TUỆ AN
Đọc “Ảo giác mù”, tập truyện ngắn của Tru Sa (Nxb. Hội Nhà văn, 2016)
Đọc hết 10 truyện ngắn của Tru Sa rồi mới gặp tác giả. Một chàng trai có gương mặt sáng láng, cặp mắt thông minh, nhạy cảm, nụ cười hiền khô, và cách nói chuyện tự nhiên, thoải mái về những gì mình nghĩ, mình biết. Mới được biết, mười truyện ngắn chỉ là một phần trong vô số những thứ mà chàng ta đã viết. Cũng lại ngạc nhiên vì chàng từng mới tốt nghiệp trường Viết văn Nguyễn Du. Và Tru Sa, cũng hoàn toàn tình cờ, là tác giả trẻ thứ ba, nảy ra từ ngôi trường này đã gây cho tôi sự chú ý (trước là Đàm Thùy Dương và Du Nguyên).
Truyện của Tru Sa đầy ám ảnh. “Ảo giác mù” là tên của cả tập, mặc dù không có truyện nào trong tập có tựa đề này theo cách các tác giả khác, đặt tên cho các tập truyện bằng tên của một truyện nào đó trong tập.
Văn chương của Tru Sa, đặc biệt ở chỗ, nó được viết ra từ những ảo giác, từ trí tưởng tượng. Không một truyện nào kể theo lối truyền thống, trên nền một cốt truyện, hoặc những truyện có một cốt cụ thể. Truyện của Tru Sa viết bằng ảo giác, và tràn ngập ảo giác.
Vì là ảo giác, nên nó cũng như hiện thực được nhìn bởi một kẻ mù lòa, mà tôi tin là một người mù không nhìn được bằng con mắt thường như người thường mà họ nhìn bằng linh giác, bằng con mắt thứ ba, bằng nơi sâu thắm nhất của vô thức. Vô thức ở nơi đó phát triển một cách rực rỡ.
Tất cả những truyện của Tru Sa đều viết về nỗi đau rất sâu của con người trong những kiếp nạn trần gian. Trong “Tự bạch”, tác giả viết: “Căn gác là chốn nương náu của tôi. Một lô cốt được rào cẩn mật như thành trì. Kẻ không nương náu đã có chốn nương náu”; “Đây là viên thuốc được luyện từ nỗi thống điên, cũng là viên thuốc chữa đau khổ bằng cơn đau đớn trút bỏ”; “Bút là kiếm, cũng là áo giáp và ngựa sắt. Giấy là ngựa sắt và áo giáp, cũng là khiên và kiếm. Tôi sẽ chém nát cái nắp màu trong đã phù mù bụi đen”…
Cái mà chàng chiến đấu, phải đập nát, phải phá vỡ… là gì vậy? Tất cả những không gian của “Ảo giác mù” thường rất nhỏ, rất chật, rất thiếu ánh sáng, thiếu khí trời. Không gian trong “Khởi đầu”, là một cái hang, ở đó người ta phải đeo những cái kính, nhìn mọi thứ qua lớp kính bảo vệ đó, khi chết ở trong tư thế chết treo (như những con dơi). Nhân vật tôi, phá bỏ, xé toang cái kính của mình, cho nó rơi tơi tả, và bay thẳng lên (khỏi hang) để đón nhận ánh sáng chói chang, rực rỡ của mặt trời).
“Bản âm” là cuộc chiến giữa tinh thần, sự hướng thượng với dục vọng bản năng, với sự tha hóa vô luân của đời sống. Tiếng gào của lũ mèo hoang, cơn mất ngủ, những cuộc làm tình của người anh trai với mọi hạng phụ nữ, sự sám hối và cái chết của người đàn ông lạ trên tầng nhà bỏ hoang. Và cái kết là sự ra đi như một cuộc đào thoát nhọc nhằn trên con đường là những mái nhà của nhân vật tôi.
Không gian trong “Tường sắt”, “Người gù”, trong “Suỵt”… chỉ là không gian trong một căn nhà, nhưng chạy dọc theo thời gian của nhiều thế hệ của một dòng. Là những tập tục, những thói quen, những chuẩn mực… thâm căn cố đế từ tổ tiên, cụ kỵ, ông bà, trong truyện của Tru Sa, nó trở thành ngục tù, giam hãm, đày đọa, bóp ngẹt tinh thần con người. Trong “Người gù”, nó còn là ngục tù của những cái được gọi là di sản, những thứ đã được phủ lên lớp bụi mù của thời gian. Những giá trị mà nó dường như chỉ còn là bụi, nhưng lại vẫn còn sức nặng vô hình đè nặng chúng ta.
Chiến đấu với những thứ này còn khó khăn, nhọc nhằn hơn cả những cuộc chiến tranh với bom đạn, những cuộc hủy diệt. Những cái đầu bị bẻ đi rồi lại mọc lên như những con zombie.
Kinh khủng nhất là trong cái không gian ngột ngạt, chật hẹp, thiếu không khí đó, con người để cái tôi của mình có chỗ nương náu, nó phải tạo ra một cái vỏ, một cái áo giáp khác, để che chở cho cái bên trong dễ thương tổn. Sự giả dối, tính hai mặt trong mỗi cá thể, trong những không gian đó, dần dà trở thành một thuộc tính của con người, thành lô cốt để họ có thể tự vệ.
Truyện “Tường sắt”, người mẹ, để bảo toàn cho mình và cho đứa con trai, đã suốt đời im lặng, không bao giờ giám nói cho bất cứ ai về cái chết bi thảm của chồng mình. Người ông quyền uy trong cái gia tộc dám giết cả con trai mình để bảo vệ xác tín của cá nhân ông ta, nhân danh một thứ giá trị mơ hồ nào đó của dòng họ, tổ tông.
“Kẻ bên ngoài” cũng là một truyện hay. Là một góc nhìn và lí giải khác về tính hai mặt của con người. Cái ác sinh ra đã ở sâu thẳm trong bản năng, là mặt kia trong cái thuộc tính hai mặt này. Kiểu như, có những người yêu nhau, không phải họ yêu kẻ kia vì kẻ kia, mà bới anh/cô ấy có những đặc điểm giống hoặc đối lập với mình.
Hoặc, người lương thiện ít khả năng nhìn thấy sự bất lương của kẻ khác hơn là chính những kẻ bất lương nhìn thấy nhau. Tính hai mặt chứa giấu, ẩn sâu trong vô thức của con người bình thường. Bởi vậy “kẻ bên ngoài” chỉ là mẫu tượng để cái bên trong ẩn giấu được phát lộ. Câu chuyện của người cha vốn hiền lành, điềm đạm bỗng nhiên lén lút đánh “kẻ bên ngoài”, và không chỉ ông ấy, mà dường như ai trong cái khu nhà đó cũng từng làm cái việc đó, và họ đều thấy việc đó là dã man, là vô nhân đạo. Đỉnh điểm, là nhân vật tôi, mặc dù hiểu rất rõ nguyên do của câu chuyện, nhưng rồi cái ác trong anh ta, vẫn bị đẩy đến chỗ không thể kiểm soát, và anh ta vẫn cứ phạm phải cái mà anh ta biết là tội lỗi. Điều kỳ lạ thứ hai, đó là, “kẻ bên ngoài” trong truyện không hề chết, dù ai cũng muốn trừ khử y. Bạo lực, sự căm hận, không thể trừ khử được cái xấu xa. Lí giải của truyện, sự phát hiện của nhân vật tôi là một phát hiện đáng kể. Truyện ngắn này hoàn toàn có thể phát triển thành một tiểu thuyết triết học.
“Xe ngựa”, theo tôi là một truyện tiêu biểu cho lối viết ma mị, đầy ảo giác của Tru Sa. Một chiếc xe ngựa chở số hành khách không xác định, mục dích của chuyến đi không xác định, hoặc không có đích. Nhân vật chính đi đến xứ Minh Quốc, nhưng xứ ấy ở đâu không ai biết. Họ cứ đi như vậy trên những chặng đường, gió, mưa, bão bùng, hiểm nguy. Những người chết, hoặc bỏ cuộc, cho đến khi Cốt Đột, gã đánh xe ngựa gục ngã… Con ngựa bờm xác xơ bắt đầu mọc lên những túm lông mới để bắt đầu một hành trình mới. Một không khí kỳ lạ bao trùm không gian truyện, từ nhân vật đánh xe ngựa Cốt Đột cho đến những hành khách trên xe không danh tính, không mục đích của hành trình. Âm dương, quỉ người lẫn lộn, lửa địa ngục và nhân gian mịt mù…
Trạng thái u u minh minh, nửa tối, nửa sáng, nửa thức nửa ngủ, phủ lên không chỉ “Xe ngựa” mà còn ở nhiều truyện khác, tạo nên khí vị của Tru Sa.
“Ảo giác mù” là tựa đề tập truyện, tuy nhiên, xuyên qua tầng tầng lớp lớp ảo giác, tối sáng, tác giả Tru Sa, làm hiện lên một thế giới trong cái nhìn triết học của nhà văn. Một thế giới nhị phân trong từng con người, và rồi từ đó phóng chiếu lên trên một cái phông rộng lớn là cõi người với những bi kịch, thống khổ mà nó phải gánh nặng đời đời kiếp kiếp.
31/10/2016
T.A
(SHSDB24/03-2017)