá trị, tất cả đều tỉ mỉ và chính xác. Về các tác phẩm biên khảo, ông chú ý đến hai loại: một loại biên khảo về sử ký, địa dư, chế độ, pháp luật, phong tục và một loại biên khảo về học thuật tư tưởng như là triết học, đạo đức, trong đó, đáng chú ý là di sản của các tác gia như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú… Đối với văn học trung đại, đây là thời kỳ bất phân của nhiều lĩnh vực khoa học, nên quan niệm và cách làm của Phạm Thế Ngũ là đúng đắn.
Tập 2, Văn học lịch triều Việt văn, ông phân tích quá trình sử dụng chữ Hán để ký âm tiếng Việt, là do “ta học chữ Hán nhưng phát âm theo cách riêng của ta, rồi do những chữ Hán Việt ấy mà ta tự tạo ra tiếng Việt” (tr. 17) và sự hình thành của Việt văn qua các thời từ sơ khởi Trần - Lê, phát triển từ Mạc đến Tây Sơn và hưng thịnh thời Nguyễn, với các tác giả tài danh đã tự họa chân dung mình sừng sững trong lịch sử văn học nước nhà như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Bà Huyện Thanh Quan, Cao Bá Quát, Nguyễn Khoa Chiêm, Nguyễn Đình Chiểu… Chủ ý của Phạm Thế Ngũ rất dễ nhận ra là, ông đặc biệt quan tâm đến tiếng nói và chữ viết, lấy đó làm căn cứ, cơ sở vật chất để khảo sát, trước khi nói đến ý nghĩa văn chương. Ông nghiên cứu nguồn gốc và những đặc tính của tiếng Việt và chữ Nôm, bởi “nguồn gốc tiếng nói của một dân tộc lẽ dĩ nhiên phải gắn liền với nguồn gốc của dân tộc ấy”. Trên cơ sở đó, ông nhận ra những chỗ sở trường và sở đoản của tiếng Việt, phân tích tầm quan trọng của chữ Nôm và những ưu, nhược điểm của nó so với Hán văn: “Tuy có chịu ảnh hưởng từ bên ngoài, vay mượn nhiều ở chữ Hán, song ngôn ngữ Việt Nam trước sau vẫn giữ những tính cách cố hữu của nó. Có thể một hai tính cách ấy giống như ở một ngôn ngữ khác song hợp tất cả lại thì vẫn thành những đặc tính của một thứ ngôn ngữ riêng mà sự ảnh hưởng và vay mượn từ ngoài suốt trong lịch sử không làm mai một được” (tr.18). Ở mỗi thời kỳ văn học lịch triều Việt văn, Phạm Thế Ngũ đi sâu vào các hiện tượng tiêu biểu như các Hội Tao đàn, Văn học Nam hà, các thể văn chủ yếu như truyện thơ, ngâm khúc, phú, hát nói và các tác giả tiêu biểu… Tất cả đều được ông đi sâu nghiên cứu tỉ mỉ, với lối lập luận chặt chẽ và hợp lý đã bao quát được toàn bộ tiến trình phát triển của văn học lịch triều Việt văn. So với phần Hán văn, ông khẳng định rằng “phần văn Nôm mới là phần chính” và công khai quan niệm và phương pháp nghiên cứu của mình như sau: “Ở phần này tôi sẽ lần theo các triều đại mà biên khảo. Trong mỗi triều đại tôi sẽ chú trọng nghiên cứu từng tác giả, phân tích, phê bình những tác phẩm lớn và cố gắng tìm ra, mặc dầu sự thiếu thốn của tài liệu, những bước đường tiến triển những duyên cớ thăng trầm của ngành Việt văn ấy từ khi khởi lên dưới đời Trần cho đến những ngày nước ta tiếp xúc với Tây phương” (tr.52). Thời sơ khởi của văn Nôm là thời Trần - Lê (1225 - 1527), ông phân tích khát vọng muốn thoát li khỏi ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa, trước hết là chữ viết và Hán học, khởi xướng việc làm thơ, phú bằng tiếng mẹ đẻ, mở một lối mới định hướng cho sự phát triển tương lai văn học nước nhà, như các tác phẩm Vương Tường nghĩa sĩ, Trê Cóc, Trinh Thử, Gia huấn ca, Quốc âm, Hồng Đức, Hoa Tiên truyện… và định hình, ngày càng phát triển rực rỡ sau này. Ông đặc biệt quan tâm đến thời hưng thịnh của Việt văn đầu nhà Nguyễn: “Thời kỳ này vỏn vẹn có sáu mươi năm mà mang danh thịnh đạt có thể làm người ta ngạc nhiên. Vậy mà đó là sự thật. Chưa bao giờ bằng sáu chục năm ấy văn Nôm bày ra một cảnh tượng sầm uất sum suê đến thế. Các tác giả đông đảo. Các sáng tác phong phú. Có nhiều tác phẩm dài, những công trình lớn. Về thể cách thì ngoài những thể dồi dào đã có, lại thêm một thể tân kỳ: bài hát nói. Song sự thịnh đạt ở đây nhằm nhất vào phẩm chất. Thơ Đường dưới ngòi bút của Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan đạt đến một trình độ mỹ diệu chưa hề thấy. Truyện Kiều của Nguyễn Du là một kiệt tác không tiền khoáng hậu. Câu lục bát trong Tỳ bà hành ở một vài khía cạnh đã vượt cả Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm khúc. Ngay bài hát nói mới ra đời mà sau này cũng không tác giả nào qua mặt được Cao Bá Quát. Song xét kỹ thì thấy sự thịnh đạt ấy tuy đặt dưới triều Nguyễn mà công trình văn hóa không hẳn do chính sách văn hóa của triều Nguyễn tạo ra. Các vua Nguyễn đều không làm thơ Nôm như các chúa Trịnh, cũng không hề khuyến khích văn Nôm như các vua Tây Sơn. Trái lại, nhà cầm quyền chỉ chú mục lưu tâm nâng niu vun xới cây văn Hán mới đem trồng ở đất Phú Xuân. Văn Nôm triều Nguyễn tiếp tục phát đạt là chính yếu nhờ ở một tập truyền, một thừa hưởng, trong thẩm thức của nho sĩ văn gia cũng như trong đòi hỏi của công chúng dân gian. Có thể nói cây văn Nôm triều Nguyễn trổ được bấy nhiêu bông hoa đẹp hương thơm, cốt yếu là nhờ mọc lên ở trên mảnh đất Lê mạt, Tây Sơn” (tr.328). Bên cạnh đó, với một tư duy khoa học sáng rõ, ông còn đặc biệt quan tâm đến Truyện Kiều, một kiệt tác không chỉ của một thời mà còn là của nhiều thời đại, mang giá trị ổn định, bền vững trong tâm tưởng nhiều thế hệ người đọc. Về lý thuyết tiếp nhận, ông chỉ ra được hình thức vật chất của tác phẩm có tính chất hữu hạn, nhưng khách thể tinh thần mang tính vô hạn, khi dành đến hơn 50 trang sách luận giải, phân tích tỉ mỉ, đi sâu vào mọi khía cạnh của nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật của tác phẩm, để nhận chân giá trị có ý nghĩa trường tồn và không thể thay thế của di sản của Nguyễn Du: “Giữa chỗ quần phong sau trước, tác phẩm của ông quả có chiều cao của ngọn tuyệt đỉnh. Nguyễn Du đã thực hiện được một văn phẩm lỗi lạc. Từ cốt truyện đến nhân vật, tâm lý, tư tưởng, văn chương, ông đã nhất thiết ra khỏi khuôn sáo của đồng loại và đồng thời. Nội dung phong phú, tư tưởng cao viễn, có thể hiến đề tài bàn luận cho người ta mãi về sau. Nghệ thuật xảo diệu chứng tỏ tác giả đã ám hội được tất cả các kỹ thuật mà tới nay chúng ta tiếp xúc với văn học Tây phương mới có ý thức rõ ràng. Chúng ta càng thán phục thiên tài Nguyễn Du hơn khi nghĩ rằng tiếng Việt vào thời ông còn lỏng lẻo, mập mờ và là đối tượng của nhiều khinh khi rẻ rúng, vậy mà tác giả để công thu thập những mớ bề bộn hồ đồ ấy, đã lượm được châu ngọc, xâu thành tuyệt phẩm văn chương” (tr.479). Tóm lại, có thể nói, ở tập này, Phạm Thế Ngũ đã tổng kết quá trình phát triển của văn học lịch triều Việt văn một cách có hệ thống khoa học, thể hiện sự quan sâu sắc đến nguồn gốc tiếng Việt, chữ Nôm, văn Nôm và đã chứng minh được sự ra đời, tồn tại, phát triển và sức sống của văn Nôm, một bộ phận không thể thiếu trong lịch sử văn học Việt Nam.
Tập 3, Văn học hiện đại (1862 - 1945), sau khi phân tích mặc dù thơ văn Hán - Nôm của các chí sĩ yêu nước vẫn còn gây sự chú ý của công chúng nhưng nền văn học truyền thống ấy mau chóng suy tàn trong “khoảng 1862 - 1907 này chính là giai đoạn vừa chấm dứt văn học lịch triều vừa mở màn cho văn học hiện đại” (tr.15) bởi sự ra đời của chữ quốc ngữ, kèm với đó là sự ra đời và phát triển của báo chí, với những con người đi tiên phong khai mở như Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Quản… Nhưng phải đến giai đoạn 1907 - 1932 “văn học mới thực bước vào cuộc sanh hoạt hiện đại. Nền văn học hình thành đây là một nền văn học tân tạo, trong một giai đoạn lịch sử mới” (tr.90), rồi cùng với sự bùng nổ của báo chí, đã tạo nên nền móng của một thiết chế xã hội mới, nhanh chóng tạo nên những ngọn cờ như Nguyễn Văn Vĩnh và Đông Dương tạp chí (1913), Phạm Quỳnh và Nam Phong tạp chí (1917), Hoàng Ngọc Phách và Tố Tâm (1925), và hàng loạt các tờ báo quan tâm đến đời sống văn học ra đời như Lục tỉnh tân văn, Phụ nữ tân văn, Đông Tây, Phong hóa… đã biến công việc viết văn, làm báo trở thành một nghề chuyên nghiệp, người viết có thể kiếm sống bằng chính ngòi bút và sản phẩm họ sáng tạo ra không chỉ là quà tặng mà trở thành một loại hàng hóa đặc biệt, có thể mua bán, đổi trao. Trong Bảng lược đồ văn học Việt Nam, Thanh Lãng cho rằng: “Năm 1913 là một niên lịch quan trọng, vì Đông Dương tạp chí ra đời vào chính năm đó. Tờ báo này là kết tinh và thành hình một đường lối tư tưởng, cảm xúc và hành động mới hoàn toàn. Là vì kể từ đây: hoạt động quân sự nhường bước cho hoạt động văn hóa, văn vần nhường bước cho văn xuôi, cổ động cho chữ quốc ngữ, đả phá chữ Nôm và chữ Hán, phổ biến sở đắc văn hóa và văn học Pháp, bằng cách dịch các sách hay của họ, đối chiếu hai nền văn hóa và văn học Đông Tây. Có nghĩa là Đông Dương tạp chí đã làm xoay chiều văn học, đã đưa cái mới vào văn học, làm cho hai thế hệ trước và sau khác hẳn nhau. Mà người lãnh đạo nó, linh hồn của nó chính là Nguyễn Văn Vĩnh” (2, tr.186-187). Phạm Thế Ngũ nhìn nhận dưới góc độ khách quan hơn, khi cho rằng, đối với “những người Pháp đứng đàng sau tờ Đông Dương tạp chí, thì mục tiêu chính trị là quan yếu nhất. Còn đối với những người Việt Nam cộng tác, đứng đầu là ông Nguyễn Văn Vĩnh, hẳn các ông cũng muốn lợi dụng báo để làm nơi tuyên truyền cho việc duy tân đất nước và xây dựng văn học mới…” (tr.109). Giai đoạn 1932 - 1945, theo Phạm Thế Ngũ là giai đoạn phát triển hưng thịnh của văn học hiện đại, với sự phát triển của tiểu thuyết, thơ và văn học kịch (mà ông gọi là thoại kịch, tức là kịch nói), với một đội ngũ đông đảo dựng nên văn đoàn Tự Lực, những nhà tiểu thuyết hiện thực của nhóm Tân Dân và “một cuộc cách mạng” trong thơ được mệnh danh là “phong trào thơ mới”… Thời đại “khổng lồ” xuất hiện những tên tuổi thành danh sống mãi với nền văn học nước nhà, đông đảo chưa từng có trong lịch sử văn học dân tộc trước đó, đã trở thành đối tượng của nhiều công trình nghiên cứu trước đó, đã được Phạm Thế Ngũ, tuy chỉ “giản ước tân biên” nhưng chỉ ra được những vấn đề căn cốt của một thời đại hưng thịnh của văn chương nước nhà trong quá trình hiện đại hóa.
Sau hơn nửa thế kỷ, với sự phát triển của tư duy văn học sử và quá trình hội nhập với thế giới, nhìn lại những gì mà Phạm Thế Ngũ đã luận giải trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên không phải là không có những hạn chế (ví như văn học truyền khẩu chỉ có ba thể loại, ví như vai trò của các tiểu thuyết Song Tinh Bất Dạ, Nam triều công nghiệp diễn chí, Hoàng Lê nhất thống chí, Truyện thầy Lazaro Phiền, ví như việc phân kỳ văn học hiện đại bắt đầu từ 1862 hoặc việc sử dụng ngôn từ còn chưa trong sáng, hiện đại…), nhưng đó là những hạn chế mang tính lịch sử. Những gì ông làm được là thật sự lớn lao, vượt qua cái nóc của thời đại mình, vượt qua những sàng lọc lạnh lùng của thời gian, tạo nên một “tập đại thành” cho tiến trình lịch sử văn học dân tộc. Tuy ông khiêm tốn nói rằng, chỉ là sự “giản ước” nhưng thật ra rất đầy đủ, chỉ là việc “tân biên” nhưng đã đi theo một lối khác, không hề lặp lại với người đi trước và để lại cơ sở cho người sau kế thừa. Hầu hết những luận cứ, luận điểm ông đề ra và trình bày một cách minh bạch, cho đến nay vẫn còn chuẩn xác. Công trình của ông, vì vậy vẫn còn sức vẫy gọi nhiều thế hệ người đọc, những ai quan tâm đến lịch sử văn học nước nhà. Những gì ông chưa làm được, đang trĩu nặng trên vai những thế hệ sau, cần có nhiều người tiếp tục “tân biên”. Cái còn lại ấn tượng hơn ở ông, ấy chính là con người - một nhân cách trí thức, một nhà giáo mẫu mực, một nhà văn hóa mà trí tuệ uyên thâm phần lớn thông qua con đường tự học và một nhà khoa học cần mẫn và đam mê, sống có chủ kiến và biết chọn con đường để bảo vệ và thực hiện chủ kiến của mình, đúng như câu đối ông viết cuối đời như là một sự “tự tổng kết” bằng cái vẫy tay ung dung, thanh thản đi vào cõi thiên thu: “Thế sự bách niên, mọi mối tơ vương bay đi cùng mây gió/ Văn chương thiên cổ, một mảnh hồn thơm ở lại với trăng sao”.
P.P.U.C- P.P.P
(TCSH331/09-2016)