Tác giả-tác phẩm
Đi tìm tác giả sách "Dã sử bổ di"
09:24 | 21/06/2018

NGUYỄN DƯ

Đang loay hoay thu dọn lại tủ sách bỗng thấy cuốn Dã sử bổ di. Tự dưng muốn đọc lại. Nhẩn nha đọc… từ đầu đến cuối!

Đi tìm tác giả sách "Dã sử bổ di"
Ảnh: sachxua.net

Dã sử bổ di không ghi tên tác giả và năm soạn. Nguyên bản bằng chữ Hán, được Nguyễn Huy Thức dịch sang tiếng Việt(1).

Nguyễn Huy Thức đưa ra nhận xét tổng quát là “Đọc kỹ lời văn thấy rằng có lẽ soạn vào khoảng đời Minh Mạng hay Tự Đức gì đó, nhưng có nhiều chỗ uyên thâm khó hiểu”.

Lần trước đọc không kĩ, không thắc mắc. Lần này thử đọc kĩ xem có hiểu thêm được điều gì không. Tìm ra được tác giả và năm soạn sách thì thú vị biết mấy!

*

Dã sử bổ di có hai bài chứa đựng nhiều chi tiết lịch sử đáng chú ý là:

- Cái chết đáng thương

- Di tượng thanh cao


Mời các bạn cùng ngồi vào bàn.

I- Bài Cái chết đáng thương (trang 9-11).

Bài này ca tụng Công sứ Louis Unal.

Công sứ Thái Bình Uy-nan là nhà bác học châu Âu, sớm đậu tiến sĩ luật khoa, được bổ làm giáo sư khoa ấy. Phàm người học trạng sư đều đến học ông.

Toàn quyền Bôn rất hiểu lòng sứ quan. Muốn nước Nam gây lợi cho mẫu quốc, bèn trao (cho ông) chức Công sứ.

Hai năm gần đây, sau khi mất, ngày mồng năm tháng mười hai ông được đưa về mai táng ở Hà Nội (…).

Sứ quan và quan Kinh lược biết nhau rất kỹ.

Hôm đưa đám, quan Kinh lược tự tay soạn bài văn viếng…”.

Bài điếu văn “có nhiều chỗ uyên thâm khó hiểu”:

“Huống chi bản sai với sứ quan lại có tình tặng trữ, nghĩa cùng thuyền, đương khi vĩnh biệt lấy gì làm tình cảm được… Từ một dải Nhị hà đến nơi bể Gấm, vết chân sứ quan đều đã kinh qua, mà sóng thừa từng dịp… Một dải sông Vị nhớ nhau mãi mãi, không bao giờ thôi”.

Công sứ Uy-nan, Toàn quyền Bôn, quan Kinh lược là ai? Muốn trả lời câu hỏi hóc búa này thì trước hết nên nhắc lại tên gọi các chức quan ngày xưa của Pháp:

- Đứng đầu tỉnh nhỏ là Vice-résident, tỉnh lớn là Résident. Ta gọi chung là Trú sứ hay Công sứ, không phân biệt cấp bậc thấp hay cao.

- Đứng đầu Bắc kì hay đứng đầu Trung kì là Résident supérieur, có lúc là Résident général. Ta gọi là Thống sứ (Bắc kì), Khâm sứ (Trung kì). (Đứng đầu Nam kì là Thống đốc).

- Đứng đầu cả hai miền Bắc và Trung kì là Résident général de l’Annam et du Tonkin, Đại Nam thực lục(2) Đồng Khánh, Khải Định chính yếu(3) gọi là Toàn quyền.

- Đứng đầu Đông Dương (Bắc, Trung, Nam kì, Lào, Miên) là Gouverneur général. Ta gọi là Toàn quyền Đông Dương hay Tổng đốc Toàn quyền (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược).

Bây giờ xin đi điều tra lí lịch của mấy ông quan lớn.

- Công sứ Lạng Sơn Uy-Nan

Đại Nam thực lục
của triều Nguyễn không chép tên Uy-Nan. Từ điển danh nhân Đông Dương của Antoine Brebion(4) cũng không có tên Uy-nan.

Tình cờ thấy tên Unal xuất hiện ở một nơi “đèo heo hút gió”, “giặc cướp” tung hoành (Pháp gọi nghĩa quân Cần vương, Văn thân là bọn pirates, tạm dịch là giặc cướp).

