Tác giả-tác phẩm
Tâm cảm Ngô Thì Nhậm khi viết bài thơ "Cảm hoài"
09:28 | 30/03/2017

TRẦN VIẾT ĐIỀN

Ngô Thì Nhậm viết bài thơ Cảm hoài cách đây 223 năm, nhân đi sứ báo tang Tiên hoàng Quang Trung băng hà và cầu phong An Nam quốc vương cho vua Cảnh Thịnh.

Tâm cảm Ngô Thì Nhậm khi viết bài thơ "Cảm hoài"
Tượng thờ Ngô Thì Nhậm trong Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (Bảo tàng Quang Trung, Bình Định) - Ảnh: wiki

Tác giả không ngờ bài thơ và phần nguyên chú của mình trở thành một thông tin lịch sử quí hiếm trong công cuộc tìm kiếm nơi nguyên táng của vua Quang Trung hiện nay. Thế thì việc nghiên cứu văn bản, hoàn cảnh sáng tác và tâm cảm của Ngô Thì Nhậm qua bài thơ Cảm hoài là yêu cầu bức thiết, nhằm xem xét thông tin do bài thơ, đúng hơn là phần nguyên chú, có đủ độ tin cao, xứng với đánh giá nêu trên hay không. Trước khi trình bày cách tiếp cận vấn đề, chúng tôi tổng quan những ý kiến, nhận định, cảm thụ bài thơ Cảm hoài của một số nhà nghiên cứu trong vòng 30 năm qua.

Tổng quan những phần phiên âm, dịch nghĩa phần nguyên chú của bài thơ Cảm Hoài của tác giả Ngô Thì Nhậm

 Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Đính vào năm 1986, hoàn thành công trình khảo cứu công phu, khoa học, đánh máy chữ có tên “LĂNG VUA QUANG TRUNG Ở ĐÂU? LĂNG BA VÀNH Ở CƯ CHÁNH HUẾ CÓ PHẢI LĂNG VUA QUANG TRUNG KHÔNG?” Trong bài phụ khảo số 8 “Lăng vua Quang Trung có tên không?” của công trình vừa nêu, tác giả viết: “Ngô Thì Nhậm khi dùng bốn chữ “Đan Dương cung điện” cũng chỉ để nói đến lăng, vì vậy tác giả mới giải thích trong lời nguyên dẫn: “Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y Tiên hoàng ta”. Nói đến lăng nghe lạnh lẽo, để “Cung điện Đan Dương” nghe ấm áp, lại thêm sau “phụng chứa bảo y Tiên hoàng ta”. Một cách dùng ẩn dụ tài tình, tế nhị, đầy tình cảm, của nhà thơ Ngô Thời Nhậm!” (Tài liệu đã giới thiệu, tr. 129. 130).
 

Hai trang có chép phần chữ Hán và phiên âm, dịch nghĩa, dịch thơ bài Cảm hoài (thêm phần dịch một đoạn nguyên chú) của sách Tuyển tập thơ văn Ngô Thì Nhậm.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân lại cho rằng phần nguyên chú bài thơ cho biết thời vua Quang Trung có dựng cung điện Đan Dương ở kinh đô Phú Xuân để vua Quang Trung ở và làm việc. Do phủ Dương Xuân mất tích, mộ vua Quang Trung bị vua Gia Long quật phá rồi che giấu… khiến nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân nêu giả thiết triều Tây Sơn đã dựng cung điện Đan Dương trên nền cũ phủ Dương Xuân, để vua ở và làm việc. Khi nhà vua băng hà, để giữ bí mật triều Tây Sơn táng vua trong cung điện ấy. Vua Gia Long quật phá lăng mộ vua Quang Trung, che giấu mộ “ngụy Huệ” đành che giấu luôn phủ Dương Xuân. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân từng công bố ảnh chụp bản gốc chữ Hán bài thơ Cảm hoài trong tập Hoàng Hoa Đồ Phả (tr.12a và tr.12b), ký hiệu A.2871, Viện Hán Nôm 183 Đặng Tiến Đông, Hà Nội.
 

Tư liệu bản gốc chữ Hán bài thơ Cảm hoài trong tập Hoàng Hoa Đồ Phả (tr.12a và tr.12b), ký hiệu A.2871do NNC Nguyễn Đắc Xuân công bố.


Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã nhờ hai nhà nghiên cứu Hán Nôm của Huế là Vĩnh Cao và Lê Nguyễn Lưu, phiên âm và dịch phần nguyên chú (viết bằng chữ Hán thảo). Về cơ bản phần phiên âm cả hai nhà là không khác nhau lắm và phần dịch nghĩa cũng giống các nhà nghiên cứu Mai Quốc Liên, Ngô Linh Ngọc. Chỉ có một đoạn ngắn cuối cùng của nguyên chú thì phần phiên âm và dịch nghĩa có chỗ khác nhau:

Mai Quốc Liên và Ngô Linh Ngọc không phiên âm, chỉ dịch nghĩa:

Cung điện Đan Dương là sơn lăng phụng chứa bảo y Tiên hoàng ta, quan san xa cách lâu ngày không được trông coi, trông vời viên lăng không ngăn được tấm lòng một ngày bằng ba thu

Vĩnh Cao phiên âm và dịch nghĩa:

“Đan Dương cung điện phụng ngã Tiên hoàng tàng bảo y chi sơn, quan thành chiêu đệ chiêm phụng cửu khuê, vọng viên lăng bất cấm nguyệt tam thu chi tưởng dã” (Nên lăng tẩm chôn cất thân xác, theo lệnh Tiên hoàng nhà ta - tại điện Đan Dương, tuy thật xa xôi cách trở núi sông nhưng được mãi mãi ngóng nhìn, để không mất lòng tưởng nhớ).

Lê Nguyễn Lưu phiên âm và dịch nghĩa:

“Đan Dương cung điện phụng ngã Tiên hoàng tàng bảo y chi sơn, quan? thiều đệ chiêm phụng cửu khuê, vọng viên lăng bất? nguyệt tam thu chi tưởng dã”

(Cung điện Đan Dương là sơn lăng kính giữ bảo y của Tiên hoàng ta, núi sông xa cách, lâu chẳng trông nom, trông ngóng viên lăng, những tưởng chẳng khác gì một tháng dài như ba thu vậy).

Trong hội thảo khoa học Cung điện thời Tây Sơn ở Huế, tháng 10/2015, nhà nghiên cứu Võ Vinh Quang, trong bài tham luận “Bàn về tên gọi “Đan lăng”, dựa vào phép biền ngẫu thì “Đan Dương” trong bài Cảm hoài là danh từ chung chứ không phải danh từ riêng, danh xưng một cung điện. Còn nhà nghiên cứu Nguyễn Anh Huy thì cho rằng văn bản nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân sử dụng chưa có độ tin cao. Nhà nghiên cứu Trần Đại Vinh thì cùng quan điểm với cố Nguyễn Hữu Đính; rằng không có cung điện Đan Dương mà chỉ có lăng Đan Dương. Tác giả bài thơ gọi lăng vua Quang Trung là “cung điện” cho trang trọng, tôn kính.

Cách tiếp cận mới về nguyên chú của bài thơ Cảm hoài

* Bối cảnh lịch sử, dẫn đến tâm cảm sáng tác

Chúng tôi trở lại nghiên cứu hành trạng của tác giả Ngô Thì Nhậm, tâm cảm của họ Ngô khi viết bài thơ Cảm Hoài và xét lại phần phiên âm của nguyên chú, được chép bằng chữ Hán thảo.

Ngô Thì Nhậm (1746 - 1803) có tài văn võ, tuổi trẻ sớm phò chúa Trịnh Sâm, chưa kịp thi thố tài năng thì chúa băng hà, sớm xảy ra loạn kiêu binh 1782, họ Ngô phải về quê vợ Sơn Tây lánh nạn. Những ngày ẩn mình, họ Ngô biết tiếng vị anh hùng áo vải Tây Sơn Nguyễn Huệ từng thắng quân Lê-Trịnh ở Phú Xuân (1786), thắng quân Trịnh ở Bắc Hà, được vua Lê nhận làm con rể, diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, diệt Vũ Văn Nhậm (1788). Họ Ngô biết Nguyễn Huệ tin dùng Trần Văn Kỷ, nho sĩ Phú Xuân từng ra Thăng Long ứng thí và đỗ đạt, có gặp Ngô Thì Nhậm… Bởi vậy họ Ngô mong ngóng một ngày sớm được vị anh hùng dùng mình để không bỏ phí tài học và khát vọng “giúp vua dựng nước”. Lần ra Bắc 1788, qua Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm đã tri ngộ Bắc bình vương Nguyễn Huệ, sớm được Nguyễn Huệ tin dùng, phong tước Tinh phái hầu, chức Tả thị lang, cùng Võ Văn Ước, Ngô Văn Sở, Nguyễn Văn Dụng, Phan Văn Lân… lo ổn định Bắc Hà. Ngô Thì Nhậm lo việc cầu hiền, kêu gọi một số trí thức cấp tiến như Phan Huy Ích, Ninh Tốn, Đoàn Nguyễn Tuấn, Vũ Huy Tấn,… ra giúp nước. Để rồi họ Ngô đã góp phần không nhỏ trong đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu (1789) của Đại Việt, đứng đầu là Hoàng đế Quang Trung. Trong niềm vui chiến thắng, vua tôi như Quang Trung, Ngô Thì Nhậm, với tầm nhìn chiến lược, không thể không lo một “đại chiến dịch” khác trên mặt trận ngoại giao. Lúc bấy giờ Thái Đức Hoàng đế Nguyễn Nhạc và Hoàng đế Quang Trung đang lâm thế “nồi da xáo thịt” (1790), vua Quang Trung phải lo mặt trận phía Nam, chưa kể Nguyễn vương Nguyễn Phúc Ánh đang “đứng chân vững vàng” ở Gia Định, đang mưu đồ “phục quốc”. Bởi vậy, vua Quang Trung giao Ngô Thì Nhậm ở mặt trận phía Bắc, lo bang giao với triều Thanh đang ôm mối hận “hao binh tổn tướng” đầu xuân Kỷ Dậu, đủ khả năng mở một cuộc đại xâm lược để trả thù. Bởi vậy vua tôi không có thời giờ bên nhau trong một cung điện nào đó ở kinh thành Phú Xuân, một cách ung dung tự tại để uống trà, cầu tiên, xướng họa thi văn,… như sau này họ Ngô triều cận vua con Cảnh Thịnh năm 1796. Phần lớn thời gian sau chiến thắng 1789, vua ở Nam, tôi ở Bắc. Từ Thăng Long, Ngô Thời Nhậm cùng các cộng sự như Phan Huy Ích, Vũ Huy Tấn, Ngô Văn Sở,… lo việc bang giao và bản thân họ Ngô cũng ba lần lên biên giới, làm ngoại giao con thoi, đạo diễn cuộc thăm viếng lần đầu của đại diện Nguyễn Quang Hiển, được vua Càn Long ban cho vua Quang Trung chuỗi ngọc trai để làm tin (châu về Hợp Phố); chuyến thăm thứ hai đầy ấn tượng là đoàn 150 người, đứng đầu là An Nam quốc vương Nguyễn Huệ (giả) đã qua nước Thanh, yết kiến vua Càn Long đang ở hành cung Nhiệt Hà (Tỉ Thử sơn trang), thuộc xứ Liêu, bản bộ của nước Liêu ngày xưa. Cống vật nhiều thứ trân quí nhưng đặc biệt có hai con voi to đẹp. Vua Quang Trung (giả) đã làm lễ bảo tất, ôm gối đại hoàng đế Càn Long, để tỏ lòng qui phụng, thể hiện tình như “phụ tử”. Vua Càn Long rất cảm kích đã phóng bút ban cho An Nam quốc vương Nguyễn Huệ (giả) bốn đại tự 廾極 (Củng Cực Qui Thành); lại ban tặng một câu đối:




Phiên âm và dịch nghĩa:

Chúc bổ hiệu tôn thân, vinh sĩ đan thâm trì phất thế
Cận quang ưng sung tích, tài kê thanh sử vị tiền văn


(Chúc phúc tỏ lòng tôn thân, giữ mãi lòng son sâu sắc không bỏ mất,
Vào chầu nhận được sủng mệnh, xét kỹ sử xanh bao thuở chưa từng ghi).

Lại thêm vua Quang Trung (giả) được ban tặng một bài thơ, được họa chân dung oai phong lẫm liệt…

Năm 1791, Chính cung Hoàng hậu họ Phạm băng, vua Quang Trung cuồng đau; có khả năng Ngô Thì Nhậm vào kinh đô Phú Xuân, để cùng đồng liêu lo việc an táng Chính cung. Do công việc tối quan trọng ở Bắc hà, họ Ngô sớm trở lại Thăng Long. Không ngờ chỉ mới hơn một năm, Hoàng đế Quang Trung lại băng hà; tất nhiên Ngô Thì Nhậm lại vào kinh đô Phú Xuân, cùng với đại thần khác bàn bạc việc an táng tiên đế, sớm đưa Nguyễn Quang Toản lên ngôi. Về mặt bang giao với nước Thanh, làm sao vua con Cảnh Thịnh sớm được phong An nam quốc vương, thế thì triều Tây Sơn có Ngô Thì Nhậm bày ra kế nói lên “đan thâm”, lòng son sâu sắc, của tiên hoàng đối với đại hoàng đế Càn Long như Đại Nam liệt truyện chính biên chép: “Sai thị trung Đại học sĩ Ngô Nhậm, Hộ bộ tả đồng nghị là Nguyễn Viết Trực, Hộ bộ tả thị lang là Nguyễn Văn Thái, sang nước Thanh báo tang, nói dối là Huệ dặn sau khi chết rồi táng ở Tây Hồ Bắc thành, ngõ hầu được gần cửa nhà vua để nương tựa, vua nước Thanh tin lời, cho tên thụy là Trung Thuần, thân làm một bài thơ để viếng” (sđd, tr. 560).

* Thời điểm bài thơ ra đời, cùng tâm cảm tác giả

Mùa xuân năm Quí Sửu (1793), Nguyễn Quang Toản đăng quang, niên hiệu Cảnh Thịnh, táng tiên đế ở vùng đồi núi thuộc Nam sông Hương, vội làm một mộ giả ở Thăng Long, phía Tây Hồ. Vua Cảnh Thịnh cử Ngô Thì Nhậm đi sứ báo tang và cầu phong. Trong tờ sớ viết sẵn của Cảnh Thịnh, Phan Huy Ích chấp bút, có nói dối “Tiên hoàng dặn sau khi chết rồi táng ở Tây Hồ Bắc thành, ngõ hầu được gần cửa nhà vua để nương tựa”. Đoàn sứ giả khởi hành từ ngày 20 tháng 2, chỉ một tuần đã qua cửa ải vào ngày 27 tháng 2 và khoảng 20 tháng 3 thì đoàn đến huyện Thiên Giang, Quảng Tây. Vừa đến huyện này, đoàn sứ giả nhận chiếu thư chia buồn của vua Thanh, lại nhận chỉ dụ thúc giục đoàn phải sớm đến Yên Kinh trước khi vua Càn Long đến hành cung Nhiệt Hà ở xứ Liêu sống và làm việc. Trong tâm cảm ấy, Ngô Thì Nhậm viết bài thơ (Cảm hoài).

Mở đầu tác giả ca ngợi Hoàng đế Càn Long lấy lễ nghĩa làm khuôn phép cho các chư hầu. Bởi vậy nhà vua cảm thương nước ta đã lo triều cống đầy đủ cũng như sửa lỗi lầm năm Kỷ Dậu, tác giả hạ bút:

  (Thiên vương lễ nghĩa phạm hoàn khu).
  (Vị chẩn ngô bang chức cống tu).

Rất cảm kích nghĩa tình của nhà vua đối với Tiên hoàng khi đoàn sứ giả mới đến Thiên Giang thì từ Yên Kinh vua Thanh đã gửi chiếu thư đến đoàn sứ giả để chia buồn, lại thúc giục sứ giả sớm đến kinh đô Đại Thanh, tác giả bày tỏ niềm cảm xúc:

(Dao thụ long chương ly trắc ẩn).
(Cấp thôi trỉ dịch phất đình lưu).

Đoàn sứ giả đang ngậm đau thương (銜卹: hàm tuất), qua các huyện thành, các quan trấn nhậm cũng treo đèn kết hoa ở nhà khách, cũng mời mọc… đoàn sứ giả xin họ rộng tình tha thứ việc đoàn từ chối. Lại biết được chỉ dụ của nhà vua các nơi có đoàn sứ giả đi qua phải ngưng những cuộc vui chơi giải trí, để chia buồn nỗi tang tóc của Đại Việt, họ Ngô ca ngợi nước Thanh đã lấy văn hiến đối xử ưu ái với nước ta, nhất là các đại thần, thân vương nước Thanh đều không quên Tiên hoàng, tác giả gói ghém ý tình ấy trong cặp luận:

(Viễn tình bất đoạt dong hàm tuất).
(Đức ý vô tư thị cộng ưu).

Trong tâm cảm buồn đau vì Tiên hoàng qua đời quá sớm, qua nước Thanh, từ vua Càn Long cho đến các thân vương, các đại quan trấn nhậm các huyện thành đã chia buồn thành thực, tôn trọng Tiên hoàng, làm họ Ngô bội phàn cảm xúc. Đọc chiếu thư (của vua Càn Long) một cách nghiêm cẩn trong lòng vị sứ giả họ Ngô cảm xúc bội phần. Họ Ngô hạ bút:

(Trang tụng tỉ thư tăng cảm niệm).

Vị sứ giả Ngô Thì Nhậm, đang mang tờ sớ vừa báo tang vừa cầu phong, trong sớ có nội dung viết về Đan lăng, lăng Tiên hoàng Quang Trung, đã được vua Cảnh Thịnh tạo lập theo lời dặn của Tiên hoàng, táng ở Tây Hồ (Thăng Long) cho được gần Hoàng đế Càn Long. Một viên lăng như thế nhằm tỏ lòng son sắt thủy chung với thiên triều, không những của Tiên hoàng mà còn của vua Cảnh Thịnh nữa. Vua Càn Long, từng khen Tiên hoàng là có lòng trung son sắt và mong giữ mãi mãi tấm lòng ấy khi ban câu đối có cụm từ “Vinh sĩ đan thâm trì phất thế”. Câu tám của phần kết bài thơ phải tương xứng, phải đăng đối đúng thi pháp. Với “tỉ thư” ( ) là vật nhưng vật của vua Càn Long, mang “đức ý” của đại hoàng đế đang sống, cho nên “cung điện” (宮 殿) cũng là vật, là lăng vua, có vong vị Tiên hoàng ngự, đã thành thánh để đối với “tỉ thư”. “Trang tụng” ( ) là đọc một cách nghiêm cẩn “tỉ thư”, thế thì phải “đan dương” (丹 陽)cái “cung điện”, nghĩa là làm cho “cung điện” (lăng vua Quang Trung) biểu tỏ lòng trung son sắt (đối với thiên triều); cụ thể thay vì táng ở kinh đô Phú Xuân thì táng ở Thăng Long (dĩ nhiên là mộ giả). Động từ “tụng” () được đối bằng động từ “dương”(陽), trạng từ “trang” () được đối bằng trạng từ “đan” (丹). Trong tâm trạng ấy họ Ngô nghĩ đến lăng thật và lăng giả của Tiên hoàng, và trở nên “nóng lòng” khi thời gian đi sứ chỉ mới một tháng mà tưởng như là ba năm, tác giả sốt ruột vì mong diện kiến vua Càn Long, dâng sớ với nội dung nêu trên để vua Thanh sớm phong An Nam quốc vương cho vua Cảnh Thịnh. Trong tâm cảm ấy họ Ngô viết:

丹 陽 宮 殿 月 三 秋(Đan dương cung điện nguyệt tam thu).

* Cách tiếp cận đoạn nguyên chú bài thơ, tìm hiểu tại sao có cụm từ Đan Dương cung điện

Bởi câu tám quá cô đọng, có thể gây hiểu nhầm nên tác giả phải chú thích. Những nội dung của phần đầu nguyên chú thì khỏi bàn, vì đã thống nhất cao, chỉ có phần cuối thì phần phiên âm dịch nghĩa chưa giống nhau. Chúng tôi tra cứu chữ  trong văn bản, nếu được phiên là “chiêu” (,,) thì thiếu bộ “sước” (辵) hay phiên “thiều” () chưa hợp lý. Nên chăng phiên  là “Liêu” theo nghĩa “xứ Liêu”. Chữ “Liêu” (遼) theo tự điển Thiều Chửu:

- Xa thẳm, chỗ đất cách nhau rất xa gọi là liêu. Như liêu viễn  xa xôi, liêu khoát  bát ngát.

- Nhà Liêu , trước là giống Khiết Đan , ở xứ Nhiệt Hà. Tổ trước là Gia Luật Bảo Cơ , nhân lúc cuối đời nhà Tống  suy yếu mới nổi loạn, sau lấy được các xứ Đông Tam Tỉnh, Mông Cổ và phía bắc tỉnh Trực Lệ, tỉnh Sơn Tây, gọi là nước Liêu.
 

Tranh vẽ “Tị Thử sơn trang” (Hành cung Nhiệt Hà) ở xứ Liêu, nơi vua Càn Long ở và làm việc vào mùa hạ. Vua Quang Trung giả từng làm lễ “bảo tất” ở sơn trang này.

Chữ Hán thảo viết “Liêu”(遼) thành  như trong văn bản gốc. Còn chữ  phiên là “kì vọng” (期望) chưa hợp, nên chăng phiên là “kính vọng” (敬 望). Chữ  trong văn bản, Vĩnh Cao phiên là “thành” (城), Lê Nguyễn Lưu không phiên mà để dấu?, có khả năng Mai Quốc Liên phiên “san” (山), chúng tôi phiên “lăng” (淩) () (trải qua, vượt qua).

Vậy đoạn ngắn cuối cùng phần nguyên chú chúng tôi nhận dạng, phiên âm và dịch nghĩa như sau:

丹 陽 宮 殿: 奉 我 先 皇 藏 寶 衣 之山關遼 邈 瞻 奉 久 睽 敬 望 園 陵 不 噤月 三 秋之 想也 (Đan dương cung điện: Phụng ngã Tiên hoàng, tàng bảo y chi sơn, quan lăng Liêu đệ chiêm phụng cửu khuê. Kính vọng viên lăng bất cấm nguyệt tam thu chi tưởng dã). Dịch nghĩa: Đan dương cung điện: Vâng lời dặn của Tiên hoàng ta, táng tử cung ở lăng sao cho mãi mãi trông qua biên ải thấy xứ Liêu xa xôi mà như gần. Kính trông viên lăng nóng lòng những tưởng một tháng dài như ba thu vậy).


Thay lời kết

Khi làm bài thơ Cảm hoài, Ngô Thì Nhậm nghĩ đến Tiên hoàng, đang yên nghỉ ở mộ thật phía Nam sông Hương và mưu kế làm mộ giả Tiên đế ở Tây Hồ, Thăng Long. Vì thơ sáng tác trong thời gian đi sứ, tập trung nói, viết về mộ giả, làm sao chứng tỏ mộ giả biểu tỏ lòng “đan thâm” (trung trinh son sắt) của Tiên hoàng đối với vua Càn Long; với mục đích là cầu phong An Nam quốc vương cho vua mới đăng quang là Cảnh Thịnh Nguyễn Quang Toản. Có thể khẳng định, trong nội dung tờ sớ báo tang và cầu phong, triều Tây Sơn chỉ nói nhiều về mộ giả ở Tây Hồ, Thăng Long và đoàn sứ giả trong trao đổi với triều Thanh, sẽ hết sức cẩn thận; tránh nói về mộ thật ở Phú Xuân. Ở Phú Xuân có nhà Công quán, chắc chắn có người Thanh thường qua lại để chuẩn bị cho những việc bang giao giữa hai nước “cựu thù”, vì thế họ sẽ biết những cung điện, nơi vua Quang Trung ở, làm việc khi tiền thân mộ thật là cung điện ở gần dinh Thái sư (chùa Thiền Lâm). Nếu ở kinh đô từng có cung điện Đan Dương, sinh thời vua Quang Trung ở và làm việc, khi vua Quang Trung băng hà, do giữ bí mật, Tây Sơn táng nhà vua trong cung điện ấy (?) thì Ngô Thì Nhậm sẽ không bao giờ nhắc tên cung điện Đan Dương ấy, suốt quá trình đi sứ. Vì nhắc cung điện ấy, Ngô Thì Nhậm làm lộ bí mật quốc gia và tất nhiên Đại Việt mang tội khi quân. Phan Huy Ích ở kinh đô, phải chuẩn bị đón tiếp sứ bộ Đại Thanh qua phong vương. Tây Sơn thường yêu cầu thiên triều tổ chức lễ phong vương ở kinh đô Phú Xuân, vậy nhà công quán, nơi tiếp sứ bộ Thanh triều, phải ở xa cung điện vua Tây Sơn, phải xa dinh Thái sư,… Hơn nữa, trong thời gian đi sứ, lăng Tiên hoàng nếu có tên thì chỉ gọi Đan lăng, chưa gọi Đan Dương lăng, chữ Dương còn có nghĩa mặt trời, Đan Dương lăng là “lăng mặt trời đó” thì e rằng phái bộ Tây Sơn, đứng đầu là Ngô Thì Nhậm, sẽ mang tội “bất kính” đối với đại hoàng đế Càn Long. Vậy chắc chắn chữ “dương” (陽)trong bài Cảm hoài là một động từ để đối chỉnh với động từ “tụng” (敬). Kết quả chuyến đi sứ rất thành công; vua Càn Long cử ngay án sát Thành Lâm, mang lễ vật qua Thăng Long, đến mộ giả ở Tây Hồ, tuyên đọc chiếu phúng điếu và cho khắc đá bài thơ viếng Tiên hoàng Quang Trung trong đó có câu “膝下魂如 父子親” (Tất hạ hồn như phụ tử thân) (Vong vị từng dưới gối thân tình như cha con)/ 鄰其 忠 坤出中 (Lân kỳ trung khôn xuất trung chân) (Thương về lòng trung thuận từ đáy lòng tỏ ra). Sau khi triều Tây Sơn sụp đổ, Ngô Thì Hoàng, em ruột Ngô Thì Nhậm, vẫn còn sống thời vua Gia Long, khi hoài niệm về người anh hùng Nguyễn Huệ, đã viết bài thơ Vịnh sử có hai câu nhắc hai mộ của vua Quang Trung, mộ thật ở Nam sông Hương và mộ giả ở Tây Hồ:

 西湖 宮裏雲仍鎖 (Tây Hồ cung lý vân nhưng tỏa) (Trong lăng Tây Hồ vẫn còn giam mây)

琖 峰頭土未乾 (Ngọc Trản phong đầu thổ vị can) (Đầu cái bướu của núi Ngọc Trản đất còn chưa khô).

Câu trên chỉ mộ giả, từng được dựng bia, khắc thơ Càn Long ca ngợi Tiên hoàng Quang Trung. Câu dưới chỉ mộ vua Quang Trung nằm ở trên đầu khoảnh đất nhô ra trước núi Ngọc Trản, mới bị quật phá. Vậy không có cung điện Đan Dương do Tây Sơn xây dựng vào thời vua Quang Trung đóng đô ở Phú Xuân, trên nền móng cũ của phủ Dương Xuân, để vua ở, làm việc và sau khi vua Quang Trung băng hà, triều Tây Sơn táng vua trong cung điện ấy và gò Dương Xuân không phải là “Ngọc Trản phong” mà Ngô Thì Hoàng đã đề cập.
 

Lăng đá Linh Đàm, ở bán đảo giữa hồ Linh Đàm, phía Tây Nam kinh thành Thăng Long, như Hồ Tây thực ra ở Tây Bắc kinh thành Thăng Long, có chủ nhân là bà phi Nguyễn Thị Hoa Dung của chúa Trịnh Sâm. Theo nhà khảo cổ Tiến sĩ Nguyễn Lân Cường thì ngôi mộ này triều Cảnh Thịnh từng “mượn tạm” làm mộ giả của Tiên đế Quang Trung, đánh lừa triều Thanh. Lăng này từng bị kẻ trộm đào và các nhà khảo cổ đã tiến hành nghiên cứu năm 1989.

 

Ảnh chụp vệ tinh “Ngọc Trản phong” (khoảnh đất nhô ra từ núi Hòn Chén, như cái bướu (Phong, ) của núi Ngọc Trản, “cái bướu” là đồi núi Kim Sơn-Châu Chữ ngăn cách với “cái thân” là núi Ngọc Trản bằng vực sâu của sông Hương trước núi. Trên “Ngọc Trản phong” còn hai mộ lớn với chủ nhân giả, có đủ yếu tố lăng vua và hoàng hậu bị quật phá, có ấn chứng trị tội năm Nhâm Tuất (1802). Một địa chỉ mà các nhà khảo cổ học không thể bỏ qua, do người đời sau có những thao tác tinh vi nhằm che giấu chủ nhân thực của hai ngôi mộ.


T.V.Đ
(TCSH337/03-2017)



  


 

Các bài mới
Các bài đã đăng