Tác giả-tác phẩm
Ngày xuân “Vịnh sử” nhớ anh hùng
08:04 | 19/05/2017

TRẦN VIẾT ĐIỀN

Trong sách “Nhìn lại lịch sử”, Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2003, tác giả Phan Duy Kha viết bài “Một bài thơ liên quan đến lăng mộ vua Quang Trung”.

Ngày xuân “Vịnh sử” nhớ anh hùng
Ảnh chụp vệ tinh vùng đồi núi Thiên An, thuộc Kim Sơn-Châu Chữ (Ngọc Trản phong đầu)

Tác giả đã công bố phần phiên âm bản chữ Hán bài thơ Vịnh sử của Ngô Thì Hoàng, một tư liệu quý trong việc tìm nơi nguyên táng lăng mộ vua Quang Trung. Sau khi tổng quan những hướng tìm lăng mộ vua Quang Trung, tác giả giải nghĩa từng câu của bài Vịnh sử và từ hai câu [5], [6], tác giả đã chú giải, đề nghị một hướng tìm lăng mộ Quang Trung trên đỉnh núi Ngọc Trản ở Thừa Thiên Huế. Tác giả Phan Duy Kha cung cấp phần phiên âm bài thơ Vịnh sử, chúng tôi tạm phục hồi phần chữ Hán bài thơ:

詠史 (Vịnh sử)

絨 衣 赤 劍 下 東 山 [1] (Nhung y xích kiếm há Đông Sơn)
風 駭 雲 遛 郅 崮 間 [2] (Phong hãi, vân lưu chí cố gian)
三 赭 威 聲 留 旁 泊 [3] (Tam giả uy thanh lưu bạng bạc)
百 年 身 事 付循 環 [4] (Bách niên thân sự phó tuần hoàn)
西 湖 宮 裏 雲 仍 鎖 [5] (Tây Hồ cung lý vân nhưng tỏa)
玉 琖 峰 頭 土 未 乾 [6] (Ngọc Trản phong đầu thổ vị can)
誰 籲 當 年 乖 積善 [7] (Thùy dụ đương niên quai tích thiện)
重 人 何 力 儋 多 艱 [8] (Trùng nhân hà lực đảm đa gian)

Phan Duy Kha vừa dịch nghĩa vừa có giải thích, xin trích lại phần dịch nghĩa:

[1]: Khoác áo nhung y, cầm gươm từ núi Đông Sơn tiến xuống,
[2]: Trong khoảng trỏ tay, liếc mắt, mây gió phải hãi hùng.
[3]: Ba lần tiến quân, tiếng tăm lừng lẫy.
[4]: Trăm năm sự nghiệp phó mặc cho sự tuần hoàn.
[5]: Trên cung ở Tây Hồ, mây vẫn phủ kín.
[6]: Đầu núi Ngọc Trản đất còn chưa khô.
[7]: Khi xây dựng sự nhiệp vì thiếu lo tích thiện,
[8]: Nên vua nối ngôi không đủ sức chống với tình thế gian nan.

Ngô Thì Hoàng là em cùng cha khác mẹ của Ngô Thì Nhậm, sinh năm 1768 và mất năm 1814. Ông chỉ đỗ tú tài năm1807, nghiên cứu sâu Phật học, từng cộng tác với Ngô Thì Nhậm ở Thiền viện Trúc Lâm phường Bích Câu, Thăng Long. Ông mất năm 1814. Tuổi thanh niên của Ngô Thì Hoàng, chứng kiến những chiến công lừng lẫy của người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Qua các anh Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Trí làm quan lớn thời Tây Sơn, ông nắm kỹ sự nghiệp Tây Sơn. Sau khi nhà Tây Sơn sụp đổ, ông sống thời Gia Long, ông vẫn đánh giá cao sự nghiệp vua Quang Trung nhưng tiếc là đức nhà Tây Sơn quá mỏng. Ông Tú Chùa biết nhiều sự kiện quan trọng triều Tây Sơn cho nên những thông tin rút từ bài thơ Vịnh sử có độ tin cao.

Chúng tôi nhất trí với nhận định của Phan Duy Kha: “Trong số thơ văn của ông có bài Vịnh sử, đây là bài thơ làm dưới thời Gia Long… nên có những câu tác giả không dám nói thẳng, nhưng nếu để ý phân tích kỹ, từng chữ đều “vận” vào Quang Trung và nhà Tây Sơn”.

Tuy nhiên có một số câu chữ chúng tôi kiến giải khác Phan Duy Kha, vì thế xin thương thảo với tác giả vậy.

[1], [2]: Khoát nhung y từ biển Đông tới: Tuốt kiếm báu từ núi Tây giáng xuống. Gió phải sợ, mây cũng ngừng bay trước vách núi sừng sững. Phan Duy Kha cho rằng “câu này chỉ nơi phát tích của nhà Tây Sơn, nhưng tác giả nói “trại” “Tây” thành “Đông” để che mắt nhà Nguyễn”.

Xin được bổ sung: Khi Tây Sơn ở Phú Xuân, có dựng những cột đá khắc chữ Hán: “Hổ hướng Tây Sơn khởi”, dòng chữ này có vế đối “Long tòng Đông Hải lai” được chép trong “Hoàng Lê nhất thống chí”. Tác giả ghép chữ Đông và chữ Sơn trong 2 câu trên nhằm phiếm chỉ vua Quang Trung của phong trào Tây Sơn. Cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn tam kiệt, trong đó Nguyễn Huệ là kiệt hiệt nhất.

[5]: Phan Duy Kha giải thích câu [5] bài thơ: “Trên cung ở Tây Hồ, mây vẫn phủ kín: Nói việc Quang Toản sau khi thất thủ Kinh đô Phú Xuân, đã bỏ chạy ra Thăng Long, đóng đô ở cạnh Tây Hồ. Tây Hồ vẫn được coi là hồ có nhiều mây mù hay mù sương (Dâm Đàm)” (sđd, tr.163). Chúng tôi hiểu theo hướng khác Phan Duy Kha, câu [5]: Mây còn bị giữ trong cung ở Tây Hồ. Ngô Thì Hoàng ám chỉ lăng (giả) vua Quang Trung ở Tây Hồ, có những di vật như bia “thánh đức”, bia do vua Càn Long ban tặng, nói lên cái vinh quang (đường mây) của tiên đế Quang Trung đã bị chôn vùi, che lấp. Cung ở đây là lăng như Ngô Thì Nhậm từng gọi Đan Dương lăng là Đan Dương cung điện.

Sau khi vua Quang Trung băng hà, do giữ bí mật ban đầu và do bang giao với triều Thanh, triều Tây Sơn đã dựng hai lăng cho tiên đế Quang Trung.

Lăng thật vua Quang Trung táng ở Kinh đô Phú Xuân, thuộc bờ Nam sông Hương, về sau triều Tây Sơn đứng đầu là vua Cảnh Thịnh, thường cùng đại thần bái tảo, tế lễ và khi Ngô Thì Nhậm vào triều cận từ năm 1796 thường phụng ký thơ dể ghi chép việc bái tảo. Sau khi chiếm lại Phú Xuân, vua Gia Long ra lệnh quật mộ hai vợ chồng vua Quang Trung, nhận dạng xác ướp để xác minh thật hay giả, đem bêu ở một số chợ ở kinh thành để thị chúng và để kiểm chứng thật giả đối với số đông dân chúng. Hơn một năm, từ khi quật mộ vợ chồng vua Quang Trung, vua Gia Long mới thanh toán triều Tây Sơn Bảo Hưng Nguyễn Quang Toản, tổ chức lễ Hiến Phù trước từ đường của tổ tiên, thờ các chúa Nguyễn tiền triều và cũng công khai việc trừng trị Tây Sơn vào mùa đông năm Nhâm Tuất [1802].

Lăng giả vua Quang Trung dựng ở Tây Hồ, Thăng Long và báo cáo việc này với thiên triều Đại Thanh nhằm vua con Cảnh Thịnh sớm được phong An Nam quốc vương. Triều Cảnh Thịnh có Ngô Thì Nhậm bày ra kế nói lên “đan thâm”, lòng son sâu sắc, của Tiên hoàng đối với đại hoàng đế Càn Long như “Đại Nam liệt truyện chính biên” chép: “Sai thị trung Đại học sĩ Ngô Nhậm, Hộ bộ tả đồng nghị là Nguyễn Viết Trực, Hộ bộ tả thị lang là Nguyễn Văn Thái, sang nước Thanh báo tang, nói dối là Huệ dặn sau khi chết rồi táng ở Tây Hồ Bắc thành, ngõ hầu được gần cửa nhà vua để nương tựa, vua, nước Thanh tin lời, cho tên thụy là Trung Thuần, thân làm một bài thơ để viếng” (sđd, tr. 560). Sứ giả nhà Thanh là Thành Lâm, mang lễ vật qua Thăng Long, đến mộ giả ở Tây Hồ, tuyên đọc chiếu phúng điếu và cho khắc đá bài thơ viếng Tiên hoàng Quang Trung của vua Càn Long, trong đó có câu “膝下魂如父子親” (Tất hạ hồn như phụ tử thân) (Vong vị từng dưới gối thân tình như cha con), 鄰其 忠 坤出中禛 (Lân kỳ trung khôn xuất trung chân - Thương về lòng trung thuận từ đáy lòng tỏ ra).

Câu [6] bài thơ Vịnh sử và vấn đề lăng mộ vua Quang Trung.

Phan Duy Kha giải thích câu [6], xong đưa ý kiến về vị trí mộ Quang Trung: “Đầu núi Ngọc Trản đất còn chưa khô… Theo bài thơ này thì vị trí lăng mộ Quang Trung được xác định một cách cụ thể, đó là ở trên núi Ngọc Trản. Núi Ngọc Trản tức Ngọc Trản Sơn, dân gian gọi là Hòn Chén ở phía Nam thành phố Huế. Nơi đây bốn mùa cây cối xanh tươi, tỏa bóng xuống sông Hương, cảnh trí rất đẹp. Trên núi có một chỗ trũng xuống như hình cái chén nên mới có tên gọi là Ngọc Trản (Chén Ngọc). Ở sườn núi có điện Hòn Chén. Đây là một thế đất đẹp, một “cuộc” đất tốt nếu xét theo con mắt của nhà địa lý xưa. Vì vậy việc chọ làm lăng mộ cho Quang Trung là điều có khả năng xảy ra” (sđd,tr.164).

Tác giả Phan Duy Kha biết chính sử triều Nguyễn chép lăng Nguyễn Huệ ở bờ Nam sông Hương mà núi Ngọc Trản lại ở bờ Bắc sông Hương nên hướng tìm kiếm mộ vua Quang Trung gặp “vấn nạn”. Tác giả khắc phục bằng biện luận như sau: “Về câu văn trong Đại Nam chính biên liệt truyện ghi “táng ở phía Nam sông Hương” chúng ta có thể hiểu là: nếu lấy đoạn sông Hương chảy qua Kinh đô Phú Xuân làm chuẩn để định hướng thì núi Ngọc Trản ở về phía Nam. Sở dĩ phải hiểu như thế vì cách Phú Xuân 5km về phía thượng nguồn, sông Hương chảy theo hướng từ Nam lên Bắc, nên nếu lấy đoạn này làm chuẩn định hướng thì chỉ có phía Đông hay phía Tây mà thôi. Việc các nhà làm sử lấy Kinh đô Phú Xuân và đoạn sông chảy qua kinh đô để làm chuẩn định hướng là hoàn toàn hợp lý. Như vậy thì câu: “Táng ở phía Nam sông Hương” là hoàn toàn phù hợp.” (sđd, tr. 165).

Nếu theo cách định vị của Phan Duy Kha thì có thể cho các lăng tẩm chúa Nguyễn, lăng các vua Gia Long, vua Minh Mạng ở Nam sông Hương được không? Quá khiên cưỡng! Ngoài ra, khi vua Quang Trung lâm bệnh, hôn mê sâu, Bắc cung hoàng hậu từng đi cầu đảo ở các đền miếu thờ thần, trong đó có miếu thờ thần Thiên Y A Na (Ponaga). Ở sườn núi Ngọc Trản có điện Hòn Chén thờ các thần, trong đó có thờ mẫu; thế thì triều Tây Sơn không thể táng vua Quang Trung trên đỉnh Ngọc Trản, một là “bất kính” đối với thần linh, hai là không bảo đảm an táng bí mật tiên đế Quang Trung được.

Thay lời kết

Những ngày đầu xuân, đọc lại bài Vịnh sử, khúc bi tráng về cuộc đời vua Quang Trung, không thể quên đại chiến dịch quẻt sạch quân xâm lược Thanh, khởi từ mùa đông năm Thân và đại thắng đầu xuân năm Dậu. Vua Quang Trung rực sáng như ngọc nhưng cũng có tì vết. Lịch sử rất công bằng, những sử quan triều Nguyễn viết kỹ về những tì vết của vua Quang Trung với tâm cảm bất bình nhưng khi viết về những chiến công lẫy lừng của “kẻ tiếm ngụy” thì họ không thể “bẻ cong ngòi bút”. Hậu thế đọc những dòng những chữ trong “Đại Nam chính biên liệt truyện” viết về “Ngụy Huệ” vẫn thấy dòng máu Việt bất khuất luôn trào dâng trên ngọn bút sử quan [triều Nguyễn]. Họ rất đỗi tự hào về vị anh hùng dân tộc, khoát nhung y sạm khói chiến trường, vào Thăng Long ngày tết Kỷ Dậu [1789], khi giặc xâm lược có tên phơi xác, có tên trôi sông, có tên còn chạy thục mạng về Bắc. Càng nghĩ càng thắm thía nỗi niềm rằng, đến nay giới nghiên cứu chưa tìm được nơi nguyên táng của vị vua anh hùng! Chính sử triều Nguyễn không nói rõ nơi nguyên táng nhưng cũng cho biết một hướng tìm, ấy là cứ tìm trên đồi núi bờ Nam sông Hương, dọc bờ sông như “trục hoành cong”. Còn bài thơ Vịnh sử của nhân chứng Ngô Thì Hoàng lại chỉ ra hướng tìm là theo dãy núi Hương Uyển, có Ngọc Trản với cái bướu kéo dài từ bờ Bắc sông Hương qua bờ Nam sông Hương, mà sông Hương như “ngấn cổ” để phân biệt “cái đầu” và “cái bướu” (“trục tung cong”). Giao của hai tập hợp, “trục hoành cong” (theo bờ Nam sông Hương) và “trục tung cong” (núi Hương Uyển kéo dài đến “bướu” Kim Sơn), là vùng có nơi nguyên táng vua Quang Trung vậy. Hơn nữa “Tây Sơn thực lục” cũng cung cấp một thông tin từ thế kỷ 19, rằng nơi táng Chánh cung Hoàng hậu của vua Quang Trung là vùng núi Kim Sơn, cũng nằm trong tập hợp giao nói trên. Danh xưng Kim Phụng để chỉ Thương Sơn, ngọn núi mà Tùng Thiện Vương và Cao Chu Thần rất yêu, mới dùng vào đầu thế kỷ 20 mà thôi.

Huế, 10/12/2016
T.V.Đ
(SHSDB24/03-2017)






 

Các bài mới
Các bài đã đăng