Tác giả-tác phẩm
Động thái tri thức bản địa đầu thế kỉ XX - nhìn từ trường hợp Huỳnh Thúc Kháng
15:53 | 01/11/2017


NGUYỄN QUANG HUY

Động thái tri thức bản địa đầu thế kỉ XX - nhìn từ trường hợp Huỳnh Thúc Kháng

1.

Nếu quan sát nghiêm túc diễn tiến lịch sử Việt Nam, có thể khẳng định giai đoạn đầu thế kỉ XX đã diễn ra những hoạt động với tính chất sôi nổi nhất, nhiều xu hướng mang tính chất định hình và phân hóa, dẫn tới những đóng góp cốt yếu cho xã hội Việt bước vào thời hiện đại. Chủ thể của nó, kẻ vừa tạo ra cuộc chơi, cũng là người chơi: trí thức. Sự sôi nổi này phức tạp đến mức, nếu đưa ra một kết luận về bức tranh những gương mặt tiêu biểu, và định danh cho thật trúng vị thế xã hội của họ thật khó, cơ hồ rơi vào điều bất khả. Khó bởi nhiều lí do, một mặt, bởi tự thân trí thức, bởi các hoạt động đa dạng của trí thức đầu thế kỉ, bởi những nhiễu loạn từ sự linh động trong việc lựa chọn các phương thức tồn tại, bởi những đe dọa, lôi kéo và thôi thúc từ thực tiễn lịch sử mà tri thức phải/ được/ bị mặc những màu áo khác nhau, v.v. Chỉ lướt qua một loạt các cách định danh mang tính chủ nghĩa và khuynh hướng như: Văn hóa chủ nghĩa, Cải lương chủ nghĩa, chí sĩ tân thời (nhóm), chí sĩ Duy tân (nhóm), trí thức cải lương (nhóm), ôn hòa (nhóm), trí thức duy tân, trí thức canh tân, dân tộc chủ nghĩa, Cựu học, Tân học, v.v. cũng đủ thấy sự đa dạng và phức tạp. Mặt khác, xét trong bối cảnh xã hội tổng thể, do sự gặp gỡ, va chạm và pha trộn nhiều yếu tố. Chính trong những hoàn cảnh như vậy, vấn đề trí thức bản địa nổi lên như một đòi hỏi tất yếu. Bài viết này, đặt trong những tương quan như vậy, hướng đến tìm hiểu hai vấn đề. Một, xem xét địa vị thuộc địa của trí thức Việt Nam đầu thế kỉ, từ sự gợi dẫn qua những nghiên cứu của những người đi trước, qua đó, hai, hướng đến những động thái của nó trong trường hợp cụ thể - Huỳnh Thúc Kháng. Để làm điều này chúng tôi tập trung hướng vào các đối tượng và phạm vi cụ thể như: Trí thức và thế hệ trí thức; xã hội thuộc địa; lựa chọn giá trị và tập trung vào phần thơ văn, dịch thuật, những bài nghị luận, v.v. của Huỳnh Thúc Kháng. Điều quan trọng rút ra từ hai nội dung trên là góp phần trả lời cho câu hỏi Huỳnh Thúc Kháng là ai1.

2.

Xuất thân nhà nông nhưng do những nỗ lực trong cải thiện vị thế xã hội không ngừng, sự nghiêm túc dùi mài kinh sử, việc Huỳnh Thúc Kháng đỗ “tam giáp đồng tấn sĩ” lúc 29 tuổi, khoa Giáp Thìn triều Thành Thái 16 (1904)2 đã đưa ông lên vị trí “tinh hoa bản xứ”. Điều này là vinh quang của gia đình ông, nhưng cùng với thế hệ của mình - thế hệ 19073, ông được xã hội trông đợi và lưu ý nhiều điều. Từ trước đến nay, việc đánh giá Mính Viên đã được quan tâm rất nhiều, thậm chí, có thể việc “yêu” quá này khiến cho một phần Huỳnh Thúc Kháng trở nên rất quen, nhưng cũng từ đây dẫn đến một hệ lụy là thực ra ông là “nhà” nào trong số rất nhiều “nhà” mà những người nghiên cứu đã cấp nghĩa cho ông: Huỳnh Thúc Kháng là nhà thơ cách mạng (Nguyễn Vỹ), Huỳnh Thúc Kháng là (nhà) yêu nước theo chủ nghĩa ôn hòa (Trần Văn Giàu), nhà yêu nước kiệt xuất, nhà văn, nhà thơ yêu nước, nhà dịch thuật tài năng, v.v. (Văn Tạo), nhà học giả cũ trên bước đường canh tân, người chiến sĩ văn hóa, nhà sử học (Chương Thâu), v.v. Bởi hai lí do, một phần, các hoạt động của trí thức thường mang tính chất chuyên biệt về một vài lĩnh vực có liên hệ nhất định và quan trọng hơn, trong một nghĩa nhất định, nếu dựa trên những nền tảng xã hội, hệ tư tưởng, v.v. thông thường nó có những quyết chọn theo những khuôn mẫu nhất định, đặc biệt là những trí thức có những liên hệ mật thiết với các giá trị truyền thống. Thứ hai, chính hoạt động đa dạng của Huỳnh Thúc Kháng.

Về mặt lí thuyết, nếu theo cách hiểu truyền thống, một cách tổng quát, xã hội đòi hỏi “trí thức là những người sáng tạo văn hóa cao cấp, là triết gia và các nhà phát kiến khoa học của thời đại - những người (có thể) thay đổi lịch sử bằng cách truyền bá những tư tưởng mới vào các xã hội bị ràng buộc bởi truyền thống của họ”, thuộc giới “hàn lâm”4. Nhưng ở cách khác, theo F. Châtele, khi tham gia vào xã hội, lại coi “người trí thức không phải là triết gia, không phải bác học, không phải nghệ sĩ. Trí thức tham gia vào công việc của tất cả các hội đoàn bằng những khám phá và phát minh, nhưng họ lại đứng trên tất cả các hội đoàn đó. Chính nhân danh khả năng này mà trí thức được đánh giá tin cậy để gửi gắm một trách nhiệm cao cả”5. Tính chất của nó không đòi hỏi những ràng buộc về nhóm rõ ràng trong các thang bậc xã hội và quan trọng hơn, thể hiện sự độc lập trong suy nghĩ, hành động trong tương tác với xã hội. Nó tạo nên những điểm nhấn nhất định nào đó, hoặc khơi dậy những đam mê lớn lao, hoặc “khơi dậy trong nhận thức những khái niệm còn chưa bộc lộ”, v.v. trong xã hội. Có thể nói, trí thức, nếu nói chung, là “không thể định hạng” (F. Châtele), mà cần phải đặt nó trong một vài tương quan. Sự phức tạp của nó còn được làm tăng thêm, nếu nhìn trường hợp xác định tri thức Việt Nam giai đoạn lịch sử đầy biến động cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Vì có thể trong những áp lực quá lớn của “cơn biến động lịch sử” “mưa Âu gió Á”, những lôi cuốn vào các phong trào, các chủ nghĩa, thậm chí đòi buộc phải theo phe, nhóm, chủ nghĩa nào đó hoặc là “phải đánh đổi đến hình hài” dội vào cá nhân trí thức khiến nó phải tự trang bị cho mình những “vai diễn” khác nhau mà vai nào cũng không nên sơ suất. Người trí thức, không phải trong hoàn cảnh nào nó cũng là trung tâm của đời sống xã hội. Có khi nó là “vật trang trí”, “vật tô điểm”, “vật trung gian”, là “chất xúc tác” như các nhà Xã hội học về tri thức đã chỉ ra. Tuy thế, trong bối cảnh Việt Nam đang đề cập đến, người trí thức được “tự do diễn các vai của mình”. Nó trở thành trung tâm của mọi sự chú ý:


Sơ đồ Vị trí trí thức bản địa đầu thế kỉ XX

Khi biểu tượng của “tổ chức quốc gia” đang phân hóa không phương hướng tối ưu và “đời sống dân chúng” phần lớn rơi vào tình trạng thất học, khiến vị trí của trí thức càng nổi bật. Nó đề xuất các lựa chọn, nó tranh cãi, lật đổ và xác lập các giá trị, nó biện thuyết, nó chạy theo hoặc xây dựng các xu hướng, v.v. và về căn bản, địa vị thuộc địa của trí thức Việt Nam đầu thế kỉ không làm cho các đề xuất của nó bị lu mờ, mà ngược lại, các vấn đề nó đặt ra vẫn nguyên những giá trị cho đến hôm nay. Trường hợp Huỳnh Thúc Kháng, đặt trong tổng thể, cần xoay quanh các khía cạnh trung tâm như: cấu trúc xã hội truyền thống thay đổi, kéo theo những suy tư cải tổ về biểu tượng và giá trị tinh thần truyền thống; tính ích dụng của hệ thống giáo dục và những đòi hỏi từ thực tế; những tính chất và biểu hiện của thời quá độ, chuyển tiếp; công cuộc thực dân và những đòi hỏi của người bản xứ; trí thức mới, trí thức cũ, v.v.

3.

Những động thái cơ bản của trí thức bản địa đầu thế kỉ XX, xẩy ra sau thế hệ Cần Vương, trên nét lớn có tính chất như một cuộc tự vấn mang tính chất sống còn về vai trò và bổn phận của mình với xã hội. Hàng loạt các cái chết về sinh mạng cũng như thất bại “nhục nhã” về mô hình, sự khủng hoảng của quan lại cổ điển đầu thế kỉ khiến cho tinh thần “tự cải tổ của trí thức” diễn ra bức bách hơn bao giờ hết. Sở hữu trong mình trí tuệ được liệt vào hạng tinh hoa, đỗ đạt cao nhưng từ chối khoa hoạn là nỗ lực độc lập của Huỳnh Thúc Kháng trong việc xác lập thái độ tri thức của mình trong tương quan với xã hội. Ông nhận thức được vai trò của “trí thức mới” qua việc giảng dạy tư, làm báo, viết lách.

Trước hết, hãy nghe những điều mà Huỳnh Thúc Kháng tự nói về mình: “tôi là người thuộc về đời quá khứ, không còn thích hợp với thời đại … nhứt là ý khí hoạt động của đa số thanh niên đã hấp thụ Âu hóa trên vài ba mươi năm trở lại đây”; “tôi được làm tên dân biết chữ dưới triều quốc gia độc lập, khoái ý mãn nguyện thay”. Ông “đứng tếch riêng ra, côi quạnh một mình, không tham dự vào bất kì đảng phái nào hay phong triều gì”6. Bỏ ra ngoài các tính chất của sự khiêm tốn, những đoạn trên, nếu xâu chuỗi trong các hoạt động đa dạng “mang tính tri thức” của ông như: sáng tác thơ văn, nghiên cứu thơ văn, nghiên cứu lịch sử, làm báo, dịch thuật, đòi dân quyền, v.v. ông là người hoạt động văn hóa theo đúng nghĩa chuyên môn của nó và theo đó, góp công lớn cho công cuộc cải tổ văn hóa của trí thức Việt Nam đầu thế kỉ XX.


Sơ đồ Các thời điểm quan trọng trong hoạt động của Huỳnh Thúc Kháng7  

Sự cải tổ văn hóa của Huỳnh Thúc Kháng, trước hết, từ động thái học hỗn hợp, sử dụng ngôn ngữ Hán và Quốc ngữ. Trong một cuộc gặp với Nguyễn Thiệu Lâu, Huỳnh Thúc Kháng trần tình “ông (Nguyễn Thiệu Lâu) khá về Pháp văn, tôi (Huỳnh Thúc Kháng) thời chẳng biết một chữ Pháp nào cả. Ông giỏi Pháp văn, tôi khuyên ông nên học Hán văn để thâu nhiễm tư tưởng của Thánh hiền, không phải là vô ích”8. Cách Huỳnh Thúc Kháng muốn chuyển tải có lẽ nằm ở ẩn ý muốn hướng đến sự hài hòa, cân bằng giữa tri thức Hán học và tri thức Tây học. Sự lựa chọn Đông - Tây của ông có lẽ không ngoài lí thuyết “Đông học vi thể, Tây học vi dụng” trong không khí cải cách Tân Khổng giáo. Tuy nhiên, phương thức triển khai của Huỳnh Thúc Kháng sát với những quan điểm mà ông lựa chọn: miêu tả những cải cách cho dân chúng nghe và thấu hiểu. Ông là một “ký giả” trong thời đại mới. Thái độ ôn hòa và khiêm nhu này một mặt thể hiện từ chính sự gián cách thế hệ, do một phần từ sự quy định mang tính chất mặc cảm của nhà nho nông thôn tỉnh lẻ, và phần khác đến từ sự chiêm nghiệm chính hoàn cảnh dẫn đường, như ông chia sẻ:

Trộm nghĩ tôi:
Sanh cửa hàn vi, tánh trời quê thẳng,
Nhỏ theo nghề học, lớn trộm tiếng suông.
Trên hai mươi năm, chỉ chuyên một việc,
Tuy trong lúc chạm sâu khắc dấu,
Vẫn ôm lòng gái Lỗ góa Châu.

Đại ngục mười ba năm trường trải
Nếm đủ mùi ngọt, đắng, cay, chua,
Cuộc đời hai mươi kỷ đổi thay, hẳn vắng bặt trong ngoài tin tức,
Đành vậy song cùng núi kiệt, rừng Hán lâm chưn nhạn không thơ.

Mà lỗi xưa dường núi lớn, tên sổ tù còn chép ở ngục thư
Xó bếp gục đầu thôn cùng bó cẳng,
Quân dân xem như vật quái, thân hữu nhiều kẻ tuyệt giao

Tôi, chỉ có: Cảm mà xen sợ, lo lại hổ lòng
Thu bồng hai mái tóc sương, dám học kẻ ra rừng làm cỏ nhỏ;
Xuân vũ một chuôi cày nghé, xin làm dân biết chữ giữa làng nông
9.

Đoạn trích dẫn chất chứa cảm xúc trần tình này vừa thể hiện mối “cảm cựu đau đời dọc ngang trong ruột” (Phan Bội Châu) vừa lưu ý về đường đi mà Huỳnh Thúc Kháng lựa chọn.

Sau sự kiện tù Côn Đảo, việc gián cách thế hệ của Huỳnh Thúc Kháng là một sự thật, khi tình thế văn hóa đang hướng đến một thế hệ trung tâm khác - thế hệ Tây học, mà ông ít có cảm tình. Đây cũng chính là ngưỡng tri nhận của ông. Trên bề mặt, ông có hai sự đứt đoạn: 1/ 13 năm nhà tù thực dân, rơi vào thời điểm diễn ra nhiều sự kiện sôi nổi trên thế giới và trong nước và 2/ mặc dù có sự hô hào cổ vũ cho việc bỏ khoa cử, bỏ Hán học nhưng thực tế chứng minh, bản thân ông không vượt qua ngưỡng đó, nó thể hiện sâu đậm trong hàng loạt các thái độ ứng xử: Sáng tác thơ văn theo hình thức và tư tưởng của thế hệ cổ điển, nhấn mạnh đạo đức truyền thống, luân lí Thánh hiền trong các tranh biện về văn chương và phong tục, v.v. Nhiều chỗ, có thể coi là tính chất nước đôi, Đông - Tây hòa hợp: “Nói cho thực tình thì tân không phải là toàn hay, cựu không phải là toàn dở, mà phái điều đình kia cũng lợi hại tham bán. Nếu như thực lòng cách tân theo triều lưu chung trên thế giới và tình thế trong nước mà nên hẳn ra một đường quang minh chính đại, chăm vào mặt lợi ích đại đa số mà đi thì may phước cho xứ ta biết nhường nào”10. Đây cũng là cách thế không quyết chọn về chính giới, mà hướng về đại đồng. Sự kiện quan trọng nhất, theo chúng tôi, đối với “cụ Huỳnh” được thể hiện qua những bài biết trên báo Tiếng dân, qua hoạt động mang tính chất học thuật, như là nét trội nhất được nhà trí thức văn hóa Huỳnh Thúc Kháng thể hiện. Sự quan tâm của ông, về hiện tượng, là khá đa dạng: Văn học, sử học, chính trị, đạo đức, v.v. Nhưng về bản chất, vẫn xoay quanh trục chính là lấy các giá trị cổ điển của dân tộc làm trung tâm, lấy việc hướng khai tâm cho dân chúng làm mục đích. Dù trên lĩnh vực nào ông cũng hướng đến các nhân cách cao thượng, những chí khí cương quyết, những tài năng lỗi lạc. Dấu ấn quan trọng trong học thuật mà Huỳnh Thúc Kháng để lại là tính chất lựa chọn mẫu để biện thuyết cho cuộc cải tổ tri thức hướng đến văn hóa nhận thức mới. Ví dụ, khi công nhận công lao, Huỳnh Thúc Kháng đặt ngang hàng các đóng góp của Trương Vĩnh Kí và Nguyễn Lộ Trạch, Phan Châu Trinh, Nguyễn Trường Tộ. Điều này ít thấy sự quan tâm của những trí thức cùng thời như ông, và về sau, ông vẫn tạo ra được những ảnh hưởng quan trọng. Đặt những vấn đề như trên, trong trường hợp Huỳnh Thúc Kháng, với chúng tôi là khởi điểm để hướng đến các vấn đề về trí thức Quảng Nam, về tri thức bản địa đầu thế kỉ XX. Hành trình của nó, cần phải nới rộng trong một không gian lớn hơn, nơi những người có ảnh hưởng đi trước và cùng thời như Phạm Phú Thứ, Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh. Đó là chưa kể đến các kiểm thảo chuyên biệt về các đóng góp trong thơ văn, dịch thuật, sử học, v.v. của Huỳnh Thúc Kháng. Về cơ bản, ông đứng ở văn hóa dân tộc, nghĩ về lợi ích cho dân. Làm được điều này trong điều kiện đầu thế kỉ XX, đi riêng một cõi, ông vay mượn các thành tố của văn hóa mới để bày tỏ và xác lập những chính kiến của mình, trong đó lựa chọn chữ Quốc ngữ đã mang lại những lợi thế to lớn. Từ chối quan chức, mang toàn lực trí tuệ và nhiệt huyết của mình để cổ vũ cho văn hóa, văn học, thương mãi, công nghiệp, v.v. lựa chọn của ông lộ rõ tính chất hoạt động của “xã hội công dân”, người trí thức Khổng giáo này đã đưa xã hội Việt vào tính hiện đại. Đó chính là đóng góp quan trọng của Huỳnh Thúc Kháng.

H.T.K
(TCSH344/10-2017)

---------------------
1. Bài viết ngắn gọn này với một kẻ đi sau, viết về một nhân cách lớn của dân tộc, là chưa tương xứng với tầm vóc. Tuy nhiên, đây là một đòi hỏi dài hơi, mang tầm mức lớn hơn về sau của tôi. Hai vấn đề lớn, tri thức bản địa, nhân sĩ trí thức Quảng Nam không thể gói gọn trong bất kì một ràng buộc hình thức nào trong lịch sử cận - hiện đại Việt Nam. Tuy vậy, những viên gạch đầu tiên vẫn phải hạ xuống mới có thể “xây cơ đồ”.

2. Huỳnh Thúc Kháng tự truyện, Anh Minh, Huế xuất bản năn 1963. In lại trong Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, do Chương Thâu và Phạm Ngô Minh sưu tầm và biên soạn, Nxb. Đà Nẵng, 2010, tr 1454.

3. Thuật ngữ này chúng tôi mượn từ nghiên cứu xuất sắc của Trịnh Văn Thảo trong Ba thế hệ trí thức người Việt (1862 - 1954), Nxb. Thế giới, 2013. Sự nghiên cứu xã hội học lịch sử về các thế hệ trí thức người Việt (1862 - 1954) trong các bối cảnh, Trịnh Văn Thảo đã chỉ ra ba thế hệ: Thế hệ 1862 - thế hệ trí thức cổ điển, thế hệ 1907 - thế hệ trí thức của hai thế giới và thế hệ 1925 - thế hệ trí thức Âu hóa. Huỳnh Thúc Kháng thuộc thế hệ thứ hai.  

4. Đại học Quốc gia Hà Nội, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn, 2012, Nhóm dịch giả Bùi Thế Cường, Từ điển Xã hội học Oxford, mục từ Trí thức (intellectuals), Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, tr 570.

5. Dẫn theo Trịnh Văn Thảo, Sđd, tr18. Xem thêm thuật ngữ Xã hội học về tri thức của Jenö Kurucz, in trong Günter Endruweit và Gisela Trommsdorff, (Ngụy Hữu Tâm, Nguyễn Hoài Bão dịch), Từ điển xã hội học, Nxb. Thế giới, tr841-849.

6. Chương Thâu, Phạm Ngô Minh, Sđd, tr1301.  

7. Những chỗ in đậm do chúng tôi nhấn mạnh, được coi như điểm đáng chú ý nhất của cuộc đời Huỳnh Thúc Kháng.

8. Nguyễn Thiệu Lâu, Ký ức về cụ Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, In trong Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, Sđd, tr 1646.

9. Bài Biểu tạ, kết bản Thi tù tùng thoại. Nguyên văn chữ Hán, tác giả tự dịch ra quốc ngữ, như “tiểu sử về đời dĩ vãng 50 năm của tôi”. Xem thêm trong Chương Thâu và Phạm Ngô Minh, Sđd, tr952-967.

10. Vấn đề “nhân vật” ở xứ ta ngày nay, Tiếng dân số 627 ngày 27.9.1933. Huỳnh Thúc Kháng kí tên Tha Sơn Thạch. In lại trong Chương Thâu và Phạm Ngô Minh, Sđd, tr1178.  

_______________

Tài liệu tham khảo:


1. Nguyễn Thế Anh (2008), Việt Nam thời Pháp đô hộ, Nxb. Văn học, Tp Hồ Chí Minh.

2. Nguyễn Thế Anh (2008), Phong trào kháng thuế ở miền Trung qua các Châu bản triều Duy Tân, Nxb. Văn học, Tp Hồ Chí Minh.

3. Berger, P, L. và Luckmann, T. (2015), (Nhiều người dịch), Sự kiến tạo xã hội về thực tại - Khảo luận về Xã hội học nhận thức, Nxb. Tri thức, Hà Nội.

4. Sào Nam Phan Bội Châu (1998), Khổng học đăng, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.

5. Quang Đạm (1994), Nho giáo xưa và nay, Nxb. Văn hóa, Hà Nội.

6. Trần Văn Giàu (1993), Hệ ý thức tư sản và sự bất lực của nó trước các nhiệm vụ lịch sử, Nxb. Tp Hồ Chí Minh, Tp Hồ Chí Minh.

7. Trịnh Văn Thảo (2013) (Lê Thị Kim Tân dịch), Ba thế hệ trí thức người Việt (1862 - 1954), Nxb. Thế giới, Hà Nội.

8. Nguyễn Q Thắng (1972) Huỳnh Thúc Kháng - con người và thơ văn, Phủ Quốc vụ Khanh đặc trách Văn hóa xuất bản, Sài Gòn.

9. Chương Thâu - Phạm Ngô Minh (2010), Huỳnh Thúc Kháng tuyển tập, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng.

10. Nguyễn Văn Xuân (1995), Phong trào Duy tân, Nxb. Đà Nẵng, Đà Nẵng.  



 

Các bài mới
Các bài đã đăng