“Công sứ Lạng Sơn (Vice-Résident de Lạng Sơn) Unal chỉ có 10 dân quân (milicien) mà bắt, giết được Cai Kinh, tên “tướng cướp” đã chống lại tất cả các nỗ lực của chúng ta trong suốt bốn năm trời. Unal được dân các làng trong vùng (hoạt động của Cai Kinh) đón tiếp như một vị cứu tinh.”(5).

Theo một thuyết khác thì Cai Kinh (tên thật là Hoàng Đình Kinh) đóng quân tại núi Dong-Nai, bị chính các thủ hạ của mình giết năm 1888(6).

Cai Kinh bị giết năm 1888 tại Lạng Sơn. Sự việc diễn ra trong lúc Louis Unal đang giữ chức Công sứ Lạng Sơn.

Niên giám năm 1889 cho biết chính xác là Louis Unal được bổ nhiệm làm Công sứ Lạng Sơn từ ngày 23/11/1886(7).

Người bổ nhiệm Công sứ Lạng Sơn Unal là ai?

Theo cách tổ chức của Pháp thì:

- Thống đốc, Khâm sứ, Thống sứ đứng đầu coi việc cai trị trong hạt; những việc gì quan hệ đến chính sách cả toàn cảnh thì phải theo lệnh viên Tổng đốc Toàn quyền mà thi hành (Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược).

Thời Pháp mới xâm chiếm Việt Nam, Raoul Bonnal là một nhân vật quan trọng. Ông từng giữ chức:

- Công sứ (hay Trú sứ) tại Hà Nội (1884), Công sứ Sơn Tây (1885).

- Quyền Thống sứ Bắc kì (từ 12/11/1886 đến 29/1/1887).

- Toàn quyền (từ 29/1/1887 đến 29/4/1888).

- Quyền Thống sứ Bắc kì (từ 7/4/1890 đến 3/2/1891).

Ngày 29/1/1887 Pháp sáp nhập bộ máy hành chính Bắc kì và Trung kì, đặt ra chức Toàn quyền cai trị cả hai miền. Ngày 10/5/1889 lại tách ra làm hai miền như trước. Bonnal được làm Toàn quyền trong một thời gian. Sách Dã sử bổ di gọi ông là Toàn quyền Bôn (Bôn-Nan).

Toàn quyền Bôn là người bổ nhiệm Công sứ Lạng Sơn Uy-Nan năm 1886.

Ngày 21/3/1890, Toàn quyền Đông Dương Jules Piquet (nắm quyền từ 10/5/1889 đến 18/4/1891) quyết định thành lập tỉnh Thái Bình(8).

Nhờ thành tích đánh dẹp Cai Kinh, Unal được thăng chức và đổi về làm Công sứ Thái Bình (Résident de Thái Bình).

Nếu mọi việc được thu xếp trôi chảy thì Thống sứ Bắc kì Ernest Brière sẽ là người bổ nhiệm Công sứ Thái Bình Uy-Nan.

(Ernest Brière làm Thống sứ hai lần: lần đầu từ 29/5/1889 đến 7/4/1890; lần thứ hai từ 6/2/1891 đến 27/10/1891. Giữa hai lần, từ 7/4/1890 đến 3/2/1891 là Raoul Bonnal).

Nhưng, Cái chết đáng thương nói rằng Công sứ Thái Bình Uy-Nan được Toàn quyền Bôn “hiểu lòng, trao chức”, nghĩa là Bonnal là người bổ nhiệm Unal. Điều này chứng tỏ rằng tỉnh Thái Bình được thành lập vào thời điểm Thống sứ Brière sắp tạm ngưng chức, giấy tờ có lẽ bị trục trặc, chậm trễ. Rốt cuộc, Brière “đùn đẩy” việc bổ nhiệm Công sứ Thái Bình cho Bonnal.

Unal được Bonnal bổ nhiệm làm Công sứ hai lần. Một điều hiếm có.

Sách báo không nói Unal chết năm nào. Nhưng có thể suy đoán được, dựa vào vai trò của quan Kinh lược.

Hoàng Cao Khải được Pháp cho giữ chức Kinh lược Bắc kì từ ngày nha Kinh Lược được thành lập (12/8/1890) cho đến khi nha bị bãi bỏ (7/1897). Có thể khẳng định rằng quan Kinh lược Hoàng Cao Khải là người viết và đọc bài điếu văn hôm đưa đám Unal tại Hà Nội. Hai năm sau, ông viết bài Cái chết đáng thương, kể lại chuyện này.

Unal chết trong khoảng 1890 - 1895. Cái chết đáng thương được viết trong khoảng 1892 - 1897.

Đúng như Nguyễn Huy Thức nhận xét, trong bài có vài câu “uyên thâm khó hiểu”:

- Từ một dải Nhị hà đến nơi bể Gấm.

Nhị hà, bể Gấm ám chỉ những nơi Unal đã từng đi qua hay ở lại làm việc.

Nhưng, nước ta không có bể Gấm.

Bản đồ, sách báo ngày nay có Hồ Ba Bể thuộc tỉnh Thái Nguyên, có sông Gấm thuộc tỉnh Tuyên Quang.

Bản đồ trong sách của Paul Chack(6) có “song Gam” (sông Gam).

Tiếng Việt không có từ Gâm. Tiếng địa phương của các dân tộc miền Việt Bắc có hay không thì không biết, không dám nói.

Tiếng Việt có Gầm (gầm thét) và Gấm (gấm vóc). Cả hai từ đều có thể dùng để đặt tên sông.

Có nhiều khả năng tên sông là Gấm như Hoàng Cao Khải viết. Sách Pháp viết tiếng Việt không đánh dấu. Đời sau sao chép sách Pháp dễ bị tam sao thất bản. Kết quả là Gấm bị nhầm thành Gâm. Bể Gấm (chữ Bể viết hoa) là hồ Ba Bể và sông Gấm.

- Sông Vị là sông Vị Hoàng (ngày nay là sông Nam Định).

- Tình tặng trữ, nghĩa cùng thuyền.

Tình tặng trữ: theo Nguyễn Huy Thức là tình nghĩa bạn bè thân mật.

Nghĩa cùng thuyền: tình nghĩa của người… “cùng hội cùng thuyền”. Hoàng Cao Khải và Unal cùng ở trong Hội Nông Công Thương Bắc, Trung kì (Comité d’études Agricoles, Industrielles et Commerciales de l’Annam et du Tonkin).

II- Bài Di tượng thanh cao (trang 82-83).

Bài này kể lại công trình nâng cao pho tượng đồng đen của quán Trấn Vũ.

“Người có thể nâng bổng được vật nặng trong thiên hạ tất là người có sức khỏe. Sức có thể nhấc bổng được vật rất nặng trong thiên hạ ắt hẳn phải là sức của đông người. Vậy nhưng không cần mượn sức người khác mà liền tay làm được việc thì cái khéo léo ấy thật là hoàn hảo.

Ở phía bắc thành Hà Nội có quán Trấn Vũ thờ tượng đồng đại đế Huyền Thiên màu đen, tay nắm kiếm tuệ, chân đạp quy xà, quay mặt ra hồ Lãng Bạc, nặng sáu ngàn sáu trăm cân, cao hơn chín thước, đúc vào khoảng năm Chính Hòa (1680) đời Lê. Dân nước ta sùng bái thờ phụng đã lâu lắm rồi. Người nước Pháp qua lại chiêm ngưỡng, cũng cho đó là thắng cảnh. Bậc đại thần này trong lúc trà dư tửu hậu ngoài việc công, thương lượng định việc trùng tu, cho là tượng thần chưa thật được cao vời, muốn chuyển cao lên vài bậc, để tăng thêm sự ngưỡng trông, ngắm nguyện (…)”.

“Quán Trấn Vũ nằm ở góc đường Quan Thánh và đường Thanh Niên, khu phố Ba Đình, Hà Nội.

Đền được xây dựng từ đời Lý Thái Tổ, lúc thiên đô tới Thăng Long (1010), thờ vị thiên thần Huyền Thiên Trấn Vũ (theo Đạo giáo) để trấn giữ phương bắc thành Thăng Long, gọi là quán Trấn Vũ, đền Trấn Vũ hay Chân Vũ, còn gọi là đền Quan Thánh.

Hai lần trùng tu lớn:

Năm Vĩnh Trị 2 (1677).

Năm Thành Thái 5 (1893).

Đời Lê Hi Tông (1676 - 1704) đúc tượng Trấn Vũ bằng đồng đen cao 3m96, nặng 4000kg. Năm 1893 pho tượng được nâng đặt trên cái bệ đá xây cao 1m20. Nay vẫn còn”(9).

Bậc đại thần thuê đốc công người Pháp tên là Lê Mang có phép vận cơ, dùng cái biểu ba tấc, nâng cao tượng lên hơn ba thước.

Cái biểu để nâng vật nặng, tiếng Pháp là Palan, phiên âm sang tiếng Việt thành… Ba-lan (Hoàng Xuân Hãn, Danh từ khoa học), hay Palăng (Lê Khả Kế, Từ điển Pháp Việt).

Bậc đại thần có công trong việc nâng cao tượng Huyền Thiên là ai?

Sách Hướng dẫn du lịch Hà Nội của Madrolle cho biết vài chi tiết về lịch sử quán Chấn (Trấn) Vũ.

“Năm 1010, Lí Thái Tổ rời đô về Thăng Long. Nhà vua muốn kinh đô được thần Huyền Vũ (hay Trấn Vũ) bảo vệ, bèn sai thợ dựng đền thờ Trấn Vũ gần cửa Bắc hoàng thành.

Năm 1678, thời Lê Hi Tông, đền được trùng tu. Pho tượng Trấn Vũ tạc bằng gỗ được thay bằng pho tượng đồng đen. Tượng đồng này do người Việt đúc, nhưng khuôn đúc thì do người Tàu làm. 25 năm sau (năm 1703) đền được trùng tu một lần nữa.

Năm 1893, đền lại được quan Kinh lược Bắc kì cuối cùng trùng tu. Tiếc rằng kiểu cách không được thuần túy cho lắm.

Tượng đồng Trấn Vũ cao 3,07m, bàn chân của thần đo được 0,80m. Tượng được đặt trên bệ đá trạm trổ cao 1,50m. Kích thước của người Việt đưa ra là: cao 8 xích 2 thốn (8 thước 2 tấc), chu vi 8 thước 7 tấc, nặng 6600 cân”(10).

Pho tượng thần Trấn Vũ được vẽ, in trong sách Mĩ thuật Đông Dương của Albert de Pouvourville (bút danh tiếng Việt là Mặt Giời)(11).

Nha Kinh lược Bắc kì được Toàn quyền Đông Dương Jules Piquet lập ra ngày 12/8/1890 và bị Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer bãi bỏ vào cuối tháng 7/1897. Hoàng Cao Khải được Pháp bổ nhiệm trong suốt thời gian hoạt động của Nha.

Nói tóm lại, người đứng ra trông coi việc trùng tu đền Trấn Vũ, nâng cao pho tượng đồng đen (năm 1893) là quan Kinh lược Bắc kì Hoàng Cao Khải.

Đại thần Hoàng Cao Khải là tác giả bài Di tượng thanh cao.

Nói tóm lại Dã sử bổ di là sách của Hoàng Cao Khải, được soạn trong khoảng từ năm 1892 đến 1897, đời vua Thành Thái chứ không phải “đời Minh Mạng hay Tự Đức gì đó”.

Lyon, 4/2018
N.D  
(TCSH352&SDB29/06-2018)

------------------
(1) Dã sử bổ di, Nguyễn Huy Thức biên dịch, Văn Hóa Thông Tin, 2004.
(2) Đại Nam thực lục Chính biên Đệ lục kỷ Phụ biên, Cao Tự Thanh dịch, Văn Hóa - Văn Nghệ, 2012.
(3) Đồng Khánh, Khải Định chính yếu, Nguyễn Văn Nguyên dịch, Thời Đại, 2010.
(4)  Antoine  Brebion, Dictionnaire  de  Bio-Bibliographie  Générale,  ancienne  et  moderne  de  l’Indochine  Française,  Société d’Editions  géographiques, maritimes et coloniales, 1935.
(5) Jules Ferry, Le Tonkin et la Mère-Patrie, Paris, 1890, tr. 277.
(6) Paul Chack, Hoang-Tham, pirate, Les éditeurs de France, 1933, tr.15.
(7) Annuaire de l’Indochine pour l’année 1889, Imprimerie Schneider, 1889.
(8) Văn học dân gian Thái Bình, tập 1, Khoa Học Xã Hội, 1981, tr. 318.
(9) Tuyển tập văn bia Hà Nội, quyển 1, Khoa Học Xã Hội, 1978, tr.53.
(10) Madrolle, Hanoi et ses environs, Hachette, 1912, tr. 24, 25.  
(11) Albert de Pouvourville, L’Art Indochinois, Librairie et Imprimerie Réunies, 1894, tr. 145.




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng