Tác giả-tác phẩm
Đi giữa lằn ranh giữa thực và mộng
14:23 | 15/06/2018

NGUYỄN VĂN SƯỚNG

Đi như là ở lại(*) là tập bút ký viết về những vùng đất Lê Vũ Trường Giang đã đi qua trong hành trình tuổi trẻ. Tác phẩm dày gần 300 trang, gồm 15 bút ký.

Đi giữa lằn ranh giữa thực và mộng

Một nửa tập sách viết về quê hương Thừa Thiên Huế của tác giả, là mảnh đất làng Thần Phù quê nội, phá Tam Giang, đèo Hải Vân, núi Bạch Mã, ký ức vạn đò, đầm Cầu Hai, núi Thúy Vân... Nửa còn lại là ruộng bậc thang Mù Cang Chải, hoa ban Điện Biên… Tác giả chia sẻ rằng: “Với bút ký văn học, tôi đã dấn bước “tiến vào những điều không thể”, nhận diện được giới hạn của mình trên hành trình đi và sự ở lại mang tính trói buộc của không gian. Đi bằng tư tưởng rạo rực khai phóng và thân xác thì ở lại bồi đắp, tu dưỡng, giữ gìn. Đi bằng phần thân nhưng phần tâm vẫn ở lại neo đậu quê hương”.

Đọc Đi như là ở lại, tôi như được đưa về thời thơ ấu cách đây mười mấy năm qua bút ký Mênh mông Trằm, về khoảng không-thời gian của những năm tháng ấu niên với cuộc sống nơi thôn quê với Trằm - hồ xanh giữa dải cát trắng vùng Hương Thủy, Thừa Thiên Huế. Tôi vốn người con đồng bằng sông Hồng, chưa từng sống ở miền Trung cát trắng, dĩ nhiên chẳng thể cảm nhận hết không gian sống của tác giả nhưng có điểm chung đó là cảm xúc về những trưa mùa hè của một thời ấu niên vô lo vô nghĩ theo đám bạn tắm sông, trèo cây hái quả để đến nỗi tóc khét mùi nắng. Tiếp đó, tác giả đưa tôi ra không gian rộng hơn, không còn là cái làng nhỏ bé nơi Trằm xưa nay đã biến đổi theo thời cuộc để đến những ngọn núi Bạch Mã từng đàn mây trắng ruổi nhau về miền “linh sơn” với những kỳ hoa dị thảo. Rồi ngược ra phá Tam Giang “căng gió” lộng buồm vượt “hải khẩu” với dải đầm Cầu Hai, cửa biển Tư Hiền “quẩy gánh tang bồng” rồi “vén mây” qua đệ nhất hùng quan Hải Vân ngắm từng đàn cò trắng “cánh phân vân”.

Chẳng những thế, Lê Vũ Trường Giang còn dẫn chúng ta về một cuộc du ký đi qua các di tầng văn hóa bằng một khảo cổ học văn hóa vùng đất Huế xưa với lăng tẩm vị vua khai lập triều đại nhà Nguyễn - vua Gia Long để nghe kể về tình người đằng sau những công nghiệp kinh bang, hơn thua của thế thái nhân tình. Hoặc giả là những ngôi làng với bề dày lịch sử hàng trăm năm từ khi con dân nước Việt mở cõi Nam tiến, như Điền Lộc vùng Ngũ Điền, hoặc làng Bích La được ghi lại trong Ô châu cận lục (Dương Văn An, 1553) với phiên chợ quê vào đêm mùng 2 rạng sáng mùng 3 tết để “lấy may, cầu tài, cầu lộc đầu năm, mong cho năm mới buôn thuận bán hòa”. Đặc biệt, khi tác giả đưa ta về lại với cuộc sống đương đại nóng hổi với văn phong đậm chất thời sự qua bài viết về sự cố ô nhiễm biển vào năm 2016 khiến cả dải biển miền Trung thành “biển chết”, để “nguyện cầu cho đại dương” tha thứ cho những lỗi lầm sai quấy bởi lòng tham con người gây ra cho biển. Hoặc về vạn đò trên Hương giang với “nỗi niềm” về những thân phận người rày đây mai đó để mong về một “Ngày mai gió mới ngàn phương”. Vượt về phương Nam nghe tiếng nói người miền Tây thân thương mang hoa trái từ miệt vườn ra chợ. Hay trở ngược ra miền Tây Bắc lang thang trên những nẻo đường, đặt chân lên “những ruộng bậc thang lên đến tầng trời”.

Cái hay của Lê Vũ Trường Giang là cách xử lý cân bằng giữa khảo cứu khoa học, với các con số số liệu khô khan vô hồn, và khảo cứu tinh thần với ngòi bút miêu tả tinh tế các sắc thái của văn hóa của con người, vùng đất nơi tác giả đi qua từ đó dựng lại được không-thời gian sống của hồi ức kỷ niệm dù không tránh khỏi những hạn chế của ký ức vốn rơi rụng qua thời gian và trám vào đó bằng những ảo ảnh do tự mình xây lên. Tôi rất thích những câu chữ tự nhiên tuôn chảy như vật tự nói ra qua ngòi bút nhà văn, để con sông kể câu chuyện của con sông qua bao thác bao gềnh, để biển cả nói tiếng nói của đại dương sâu thẳm, ngọn núi cất tiếng nói của ức triệu hạt cát lớn lên qua thời gian..., mà có khi tác giả đã gần như đạt đến.

là gì nếu không phải là đưa ra các con số dữ liệu chính xác cho độc giả biết về vùng đất nào đó. Nhưng ngoài sự khô khan của con số, chính là những nghiệm trải cá nhân của cá nhân nhà văn. Chính nhà văn mới có khả năng dựng lên bằng cảm nghiệm của riêng mình một thế giới của con người - vùng đất, sự tương thuộc giữa vùng đất quy định lên tồn tại người và dấu ấn của vùng đất trong tâm thức người vùng đất đó. Để làm được điều đó nhà văn cần có sự sống thực dấn mình vào thế giới người đang sống trong vùng đất đó, tự mình biến mình thành con người sống-thực-nhìn-dử- ng-dưng: sống thực để hiểu tâm thức của con người vùng đó nhưng có cái “dửng dưng” để không quá chìm đắm vào nó, hầu mong có được cái nhìn “khách quan” qua những số liệu, hoặc tìm ra những cạnh khía mà chính người trong cuộc không nhận ra. là sự cân bằng mong manh giữa thể loại báo chí, khảo cứu khoa học và văn chương, và nhà văn bằng sự tinh tế của mình tạo ra sự cân bằng mong manh đó, nếu quá lệch về con số khoa học sẽ tạo thành báo chí nhưng lệch qua sáng tác phóng túng đó sẽ là tạo ra một vùng đất ảo tưởng của văn chương.

Lê Vũ Trường Giang đã đi giữa sự cân bằng mong manh giữa thực và mộng, giữa quá vãng và hiện tại, qua ngòi bút của mình. Và là một tác giả chịu khó đi và lăn lộn với thực tế nhằm nắm bắt được nhiều chất liệu của đời sống thực tại, tôi nghĩ tác giả sẽ còn tiến xa trên con đường văn chương.

N.V.S
(TCSH351/05-2018)

............................................
(*)Đi như là ở lại (bút ký), Lê Vũ Trường Giang, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2017.  






 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng