Tác giả-tác phẩm
Tết Huế trong tản văn Thái Kim Lan
09:31 | 12/02/2018

NGUYÊN HƯƠNG    

1. Có nhiều cách để người ta nói về Tết. Đó là một dịp để con người nghỉ ngơi, gặp gỡ, hàn huyên, và dù có được chờ đợi hay không thì Tết vẫn tới.

Tết Huế trong tản văn Thái Kim Lan

Với con nít, Tết là sự háo hức được mua áo mới và nhận lì xì. Với người già, Tết là dịp đoàn tụ con cháu trong gia đình, trầm ngâm đếm thêm một tuổi nữa trong vòng xoay nhiều con giáp. Với tôi, Tết vẫn luôn là một ngày bình thường, không có gì bất thường hay... phi thường cả.

Còn với Thái Kim Lan, Tết không chỉ là Tết. Tết là một nhân vật.

Lần theo đường đi chữ nghĩa trong tản văn Thái Kim Lan, Tết hiện lên như một “người nhà quê” chính hiệu, với tất cả những điều vụn vặt, đồng đất, bé mọn - theo đúng nghĩa đen nhất, thật nhất của cụm từ này. Tết không chỉ đơn thuần là những ngày cuối năm cũ và đầu năm mới tính theo nguyệt lịch, càng không phải là dịp để tụ họp hò reo đến say xỉn mặt mày. Trong tâm trí của người phụ nữ đã sống quá nửa đời người ấy, Tết Huế thực sự là một mùi hương được cời lại từ đống tro tàn, có cặn bám của nắng mưa, mồ hôi và nước mắt của cuộc đời trong suốt một năm dâu bể đã qua. Sâu hơn, “Tết là một tiếng vọng từ trong lòng đất thoát ra” “ăn Tết đối với người xa quê thường có những âm vang bí nhiệm kêu gọi một sự quay về, một hồi hướng hầu như không thể gọi được gọn ghẽ một cái tên chính xác” (Năm nay sẽ về nhà ăn Tết). Đọc tản văn Thái Kim Lan, ngỡ ngàng nhận ra một điều, ồ thì ra, “Người nhà quê” ấy vẫn là một điều bí mật với tất cả chúng ta!

“Kỷ niệm về những ngày Tết của tôi, xét cho cùng, rất nhỏ nhoi, nó bé tí như một hạt nếp nào đó trong xó xỉnh nhà bếp của bà nội tôi, nơi hơi khói ngột ngạt của bếp lửa vào buổi chiều thường làm chảy nước mắt... và nỗi đợi chờ nồi xôi duông xuống cho đến bây giờ nhớ lại vẫn còn nao dạ theo hương thơm ngọt lành bung ra từ cánh tay mở vung nồi của mạ. Hạt nếp rơi trên nền một chiều nào đó, khi mưa xuân ẩm đất nồng nàn, gió lạnh lùa qua khe. Nó nằm im như đợi chút nắng, nỗi chờ đợi dài cả đời người, rồi hầu như bị bỏ quên”... (Nơi tôi ăn Tết).

Trong tất cả tản văn đã đọc về Tết Huế của Thái Kim Lan, tôi thích nhất những dòng chữ này. Vẻ mộc mạc, ngây ngô và trong sáng đến vô ngần trong ký ức của người cháu gái năm nào về hạt nếp nơi góc bếp của bà nội như một đường viền lấp lánh ánh sáng, gọi tên bao nhiêu cơn cớ nhớ Tết giữa trời Tây của một người nay cũng đã... lên chức bà. Chính là cái hạt nếp nhỏ nhoi bé bỏng ấy đã lưu giữ ký ức về Tết của tác giả, chứ không phải một vật phẩm đắt tiền hay màu mè nào. Trong cách kể của Thái Kim Lan, hạt nếp ấy như hiện lên trước mắt chúng ta, trong một gian bếp ẩm thấp u tối nào đó, với cánh tay già nua của bà nội và con mắt háo hức mong chờ của đứa cháu nhỏ ngày xưa. Nếp đã đi một chặng đường dài, đã có lúc chấp nhận bị quên bởi sự hấp dẫn của nhiều món ăn cầu kỳ thượng hạng, nhưng điều ấy không quan trọng bằng việc nó đã sống một cuộc đời nông thôn trọn vẹn qua ký ức của chỉ duy nhất một con người.

Hạt nếp xưa vẫn còn đó. Tết Huế xưa vẫn còn đó, vẫn hiển hiện đâu đây bằng nhiều câu chuyện, qua nhiều ký ức thế hệ song không ít người đã bước qua mà chẳng hề quay đầu ngoái lại.

2. Viết về Tết, Thái Kim Lan thường đi rất xa cái khởi đầu của mình. Đi rất xa nhưng kỳ thực lại trở về gần cái khởi đầu mà con tim gửi gắm. Đọc văn, tưởng như tác giả chỉ muốn kể lại những câu chuyện về Tết ở quê hương mình nhưng ngồi lại suy nghĩ, lân la đến từng góc chợ, ngôi chùa, con đường trong các bài viết mới thấy, một Huế thật mộng, thật đẹp hiện ra trong những ngày cuối năm. Thoạt tiên là phố Hàng Đường đã xa xôi nhưng còn nguyên trong trí nhớ, rồi tới Kim Long - Hà Khê, Thành Nội, chùa Diệu Đế, Linh Mụ, bỗng thấy tác giả đạp xe lên Đàn Nam Giao đi tuế mộ chiều 30, đò ngang Tiên Nộn, hoa giấy Thanh Tiên... Từng ấy địa chỉ kể ra, quá đủ cho một bảo chứng về một Tết Huế xưa trong cõi dân gian.

Phố Hàng Đường, vốn là một con phố nằm bên dòng nước nhánh của con sông Hương như một án ngữ giữa phố và biển khơi vì nối liền Gia Hội với Bao Vinh và Ngã ba Sình. Bây giờ con phố ấy có tên gọi là đường Bạch Đằng, nơi trở thành bối cảnh cho nhiều chi tiết đắt giá về Tết trong tản văn Thái Kim Lan. Nếu chưa từng đi qua con đường ấy, sẽ rất khó để hình dung những gì tác giả viết về một cái Tết xưa vì thực sự cái tên Bạch Đằng nghe “không Huế” một chút nào. Nói đến Huế, những người Đàng Ngoài như chúng tôi thật tình vẫn hay nghĩ đến các địa chỉ như Vỹ Dạ, Kim Long hay Thành Nội, rêu phong thành quách chứ ít ai biết đường Bạch Đằng nằm ở chỗ mô. Nhưng một khi xuôi dòng từ Vỹ Dạ qua cầu Gia Hội, xuống thuyền lên bờ đi bộ thì sẽ hiểu vì sao những dòng chữ ấy lại đẹp đến vậy. Ngay cả cái động tác “lóc cóc mở cánh cửa gỗ, thò đầu nhìn ra đường xem o bán cháo gạo đỏ bên cạnh nhà đã dọn ra chưa” cũng dễ thương kiểu rất Huế! Dẫu cho bây giờ, phố ấy chỉ còn là những “dấu xưa xe ngựa” thì vẫn có nguyên cớ để hình dung khung cảnh phố cổ những ngày cuối Chạp chuẩn bị đón Tết. Mùi hương xưa cũ quay về, trong trang sách của một người đã sinh ra ở đấy, ra đi rồi lại trở về, đôi khi chỉ vì nhớ món dưa cải được ăn trong những chiều cuối năm.

“Tôi nhớ vị dưa cải màu vàng úa, ăn với nước mắm nguyên chất trộn với ớt bột một chiều đông lạnh bên cạnh bà nội. Cải dạo ấy sao cay đến the nồng cả mũi, nước mắt ứa ra mà ngon chi lạ. Nhớ bà và nhớ làm sao không khí lạnh giá đạm bạc của những buổi chiều tháng Chạp và hơi thở êm ấm của bà”. (Nơi tôi ăn Tết).

Rồi từ hương cải cay của mùa đông năm ấy, tác giả dẫn chúng ta vào một không gian Tết Huế thật mộc và thơm. Xưa, ở Huế có hai kiểu Tết là Tết dân gian và Tết cung đình nhưng giờ chừ chỉ còn phổ biến kiểu Tết dân gian. Là cái Tết của thường dân nhưng xem ra cách đón, cách ăn, cách thưởng Tết của người Huế cũng thuộc vào hàng cầu kỳ nhất Việt Nam. Riêng đoạn miêu tả công tác lau chùi, đánh bóng các lư, chân đèn, mâm đồng, bình hoa, quả bồng... ở nhà Từ đường của dòng họ Thái trên Kim Long cũng đủ thấy tỉ mỉ rồi.

Ấn tượng thẩm mỹ giá trị nhất trong Tết của người Huế, theo tôi là các loại bánh. Với người Bắc, Tết chỉ đơn giản có bánh chưng bánh tét thờ gia tiên nhưng ở Huế thì có nhiều loại bánh khác nhau. Ngoài bánh chưng bánh tét còn có các loại bánh ngọt bánh mặn khác. Đó không chỉ là truyền thống mà còn là dịp người lớn truyền dạy việc bếp núc gia chánh cho con cháu thế hệ sau. “Bánh ít đen làm bằng bột nếp và lá gai quết nhuyễn, bánh ít trắng cũng bằng bột nếp và nhân thập cẩm. Bánh nậm bằng bột gạo, bánh phu thê bằng bột sắn, bánh phục linh bằng bột bình tinh, bánh đậu xanh, bánh sen tán, bánh bó, bánh măng, bánh dừa mận, bánh vả... Còn mứt thì có mứt hạt sen, mứt gừng, mứt cam quất, mứt bí đao, mứt me, mứt dừa, mứt khoai, mứt cam, mứt thơm, mứt khế, hồng ngâm... Bánh hấp thì gói bằng lá chuối, lá dong hoặc lá dừa, bánh khô thì gói bằng giấy ngũ sắc.” (Tết xưa).

Với sự liệt kê nói trên, chúng ta dễ dàng nhận ra đó đều là những vật phẩm của nền văn minh nông nghiệp lúa nước phương Đông. Ở đó có sự kết hợp giữa dưới ruộng - trên vườn, nóng - lạnh, mặn - ngọt... như một sự giao hòa của âm dương, đất trời, thể hiện quan niệm vạn vật hữu linh của con người nơi trần thế. Chúng hé lộ bàn tay tài hoa, khéo léo của người phụ nữ Huế. Chúng phát biểu về cái gọi là tinh hoa của ẩm thực Huế. Và nhất là, chúng ngầm chứa một lời khẳng định về mảnh vườn xưa của Huế, như một kho lưu trữ sinh thái với các loại gia vị, cây ăn trái - không “bỏ rơi” sự đãng trí của người phụ nữ mỗi khi ra chợ nếu trót quên một món gì đó.

Sau các loại bánh mứt, phải nói đến hoa giấy chưng trong nhà. Hãy theo chân tác giả xuôi đò Tiên Nộn để đến nơi làm hoa giấy, vật phẩm mà Thái Kim Lan âu yếm gọi đó là gia bảo rồi hớn hở ôm lên thuyền mang về phố. Đó là những ngôi làng nằm ven sông, sau khi kết thúc vụ gặt mùa đông sẽ là lúc người dân làm hoa giấy bán Tết: “Màu sắc của hoa giấy họ lấy từ cảm hứng sắc màu của những loài hoa mọc quanh vùng, các loài hoa vừa “dại” (hoa mọc hoang ở ven sông người Huế gọi là dại) vừa “khôn” (hoa được người ta trồng, chăm bón). Hàng ngày hàng giờ sắc màu ấy thâm nhập vào tâm, in vào trí đến nằm mơ cũng thấy, rồi cảm hứng truyền đến đôi tay, và cứ thế họ nhuộm màu giấy, cắt, dán, ghép thành các loài hoa cúc, hoa hồng, hoa mai, theo giấc mơ tâm tưởng mà cách điệu, thật là rực rỡ như những lời reo vui cất lên trong không gian đồng nội. Khi làm xong các nhánh hoa, họ cắm vào một cái cùi rồi mang cùi trên xe đạp đem lên chợ bán.” (Lá thư mùa xuân).

Nghệ thuật phối màu điêu luyện của người nông dân xứ Huế đã khiến những bông hoa rời rạc trở thành quấn quyện trong cành hoa xuân, khiến cho ngôi nhà vừa tươi sáng vừa có hồn truyền thống. Ngắm nhìn cành hoa giấy, tôi thấy màu đỏ được tô điểm nhiều nhất. Trong cuốn Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Jean Chevalier và Alain Gheerbrant đã khái luận màu đỏ được coi là “biểu tượng cơ bản của bản nguyên sống”, là “màu của ngày, của dương tính”, “phát tiết từ mặt trời và đó là màu siêu việt nhất”, cũng là màu của sự may mắn. Ít hơn một chút là màu vàng, màu xanh, màu tím, màu trắng... Đây cũng chính là những mảng màu chủ yếu tạo nên linh hồn của nghệ thuật hội họa. Chúng như những dòng nhựa xuân đương mơn man bên ô cửa được nghệ nhân phát hiện và đánh thức sức sống tô điểm cho bức tranh tháng Chạp thêm phần nô nức. Cách trang trí hoa giấy chơi Tết biểu hiện một góc nhìn tín ngưỡng dân gian của người Huế, mong muốn những điều tươi sáng, may mắn, hanh thông đến với mọi nhà trong năm mới.

Sau ăn Tết, ngắm Tết sẽ là tặng quà Tết. Đọc suốt mấy chục trang tản văn, tâm trí miên man giữa những miêu tả từ công tác lau chùi dọn dẹp, chợ búa đến khung cảnh chùa chiền, đường phố ngày cuối năm thì bỗng gặp mấy dòng tỉ mẩn thế này. Tỉ mẩn từ câu chữ đến cách chuẩn bị quà Tết cho hai người bạn cô đơn. Chắc không ai như Kim Lan, và chắc chắn là không theo được Kim Lan khoản nghĩ ra những ý tưởng độc - lạ, “chẳng giống ai” nhưng lại rất Huế, rất tình này: “Năm giờ chiều, tôi gói hai món quà cho hai người bạn mà tôi cho cô đơn nhất trong năm nay - trừ tôi ra chắc?! Bỗng vui như một khám phá. Giấy tiền giấy bạc bị cấm dùng rồi, tôi lấy cái rế tre thay dĩa sắp các thứ chính tay tôi làm lên trên: Mứt gừng, tương ớt, tôm chua, và một món đạo vị là trà ngon tinh khiết và gói hoa sói hái trong vườn để ướp trà gói trong lá chuối xanh. Thay vì dây buộc màu xanh đỏ tôi đã nhờ chú giữ vườn Từ đường lấy bẹ chuối tước dây phơi khô để buộc, như mệ bán hoa đã dùng buộc các cây hoa và tôi đã giữ lại.” (Nơi tôi ăn Tết). Đọc và hình dung gương mặt của người phụ nữ ấy, một tấm lòng cảm thông, rộng lượng nhưng lại váng vất chút riêng tư trong tâm trạng muốn gửi gắm đến những người cùng thế hệ. Nhìn những món mà tác giả sắp vào chiếc rế tre để tặng cho hai bạn của mình thì không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là một sự nâng niu những thứ quà “nhà quê” tưởng như đã vãn thời. Còn gì quý hơn việc tặng nhau những món ăn đã từng theo mình từ thuở ấu thời đến khi đầu đã bạc, mà có khi đó không đơn thuần là món quà, đó là cả tấm lòng hồng hoang vô tận.

Tết Nguyên Đán theo nguyệt lịch, lằn ranh giữa năm cũ và năm mới đôi khi chỉ như một đốm sương mờ. Nhưng có lẽ Giao thừa là thời khắc thiêng liêng, duy nhất và không thể lẫn lộn với bất kỳ khoảnh khắc nào trong năm. Ở Huế, lễ cúng Giao thừa được chuẩn bị kỹ lưỡng. Sau hồi chuông chùa đổ liên hồi bát nhã, các hộ gia đình tiến hành lễ lạt. Đặc biệt “dưới vạn đò cũng nổi đèn cúng Giao thừa, ánh sáng chập chờn từ thuyền này sang thuyền khác kết thành một dải hoa lửa lơ lửng trên không.” (Hành trình ăn Tết ở nhà). Hạt nếp bé nhỏ nơi góc bếp ngày nào giờ là hột nổ, nó hồng hào bên cạnh hoa quả, bánh trái. Có lẽ chỉ có ở Huế, hột nổ mới trở thành một món vật trang nghiêm và không đổi trên bàn thờ. Dẫu chỉ là kiếm thêm đồng ra đồng vào của các hộ gia đình sau hai vụ lúa nhưng hột nổ lại trở thành một món lễ bái không thể thiếu trên mâm cúng của các gia đình người Huế những ngày rằm, mồng một và đặc biệt đêm Giao thừa cuối năm.

Sự luân chuyển từ năm cũ sang năm mới được gói ghém trong những dòng chữ đầy ý nhị, tinh tế mà chắc chắn phải sống rất lâu trên vùng đất kinh kỳ ấy thì mới có thể cảm được: “Qua một đêm, sáng ngày mồng một Tết, bỗng dưng mọi người đi lại nhẹ nhàng như những chiếc bóng, cử chỉ khác hẳn không tíu tít ồn ào, không ai nói lớn tiếng với ai mà chỉ âm thầm trang điểm, người lớn thì chải tóc vấn khăn và thay áo, chỉ riêng lũ trẻ lúng ta lúng túng với những áo những quần chưa quen mặc.” (Mùa xuân bên ấy).

Lắm khi buông xuống giữa chừng trang sách, tôi có cảm giác Thái Kim Lan đang khao khát trở lại ngày xưa bằng đồng dao của những trò chơi như u mọi, đi chợ về... Khi đi ngang qua một vệ đường mùa xuân nào đó, thấy tiếng người xôn xao quanh bàn bài vụ, nhứt lục, bầu cua cá cọp hay đổ xâm hường... “Tôi mê bài vụ trong những ngày Tết và luôn thương cả con heo ễnh bụng, con voi trắng ngà, cả con ngựa hồng phi nước kiệu, mang chúng vào trong giấc ngủ đến cả bên phương trời Tây...” (Hành trình ăn Tết ở nhà). Có lúc tôi thấy bà hồn nhiên như một đứa trẻ khi được sư thầy chùa Diệu Đế cho món quà đúng ý ngày đầu năm, “ôm bánh về nhà, tôi gọi điện cho con hỏi bên nớ ăn Tết ra răng” chắc hẳn xua đi mọi cảm giác cô đơn trong những ngày cuối năm của một người về nhà ăn Tết mà căn nhà trống không, vắng lặng. Nhất là giấc ngủ màu cổ tích của Kim Lan những ngày còn bé, trong tiếng chày khuya và hương thơm những chiếc bánh trong căn bếp của bà nội, với cái nắng xuân vừa mới hé mở dịu dàng để bây giờ nhớ lại, bà gọi là “những ngày Tết ấy như trong mơ”.

Nhưng đọng lại trong tôi nhiều nhất lại không phải là những mứt những bánh những hoa đã dẫn chứng ở trên mà là tâm trạng của một người mạ Huế trong cái Tết xa quê hương, gia nương, họ tộc. Tháng Hai ở Muenchen là mùa tuyết đổ, mạ ngồi trong căn nhà của người con gái út với ánh mắt ngóng vời vợi về bàn thờ tổ tiên. Ánh mắt đủ để người con thấu hiểu vì đã từng trải qua cảm giác đó khi cái Tết đầu tiên xa nhà, đứng trên ngọn đồi đen thẫm, gió thốc từng cơn mà nhớ bà nhớ mạ. Chưa bao giờ tôi thấy ngòi bút Thái Kim Lan thật đến thế, như đếm như sờ vào tận trái tim người mạ của mình, chộn rộn lo lắng không yên. Nghe lời dặn dò của mạ mà hiểu hơn phần nào về đức tính chu toàn, nhẫn nại của người phụ nữ Huế: “Tháng ni là tháng Chạp, phải đi chạp mộ ôn mệ con nờ. Con viết thư về và gởi tiền về để sửa sang mộ chí, sơn nhà sơn cửa, sắm hương hoa quả phẩm, mứt bánh ngày Tết, cúng chùa, quà cáp nội ngoại, cả lễ đưa ông Táo và cúng đêm giao thừa, cho kịp.” (Mạ tôi và Tết Huế).

3. Nhà mình thật sự ở đâu? - là câu hỏi mà Thái Kim Lan đã tự hỏi mình trong cơn dùng dằng nửa ở nửa đi trong “Nửa chuyến về Tết”. Khi ba mạ đã về cùng cát bụi, có lúc chính bản thân bà “thấy mình đang đạp xe dấn sâu vào nỗi trơ trọi” và thật lòng thú nhận “bơ vơ cho đến thế này thì thôi”. Có lẽ với bất kỳ một đứa con nào, Tết là một khái niệm hối thúc sự trở về với gia đình, đất đai tổ tiên nhiều nhất. Tâm trạng phân vân, đứng lên ngồi xuống, mấy chặp xách vali ra phi trường Muenchen để về Huế rồi lại xách vali trở lui khiến bạn đọc sốt ruột thay. Thái Kim Lan cũng giống mạ mình “vừa thương bên ni mà nhớ bên tê” cho nên đi không đành, ở không đặng. Những ai có trải qua mất mát, trơ trọi và tranh đấu nội tâm như thế mới thực sự hiểu được giá trị của Tết đoàn viên, thấy nước mắt rơi không hoài khi được ở trong vòng tay của những điều máu thịt nhất.

“Thích thú được cầm trong tay những thứ mà bên Tây không có, được nghe xúc giác chạy rần khi cầm bó rau cải, khi cầm những lát gừng tươi ấm trong tay, khi nhìn nước đường quánh lại trên từng lát gừng tươi, khi thấy mắm tôm chua đỏ thắm. Những giây phút ấy là giây phút tĩnh lặng nội tâm. Cho nên bình an.” (Nơi tôi ăn Tết).

Bình an, là điều mà con người ta thường chúc nhau mỗi khi Tết đến xuân về. Phải có giá trị như thế nào thì hai chữ ấy mới được ước mong và chiều chuộng đến thế. Bởi vậy mới nói, không phải cứ là tiền bạc, danh vọng mới có sức cám dỗ mà BÌNH AN mới thực sự cám dỗ người ta. Đến nỗi cuối đời, nhiều người chợt tỉnh và chấp nhận bỏ hết tiền bạc danh vọng chỉ để mong có được chút bình an thanh thản trong tâm.

Tết dân gian là một trong những cái “lõi” còn lại của Huế, người nương vào đó mà tìm dấu trở về, rồi cũng từ đó ngưng thần nhớ lại khoảnh khắc “về đêm, giữa mơ và tỉnh, còn nghe bà căn dặn mạ qua tấm mùng, về màu sắc áo mùa xuân”...

N.H  
(TCSH348/02-2018)


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng