Tác giả-tác phẩm
Chiều “Du Tử Lê và bằng hữu”: Cảm xúc trong không gian như dồn ứ lại
08:45 | 11/11/2016

NHƯ MÂY

Chiều 14/8/2016 không gian thơ nhạc bỗng trải rộng vô cùng ở Huế. Hàng trăm độc giả mến mộ thơ Du Tử Lê và bạn bè văn nghệ sĩ từ các tỉnh Kiên Giang, Đắk Lắk, Quảng Nam, Quảng Trị, Đà Nẵng, Hà Nội đã về bên sông Hương cùng hội ngộ với nhà thơ Du Tử Lê.

Chiều “Du Tử Lê và bằng hữu”: Cảm xúc trong không gian như dồn ứ lại
Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc tặng hoa cho nhà thơ Du Tử Lê. (Ảnh Nguyễn Ngọc Hạnh)

Cuộc giao lưu “Du Tử Lê và bằng hữu” ngập tràn cảm xúc này do Tạp chí Sông Hương, Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế tổ chức, kết nối những tâm hồn thơ Việt ở hai bờ Thái Bình Dương.

Nhiều thế hệ yêu thơ đã có mặt trong khán phòng Cà phê sách Phương Nam để được nghe lại những bài thơ, những ca khúc phổ nhạc từ thơ Du Tử Lê; được nghe nhà thơ nói chuyện thơ, nghe “chàng rể Huế” kể chuyện tình với Huế…

Nhà thơ Du Tử Lê sinh năm 1942, làm thơ từ năm 1953 và đã có thơ in trên các báo thời đó ở Hà Nội. Bút hiệu Du Tử Lê được dùng chính thức từ năm 1958 trên tạp chí Mai. Ông đã xuất bản trên 70 tác phẩm, trong đó các năm 2014, 2015 tập thơ “Giỏ hoa thời mới lớn” và tập Tùy bút chọn lọc của Du Tử Lê đã xuất bản ở Việt Nam. Từ năm 1981 đến nay, ông có nhiều buổi thuyết trình tại các trường đại học ở Mỹ, Pháp, Đức, Úc… Những năm 1990 về sau, thơ ông được một số đại học nước ngoài dùng để giảng dạy cho sinh viên. Du Tử Lê là một trong 6 nhà thơ Việt Nam thuộc thế kỷ 20 có thơ được chọn in trong tuyển tập “Thi ca Thế giới từ thượng cổ tới hôm nay” (World Poetry - An Anthology of Verse from Antiquyty to Our Time” do nhà xuất bản W.W Norton New York ấn hành năm 1998)... Ngoài ra, nhà thơ tài danh này còn vẽ tranh, chỉ riêng năm 2012 ông đã có 4 cuộc triển lãm cá nhân tại Houstan, Seattle, Virginia, Atlanta (Mỹ).
 

Đông đảo công chúng đến với cuộc giao lưu. (Ảnh Bảo Hòa)
Nhà thơ Du Tử Lê ký tặng sách cho người hâm mộ
Ca sĩ Dạ Thảo say đắm thể hiện bài Khúc thụy du. (Ảnh Bảo Hòa)

Buổi giao lưu bắt đầu. Một số tác phẩm tiêu biểu như Khúc Thụy Du, Quê hương là người đó, Trên ngọn tình sầu… do các nhạc sĩ Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Từ Công Phụng phổ nhạc và bài thơ Ai nhớ ngàn năm một ngón tay được cất lên đầy xúc động qua những giọng ca của các ca sĩ Dạ Thảo, Hữu Quang, Minh Tùng. Thơ Du Tử Lê được phổ nhạc rất nhiều, các nhạc sĩ danh tiếng như Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Từ Công Phụng, Đăng Khánh, Trần Duy Đức, Khang Thụy… đều có những ca khúc phổ thơ Du Tử Lê. Trong đó “Khúc Thụy Du” do nhạc sĩ Anh Bằng phổ thơ Du Tử Lê được xem là một trong những bản tình ca hay nhất.

Gần như mang một mối cảm xúc dâng tràn, ca sĩ Dạ Thảo đã thể hiện rất hay chiều sâu thẳm của các ca khúc, đặc biệt là “Khúc Thụy Du”… Như thể Dạ Thảo không chỉ hát, mà đang là người trong cuộc kể lại câu chuyện tình Thụy Du. Điều đó đã làm cho công chúng liên tưởng đến những bài thơ tình của Du Tử Lê. Trong hàng trăm bài thơ của ông, thơ tình vẫn trội hơn cả như thể đó chính máu huyết nhà thơ, với nỗi say đắm tận cùng… Nhiều khi, tình yêu đã vượt qua câu chuyện riêng tư, để trở thành câu chuyện của quê hương…

Phần giao lưu thật sự đã đem lại cho công chúng nhiều cảm xúc. 40 năm mới gặp lại bạn thơ cùng thế hệ, nhà văn Bửu Ý không khỏi ngỡ ngàng: “Đây là một cuộc gặp gỡ sang trọng, trong một không gian sang trọng. Một không gian không phải sang trọng vì có những thứ đắt tiền, mà ở chỗ trong không gian này đang ngưng lại, dồn lại biết bao kỷ niệm. Sang trọng bởi có những người yêu văn chương cùng ngồi lại. Một không gian mà tôi được gặp lại những người làm văn nghệ của một thời chỉ hùng hục viết, hùng hục gặp gỡ mà không thấy khổ, dẫu có lúc cơm cũng không có ăn”. Gần như thời gian suốt mấy mươi năm được dồn nén lại trong nỗi xúc động của nhà văn Bửu Ý, và người ta nhận ra cảm xúc cũng đang dâng lên trong mắt người bạn Du Tử Lê: “Gặp nhà thơ Du Tử Lê cười với tôi một cái thì tôi thấy lạ, bởi nụ cười này rất quen, mình gặp cách đây 40 năm rồi mà, giờ mới gặp lại. Cười với nụ cười thân quen khiến bao nhiêu thời gian, bao nhiêu không gian như xóa nhòa. Gặp lại Du Tử Lê không chỉ gặp lại Du Tử Lê đâu, gặp lại Du Tử Lê là gặp lại bao nhiêu thời gian dồn ứ lại, gặp lại không biết bao nhiêu con người thông qua hình bóng của anh. Tôi cứ nghĩ rằng chúng tôi tưởng chừng như không thể gặp nhau...”.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng đã từ Hà Nội về Huế tham dự cuộc giao lưu, nhà thơ kể lại nhiều kỷ niệm giữa anh và Du Tử Lê, trong đó có chuyện hai nhà thơ gặp nhau lần đầu ở Huế. Và anh chia sẻ: “Thơ Du Tử Lê mãi mãi trẻ, trẻ từ khi anh mới bắt đầu làm thơ cho đến tận bây giờ. Anh luôn giữ được sự ngạc nhiên trong con người mình, tâm hồn anh không khi nào già đi và anh cứ viết, viết mãi…”.

Nhà nghiên cứu văn học Bửu Nam phát biểu khá dài, phân tích cái hay, những cách tân trong thơ Du Tử Lê, đặc biệt nhấn mạnh đến một kỹ thuật chấm, phết, gạch chéo cắt lìa nghĩa chữ, xô dạt thành những lớp nghĩa khác nhau, khiến không gian thơ Du Tử Lê luôn mới lạ. Nhà nghiên cứu Bửu Nam chia sẻ: “Sự nghiệp thơ ca của Du Tử Lê bắt đầu từ năm 16 tuổi cho đến nay đã 74 tuổi, với 56 năm đi đến tận cùng những nỗ lực của thi ca, thơ Du Tử Lê cũng gần như đi đến tận cùng với những triết lý sâu sắc của cuộc đời. Nhân cuộc giao lưu này, tôi cũng mong muốn nhiều nghệ sĩ phương xa trở về với Huế hơn nữa để bạn bè và người yêu văn nghệ có thể giao lưu gặp gỡ nhau nhiều hơn”.

Nhà thơ Du Tử Lê đang sống và sáng tác tại miền nam California (Mỹ). Cuộc hội ngộ này là cơ hội hiếm hoi của bạn đọc yêu thơ ông và để nhà thơ có dịp trở về quá khứ đong đầy kỷ niệm. Trước nhiều câu hỏi tò mò về những nàng thơ đi qua cuộc đời, nhà thơ Du Tử Lê rất thực: “Tôi đã trải qua nhiều cuộc tình, rất nhiều khổ đau, rất nhiều đổ vỡ và tôi phải cảm ơn Huế vì đã cho tôi một người bạn đời, một người bạn đường không thể tuyệt vời hơn là vợ tôi… Phải nói thêm rằng, để làm thơ thì không phải ngồi đếm bao nhiêu nàng thơ, bao nhiêu cuộc tình mà phải tính bằng những khổ đau trong cuộc tình đó. Và khổ đau thì ai cũng muốn quên đi”.

Những khổ đau mà nhà thơ muốn quên lại là những điều khiến bạn đọc luôn nhớ mãi về ông. Đó là khổ đau sau những lần biệt ly với người yêu, với quê hương, phải đối diện với những giằng xé trước cái chết, trước bệnh tật…

Du Tử Lê bày tỏ, bên cạnh những tác phẩm được công nhận, ông cũng có những tác phẩm, những câu từ sáng tạo đang còn gây tranh cãi mà ông muốn nói để bạn đọc hiểu ông hơn. Do đó, ông đã dành thời gian giải thích ý nghĩa cách sử dụng từ, cách ngắt câu, cách tách từ để tạo nên những hiệu ứng thi ca mới.

Trong không gian ấm áp, câu chuyện tình giữa Du Tử Lê và chị Hạnh Tuyền, vợ của anh bây giờ, được khơi gợi. Năm 1972, ông về Huế tìm người đẹp Hạnh Tuyền đã thư từ qua lại với nhà thơ trước đó, bấy giờ đang là sinh viên năm 2 Đại học Sư phạm Huế. - “Huế lúc đó là một Cố đô quyến rũ, cảnh quan và sinh hoạt của dân chúng khác hẳn với những nơi trước đó tôi đến. Lần đầu gặp Hạnh Tuyền, nghe cô nữ sinh này nói chuyện với bạn gái mà cứ như nghe tiếng một đàn chim đang ríu rít” - Ông nhớ lại và nở nụ cười. Hồi đó ông theo Hạnh Tuyền về biển Thuận An và xúc cảm sáng tác bài thơ “Khi ở cửa Thuận An”. Yêu nhau 3 năm, sau đó ông định cư ở Mỹ, xa cách người yêu. Phải đến năm 1992 ông mới có thông tin về Hạnh Tuyền, ông lập tức bay về Việt Nam tìm chị. Ông theo Hạnh Tuyền ra Huế, và từ đó chính thức làm chàng rể xứ Huế. Sống với Hạnh Tuyền, ông có những bài thơ làm bằng giọng/tiếng Huế “đặc sệt”. Nhiều bài thơ của ông viết về Huế, không có nơi chốn địa chỉ, nhưng phảng phất một Huế âm trầm, da diết. Những bài thơ như “Dòng suối trăm năm”, “Đừng nữa nhé chia lìa” là cảm giác gắn kết Huế thường trực trong tâm khảm nhà thơ. Trong thời gian ông và Hạnh Tuyền xa nhau, ông hướng về tình yêu của mình với người đẹp Huế qua bài thơ “Quê hương là người đó” đã được Phạm Đình Chương phổ nhạc…

Chàng rể Huế Du Tử Lê cảm động: “Rất cảm ơn và tri ân các bằng hữu và người yêu thơ đã tổ chức cho tôi buổi gặp mặt hôm nay. Dù không sinh ra ở Huế, nhưng một nửa của tôi đã gắn bó với Huế. Trong những bài thơ tôi viết, Huế cũng chiếm phần nhiều, nhất là phương ngữ Huế cũng đã được tôi đưa vào thơ, như tri ân một vùng đất giàu tình nghĩa, đôn hậu và dịu dàng…”. Một bạn đọc đề nghị ông đọc một bài thơ ông đã viết bằng giọng Huế, Du Tử Lê cười hóm hỉnh: “Tôi chẳng thể thuộc thơ của bản thân mình, và nếu tôi đọc thơ của tôi bằng giọng Huế thì tôi rất xin lỗi, bởi nó sẽ chẳng là Huế nữa.”

Đối với Du Tử Lê, tiếng Huế là một ngôn ngữ thơ mộng và đẹp, nếu mang chữ vào trang giấy sẽ có sự réo rắt riêng của nó. Ngôn ngữ Huế rất phong phú và cần phải hiểu được âm ngữ của Huế bằng chính giọng Huế. Ông nói ông không chịu được khi thấy người ta giả giọng Huế. Đó là một ngôn ngữ sang trọng, không đùa được…

Hai MC của buổi giao lưu là hai nhà thơ Đông Hà, Lê Vĩnh Thái, cũng là hai Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Thừa Thiên Huế, đã dẫn dắt câu chuyện hết sức sinh động. Ngoài kia sông Hương êm đềm trôi, như bao nhiêu nước đã chảy qua cầu, như một ý trong phát biểu của Tổng biên tập Tạp chí Sông Hương - nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc: “Đây là buổi chiều hội ngộ đặc biệt mà chúng ta sẽ có cơ hội được gặp gỡ sau bao xa cách, có dịp cùng hồi nhớ lại những gì đã qua, đem lại cho nhau những cảm xúc nghệ thuật… Đây sẽ là một buổi chiều đáng nhớ”…

N.M
(SHSDB22/09-2016)





 

Các bài mới
Các bài đã đăng