HỒ THẾ HÀ
Hoàng Diệp là thơ nổi tiếng với thi tập Xác thu (Nxb. Nam Kỳ, Hà Nội, 1937) trước khi trở thành nhà phê bình, nghiên cứu văn học.
Ông tên thật là Nguyễn Anh, sinh năm 1912, tại tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông trải qua nhiều công việc và chức vụ, trong đó, có thời gian dài ông là Thư ký Tòa soạn Tạp chí Nghiên cứu Đại học Huế, Giám đốc Nhà in Đại học Huế, thuộc Viện Đại học Huế trước năm 1975.
Chính với tư cách là nhà thơ và những chức vụ nói trên đã hình thành trong ông cảm quan và tư duy nghiên cứu văn học. Vốn tri thức và kiến văn cá nhân vững chắc đã đem lại cho ông những thành công đáng kể qua các công trình nghiên cứu, phê bình văn chương có giá trị: Hàn Mặc Tử, Thi sĩ tiền chiến (1967) đạt Giải thưởng Phê bình văn chương của Trung tâm Văn bút Việt Nam năm 1967. Kế đến là Chế Lan Viên, Nhà thơ tiền chiến (1969), Bích Khê, Nhà thơ tiền chiến (viết năm 1969 - 70) do Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội ấn hành năm 2017).
Ba tác phẩm nghiên cứu, phê bình văn học nói trên đều lấy đối tượng là thơ của các thi sĩ tài danh trong Nhóm thơ Bình Định, thuộc Phong trào Thơ mới (1932 - 1945), cụ thể là Trường thơ Loạn, mà những chủ tướng của nó là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và về sau là Bích Khê, Hoàng Diệp, Yến Lan, Quỳnh Dao, Nguyễn Viết Lãm…
Trước khi nghiên cứu công trình Bích Khê, Nhà thơ tiền chiến của Hoàng Diệp, chúng tôi muốn điểm qua cơ sở xã hội và những tiền đề tư tưởng thẩm mỹ, nghệ thuật của cả trường thơ này.
Phong trào Thơ mới hình thành khoảng mười lăm năm nhưng đã tạo ra bước nhảy vọt về chất, báo hiệu giai đoạn bùng nổ thi ca mãnh liệt chưa từng thấy. Đó là sự bùng nổ của ngôn từ, của cái tôi cá nhân cá thể, của những hằng số tâm lý - thời đại mới... mà Hoài Thanh hết lời ca ngợi. Nó tạo nên một tiếng vang lan tỏa xa rộng và nó đi những bước đi nhanh bằng cả trăm năm. Đó là điều may mắn cho thi đàn dân tộc mà GS. Đỗ Đức Hiểu đã nhận xét rất tinh tế: “Tinh hoa văn hóa Việt Nam hòa hợp với tinh hoa văn hóa Pháp, tạo thành một phong trào thơ lộng lẫy. Thơ mới là bản hòa âm của hai nền văn hóa cách xa nhau vời vợi, là bản giao hưởng cổ và hiện đại (Đổi mới phê bình văn học, Nxb. Khoa học xã hội, 1993).
Các thi sĩ thuộc Phong trào Thơ mới đã nhanh chóng khẳng định vị trí của mình bằng những tiếng nói mới, lạ và điều quan trọng là họ đã tạo nên những phong cách riêng, những con mắt thơ riêng, thi pháp riêng tùy theo vốn văn hóa, môi trường sống và quan niệm nghệ thuật của mình. Hoài Thanh, trong Thi nhân Việt Nam căn cứ vào những đặc điểm của ngôn ngữ, của hướng cảm xúc và chất thơ mà phân thành nhiều khuynh hướng, nhiều xóm thơ như: Xóm sông Thương, xóm Tự lực, xóm Phương Đông, xóm Huế, xóm Hà Tiên, trong đó có xóm thơ Bình Định là nổi bật và đa dạng hơn cả.
Tuy xuất hiện sớm muộn khác nhau, nhưng Bình Định là mảnh đất có duyên hội tụ những thi sĩ về đây châu tuần đông vui: Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Yến Lan (tức Xuân Khai), Hoàng Diệp, Bích Khê, Quách Tuấn, Quỳnh Dao, Nguyễn Viết Lãm... trong đó, nhiều người trở thành thi sĩ xuất sắc của Phong trào Thơ mới cả nước.
Điểm cần lưu ý để thấy nét riêng của cả nhóm thơ này, đó là sự tìm tòi, đổi mới thi pháp trên cơ sở kết hợp, hình thành từ thi ca Pháp và Trung Hoa trên nền tảng thi ca - văn hóa Việt. Thi pháp Đường thi và trữ tình lãng mạn giai đoạn đầu, giờ đây được các nhà thơ đẩy xa hơn sang khuynh hướng tượng trưng, siêu thực, tăng cường yếu tố khác lạ, dị thường, huyền ảo. Mỗi người mỗi xuất phát điểm nhưng đều gặp nhau ở mục đích: Muốn đưa những yếu tố hiện đại vào thi ca. Về mặt thông báo, đây là điều đáng lưu tâm, bởi nhờ nó, tiến trình hiện đại hóa thơ Việt được ghi nhận từ rất sớm. Điều may mắn là trong quá trình đó, nhiều thi sĩ đã khẳng định những vị trí đỉnh cao. Đó là Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hàn Mặc Tử, Bích Khê... với những tác phẩm được thử thách qua thời gian. Hoài Thanh đã nhận xét: “Trái hẳn với lối thơ tả chân, có lối thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên. Cả hai đều chịu rất nặng ảnh hưởng Baudelaire, và qua Baudelaire, ảnh hưởng nhà văn Mỹ Edgar Poe, tác giả tập Chuyện lạ. Có khác chăng là Chế Lan Viên đã đi từ Baudelaire, Edgar Poe đến thơ Đường, mà Hàn Mặc Tử đã đi ngược lại, từ thơ Đường đến Baudelaire, Edgar Poe và đi thêm một đoạn nữa cho gặp Thánh Kinh của đạo Thiên Chúa. Cả hai đều cai trị Trường thơ Loạn và đã chiêu tập một số đồ đệ là Hoàng Diệp, Quỳnh Dao, Xuân Khai. Tôi vừa nói Chế Lan Viên đi về thơ Đường. Nếu nói đi đến thơ tượng trưng Pháp có lẽ đúng hơn, tuy hai lối thơ này có chỗ giống nhau. Điều ấy thấy rõ ở tác phẩm một người rất gần Chế Lan Viên và Hàn Mặc Tử: Bích Khê” (Thi nhân Việt Nam).
Lời tựa tập Thơ Điên và tập Điêu tàn do chính Hàn Mặc Tử và Chế Lan Viên chấp bút chính là tuyên ngôn của Trường thơ Loạn do hai ông sáng lập 1938 đã nói lên sự kiếm tìm, đổi mới, sự phá rào để làm “tiền trạm cho người tương lai” (Breton). Dĩ nhiên, khuynh hướng nào cũng có những khuyết điểm vì quá đà, quá ngưỡng trong một số bài thơ, câu thơ, dẫn đến huyền bí, siêu hình... nhưng ngày nay, bình tĩnh nhìn lại, quả là các ông đã làm nên sự tân kỳ, hấp dẫn mà lịch sử văn học phải ghi nhận công đầu.
Qua các tác phẩm: Chơi giữa mùa trăng, Thơ Điên của Hàn Mặc Tử; Tinh huyết của Bích Khê, Màu huyền diệu của Hoàng Diệp, một số bài thơ của Xuân Khai (tức Yến Lan), đặc biệt trong tập Điêu tàn, Vàng Sao của Chế Lan Viên... thì rõ ràng quan niệm về thơ và nhà thơ đã có sự thay đổi quan trọng. Yếu tố cực đoan, dị thường thông qua liên tưởng, tưởng tượng có vẻ xa lạ, huyền hoặc trở thành điều quan tâm của trường thơ này. “Họ muốn xác lập một thế giới mới trong thi ca khác với quan hệ quen thuộc của đời thường. Cái logique của thi ca đã trở nên khác biệt và nhiều khi đối lập với logique của cuộc đời. Nhà thơ, chủ thể sáng tạo là một nhân tố mạnh, xem mình như một trung tâm của vạn vật mà bộc lộ cảm xúc một cách khác thường” (Hà Minh Đức) [2,tr.45].
Là thành viên và là bạn thơ thân thiết cùng trường thơ nên Hoàng Diệp có đủ tư cách về vốn sống chung và vốn sống riêng, cũng như những quan điểm nghệ thuật của những thi sĩ cùng chí hướng/ thi phái để lần vào thế giới bên trong những không gian thơ của từng thi sĩ để giải mã vẻ đẹp chỉnh thể của từng thi phẩm, thi tập một cách nghệ thuật và khoa học.
Phương pháp phê bình của Hoàng Diệp rất linh hoạt. Là người trí thức theo học chương trình giáo dục Pháp - Việt (Franco-Indigènes), ông tiếp thu các phương pháp phê bình hiện đại Pháp bằng nguyên văn Pháp ngữ, đặc biệt là các phương pháp phê bình thời thượng của thế kỷ XIX và XX như: phê bình ký hiệu học (Umberto Eco, Roland Barthes), phê bình thực nghiệm (Auguste Comte, Sainte- Beuveu), phê bình tiểu sử (Gustave Lanson) và phê bình ấn tượng (Jules Lemaitre, Anatole France), phê bình phân tâm học (Sigmund Freud)… Vì vậy, qua 3 công trình phê bình nói trên về thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và Bích Khê, Hoàng Diệp đã thực sự vận dụng có sáng tạo. Nghĩa là yếu tố nào tương thích với phương pháp nào thì ông vận dụng phương pháp ấy để đem lại kết quả thuyết phục cho việc giải mã tác phẩm, chứ không cứng nhắc áp dụng một phương pháp thuần túy nào. Đây là điểm cần lưu ý trong tư duy phê bình văn học của Hoàng Diệp. Nghĩa là từ những năm 60 của thế kỷ XX, Hoàng Diệp đã linh hoạt trong lối kết hợp đan xen giữa phê bình nội quan và phê bình ngoại quan, làm cho những trang viết của ông vừa hấp dẫn ở ngôn ngữ, triết mỹ vừa ấn tượng ở trực giác nhạy bén, vừa thuyết phục ở luận lý khoa học. Tôi gọi đây là lối phê bình học thuật đồng sáng tạo, có lý thuyết chuyên nghiệp và có cảm quan văn chương vững chắc.
Là người cùng thời và trong cuộc, Hoàng Diệp hiểu rất rõ về Phong trào Thơ mới, bước phát triển mới của thơ Việt bằng việc xuất hiện cái tôi cá nhân cá thể (individu) thay cho các dạng thái của cái tôi cá nhân của thơ trung đại. Cơ sở xã hội, cơ sở tư tưởng và cơ sở nghệ thuật của Thơ mới giai đoạn 1932 - 1945 đã gặp nhau và cộng hưởng một cách nhịp nhàng, hợp quy luật đã làm bùng nổ ngôn từ đủ chứa đựng cảm xúc và tâm trạng trữ tình điển hình của các thi sĩ tài năng cả phong trào, làm thành “một thời đại thi ca” lộng lẫy, âm vang và giàu hương sắc. Nó mở ra thời kỳ hiện đại chủ nghĩa trong thơ Việt cho đến ngày nay. Thế giới nghệ thuật Thơ mới tích hợp được những yếu tố cần thiết để đủ thực hiện bước nhảy vọt về chất để tạo ra chất thơ mới, cái nhìn nghệ thuật mới như Roman Jakobson quan niệm. Đó là sự tích hợp, tiếp biến giữa Đông và Tây, giữa những tương hợp bên trong và bên ngoài, giữa cổ điển và hiện đại, giữa hình thức thơ Việt, thơ Trung Hoa và thơ Pháp - trên cơ sở văn hóa và bối cảnh lịch sử - thi ca Việt.
Từ những tìm hiểu những cơ sở nền tảng trên, tôi muốn nhìn nhận giá trị của công trình Bích Khê, Nhà thơ tiền chiến của Hoàng Diệp ở những nội dung chính để xác thực tinh thần tiếp thu và thực hành nghiên cứu, phê bình văn chương của ông trong nền phê bình văn học Việt Nam hiện đại.
Ở phần tổng quát Thơ Bích Khê, Hoàng Diệp đã cho người đọc hiểu khái quát cách làm việc của ông: “Ở đây, chúng tôi không dám tự hào tìm hiểu được thơ Bích Khê, nhưng cũng không đồng ý về cái bí hiểm mà thơ Bích Khê đã chứa đựng là quá bí hiểm, quá tối tăm… như người ta tưởng, vì cái nghệ thuật kỳ bí của Bích Khê là luôn luôn muốn đổi mới, đặt lại tất cả mọi vấn đề mà thi ca có nhiệm vụ” [1,tr.10]. Nhà phê bình muốn tìm đến ngọn nguồn sáng tạo của Bích Khê: “Trước hết, chúng ta cần phân biệt các loại thi ca: thi ca nhập thể và thi ca đã được diễn tả, thi sĩ ở trong trạng thái thi sĩ và thi ca trong thể chất thơ. Đoạn đường hướng dẫn từ cảnh nội tâm ra thế giới bên ngoài thường thường đã làm mất hẳn sự nguyên vẹn trinh tiết lúc ban đầu của những điều hứng cảm. Chúng ta phân loại thi ca đành phải phân loại các hàng thi nhân. Có những thi sĩ biết làm thơ vì họ là thi sĩ. Cũng có những thi sĩ là thi sĩ vì họ biết làm thơ. Chúng ta phải dành cho Bích Khê một chỗ ngồi ở hàng chiếu thứ hai này. Vì người ta không thấy có một điều gì hoặc một cơ hội thuận lợi nào, một trường hợp bất ngờ nào bắt ép Bích Khê phải là thi sĩ cả. Bích Khê là thi sĩ, nói một cách hết sức giản dị và minh bạch, vì Bích Khê chỉ biết thế giới và ngôn ngữ của thi ca hơn các ngôn ngữ khác của triết học, của khoa học” [1, tr.11-12].
Vậy là Hoàng Diệp chỉ tuân theo thi ca, cuộc đời, ngôn ngữ và ký hiệu, tư tưởng thơ Bích Khê để giải mã thơ Bích Khê; từ đó, may ra “đem biếu quý độc giả thơ Bích Khê một vài mẫu đá lạ” [1,tr.14].
Với quan niệm sáng rõ như thế, Hoàng Diệp đã chứng minh tài năng thơ Đường của Bích Khê lúc 12 tuổi, lóng lánh một bầu trời Đường Tống, nhưng rồi Bích Khê đã nhận ra sự lỗi thời của nó - cũng là sự lỗi thời của những bậc thầy Đường thi, khi mà sức nặng của câu chữ và niêm luật không cứu vãn được sự nghèo nàn, đơn điệu, nhàm chán của nó, tức của sự thuần túy cổ điển, không dám cũ phá để thay mới, dù ngàn năm trước Bích Khê đã có bao thi sĩ tài danh Trung Hoa và Việt Nam sừng sững.
Để chứng minh cho sự đổi mới thi ca của Bích Khê, Hoàng Diệp đã sắc sảo nhận ra sự can thiệp có tính bệ phóng cho thi sĩ thần linh này, đó không ai khác chính là Hàn Mặc Tử: “Hàn Mặc Tử hiện đến với bầu nước cam lồ của Đức Mẹ, của Đức Tây Vương Mẫu để làm tươi lại lá cành của cơ thể khô cháy, của linh hồn sa mạc của Bích Khê… Ở Bích Khê, chất cam lồ đã làm cho linh hồn mê mẩn, trí tuệ chuếnh choáng… và sau giờ phút chịu đựng sức phản ứng linh diệu của bình dược thủy, Bích Khê đã bình tĩnh dựng nên được một con người thật hào hoa phong nhã.
Và từ đây, Bích Khê đã bắt đầu hành trình thi ca độc sáng cho riêng mình. Một cõi thơ, một cõi tư tưởng thi ca, sau khi đã đưa “thơ cũ lên máy chém”, khi nhận ra Gái quê và Đau thương của Hàn Mặc Tử đã thực sự mê hoặc và khải thị thi ca cho Bích Khê. “Trong phút giây bất thần, đôi mắt chàng đổ lửa, tim chàng đập mạnh vì kiêu căng, tự ái, chàng vung cao thanh gươm chặt cổ thơ Đường. Sau nhát gươm quyết định tương lai của sự nghiệp thi ca chàng, Bích Khê lên đường với kích thước người dũng sĩ. Chàng đã trở thành kẻ thù số một của thơ cũ, nhưng thơ cũ vẫn nhìn nhận chàng một đối thủ lợi hại đáng cảm phục, một tên sát nhân phải được tôn thờ” [1,tr.38].
Sự phát triển cao của Phong trào Thơ mới 1932 - 1945 đã làm xuất hiện của các nhóm thơ, trường thơ như Trường thơ Loạn, Xuân Thu nhã tập, Dạ Đài... là biểu hiện hiển minh cho sự tìm tòi, đổi mới nghệ thuật của các nhà thơ tiên phong, khát khao thể nghiệm và cách tân thi ca.
Với tinh thần tiên phong và ước vọng cao đẹp về sự đổi mới thi ca Việt, Trường thơ Loạn, trong đó có Bích Khê, đã trả lại cho thi ca những giá trị đích thực của nó. Họ muốn dứt bỏ những ảnh hưởng của chủ nghĩa lãng mạn, vì nó đã đi tận mút của con đường cùng. Họ quan niệm thi sĩ phải là người hội đủ các thế giới của thực và mộng, hồn và xác. Điều này cũng giống quan niệm của các thi sĩ Dạ Đài, nhưng Trường thơ Loạn đã đi trước gần 10 năm. Tuyên ngôn tượng trưng của Dạ Đài viết: “Chúng tôi muốn những cảm giác thâm u mà chúng ta mới chỉ có những thi sĩ của lòng. Đã đến lúc chúng ta đợi những thi sĩ của linh hồn, những thi sĩ của cái tâm thầm kín”. Dạ Đài “cố đánh thức cái thế giới im lìm đương nằm ngủ ở trong lòng nhân loại”. Họ thiết tha muốn thực hiện một cuộc trở về cái nguyên ủy của cội lòng khi đất trời khai lập Dạ Đài muốn đưa thơ trở về với cội nguồn của con người, bởi thơ ca đương thời là quá gò ép. Quan niệm của Trường thơ Loạn chủ yếu vẫn là tượng trưng, nhưng có sự tiếp biến cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Sự nông cạn với những “cảm giác đơn nghèo”, “nỗi lòng nhạt nhẽo”, “cái tôi nông cạn” là sản phẩm cũ xưa của thi ca lãng mạn đương thời cần phải vượt qua để hiện đại hóa trước tầm đón đợi mới của chủ thể trữ tình và của công chúng thi ca.
Bích Khê đã thực sự đi đến với cái nhìn nghệ thuật mới mẻ hơn để phản ánh cái thực tại run rẩy của cõi lòng mình. Những ảnh hưởng từ Edgar Poe, từ Arthur Rimbaud, Paul Verlaine… là vô cùng ngoạn mục để giúp Bích Khê có những ý niệm mới về các trạng huống trần thế, trong đó, có hình tượng Cái chết và Con quạ như những cổ mẫu linh diệu. Hình tượng Con quạ trong thơ phương Đông và phương Tây đã ám ảnh Bích Khê như một tiên tri định mệnh và tiên tri nghệ thuật được Hoàng Diệp cắt nghĩa và lý giải song thoại, song đề bằng thơ của các thi sĩ Đông - Tây và Việt Nam với thơ Bích Khê một cách thú vị. Đó cũng chính là sự gặp gỡ ngược chiều giữa Bích Khê và Edgar Poe cũng như Charles Baudelaire mà Hoàng Diệp đã chứng thực: “Chúng ta rất lấy làm lạ khi thấy Bích Khê không run sợ trước cái chết, trái lại chuẩn bị tiệc hoa để đón mừng cái chết như đón mừng giai nhân. Cũng như Baudelaire, Bích Khê quan niệm rằng cái chết an ủi chúng ta… Nó giúp chúng ta vượt tuyến ra khỏi cái hố sâu ghê rợn của tâm tư con người, nó giải thoát chúng ta xa cái nhà tù của hữu thể. Nó là ân nhân” [1, tr.76].
Ở công trình Bích Khê, Nhà thơ tiền chiến, Hoàng Diệp đã công phu chỉ ra hành trình thi ca và hành trình tư tưởng Bích Khê mà sự vận động của chúng chính là đi từ Đường thi, qua lãng mạn và đến với tượng trưng, siêu thực. Những quyết định thoát ly Đường Tống sau một thời gian im lặng và thái độ âm thầm câm nín để đối thoại với tâm tư nhằm tìm một cái Tôi tự do, gặt bỏ cái Tôi nô lệ: “Đối với cái Tôi nô lệ, Bích Khê đã giã biệt. Đối với cái Tôi tự do, Bích Khê chưa bắt gặp được hoặc không bao giờ gặp được qua cuộc lùng xét của chàng. Nhưng không nản, chàng cố gắng tìm, qua những vật thể phiến diện, sự hiện diện của một cái Tôi kỳ diệu hơn, trên cái Tôi thường nhật. Cái Tôi kỳ diệu ấy chính là mục tiêu cuối cùng của nghệ thuật, cái Tôi bất diệt, cái Tôi lý tưởng. Cái Tôi ấy, nghìn đời sau, vẫn trở về thăm ngôi mộ đầy cỏ “xanh xao” ở Thu Xà, giữa một khung trời thật đẹp, không phải vẻ đẹp nhất thời của cuộc đời mà là vẻ đẹp trường lưu của mãn kiếp” [1,tr.90].
Vậy là đến đây, Bích Khê đã thật sự gặp và giao hòa với Hàn Mặc Tử, Edgar Poe để phát giác và phát hiện cái tôi nội tỉnh của mình và của nhau, của loài thi sĩ đồng điệu với những quan niệm nghệ thuật và sự thể hiện thi ca tân kỳ, nhịp nhàng mà các thành viên của cả Trường thơ Loạn tỏ ra năng sản từ những thi phẩm đầu tiên, dù không tránh khỏi lúc đầu, đối với người đọc, chúng có thể tối tăm, kỳ bí, hiểm lạ. Nhưng bên cạnh đó lại là một thế giới của hương hoa, âm thanh và màu sắc - một thế giới tương hợp (correspondances) diệu kỳ, một thế giới mộng tình diễm lệ và của thi ca Bích Khê và cả Trường thơ Loạn.
Có một điểm mà Trường thơ Loạn gặp Dạ Đài và Xuân Thu nhã tập, đó là họ luôn để thơ “đi giữa bến bờ U Huyền và Hiện Thực, chúng tôi sẽ nói thay cho tiếng nói những loài ma. Chúng tôi sẽ khóc lên cho những nỗi oán hờn chưa giải. Chúng tôi sẽ bắt hiện lên những đường lối U Minh. Chúng tôi sẽ kể lại những cuộc viễn du trong những thế giới âm thầm sự vật”. Họ đón nhận và hiện hữu trong thơ “tất cả những thế giới quay cuồng, chúng tôi sẽ bắt một vầng trăng phải lặn, một ánh sao phải mờ đi... và một bài thơ phải vô cùng linh động” (Tuyên ngôn tượng trưng của Dạ Đài).
Giải mã thi giới Bích Khê, Hoàng Diệp cũng đã tìm đến tâm lý miền sâu của thi ca và con người nghệ sĩ Bích Khê để chỉ ra cái “nhục dục”, những vần thơ “đầy tội lỗi” của thi nhân và cuối cùng, nhà phê bình đi đến kết luận: “Cái đẹp thể chất, thuốc phiện, hơi rượu “hú ma” đã biến Bích Khê thành một Baudelaire Việt Nam. Nhưng Baudelaire đã tìm gặp trong cái say, cái tình dục, cho đến trong cái chết, một nỗi niềm an ủi tâm hồn thi sĩ, một thành công trên con đường nghệ thuật, thì Bích Khê vừa bắt tay cái trần truồng khả ố, cái hữu thể gớm guốc ấy, vừa giã biệt chúng để tiến vào cõi trời siêu thoát:
Ta là thơ! Phàm tục hãy quy y
Ta sáng suốt chiếu ra màu Phật tính
Hai câu thơ trên đã làm sụp đổ, như những bức tường thành đua nhau sụp đổ tất cả những ý tưởng, những quan niệm từ trước đến nay về thơ tội lỗi, thơ dâm đãng của Bích Khê” [1,tr.126].
Sự giao lưu văn hóa Đông - Tây đã tạo ra “một thời đại trong thi ca” lộng lẫy, âm vang. Những nhà Thơ mới tài năng 1932 - 1945 của Trường thơ Loạn Quy Nhơn đã làm một cuộc hội ngộ ngoạn mục để tích hợp thành những thế giới nghệ thuật thơ lung linh, huyền diệu, không chỉ ở nội dung mà còn chính là ở hình thức, mà ngôn ngữ là vừa là chính nó vừa là đối tượng của chính nó. Điều này đã được nhà phê bình Hoàng Diệp minh chứng một cách nghệ thuật và thuyết phục qua các yếu tố quan trọng tham gia cấu thành tác phẩm Bích Khê như: phương thức cấu tạo/ kiến trúc câu thơ, ngôn từ, đảo tự, hình ảnh/ biểu trưng/ biểu tượng, nhạc tính/ âm thanh, nghệ thuật vắt dòng/ liên cú, nhịp thơ/ ngắt hơi, điệp âm, điệp cú, điệp vần, có cả nghệ thuật sử dụng điển tích trong thơ Bích Khê - những yếu tố đã làm hiển lộ các cung bậc tình cảm, các trạng thái giác quan, có khi là ảo giác, linh giác của thi sĩ và cả của người đọc một cách say mê và kỳ diệu (từ trang 128 đến trang 213). Chúng tôi đánh giá cao phương pháp tiếp cận và phê bình nghiêm túc, nhưng tài hoa của Hoàng Diệp ở công trình này với tư cách hai trong một: Nhà thơ và Nhà phê bình.
Cuối công trình Bích Khê, Nhà thơ tiền chiến, Hoàng Diệp có phần Thay thế kết luận như một đúc kết cho cả chuyên khảo với hai mục:
- Ba nhà thơ phản kháng: Hàn Mặc Tử - Chế Lan Viên - Bích Khê
- Sự xuất hiện của Hàn Mặc Tử - Chế Lan Viên - Bích Khê
Chúng tôi xem đây như là phần Vỹ thanh cần thiết nhằm khẳng định lại tài năng và đóng góp thi pháp của ba nhà thơ đỉnh cao này vào tiến trình thi ca Việt Nam hiện đại. Như chúng ta biết, thời gian từ 1932 đến 1945, Phong trào Thơ mới đã tồn tại, vận động và phát triển, để cuối cùng hình thành ba nhóm thơ/ trường thơ lớn, có hiệu ứng nghệ thuật: Trường thơ Loạn, về sau có Xuân Thu nhã tập, Dạ đài, nhưng chỉ có Trường thơ Loạn ở Quy Nhơn là tiên phong hơn về thời gian và hiệu quả thi ca với những tên tuổi sáng giá nhất thi đàn như Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê. Còn 2 nhóm kia thì muộn hơn đến 5, 7 năm và cũng chỉ dừng lại ở tuyên ngôn lý thuyết, chứ hiệu quả thực tiễn sáng tạo thì chưa đủ thời gian để thể nghiệm bằng tác phẩm. Điều đó có nhiều lý do, nhưng để nhận thức rằng Trường thơ Loạn là trường thơ nhạy bén và năng sản nhất, đã làm một sự hội ngộ và tích hợp nghệ thuật nhuần nhuyễn để tạo thành những giá trị, những thăng hoa trong nghệ thuật. Ba gương mặt thơ Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Bích Khê thực sự thành ba đỉnh núi lạ của cả Phong trào Thơ mới, bởi vì họ đã nhạy bén và thực sự nhận ra cần phải đổi mới thi ca, phải làm người tiền trạm cho tâm hồn và nghệ thuật để đưa thi ca nước nhà tiến về phía trước: “Không muốn nhìn thực tại đầy đau nhức, tê tái, Hàn Mặc Tử đã tìm về với cuộc sống ở những miền trăng sao, ở một thế giới lý tưởng siêu thực, vượt ra ngoài mọi ràng buộc của thực tại. Căm thù cảnh trần gian chồng chất giả dối tị hiềm, Chế Lan Viên chắp tay quỳ lạy tạo hóa, cầu xin Tạo Hóa trả chàng trở về cõi chết để được làm bạn đường cùng những khớp xương khô, những dòng tủy cạn… của muôn vạn Ma Hời. Đối với cuộc đời, Bích Khê lại muốn được đóng vai trò của một quan tòa uy nghi… để phán xét Quá khứ, đối chất với Hiện tại và chuẩn bị cho cuộc sống miên trường ở Vị lai” [1,tr.229].
Và với tư cách là một thành viên trụ cột của Trường thơ, Bích Khê đã làm tròn trọng trách thi sĩ và sứ mạng thi ca của mình với tư cách là người phản kháng, người duy tân, dù ông từ giã cõi đời khi tuổi còn rất trẻ: “Dù thể xác của Bích Khê đã nát tan gần ba mươi năm, con người đời của Bích Khê vẫn còn với chúng ta, giữa tâm tưởng của chúng ta. Đối với chàng, chúng ta không có quan niệm về Quá khứ, Hiện tại, và Vị lai. Thay thế hóa công, chàng đã quán xuyến và làm chủ tất cả. Nói về Bích Khê, thiên đàng, địa ngục là gì nếu không phải chỉ là một dấu hỏi to tướng đối với con người! Chính cái quán xuyến ấy, cái công việc tước đoạt uy quyền của hóa công ấy đã xếp Bích Khê vào hàng ngũ của các thi sĩ PHẢN KHÁNG” [1,tr.233].
*
Với 3 công trình: Hàn Mặc Tử, Thi sĩ tiền chiến (1967), Chế Lan Viên, Nhà thơ tiền chiến (1969), Bích Khê, Nhà thơ tiền chiến (2017), Hoàng Diệp đã đã trả món nợ thi ca không chỉ cho các thi hữu yêu quý của ông, mà cao hơn, ông đã giúp cho văn học sử và giúp cho người đọc hiểu để tôn trọng, và bảo vệ những giá trị văn chương một trường thơ thời tiền chiến đã đi qua, nhưng sức sống và giá trị nghệ thuật của chúng vẫn luôn hiện hữu trong lòng bạn đọc hôm nay và mai sau.
H.T.H
(TCSH358/12-2018)
------------------
1. Hoàng Diệp, Bích Khê, Nhà thơ tiền chiến, Nxb Hội nhà văn, Hà Nội, 2017.
2. Hà Minh Đức, Một thời đại trong thi ca, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1997.
3. Hồ Thế Hà, Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên, Nxb Văn học, Hà Nội, 2007.
4. Hồ Thế Hà, Những khoảnh khắc đồng hiện, Nxb Văn học, Hà Nội, 2014.