ĐỖ LAI THÚY
Lý thuyết hệ hình là một hệ pháp nghiên cứu sự phát triển. Văn học Việt Nam, do những đặc điểm riêng thuộc của mình, không phát triển nối tiếp như ở các nước phương Tây, mà gối tiếp như những làn sóng, con trước chưa tan thì con sau đã tới, hay đúng hơn vừa là nối tiếp vừa là gối tiếp.
Bởi vậy, văn học Việt Nam tiếp cận từ lý thuyết hệ hình chẳng những tránh được một cái nhìn tuyến tính, giản đơn mà còn thấy được sự vận động nội tại, đặc biệt tính liên tục qua những đứt đoạn của nó. Từ một cái nhìn như vậy, tôi muốn nói về phê bình nói chung và phê bình cụ thể qua cuốn sách Ba chiều cạnh của phê bình(*) của Hoàng Thị Huế do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành đầu năm 2018.
Phê bình văn học giống như một khối kim tự tháp nhiều mặt, mà ở đây tôi chỉ nói về ba mặt, hoặc ba chiều kích, của nó: phê bình thơ, phê bình văn (xuôi) và phê bình văn hóa. Với phê bình thơ và phê bình văn xuôi thì phụ thuộc rất nhiều vào đặc trưng thể loại của chúng, còn phê bình văn hóa thì là đích đến của cả hai phê bình trên. Ba chiều cạnh này của phê bình tuy không đồng đẳng, nhưng bình đẳng trong mục đích của mình.
Thơ là ngôn ngữ tự quay về với chính bản thân nó. Nghĩa của thơ, vì vậy, nằm ở chính ngôn ngữ, nói khác, ở quan hệ giữa chữ và nghĩa, hay giữa chữ và bóng chữ. Thơ tiền hiện đại thì nghĩa đi trước chữ. Nhà thơ có một ý tưởng rồi thì tìm câu chữ để thể hiện ý tưởng đó. Thơ hiện đại thì, ngược lại, chữ đi trước nghĩa, dĩ nhiên không phải là nghĩa tự vị, nghĩa tiêu dùng. Có chữ trước, rồi bắt các con chữ ấy tiếp xúc với nhau trong mối quan hệ văn bản, thì sẽ phát sinh nghĩa mới. Đó là lý do Mallarmé nói: Tôi không làm thơ với các ý tưởng, tôi làm thơ với những con chữ. Còn Trần Dần, Lê Đạt thì tự gọi mình là “người làm công tác chữ”,“người gây sự chữ”, hoặc “phu chữ”, chữ phu ở đây vừa là phu hồ, phu lục lộ, vừa là phu tử (bậc thầy). Thơ hậu hiện đại là chữ - nghĩa, nghĩa - chữ đuổi bắt nhau như trong trò chơi rồng rắn của tuổi nhỏ. Thơ hậu hiện đại, như vậy, có vẻ chiết trung, nhưng là chiết trung mới, một chiết trung trên cơ sở văn hóa hậu hiện đại.
Văn, nhất là văn tiểu thuyết, thì quan trọng nhất là kể/viết. Tiểu thuyết tiền hiện đại là kể một câu chuyện. Ở đây, câu chuyện/ cuộc phiêu lưu là quan trọng nhất, làm sao cho câu chuyện tự thân nó đã ly kỳ, hấp dẫn, hay dễ làm động lòng người đọc, còn cách kể câu chuyện ấy chỉ là thứ yếu. Nhưng sang tiểu thuyết hiện đại, thì cách kể/viết lên ngôi, thậm chí là tất cả. Bởi lẽ, câu chuyện bây giờ không còn quan trọng nữa, vì “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nên chỉ có cách kể/viết, tức cái nhìn riêng, mới có khả năng làm mới nó. Như vậy, nếu tiểu thuyết tiền hiện đại là viết về cuộc phiêu lưu, thì tiểu thuyết hiện đại là cuộc phiêu lưu của cái viết. Đến tiểu thuyết hậu hiện đại, thì cả cách kể cũng không còn quan trọng nữa, mà lúc này quan trọng chính là sự tự ý thức về cách kể, tức kể về kể, hoặc viết về viết.
Phê bình tiền hiện đại là phê bình ngoại quan, tức lấy những yếu tố ngoài tác phẩm như tiểu sử tác giả, hiện trạng văn hóa, xã hội, điều kiện kinh tế, giai cấp xuất thân…, như là một tham số đã biết để soi chiếu vào tác phẩm như một tham số chưa biết, ít nhiều theo nguyên tắc loại/ ngoại suy. Phê bình hiện đại là phê bình nội quan, tức đi tìm những “mắt thơ”, mã nghệ thuật ở, và đôi khi chỉ ở, trong văn bản, trên các phương diện thủ pháp, phong cách, cấu trúc… của tác phẩm. Phê bình nội quan không chỉ đi tìm nghĩa chủ ý do tác giả ký thác/ cài đặt vào văn bản, mà chủ yếu đi tìm nghĩa kiến tạo do phân tích văn bản mà thành. Như vậy, nghĩa kiến tạo do người đọc, mà trước hết do “siêu người đọc”, tức nhà phê bình, tạo nên. Mà mỗi người đọc đều có sự hiểu khác nhau, do trải nghiệm đời sống và trải nghiệm thẩm mỹ, tức văn hóa khác nhau, nên kiến tạo ra những nghĩa không như nhau. Lúc này phê bình văn học chuyển trọng tâm từ văn bản sang người đọc. Phê bình hậu hiện đại, vì thế, là phê bình nội - ngoại quan.
Có điều đáng lưu ý là ở/ cả phê bình tiền hiện đại lẫn phê bình hậu hiện đại có yếu tố ngoại quan, nhưng chúng khác nhau về thực chất. Ngoại quan của phê bình hậu hiện đại không phải là một yếu tố biết trước, mớm trước như ở phê bình tiền hiện đại, mà đã trải qua một quá trình phân tích nội quan, rồi từ đó mới quy dẫn đến ngoại quan. Như vậy, ngoại quan hậu hiện đại là cái chưa biết, cái đến sau, do chính sự khái quát nghệ thuật của tác phẩm đặt ra. Và, cái ngoại quan này, như trên đã nói, là những vấn đề văn hóa. Với hậu hiện đại, phê bình văn học thực chất là phê bình văn hóa.
Phê bình văn học Việt Nam đến nay đã/ đang trải qua hai lần thay đổi hệ hình. Lần thứ nhất từ thời hiện đại (ngoại quan) sang chủ nghĩa hiện đại (nội quan), có thể coi như đã hoàn thành. Lần thứ hai từ hiện đại (nội quan) sang hậu hiện đại (nội - ngoại quan), thì đang còn tiếp diễn. Sự thành công vang dội của những công trình phê bình hiện đại đã làm nấn ná bước chân phê bình. Hơn nữa, “nỗi sợ khoảng trống” hậu hiện đại đã cầm tù phê bình trong sự tự trị văn bản. Phê bình văn học Việt Nam lúc này đang dần dần trở nên khép kín, xa rời cuộc sống do thứ ngôn ngữ chuyên môn khó hiểu của nó. Để phá vỡ tính đặc tuyển này, phê bình văn học phải nhanh chóng chuyển sang phê bình văn hóa. Với phê bình văn hóa, nó sẽ tạo ra, một mặt, sự gắn kết với các bộ môn khoa học xã hội và nhân văn khác, nhằm xây dựng phương pháp nghiên cứu liên/ xuyên ngành. Mặt khác, vấn đề văn hóa hiện nay ở/ của Việt Nam chủ yếu là những vấn đề Việt Nam học. Tham gia giải quyết các vấn đề trên, phê bình văn học Việt Nam nói riêng và sáng tác văn học nói chung, sẽ trở lại với đời sống, với “thế giới sống” trên một tư cách khác.
Bàn về phê bình và hiện trạng của phê bình văn học Việt Nam hiện nay, Ba chiều cạnh của phê bình, với những bài viết cụ thể, phong phú, mang sắc màu, cảm xúc, dấu ấn riêng của tác giả Hoàng Thị Huế, ở ba mặt, hoặc ba chiều kích, là: phê bình thơ, phê bình văn (xuôi) và phê bình văn hóa. Đấy là những nghiên cứu trường hợp. Người đọc có thể bắt gặp ở sách này những gương mặt tiêu biểu hoặc còn chưa tiêu biểu của văn học Việt Nam hiện nay, đặc biệt là vùng văn hóa Huế. Nhưng bài nghiên cứu về họ đều bộc lộ được cái nhìn, cảm xúc, ý tưởng của tác giả. Mỗi trường hợp được nghiên cứu trong sách này vừa có giá trị tự thân vừa có giá trị tương quan để cuốn sách trở thành một chỉnh thể. Và chỉ trong cái nhìn mang tính chỉnh thể như vậy, thì người đọc mới thấy được hết giá trị của tác phẩm.
Về phê bình thơ, tác giả nghiên cứu các nhà Thơ mới tiêu biểu như Nguyễn Bính (Lãng mạn), Bích Khê (Tượng trưng), Hàn Mặc Tử (Siêu thực), (Lãng mạn → Tượng trưng → Siêu thực) một mặt, và Trần Dần, Lê Đạt (Thơ hiện đại chủ nghĩa), một mặt khác, để thấy đây là hai đầu của một hành trình cách tân thơ Việt. Đồng thời, qua đó sự vận động của thể loại thơ: từ thơ luật kiểu mới (thơ 7 chữ, 8 chữ của Thơ mới) đến thơ tự do của Trần Dần, Lê Đạt. Đây cũng chính là quá trình vận động của cái tôi từ đơn ngã sang đa ngã của thơ Việt đương đại. Thế giới nghệ thuật của các nhà thơ này được tác giả nghiên cứu ở tầng sâu nhất của nó “vô thức sáng tạo của người nghệ sĩ”.
Về phê bình văn, tác giả nghiên cứu “truyện ngắn Phan Khôi” để tìm ra một trong những điểm khởi đầu của “tiến trình hiện đại hóa văn xuôi Việt Nam”. Sau đó là nghiên cứu những dấu mốc/thành tựu nghệ thuật qua nghệ thuật sử dụng ánh sáng và bóng tối trong “Chữ người tử tù” của Nguyễn Tuân và “Hai đứa trẻ” của Thạch Lam, ngôn ngữ trong truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao, rồi từ đó nhân vật trong truyện ngắn Cao Duy Sơn, kết cấu nghệ thuật trong tiểu thuyết “Paris 11 tháng 8” của Thuận, cổ mẫu, biểu tượng, huyền thoại trong “Đội gạo lên chùa” của Nguyễn Xuân Khánh, hành trình khám phá bản thể trong tiểu thuyết “Đàn trời” của Cao Duy Sơn. Ở đây, người đọc cũng thấy được đường dây ngầm ẩn mà tác giả giăng mắc từ Phan Khôi qua Nam Cao, Thạch Lam, rồi Nguyễn Xuân Khánh, Cao Duy Sơn, cuối cùng đến Thuận. Đó là con đường hòa nhập thế giới đầy quanh co, ngập ngừng, do dự, thậm chí có lúc, có nơi quay đầu lại của văn xuôi Việt Nam từ tiền hiện đại đến hiện đại.
Về phê bình văn hóa, tác giả, là người sinh ra và lớn lên ở Huế, hiểu văn hóa Huế như một người con, nhưng với tư cách nhà nghiên cứu thì hiểu văn hóa Huế như một vùng văn hóa/văn hóa vùng. Bởi vậy, tác giả đi tìm dấu ấn văn hóa Huế ở những nhà văn, nhà thơ đã đành mà cả ở những người không-Huế như Hàn Mặc Từ với xứ Huế qua “Đây thôn Vỹ Dạ”, hoặc trong các truyện ngắn của Trần Thùy Mai, hoặc sắc thái văn hóa Huế trong thơ của một số nhà Thơ mới. Nhưng, có lẽ quan trọng hơn là đi tìm văn hóa, đúng hơn đường dây văn hóa → văn học → văn hóa của các nhà văn, nhà thơ qua sự thức nhận văn hóa trong ngôn ngữ Thơ mới, các quy ước văn hóa trong ngôn ngữ nghệ thuật, huyền thoại về lửa trong thơ Việt Nam sau 1986, và cuối cùng là con người vừa như chủ thể vừa như khách thể của văn hóa trong thơ Việt đương đại. Phê bình văn hóa, quả vậy, rất khó vì văn hóa không là cái gì cả nhưng lại có mặt ở tất cả mọi cái, dĩ nhiên đó là khuôn mặt ẩn dấu.
Tách ra những chiều cạnh của phê bình là công việc của nhà nghiên cứu để đưa đến một nhận thức lí tính vẫn còn yếu/thiếu ở/của Việt Nam. Nhưng chia ra để rồi hợp lại, bởi không chỉ văn học là một chỉnh thể mà với con người hiện nay là trí tuệ, cảm xúc và tư duy phức hợp.
Hà Nội, tháng Sáu, Đinh Dậu
Đ.L.T
(TCSH355/09-2018)
--------------------
(*) Ba chiều cạnh của phê bình - Hoàng Thị Huế, Nxb. Hội Nhà văn, 2018).