LIỄU TRẦN
Lưu lạc đến tay một tập viết nhỏ “Thiền sư ở đâu”, tác giả Bùi Long. Chợt nghĩ, thời này là thời nào còn viết kiểu này.
Nào thầy Nhất Hạnh, nào thầy Thanh Từ, nào Trúc Lâm nào Yên Tử, từ Nhật Bản, từ Trung Hoa, từ Tây Tạng, thiếu gì. Thời này là thời “phát” của tâm linh mà. Chùa đình miếu mạo mọc như nấm sau mưa. Đầu năm cuối tháng chuông mõ như sấm rền.
Thế rồi đọc, thấy mấy bài viết về các nhân vật cũng không có gì gây ấn tượng với tôi, dù cũng có nhiều cảm tình. Đọc xong cũng gần như quên luôn.
Nhưng, hóa ra, một tuần sau tôi vẫn không thể quên. Tôi khá thảng thốt khi câu hỏi “Thiền sư ở đâu?,” cứ váng vất trong đầu.
Tác giả viết rất nhẹ, hoặc nói thẳng ra là nhẹ “đô”. Đã quen với chữ nghĩa hiểm hóc, với thông tin ngập ứa, dường như cuốn này chẳng ép phê gì. Những nhân vật trong sách cũng khá thú vị, nhưng tôi đã gặp số người đủ dùng cho cả mấy kiếp, tôi chẳng tham gặp thêm, hơn nữa tôi cũng e sợ đâu phải tìm gặp là tôi bắt gặp họ giống như tác giả đã bắt gặp. Thực ra, mình cũng mong manh quá, sợ thất vọng.
Nhưng quả đúng là cơ duyên khi lúc tôi được đọc tập sách nhỏ này. Cảm xúc, chính cảm xúc trăn trở đi tìm của người viết đã gây xao động trong tôi. Một thời đại, một trạng huống xã hội thế này, mà anh còn câu hỏi đó. Ôi mạch nguồn của đức Gottama vẫn còn đây, dù hệ lụy của thế cuộc làm diện mạo con đường của Ngài quá nhiều biến hoặc.
Làm sao diễn tả được nỗi xao xuyến khi tôi nhận ra, đã nhiều năm nay, khi tôi tưởng tôi đang dũng mãnh đi vào những chủ đề lớn của xã hội, những sự kiện thời cuộc với tâm thế “đạo khả đạo phi thường đạo”, đã thả mình bơi vào những dòng thời sự với sự tự tin kiêu mạn rằng mình đang giữ “tâm bình thường”, một “đạo vô ngôn”. “Thiền sư ở đâu” hay “Sự thật ở đâu”, tôi nghĩ đó là câu hỏi vốn có từ lâu của mình, không thể nào mất được, còn đây, còn đây trong mọi nẻo đường đời. Ấy vậy, chỉ là tưởng mà thôi. Sự thôi thúc trăn trở về Đạo, về thiền, về giác ngộ đã từng là trường lực bảo bọc tôi, nhưng, chỉ cần thiếu huân tập, chỉ cần đặt sự thôi thúc ấy xuống một lát, tâm ta đã sẵn sàng trượt vào biển mơ. Qua nhiều năm tháng, dữ kiện cuộc sống nhiều lên, thì mỗi ngày một tí, câu hỏi kia cứ mờ dần mờ dần rồi chỉ còn là chiếc bóng bị bản ngã đè ép, vẽ vời, khiến ta lầm tưởng là ta vẫn đeo đuổi đường đạo, mà thực ra đã lạc khỏi từ lâu. Những tháng ngày bộn bề dự án, deadline, tiệc tùng, tình ái… thời gian đầu, tâm tôi còn luôn được quán sát, điều chỉnh, nhưng rồi sự phai nhạt tự đến, những cơn mộng tự kiến tạo mà tôi không hề hay biết, vẫn nghĩ mình đủ sức dụng pháp “đối cảnh vô tâm”. Than ôi!
Đang giữa mùa xuân, tôi ngậm ngùi nhìn lại mình, đã thấy trong mình những thất vọng đớn đau, những vết thương chữa trị bằng trốn chạy, những cao ngạo nhếch cười khi nhìn người lễ Phật, những lười biếng xa rời kinh kệ, thiền định. Tôi giờ đây biết rõ mình ảo vọng khi cho rằng mình đã đủ sáng để đi trong đêm. Tôi có ngờ đâu trí trăm năm kinh sử cũng vẫn chỉ là trí thế gian. Có hàng đệ tử xuất sơn hành đạo, cũng có hạng phải rời núi vì chẳng đủ trí. Hạng kia có đủ liêm sỉ để thừa nhận với đời dưới kia điều đó?
Cảm xúc của tôi có từ tập sách này có gì giống như cảm xúc lúc người nhận ra một cành mai nhỏ vẫn nở trong đêm xuân tàn của sư Mãn Giác. Vẫn còn đây, cuộc kiếm tìm về diện mục hồn nhiên, Hồi đầu thị ngạn. Con tìm về đây, ơi quê cũ.
‘Thiền sư ở đâu” - ơn người không chỉ vì chia sẻ những trải nghiệm rất thiền, nhưng, đã thức dậy một nhành hoa muốn nở.
Tháng 3, mùa hoa gạo
L.T
(SHSDB28/03-2018)