PHẠM TẤN XUÂN CAO
1. Giải Nobel Văn học năm nay thuộc về tiểu thuyết gia người Anh gốc Nhật, Kazuo Ishiguro, với thông cáo được Viện Hàn lâm Thủy Điển đưa ra rằng giải được trao vì những tiểu thuyết có sức tác động đến cảm xúc lớn lao của ông, qua đó đã khai mở vực sâu khôn cùng trong sự kết nối bằng cảm quan bồng bềnh của chúng ta với thế giới. (“who, in novels of great emotional force, has uncovered the abyss beneath our illusory sense of connection with the world”).
Kazuo Ishiguro sinh ngày 08/11/1954 ở Nagasaki, Nhật Bản. Gia đình ông chuyển đến Anh vào lúc ông lên 5 tuổi. Năm 1974, ông học ở Đại học Kent (Canterbury), tốt nghiệp tại đó vào năm 1978 với tấm bằng cử nhân Ngôn ngữ Anh và Triết học. Sau một khoảng thời gian viết tiểu thuyết, ông quay trở lại học ở Đại học Đông Anglia, ở đó ông học với Malcolm Bradbury và Angela Carter, sau đó nhận bằng thạc sĩ chuyên ngành Viết văn sáng tạo (Creative Writing) vào năm 1980. Năm 1983, ông đã lọt vào danh sách những nhà viết văn trẻ tuổi hay nhất ở Anh được tạp chí Granta bình chọn, cùng nằm trong danh sách này có Martin Amis, Ian McEwan và Salman Rushdie. Ông được xem là một trong số những tác giả tiểu thuyết đương đại trứ danh nhất trong phạm vi của các nước nói tiếng Anh. Năm 1989, ông nhận giải thưởng Man Booker với tiểu thuyết Phế tích của một ngày (The Remains of the Day). Tiểu thuyết Mãi đừng xa tôi (Never Let Me Go) được tờ thời báo Time xem là tiểu thuyết xuất sắc nhất năm 2005 và đã đưa nó vào danh sách 100 tiểu thuyết bằng tiếng Anh hay nhất từ năm 1923 đến năm 2005. Theo Viện Hàn lâm Thủy Điển, các chủ đề như ký ức, thời gian và sự bồng bềnh tỏa khắp các tác phẩm của ông, đặc biệt là ở trong Phế tích của một ngày; riêng tác phẩm này cũng đã được chuyển thể thành phim. Các tiểu thuyết nổi tiếng khác của ông có thể kể đến như Một cái nhìn nhạt nhòa về những đỉnh đồi (A Pale View of Hills, 1982); Người nghệ sĩ của thế giới nổi trôi (An Artist of the Floating World, 1986); Khôn nguôi (The Unconsoled, 1985); Khi chúng ta là những kẻ mồ côi (When We Were Orphans, 2000); Người khổng lồ ngủ quên (The Buried Giant)…
Khi trả lời về việc nhận được giải Nobel, Ishiguro nói rằng đó là một niềm vinh hạnh rất lớn, lý do chủ yếu là bởi vì nó có nghĩa rằng ông đang ở trên chặng đường danh giá của các tác giả vĩ đại, do đó với ông nó còn là một sự ngợi ca tột đỉnh. Ishiguro cũng chia sẻ thêm rằng, thế giới hiện nay của chúng ta đang ở vào thời kỳ cực kỳ bất định và ông hy vọng mỗi giải Nobel sẽ là một tác nhân tích cực đối với thế giới đang ở vào giai đoạn khủng hoảng này. Theo ông, đây là một thời kỳ rất kỳ dị trên thế giới, chúng ta sống trong sự thất thoát niềm tin vào các hệ thống chính trị, chúng ta mất niềm tin vào các nhà lãnh đạo, chúng ta hoàn toàn không chắc chắn vào các giá trị của chúng ta, và ông hy vọng rằng chiến thắng giải Nobel của ông sẽ góp chút gì đó đem lại điều tốt đẹp và hòa bình.
2. Đa phần các tiểu thuyết của ông (ngoại trừ Người khổng lồ ngủ quên - The Buried Giant) đều được viết theo lối kể chuyện ngôi thứ nhất và người kể chuyện thỉnh thoảng bộc lộ những thiếu sót kiểu con người. Thủ pháp của Ishiguro cho phép các nhân vật thể hiện ra những khe hở của chúng một cách ngấm ngầm trong suốt câu chuyện. Tác giả tạo ra ý nghĩa đặc trưng bằng cách cho phép người đọc nhìn thấy những khe hở của người kể chuyện đồng thời lại muốn hướng đến cảm thông với người kể chuyện. Đặc trưng này thường được rút ra từ các hoạt động của người kể chuyện, hay thông thường hơn, từ sự không hoạt động của người kể chuyện. Trong Phế tích của một ngày, người hầu Stevens đã không hành động theo những cảm xúc lãng mạn của anh ta nhắm đến người quản gia là bà Kenton bởi vì anh ta không điều hòa được giữa ý nghĩa của công việc hầu hạ của anh ta với đời sống cá nhân mình.
Các tiểu thuyết của Ishiguro thường kết thúc mà không có bất kỳ ý nghĩa nào được giải quyết cả. Các vấn đề mà những nhân vật của ông đối diện được chôn cất vào quá khứ và vẫn không được giải quyết. Vì thế Ishiguro kết thúc rất nhiều tiểu thuyết của mình với một lưu ý về sự cam chịu có tính u sầu. Các nhân vật của ông chấp nhận quá khứ của họ và người mà họ trở thành, sự nhận thức này mang lại một sự thuận tiện và một cái kết gắn với nỗi đau tinh thần. Điều này có thể được nhìn nhận như là một quan niệm văn học thiên về ý niệm của người Nhật Bản “mono no aware” (đời là vô thường). Ishiguro đã xem Fyodor Dostoyevsky và Marcel Proust là những người đã ảnh hưởng đến ông. Các tác phẩm của ông cũng được so sánh với các tác phẩm của Salman Rushdie, Jane Austen, và Henry James, mặc dù chính ông đã loại bỏ những sự so sánh này.
Một số các tiểu thuyết của ông viết về quá khứ. Mãi đừng xa tôi có những tính chất của một tiểu thuyết khoa học viễn tưởng và sắc thái vị lai. Tuy nhiên, nó được viết vào những năm 1980 và 1990 nên chúng ta có thể hiểu như nó diễn ra ở một thế giới song song tương tự ở vào thời điểm khi đó. Tiểu thuyết Khôn nguôi diễn ra ở một thành phố không có tên nằm ở trung tâm châu Âu. Phế tích của một ngày diễn ra ở một miền quê xa của vương quốc Anh trong giai đoạn Thế chiến thứ II. Người nghệ sĩ của thế giới nổi trôi viết về một thành phố không tên ở Nhật Bản trong suốt giai đoạn phục hồi sau sự đầu hàng của phát-xít Nhật vào năm 1945. Ở tiểu thuyết này, người kể nhấn mạnh đến vai trò của mình trong Thế chiến thứ II. Ông ta thấy mình đã bị khiển trách bởi thế hệ mới cáo buộc ông ta liên quan đến chính sách ngoại giao đầy sai lầm của Nhật Bản và đã đối diện với những lý tưởng của thời hiện đại như được đại diện bởi người cháu trai của ông ấy. Ishiguro cực kỳ yêu thích trước những sự thiết đặt thời gian trước và sau chiến tranh, bởi vì mối quan tâm của ông nhấn mạnh đến sự sản sinh của các giá trị và các lý tưởng được kiểm chứng, và con người phải giáp mặt với quan niệm rằng những lý tưởng của họ chẳng bao giờ hoàn toàn là điều mà họ nghĩ, chúng có trước khi sự xác minh xảy ra.
Trong suốt sự nghiệp khoảng chừng 35 năm, Ishiguro đã có được một sự công nhận rộng rãi với lối viết truyện kìm nén về mặt cảm xúc. Các tiểu thuyết của ông thường được viết theo ngôi thứ nhất, với những người kể chuyện không đáng tin cậy đi theo sự chối bỏ các chân lý dần dần được thể hiện ra cho người đọc. Sự cộng hưởng ở trong những cốt truyện của ông thường đến từ rất nhiều ý nghĩa ngầm ẩn, kiểu như những sự vật không nói, và những khoảng trống giữa nhận thức của người kể chuyện và thực tại. Sara Danius, thư ký thường trực của Viện Hàn lâm, nói về chiến thắng của Ishiguro như sau: Giải thưởng được trao cho Ishiguro đã đánh dấu một sự thay đổi từ người nhận giải Nobel năm ngoái, Bob Dylan. Ishiguro là người đặc biệt quan tâm đến cách hiểu về quá khứ, nhưng ông không phải là một nhà văn kiểu Proust, ông ta không muốn chuộc lại quá khứ, ông ta đang khám phá điều mà bạn đã lãng quên để hồi sinh ngay tại thời điểm đầu tiên mà ở đó vị trí của kẻ đang nhận chân sự thật có thể là một cá nhân hoặc là một xã hội. Sara Danius chia sẻ, nếu bạn trộn Jane Austen và Franz Kafka lại bạn sẽ có Kazuo Ishiguro, nhưng bạn phải thêm vào đó một ít Marcel Proust. Bà cho rằng Ishiguro là một nhà văn của tính liêm chính cao cả. Tiểu thuyết gia người Canada, Michael Ondaatje, tác giả của “The English Patient” cũng đã chia sẻ rằng bà đã “run lên vì sung sướng” trước sự lựa chọn của Viện Hàn lâm. Bà ấy viết trên email như sau, ông ấy là một nhà văn hiếm hoi và bí ẩn, luôn gây kinh ngạc cho tôi.
Nói về giải Nobel của Ishiguro, ủy viên của Viện, nhà thơ Andrew Motion cho rằng, thế giới tưởng tượng của Ishiguro có tác dụng thật vĩ đại và giá trị gần gũi một cách sâu sắc đồng thời mang tính cá nhân cao độ - một thế giới của sự bối rối, cách ly, thận trọng, đe dọa và đầy kinh ngạc. Motion cho rằng, ông ấy làm điều đó bằng cách kết dệt các câu chuyện của mình dựa trên những nguyên tắc nền tảng bao chứa một loại hình biểu thị khá sinh động của tình trạng căng thẳng cảm xúc. Nó là một sự kết hợp đầy hấp dẫn và đáng chú ý, cũng như đầy kinh ngạc để so sánh nó với những người nhận giải Nobel trước đây. Trong khi đó, Will Self lại phản ứng với chiến thắng của Ishiguro ở trong một chiều hướng về cơ bản mang tính sầu thảm. Self cho rằng, ông ta là một nhà văn hay, và từ đó tôi đã chứng kiến một con người đáng mến, nhưng điều đặc biệt trong cái nhìn của ông là ông thường bị sa lầy bởi những vòng nguyệt quế của sự lụi tàn, trong khi đó tôi ngờ rằng giải thưởng sẽ khiến cho chúng ta ngày càng ít để ý đến tính trung tâm có từ trước kia của tiểu thuyết đối với nền văn hóa của chúng ta hơn.
3. Chúng tôi nghĩ, việc chọn Ishiguro năm nay để thể hiện được một sự lựa chọn sáng suốt của Viện Hàn lâm khi đã tập trung vào giá trị văn học thuần túy gắn liền với tính chính đáng của giải là một giải thưởng trao cho hạng mục văn học. Khi mà những năm trước đây, Viện Hàn lâm đã chọn những cây viết làm việc trong những hình thức không có quy ước hay không rõ ràng về thể loại đánh động được những giá trị cơ bản của văn học thì việc trao giải năm nay là một bước chuyển lớn. Một điểm cần phải lưu ý ở đây là năm nay người ta chọn trao cho tác giả của dòng tiểu thuyết, một thể loại chủ lưu của văn học. Năm ngoái, giải được trao cho ca sĩ-nhạc sĩ Bob Dylan, vì đã và đang tạo ra những sự diễn đạt có tính thi ca mới mẻ ở trong truyền thống âm nhạc vĩ đại của Mỹ. Giải được trao, và sau đó đã làm phẫn nộ một số người theo nền văn học truyền thống. Cũng như hồi năm 2015, giải Nobel văn học được trao cho Svetlana Alexievich một tác giả hoạt động trong lĩnh vực báo chí, người được biết đến với những câu chuyện lịch sử bằng miệng đầy ắp sự chan hòa; và vào năm 2013, giải đã được trao cho nhà văn viết thể loại truyện ngắn người Canada, Alice Munro.
Thêm nữa, thiết nghĩ, chúng ta cần phải chú ý rằng kể từ năm 2010 đến nay, các giải Nobel văn học đều thể hiện một điểm nổi bật có thể thấy được, đó là sự sống dậy của chủ nghĩa hiện đại. Bằng chứng có thể thấy vào năm 2010 với giải thưởng của Mario Vargas Llosa qua thông cáo giải được trao vì “địa đồ của ông về các cơ cấu quyền lực và những hình ảnh đanh thép của ông về sự kháng cự, nổi dậy và thất bại của cá nhân”. Năm 2011,Tomas Tranströmer được xướng danh “thông qua những hình ảnh ảo diệu, súc tích ông đã mang lại cho chúng ta lối vào rõ rệt về hiện thực”. Năm 2012, Mạc Ngôn đã giúp “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo hợp nhất với các câu chuyện dân gian, lịch sử và đương đại”. Năm 2013, Alice Munro được xem như là bậc thầy của truyện ngắn đương đại. Năm 2014, Patrick Modiano và “nghệ thuật ký ức nhờ đó ông đã viện dẫn đến những số phận con người không thể nắm bắt được đồng thời khai mở một thế giới đời sống của sự cư lưu”. Năm 2015, Svetiana Alexievich hiện diện với “lối viết phức điệu, một tượng đài cho sự thống khổ và dũng cảm ở thời đại chúng ta”. Qua đó, một lần nữa, chúng ta càng chứng kiến được sự uể oải của con người hiện nay trước sự phân mảnh của các hệ thống giá trị, và người ta muốn tìm về với một nền tảng, một cơ sở có thể cưu mang họ trước những tháng ngày phiêu linh và vô định này, hay nói theo một cách khác, nhưng cùng một ý đó, rằng, hẳn là kết quả của những lần trao giải Nobel qua các năm gần đây càng khiến cho chúng ta có thêm niềm tin vào sức sống dậy của chủ nghĩa siêu hiện đại, một cuộc trở về với chủ nghĩa hiện đại sau mối hoài nghi kinh niên của hậu hiện đại về một tinh thần thời đại/siêu tự sự.
P.T.X.C (Tổng hợp)
(TCSH345/11-2017)