Tác giả-tác phẩm
“Tướng Cao Văn Khánh” - Cuốn hồi ký đặc biệt, dày đặc đạn bom và thấm đẫm tình người
09:19 | 06/04/2018

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Có thể gọi đây là cuốn hồi ký đặc biệt vì nhiều lẽ. Trước hết, vì tác giả hình như chưa viết báo, viết văn bao giờ. Bà là PGS.TS chuyên ngành Dược, nguyên Phó Giám đốc Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh, nhưng lại có “thế mạnh” hơn nhiều cây bút khác - Cao Bảo Vân là con gái của tướng Cao Văn Khánh (1916 - 1980).

“Tướng Cao Văn Khánh” - Cuốn hồi ký đặc biệt, dày đặc đạn bom và thấm đẫm tình người

Cuốn sách được thực hiện trong gần chục năm và ra mắt bạn đọc 37 năm, sau khi tướng Cao Văn Khánh (CVK) qua đời. Sách dày 800 trang khổ lớn, gồm 40 chương với một khối lượng tư liệu có thể nói là đồ sộ, là tài liệu tham khảo rất bổ ích cho những ai quan tâm đến lịch sử Việt Nam từ năm 1945 - 1975.

Cuốn hồi ký đặc biệt vì CVK là một trong số ít vị tướng tham gia, chỉ đạo trực tiếp hầu hết chiến dịch quan trọng nhất mà cũng ác liệt nhất suốt trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ, là người được đại tướng Võ Nguyên Giáp tin cậy trao những trọng trách khó khăn nhất từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp (giữ chức Khu trưởng Khu 5 với mặt trận ác liệt ở Nha Trang, An Khê…) cho đến các chiến dịch Biên giới, Điện Biên Phủ (chống Pháp) và Tây Nguyên, Đường 9 - Nam Lào, Quảng Trị 1972, rồi Tổng tiến công Xuân 1975 với chức vụ Phó Tổng Tham mưu trưởng.

Trớ trêu thay, ông lại có một… lý lịch “phức tạp” khác thường. Trước Cách mạng tháng 8/1945, CVK đã nổi tiếng ở Huế “đẹp trai - con nhà giàu - học giỏi” - thi Thành chung đậu nhì mà trùm mền bỏ ăn 3 ngày, ra Hà Nội thi lấy hai bằng tú tài toàn phần và tú tài Tây, rồi vào học Luật khoa Đại học Đông Dương cùng anh trai là Cao Văn Tường (về sau, có thời giữ chức Bộ trưởng trong chính quyền Sài Gòn, mặc dù   1945 tham gia kháng chiến, làm Phó Tổng biên tập báo “Chiến sĩ” của Giải phóng quân Thừa Thiên Huế, năm 1952 là Chánh Tòa án tỉnh Thanh Hóa!) Ông anh cả là Cao Văn Chiểu không chỉ là hiệu trưởng trường Phú Xuân nổi tiếng ở Huế mà còn là Dân biểu Trung kỳ từ 1936, chủ bút của mấy tờ báo ở Huế thời 1935 - 1940 (về sau, sang Pháp rồi về Nam, có thời giữ chức Chủ tịch Ủy ban Văn hóa Giáo dục Hạ nghị viện Việt Nam Cộng hòa!) CVK còn mê thể thao, giỏi võ, chơi đàn violon…; khi Thế chiến 2 bùng nổ, trở về Huế dạy học nhiều trường, hoạt động hướng đạo với Tạ Quang Bửu, càng nổi tiếng, là “thần tượng” của nhiều cô gái đẹp, trong đó có cô T.V “hoa khôi” Huế, nhà gần cửa Thượng Tứ… Còn vợ ông - bác sĩ-đại tá Ngọc Toản, từng nổi tiếng khi còn là “tiểu thư” nữ sinh Đồng Khánh. Là dòng dõi hoàng tộc, thân phụ của bà là đại quan hàng đầu triều Nguyễn thời Khải Định, rồi Bảo Đại, cả gan ngăn cản vua lập hoàng hậu là người theo đạo Thiên Chúa!...

Một nhà nghiên cứu ở Huế đã nói với tác giả: “Tôi chịu chết không hiểu vì sao lý lịch thế này mà ông cụ nhà chị lên được chức Phó Tổng Tham mưu trưởng.” Còn đồng đội vào sinh ra tử với CVK lại thầm nghĩ: “Tại sao một người như vậy mà ở vị trí nào cũng chỉ là Phó thôi?” (Nói cho thật đúng, thì CVK cũng có vài lần được làm “Trưởng”, như năm 1971, ông được cử làm Tư lệnh Mặt trận Đường 9 - Bắc Quảng Trị; tuy rằng CVK vẫn chỉ là đại tá suốt 23 năm, kể từ năm 1948). Và tác giả bình luận: “Cả hai ý kiến đều có lý của nó. Nhưng CVK là người có một số phận hết sức đặc biệt trong một bối cảnh đặc biệt của đất nước…”.

Cũng thật đặc biệt, khi đám cưới của CVK và Ngọc Toản được tổ chức trong hầm De Castries ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ!...

Tướng Cao Văn Khánh và vợ năm 1955


8 năm sau đám cưới “vô tiền khoáng hậu” đó, Cao Bảo Vân mới ra đời, nên để viết được hồi ký của một vị tướng như CVK khi ông qua đời đã mấy chục năm, khi hầu hết tài liệu, sổ sách ghi chép của ông bị “mất” một cách cũng rất “đặc biệt”, tác giả đã dày công đọc hàng vạn trang tư liệu, hồi ký của rất nhiều các vị lãnh đạo Đảng, tướng lĩnh Việt Nam nổi tiếng và cả của đối phương, báo chí phương Tây, rồi tìm đến hầu hết những “nhân chứng” cùng chiến đấu với CVK hiện còn sống… Với 452 trích dẫn tư liệu và “nhân chứng” như thế, cuốn sách có rất nhiều trang miêu tả khá chi tiết các chiến dịch lớn quan trọng nhất của hai cuộc chiến. Có thể sẽ có độc giả cho rằng dung lượng dành cho chiến cuộc dày đặc bom đạn như thế là quá nhiều. Thoạt đầu, tôi cũng đã có cảm tưởng như thế. Nhưng gấp sách lại, tôi bỗng nghĩ: Với một vị tướng suốt cuộc đời “trận mạc” ác liệt như CVK, kể chuyện “đánh đấm” liên miên như thế không chỉ phản ánh đúng hoạt động trọng yếu nhất cuộc đời ông mà còn là cách ghi ơn sự hy sinh vô bờ bến của chiến sĩ. Trong cuốn sách, tôi đã bắt gặp nhiều lần CVK bày tỏ:

“…Càng thương con, càng thương anh em chiến sĩ, thật là vĩ đại vô cùng, gian khổ bao nhiêu cũng luôn vui vẻ, quyết tâm đánh giặc… Anh càng thấy trách nhiệm của mình làm thế nào giành được thắng lợi mà đỡ hy sinh nhiều cho anh em, và càng thấy lo lắng… Trách nhiệm người chỉ huy trong giai đoạn quyết liệt này thật là quá nặng…”. (Trích thư gửi từ Mặt trận “Đường 9 - Nam Lào” - 1970).

Mặt khác, những trang viết về các chiến dịch lớn được thể hiện từ nhiều góc độ, với một cách nhìn nhiều chiều, nên cuốn sách là sự bổ sung rất có giá trị cho chính sử, thậm chí giúp làm sáng tỏ không ít “vùng mờ” hoặc đang có những ý kiến khác nhau.

Riêng tôi, một người dù từng trải qua nhiều năm tháng chiến đấu ở các trọng điểm trên Trường Sơn và đất lửa Quảng Bình, trong khi đọc sách đã phải nhiều lần thốt lên: “Ghê gớm quá! Thật không ngờ…”. Theo tôi, đây là cuốn sách có “sức nặng” nhất, chứng minh chiến thắng của chúng ta còn là chiến thắng của trí tuệ và tài thao lược của các tướng lĩnh, trong đó CVK là người đã có những đóng góp nổi bật.

Đó là chưa nói đến những “trận đánh cân não” mà vị tướng có lý lịch đặc biệt như CVK buộc phải hứng chịu trong đợt chỉnh huấn, đẩy những cán bộ xuất thân trí thức ra khỏi quân đội theo “sách” của các “cố vấn”, rồi đợt “chống chủ nghĩa xét lại” ghê gớm đến mức bà Ngọc Toản được nhắc nhở là đừng quan hệ với phu nhân một “công thần” bậc nhất nhì quốc gia vì họ đã bị ghi “sổ đen”! Trong những trận “cân não” ấy, không ít vị chỉ huy tài giỏi đã phải xa quân ngũ (tiêu biểu như trung tá Đặng Văn Việt - “con Hùm Xám Đường số 4”, được cả tướng Pháp kính nể - phải chuyển sang làm nông nghiệp và thủy sản...). Vậy mà CVK đã đứng vững và được giao những vị trí chỉ huy then chốt nhiều chiến dịch lớn cho đến tận 1979! Hẳn là vì ông có phẩm chất đặc biệt vượt lên tính toán của các phe phái - đó là tình yêu vô hạn đối với Tổ quốc, là sự xả thân vì Tổ quốc, không màng chi lợi danh.

Điều đặc biệt nữa khiến nhiều bạn đọc thích thú là cuốn sách căng chật những trận đánh sinh tử với sức tàn phá của một khối lượng bom đạn khổng lồ (chỉ riêng tại Thành Cổ Quảng Trị, 328.000 tấn bom đã trút xuống trong 81 ngày đêm, sức công phá tương đương 7 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Hiroshima! Riêng phía Quân đội nhân dân đã hy sinh 10.767 người, bị thương 27.573 người… 225 xe tăng cùng pháo hạng nặng bị phá hủy - Tài liệu Tổng kết chiến dịch hè 1972 của Bộ Tổng tham mưu) - nhưng chính giữa những cuộc chiến khốc liệt như thế, tình người, tính nhân văn cao đẹp lại thấm đẫm qua nhiều chương sách.

Tình thương đối với các chiến sĩ như trên đã dẫn, có lẽ không chỉ CVK mới có, nhưng sáng kiến tổ chức “đêm lửa trại kỳ lạ nhất trong đời” ngay sau chiến thắng lớn đầu tiên ở Biên giới (1950), khi đại tá CVK, đại đoàn phó 308 - đơn vị chủ công của chiến dịch - được giao nhiệm vụ ở lại chỉ huy việc thu dọn chiến trường, trao trả tù binh thì hẳn là chỉ CVK, với truyền thống một hướng đạo sinh cùng thời với giáo sư Tạ Quang Bửu hồi còn ở Huế, mới nghĩ ra!

“…Một đống củi chất cao quá đầu bắt lửa hồng bốc cao sáng rực trong đêm… Ngồi vòng trong xung quanh đám lửa là hơn 800 thương binh của ba cánh quân thất trận (Le Page, Charton, De la Boom) và cả các đại đội Vệ quốc đoàn và một ban nhạc. Vòng ngoài là dân công, tải thương, nhiều địa phương… Người chiến thắng hát bài ca cách mạng. Kẻ thất trận hát giọng hát của quê hương mình ở Áo, Pháp, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Ý, Đức… Mấy trăm tù binh nặng đang nằm nhà thương Thất Khê gần đó, cũng xin tham gia. Chị em dân công chiều lòng họ, khiêng cáng từ nhà thương xuyên qua vòng người đang nghiêng ngả, gật gù theo điệu nhạc, đi vòng quanh đống lửa…”.

Không thể trích dài hơn nữa, dù sự kiện có lẽ là “độc nhất vô nhị” trên cả thế giới và tác giả đã miêu tả… hay như một nhà văn có nghề. Sự kiện không chỉ thể hiện tính nhân văn của CVK mà của cả chiến sĩ và nhân dân địa phương. Hơn thế, sự “hòa đồng” kỳ lạ của hàng trăm người lính thuộc hai chiến tuyến, khác màu da chủng tộc sau những trận đánh ác liệt, khiến chúng ta nghĩ đến những điều sâu xa hơn. Đó là sự phi lý của chiến tranh, là tội lỗi của những kẻ đã đẩy những thanh niên tràn đầy nhựa sống vào chỗ chết - ở đây là Chính phủ Pháp thời đó, đã ngoan cố hòng chiếm nước ta một lần nữa! Có lẽ chính vì thế mà sạu khi một tù binh hô to: “Viva Ho- Chi-Minh!” (Hồ Chí Minh muôn năm!), từ đám thương binh Tabor rồi lan ra những toán tù binh nhảy dù lê dương, tất cả đều hét: “Viva Ho-Chi-Minh!” Tiếc là không thể trích thêm những cảm nghĩ thật xúc động của các tù binh trong đêm lửa trại “vô tiền khoáng hậu” này.

Cũng thật khó nói hết tình cảm vợ - chồng, cha - con, mẹ - con trong cuốn hồi ký đặc biệt này. Ngay trước “thềm” chiến dịch Điện Biên “chấn động địa cầu”, tác giả dành chương 15 với tiêu đề “Tình yêu” kể chuyện các đồng chí Lê Quang Đạo (sau này là Chủ tịch Quốc hội), rồi giáo sư Tôn Thất Tùng “lập mưu” cho Ngọc Toản được gặp CVK giữa rừng Việt Bắc khi cô tiểu thư “con cụ Thượng mà cũng đi kháng chiến đấy nhé” (lời tướng Lê Quang Đạo). Đó là khoảng cuối năm 1953, Ngọc Toản 22 tuổi nhưng “đã tham gia kháng chiến 7 năm, ba lần bị Pháp bắt giam do quá năng nổ trong phong trào học sinh ở Huế…” rồi cùng cả gia đình “hành quân” 6 tháng ròng từ Huế theo đường rừng gian nan ra Việt Bắc. (Chỉ riêng cuộc đời Ngọc Toản, nhà báo Mỹ Merle Pribbnow đã thực hiện cuộc phỏng vấn dài 71 trang!) Cho đến sau chiến thắng Điện Biên, cũng nhờ tình đồng đội là ông Trần Lương (từng là Chính ủy Khu 5) Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị (về sau là Bộ trưởng Quốc phòng Chính phủ Cách mạng lâm thời Công hòa miền Nam Việt Nam với tên Trần Nam Trung) “lập mưu” mới “kéo” và “giữ” được cô Ngọc Toản “bướng bỉnh” ở lại để tổ chức lễ thành hôn…

Cũng có thể gọi Cao Văn Khánh - Ngọc Toản là “cặp đôi hoàn hảo”! Hẳn sẽ có bạn bảo: với vị tướng lừng lẫy chiến công như CVK thì tiểu thư “cành vàng lá ngọc” như Ngọc Toản lấy chi sánh được mà nói là “cặp đôi hoàn hảo”? Chính CVK, sau khi cưới hai tháng, thú nhận “chỉ có vợ mình, mình mới thua”! CVK nói vậy, sau đám cưới độc nhất vô nhị trong hầm De Castries hai tháng “có kẹo nuga, thuốc lá Phillip, rượu Tây máy bay Pháp thả mừng De Castries lên tướng… Chú rể hát “Bộ đội về làng”, cô dâu hát bài “Em bé Mường La”… trong niềm vui thắng trận ngây ngất…”. Vậy mà khi Cục Quân y điều Ngọc Toản về đại đoàn 308, để vợ chồng có điều kiện gần gũi nhau, cô “bừng bừng tự ái, “bị xúc phạm” với ưu tiên của cấp trên, như thể cô không chịu được gian khổ”… Cô quyết xin gặp đại tá - bác sĩ Vũ Văn Cẩn, Cục trưởng. “Bị kỳ thị thành phần gia đình quan lại, cô tiểu thư càng nung nấu đi chiến đấu ở tuyến đầu, noi gương những liệt nữ anh hùng, thần tượng của cô từ những bài giảng lịch sử ở Trường Đồng Khánh…”. Và cô đã viết Nhật ký: “…Yêu là một chuyện, nhưng cuộc sống công tác và quan niệm lý tưởng, tự lập, bình đẳng và tiến bộ của người phụ nữ phải không bị ảnh hưởng bởi tình yêu. Phải đi lưu động, phải phấn đấu khi còn trẻ. Khung cảnh bình thường, chỉ làm yếu lòng người…”. Mặc cho CVK thuyết phục rằng “Người ta vẫn là người chứ không phải sắt đá… Em quên rằng chăm sóc sức khỏe cho thủ trưởng cũng là nhiệm vụ cách mạng của người vợ chiến sĩ…”. Thấy chồng nói đùa, cô càng bất mãn và rút cục cả đại tá Cục trưởng và CVK đều thua người bác sĩ trẻ. (Tuy vậy, nhiều năm sau, bà đại tá - bác sĩ mới ân hận nghĩ lại, “cái chủ nghĩa anh hùng cá nhân lãng mạn cách mạng” để rồi “càng cảm thấy thương yêu quý trọng anh nhiều vì những hy sinh mà anh phải chịu đựng để thực hiện lời hứa với tôi: “Không khi nào vì tình cảm mà anh làm ảnh hưởng đến nguyện vọng, công tác, nghề nghiệp của em”!”

Nhân đây, nhắc thêm một câu đùa của của “Chiến tướng” CVK từng nổi tiếng nghiêm khắc trong huấn luyện gian khổ. Ấy là khi đơn vị “ưu tiên” bố trí “buồng hạnh phúc” cho đôi vợ chồng trẻ mới cưới, lần đầu CVK đến đơn vị mới của Ngọc Toản là Phân viện 8 trên một ngọn đồi, giữa đêm mưa gió tưởng muốn cuốn trôi tất cả. Phòng chỉ có một cái giường bằng nứa, vừa ngồi lên đã sụp, nhưng CVK pha trò: “Oan này như oan Thị Kính, chưa làm gì giường đã sập!”…

Những lá thư của CVK gửi cho vợ và các con viết từ các mặt trận xa xôi gửi về không chỉ thể hiện tình yêu thương vô bờ bến của ông mà còn có thể là một giáo trình mẫu mực về quan hệ, trách nhiệm và phương pháp giáo dục gia đình. Xin trích một đoạn trong thư CVK viết ngay sau chiến thắng Khe Sanh (tháng 7/1968):

“…Ngày mai 12/7 anh sẽ lên đường về với em và các con. Lần này không phải chỉ về với em và con 1 - 2 hôm mà có thể lâu hơn vài ngày. Đêm nay mãi vẫn không ngủ được. Cứ nằm nghĩ vẩn vơ, đến những ngày sẽ về với em. Hơn 2 năm xa em, bao nhiêu tình cảm thiết tha. Nghĩ đến sự hy sinh của phụ nữ Việt Nam thật là vĩ đại. Xa chồng, vắng con mà vẫn công tác tích cực để đóng góp cho chiến thắng của dân tộc. Anh tự hào có người vợ đáng yêu, người vợ lý tưởng như em…”.

Nhưng CVK nào có được nghỉ ngơi! Mỹ phải chấm dứt ném bom miền Bắc; CVK lại được cử làm Tư lệnh Binh đoàn B70 - Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào! Từ mặt trận, CVK viết thư cho con trai, khen con biết hỏi thăm sức khỏe “các chú” cùng làm việc với ba, khen bài thơ “Lòng con” mà Vũ gửi cho ông “tình cảm dồi dào, ý thơ lành mạnh sâu sắc…” nhưng không quên “phê bình” con “còn tính cẩu thả, viết thư cho ba mà viết bằng bút chì nguệch ngoạc… không dùng dao rọc giấy… Từ nay con viết thư cho ba hay làm việc gì khác cũng phải cẩn thận…”.

CVK có được may mắn là cùng với bà Ngọc Toản trở lại thăm Huế ngay sau ngày giải phóng Huế 25/3/1975. Ngôi nhà của gia đình ông, nơi “có những khóm hoa tường vi ở đường Ngự Viên, nay đường Nguyễn Du, thành phố Huế…” đã về tay chủ mới; một người anh của ông phải đi “cải tạo”… “Trong khi bác đang “học tập”, mấy người con đã liều vượt biên và không may gặp cướp biển…”. Cảnh vị tướng lừng danh trên nhiều chiến dịch lớn, mấy năm sau, một mình lầm lũi ra ga Hàng Cỏ (nay là ga Hà Nội) đón người anh ngày ra trại để rồi chia tay mãi mãi thật là… khó diễn tả hết nỗi lòng! Nhưng CVK từ sau Cách mạng Tháng 8/1945, luôn đặt lợi ích Tổ quốc lên trên hết, nên ông đã “gác tình riêng”, tiếp tục đến những mặt trận mới không kém ác liệt ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc…

Do nhiễm chất độc da cam, CVK đã ra đi từ năm 1980. Bà Ngọc Toản không đồng ý đưa ông vào Mai Dịch mà mai táng ở một nghĩa trang nhân dân gần Ba Vì, nơi mà 24 năm trước, bà đến thăm CVK khi đang luyện quân ở đây sau chiến thắng Điện Biên Phủ. “Buổi chiều nhìn qua dãy núi Ba Vì mờ sương, ông tâm sự với người vợ trẻ về cảm xúc đối với núi rừng Việt Bắc và Tây Bắc, các trận chiến đấu và những đồng đội đã ngã xuống cho ngày thắng lợi…”. Sau này, bà Ngọc Toản bỗng nghĩ có thể đó là CVK tiên báo nơi ông sẽ yên nghỉ để có thể dễ dàng “gặp lại” hàng ngàn đồng đội - những người lính sống mãi tuổi đôi mươi! Và như thế là thỏa lòng vị tướng “trận mạc”. Vì ngay cả khi đang sống, CVK có màng chi danh lợi. Do lý lịch “phức tạp”, sau 26 năm mang hàm đại tá, ông mới được phong thiếu tướng và lên trung tướng năm 1980, ngay trước lúc ông vĩnh viễn rời xa binh nghiệp! Chẳng mấy ai thấy ông đeo “sao và vạch”; cũng như mãi về sau, con gái ông mới tìm thấy một cuộn giấy gồm nhiều Huân chương - trong đó có 2 Huân chương quân công hạng Nhất mà ông không treo bao giờ! Nhưng với cuốn hồi ức “Tướng Cao Văn Khánh”, tôi nghĩ là ông đã được “truy tặng” những danh hiệu quý hơn tất cả mọi thứ huân chương! Đại tá Nguyễn Chấn, đồng đội của CVK từ hồi đánh đồi Độc Lập ở Điện Biên Phủ đã viết:

“Cao Văn Khánh là một trong số ít vị tướng tài của dân tộc ta. Anh là Chiến tướng, là Trí tướng, là Nhân tướng, là Danh tướng của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.

N.K.P   
(TCSH349/03-2018)


------------------------------------------
Tướng Cao Văn Khánh - Hồi ức lịch sử do Cao Bảo Vân thực hiện - Nxb. Tri Thức, Tháng 12/2017.  







 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng