Dồn dập trong ba tháng Tám, Chín, Mười vừa qua, tám trong loạt mười cuốn sách của nhà nghiên cứu về Lịch sử Việt Nam thời Tây Sơn Nguyễn Duy Chính liên tiếp ra đời (hai cuốn kia đã ra không lâu trước đó). Cuộc ra sách ồ ạt này cộng thêm việc tác giả về thăm quê hương đã thu hút sự chú ý của bạn đọc và các nhà nghiên cứu ở Việt Nam.
Tại TP Hồ Chí Minh, tác giả đã có buổi giao lưu với bạn đọc tại Thư viện Khoa học tổng hợp ngày 25/10 do các TS Sử học Nguyễn Thị Hậu, Trần Đức Anh Sơn dẫn chuyện. Tại Hà Nội, các GS, PGS Sử học Phan Huy Lê, Tạ Ngọc Liễn, các TS Trần trọng Dương, Nguyễn Tô Lan… đã vui mừng chào đón nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính tại buổi gặp mặt do NXB Hà Nội tổ chức ngày 26/10. Từ ngày 2-4/11, tác giả đã giao lưu với các nhà nghiên cứu và bạn đọc Huế.
Do một lượng sách lớn, căn bản về một chủ đề, lại ra dồn dập trong một thời gian ngắn nên bài viết này của chúng tôi có mục đích giới thiệu sơ lược về loạt sách nhằm giúp bạn đọc có thể đọc sách hiệu quả hơn.
Nhưng trước hết, nhà nghiên cứu Nguyễn Duy Chính là ai?
Ông sinh năm 1948 tại Sơn Tây, đi Nam cùng gia đình năm 1954, cựu học sinh Chu Văn An Sài Gòn, cựu sinh viên Quốc gia Hành chánh Sài Gòn, rời khỏi Việt Nam năm 1979, Tiến sĩ Quản trị kinh doanh Hoa Kỳ, hiện sống và làm việc tại California.
Cho tới nay, các thành viên của diễn đàn Việt Kiếm (vietkiem.com) vẫn không thể quên được cái tên Nguyễn Duy Chính, không chỉ như một dịch giả xuất sắc hầu hết các tác phẩm của đệ nhất tác gia kiếm hiệp Kim Dung, mà còn là tác giả của những bài viết hay về văn hóa Trung Hoa; và những thành tựu dịch thuật, nghiên cứu này đã bước vào… sách: Đọc Kim Dung – Tìm hiểu văn hóa Trung Quốc (NXB Trẻ, 2002), Lý thuyết quân sự Trung Hoa (dịch, NXB CAND, 2004).
Nhưng từ giai đoạn 2002-2003 tới nay, Nguyễn Duy Chính chuyển sang nghiên cứu Sử Việt, cụ thể hơn là Lịch sử Việt Nam thời Tây Sơn.
Nguyễn Duy Chính vào cuộc với cả một đời yêu sách, với trí tuệ và phương pháp nghiên cứu đúng đắn, với nhiệt tâm và cần cù. Ông kể, “cách đây gần 30 năm, khi vừa đặt chân lên đất Mỹ, kiếm được những đồng tiền đầu tiên, người viết đã đặt mua trả góp ngay một bộ Encyclopædia Britannica, thuở ấy với giá hơn 2.000 US$, bằng tiền mua một chiếc xe cũ còn tốt.”
Để nghiên cứu có kết quả, ông chuẩn bị tư liệu rất tốt, không kể những gì có thể khai thác từ Internet, ông tìm và mua bằng được những sách quí có liên quan từ Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản; ông tìm đến tư liệu của các đại học danh tiếng ở Mỹ, bạn bè ở Pháp; những tư liệu Hán Nôm trong nước, đặc biệt là từ Viện nghiên cứu Hán Nôm.
Kết quả nghiên cứu của ông được công bố liên tục trên Internet và các tạp chí trong nước (Nghiên cứu & Phát triển của Sở KH&CN TT-Huế, Xưa & Nay…). Ông công bố, sửa chữa và lại công bố, nhiều lần. Có thể nói rằng, về căn bản, các cuốn sách đã xuất bản đều có thể tìm trên Internet. Phần rất mạnh của Nguyễn Duy Chính là ông đã tìm và sử dụng được nhiều tài liệu mới công bố từ nguồn nhà Thanh (Trung Quốc), làm thay đổi hẳn nhiều nhận định sử học từ trước tới nay.
Bảng dưới đây là 10 cuốn sách của Nguyễn Duy Chính xuất bản trong vòng một năm vừa qua, tập trung chính vào mảng Lịch sử Việt Nam thời Tây Sơn. Chúng tôi xin giới thiệu nội dung vắn tắt của số sách này.
STT |
Thể loại |
Tên sách |
Nơi xuất bản |
Số trang |
1 |
Khảo cứu |
Việt – Thanh chiến dịch |
Văn hóa-Văn nghệ TP HCM
|
544 |
2 |
Thanh – Việt nghị hòa |
388 |
||
3 |
Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận” – Có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không? |
236 |
||
4 |
Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần Khánh thọ của Thanh Cao Tông |
484 |
||
5 |
Lê mạt sự ký – Sự suy tàn của triều Lê cuối thế kỷ XVIII |
Dân Trí Books và Khoa học xã hội |
408 |
|
6 |
Tư liệu |
Khâm định An Nam Kỷ lược |
Hà Nội |
1.080 |
7 |
Đại Việt quốc thư |
Văn hóa-Văn nghệ TP HCM |
408 |
|
8 |
Đàng Trong thời chúa Nguyễn |
Phương Nam Books và Hội Nhà văn
|
224 |
|
9 |
Tiểu luận |
Núi xanh nay vẫn đó |
Văn hóa-Văn nghệ TP HCM
|
600 |
10 |
Vó ngựa và cánh cung |
516 |
||
Tổng số trang |
4.888 |
Trước nhất là sách khảo cứu.
Đây là phần nghiên cứu quan trọng nhất của tác giả, có thể tạm gọi là version 1 của bộ Lịch sử Tây Sơn gồm hai tập Thượng và Hạ sẽ ra đời trong tương lai gần.
Các sách Việt – Thanh chiến dịch và Thanh – Việt nghị hòa mà tên sách đã chỉ rõ ra hai giai đoạn: chiến và hòa. Với gần 950 trang in, ta có thể biết rõ ràng và gần chính xác hơn số quân Thanh tiến đánh nước ta (khoảng 33 ngàn người không kể khoảng 74 ngàn dân phu) và chết trận (gần 12 ngàn người). Thanh - Việt nghị hòa còn có tới 270 trang phụ lục với sáu chuyên đề, hoặc mô tả tỉ mỉ “Tổ chức hành chánh và quân sự của nhà Thanh” hoặc thông tin mới lạ “Sự tham dự của hải phỉ trong chiến thắng Kỷ Dậu” (giải thích vì sao quân Tây Sơn có nhiều Đô đốc?) hay “Tượng binh và chiến thắng Kỷ Dậu” (phép dùng tượng binh học được từ quân đội các nước Nam Á)…
Cuốn sách có cái tên dài nhất trong loạt sách, Giở lại một nghi án lịch sử “Giả vương nhập cận”– Có thực người sang Trung Hoa là vua Quang Trung giả hay không? đã đưa ra và chứng minh giả thuyết táo bạo nhất của tác giả: lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, đã có một vị vua “Bắc du” gần một năm trời, đến tận kinh đô Trung Hoa, nước bảo hộ và cũng là kẻ thù ngàn năm của các nhà nước phong kiến Việt Nam. Chúng ta chờ xem bộ Quốc sử viết ra sao về việc này. Cùng cặp với Giở lại một nghi án… là cuốn Phái đoàn Đại Việt và lễ Bát tuần Khánh thọ của Thanh Cao Tông– phái đoàn dĩ nhiên là do Nguyễn Quang Bình (vua Quang Trung) cầm đầu, đã thực hiện một chuyến đi vô tiền khoáng hậu và giành được những thành quả rất to lớn về chính trị và ngoại giao đối với triều đình Tây Sơn, mà theo tác giả, còn lớn hơn cả chiến thắng Kỷ Dậu.
Với sách Lê mạt sự ký – Sự suy tàn của triều Lê cuối thế kỷ XVIII, phần khảo cứu còn cung cấp cho ta ba chân dung của những người thuộc về “những góc tối của xã hội trong một giai đoạn đầy sóng gió, nhiễu nhương”:
- Lê Duy Kỳ (1766-1793): Đáng thương hay đáng trách.
- Liệt Phi Nguyễn Thị Kim (1765-1804): Người đàn bà bất hạnh.
- Lê Quýnh (1750-1805): Tôi trung thời Lê Mạt.
Phần tiếp theo là sách tư liệu.
Đứng đầu trong số này là sách Khâm định An Nam Kỷ lược (dịch). Đây “… là dạng tài liệu tham mưu của triều đình dành riêng cho hoàng đế và đại thần trong Quân cơ Xứ [nhà Thanh] tham khảo để rút kinh nghiệm về những chính sách lớn của quốc gia, thường được soạn thảo sau những chiến dịch lớn” và sách mới chỉ được “giải mật” vào nửa cuối thế kỷ XX.” Chính vì vậy, nó là một nguồn sử liệu rất quí, cho ta những tư liệu chưa từng biết. Khâm định… gồm 378 tài liệu (chiếu biểu, tấu thư, hịch văn… giữa vua Càn Long và quan chức các tỉnh liên quan và nước ta). Đối ứng với Khâm định… có Đại Việt quốc thư (sách dịch, kèm bản gốc) là hồ sơ quốc thư trao đổi Việt-Thanh trong quá trình nhà Thanh phong vương cho vua Quang Trung và phái đoàn Quang Trung đi Trung Hoa; và nghi thức đón tiếp cung đốn sứ thần nhà Thanh. Bản dịch đầu tiên của Đại Việt… xuất bản năm 1967 tại Sài Gòn. Nhờ nguồn thông tin phong phú và mới công bố của thời Thanh, độc giả đã có thêm một bản dịch với những kiến giải mới.
Về tư liệu liên quan tới thời kỳ này, trong sách Đàng Trong thời chúa Nguyễn (dịch) còn cung cấp cho ta bốn tài liệu gốc kèm theo khảo cứu. Dịch giả đã phê bình sử liệu kỹ lưỡng ngõ hầu giúp ích cho những người sử dụng sử liệu sau này:
- Quân doanh kỷ lược (Trần Nguyên Nhiếp): Nhật ký hành quân của một võ quan trung cấp nhà Thanh trong trận chiến Kỷ Dậu 1789.
- An Nam đáng: Tập hợp các văn thư giao thiệp giữa nhà Thanh và Tây Sơn trong tám năm cuối Càn Long, đầu Gia Khánh (6/1788 – 12/1796).
- Thánh võ ký (Ngụy Nguyên, trong sách Càn Long chinh phủ An Nam ký): sách sưu tầm và ghi chép việc “Càn Long chinh phục và vỗ về nước An Nam”.
- Chinh An Nam kỷ lược (Sư Phạm): ghi chép của một võ quan nhỏ (?) thuộc cánh quân Vân-Quí trong trận Kỷ Dậu.
Phần cuối cùng là các tiểu luận tập trung trong hai cuốn sách: Núi xanh nay vẫn đó (13 tiểu luận lịch sử) và Vó ngựa và cánh cung (19 tiểu luận văn hóa).
Phải nói rằng, tất cả các tiểu luận lịch sử trong Núi xanh... – trừ tiểu luận mà cuốn sách mang tên viết về lịch sử Champa, một quốc gia hùng mạnh, nay nằm trọn trong lãnh thổ Việt Nam – đều đề cập đến Lịch sử Việt Nam thời Tây Sơn. Còn trong Vó ngựa và cánh cung, ít nhất có ba tiểu luận mà chúng tôi lạm nghĩ rằng, chắc sách Việt – Thanh chiến dịch đã dày quá nên phải bỏ qua đây (?): Tặng phẩm ngoại giao của Thanh triều, Văn thư đời Thanh và Quan niệm về biển cả của Trung Hoa dưới hai triều Minh – Thanh. Còn các tiểu luận khác thuộc đủ mọi lĩnh vực mà chỉ ghi đơn giản là văn hóa cũng khó tưởng tượng. Nếu không tưởng tượng được, hi vọng các bạn sẽ đi mua sách để đọc.
***
Việc giới thiệu sơ lược loạt sách cho phép chúng tôi hình dung đại lược các bước trên con đường 15 năm đi tìm mảng “khuyết sử” Tây Sơn như tác giả vẫn thường viết, gồm: Dịch tư liệu, viết tiểu luận và khi các tiểu luận đã đủ lấp đầy đề cương thì bắt tay vào viết chuyên khảo. Có lẽ không giống như các tác giả khác, Nguyễn Duy Chính đã cho chúng ta (trước hết là đưa lên Internet) tất cả các hình loại sản phẩm ở dạng hoàn chỉnh: dịch phẩm, tiểu luận và chuyên khảo. Những lúc giải trí, ông cũng giải trí bằng… tiểu luận.
Dù chỉ trong vài tháng, bốn NXB cho ra đời tới tám cuốn sách, nhưng sách của Nguyễn Duy Chính được làm khá khoa học và đồng bộ, ngoài ba cuốn tiểu luận, các sách còn lại (trừ cuốn Việt – Thanh chiến dịch đều có index. Nguồn sách tham khảo rất phong phú. Bên cạnh đó, tác giả rất chú trọng dùng hình (từ sách gốc) để minh họa khiến cho sách thêm bắt mắt. Thậm chí, tác giả còn xây dựng nhiều biểu rất chi tiết giúp cho các nhà nghiên cứu đỡ nhiều công khi phải dùng tư liệu (ví dụ: trong sách Lê mạt sự ký, tác giả cung cấp thêm cả Bản thống kê số văn kiện trong Thanh Thực lục liên quan tới nước ta thời Tây Sơn 1788-1800).
Nguyễn Duy Chính từng viết, như sau:
“… Mỗi đầu năm, dù ở đâu đâu, dù tôn giáo nào con người cũng nghĩ về tương lai như một niềm hi vọng mới. Người Mỹ có thói quen cuối năm viết lên giấy một resolution – một dự tính và quyết tâm sẽ làm cho năm sắp tới.
Đã lâu nay tôi cũng hay hoạch định một chương trình để cố làm trong một năm và sau mười hai tháng kiểm điểm lại xem mình đã làm được những gì và chưa làm được những gì.
1/ Năm ngoái [2002] việc chủ yếu của tôi là dịch TLBB [Thiên Long bát bộ]. Nhớ lại đầu năm Dương Lịch tôi đang dịch dở dang chương 18, đến hôm nay Tết Quí Mùi đã đến chương 43, tổng cộng 25 chương coi như cái chỉ tiêu 2 tuần một chương tạm ổn. Nếu tính trung bình 40 trang một chương thì như vậy cũng tròm trèm 1.000 trang giấy, dù chỉ là dịch nhưng cũng không đến nỗi… mất mùa. Vả lại với công việc 9 tiếng một ngày và một tiểu gia đình phải trông nom, thời giờ làm việc chỉ giới hạn vào sau bữa cơm chiều và những ngày cuối tuần, thành quả đó cũng tạm ổn.
Ngoài ra tôi cũng viết được hai biên khảo là Bùi Viện và cuộc cải cách hải quân và Vó Ngựa và Cánh Cung, cùng một số biên khảo khác chưa hoàn toàn đầy dủ như Hoạn Quan, Cờ Vây…”
(Nguyễn Duy Chính, Nhìn lại một năm, Đầu Xuân Quí Mùi 2003).
Đó là Sách và Con người Nguyễn Duy Chính.
Nguồn: Nguyễn Bá Dũng - Tia Sáng