ĐÔNG HÀ
Tôi yêu thơ Nguyễn Trọng Tạo từ những năm còn là sinh viên. Tuổi trẻ nhiều háo hức, về tình yêu, về non xanh và tơ nõn. Nhưng khi bắt gặp những câu thơ chảy ngược trong tập Đồng dao cho người lớn, tôi lại choáng váng.
Thơ sao không phải thơ tình? Thơ sao lại đi nói những điều xót xa làm vậy? Tin thì tin không tin thì thôi!
Câu thơ này trở thành tiếng nói vang lên trong tâm trí tôi, khi đứng trước một bất lực của đời sống.
Tin thì tin không tin thì thôi! Tôi nhớ về những tháng ngày ấu dại. Một đứa trẻ lớn lên từ đồng chiêm đã biết hơi lạnh tỏa ra từ núi đá, đã đau cắt tâm can cơn rét buốt thịt da kim châm cánh đồng chiêm mỗi chiều về, đã xòe hai bàn tay cay phồng hơi ớt rát bỏng da như lưỡi dao lách dưới mỗi tế bào yêu thương.
Tôi đã tin. Nhưng người đời không tin. Tôi đã loay hoay làm cho người ta tin. Tôi đã bất lực đớn đau khi không thể làm cho người ta tin.
Cho đến lúc được đọc thơ anh. Tin thì tin không tin thì thôi! Ừ, thì thôi. Tại sao mình đã từng loay hoay đến vậy? Không tin thì thôi.
Và yêu những câu thơ buồn như rút ruột gan ra chỉ để diễn tả mỗi một nỗi buồn. Để buồn cho xong với mình, mà đi vui cùng thiên hạ.
Về sau, đôi dịp chứng kiến những cuộc vui với anh, tôi mới nhận ra, thơ anh là cõi buồn thật. Buồn như thể bao nhiêu buồn anh trút cả vào thơ, để còn rảnh rang vui, mà đi vui với cả và thiên hạ.
Và vừa vui với thiên hạ, anh vừa làm thơ cho người, sau đó, làm thơ cho mình. Nên thơ anh có đủ. Thơ thế sự, chiêm nghiệm, triết lý, yêu đương hờn giận hẹn hò chia tay mất mát bla bla… Cuộc đời có gì, anh làm thơ về thứ đó. Cả nhạc, cả tranh. Anh thành nghệ sĩ đa tài trên diễn đàn văn nghệ, thành người quý mến được khắp nơi cưng chiều.
Và anh có nhiều độc giả, nhiều sự tán tụng, ngưỡng mộ và nâng niu.
Tôi về ngồi một góc riêng, đọc bài thơ đầu tiên anh viết năm 14 tuổi, và chùm thơ viết cho một lần (toan) tự tử năm 34 tuổi. Một mười bốn tuổi già nua và mười cho hai mươi năm sau đơn độc. Hai mươi năm sống một mình cùng đứa bé già nua của chính mình, anh đã viết những câu thơ rứt da thịt ra để đi chết.
KHÔNG ĐỀ
Tôi nằm nhoài giữa ánh trăng
Lưng tôi thảm cỏ rối hăng hương nồng
Bạn ơi, trăng hóa dòng sông
Tôi con thuyền nhỏ bơi trong nỗi niềm
Bây giờ tôi dịu tôi hiền
Biết đâu tôi dại tôi điên bao giờ
Mai sau tôi chết trong thơ
Hay là thơ chết bên bờ hồn tôi?...
Trăng trên ngọn liễu trăng ngồi
Tôi trên ngọn liễu tôi rơi bây giờ!...
Bạn ơi, trăng quá ngây thơ
Còn tôi cằn cỗi già nua thế này
Bao giờ tôi hóa làn mây
Hẳn tôi muôn thuở sum vầy cùng trăng!...
1961
14 tuổi đã biết buồn nỗi buồn riêng của chính mình. Tôi nhìn thấy sự si mê đắm đuối tưởng như cuồng nhiệt thẳm cùng của anh trong lòng yêu thơ vô bờ bến qua bài thơ đầu tiên này. Mê thơ Hàn Mặc Tử, đọc lậm thơ Hàn và ảnh hưởng thơ Hàn là điều dễ hiểu. Nhưng cất lên tiếng nói như một tuyên ngôn tận hiến đời mình cho thơ, thì cậu bé 14 tuổi kia đã dấn thân vào cõi thơ, không còn một cõi nào khác xứng đáng cho cậu để mắt tới nữa.
Và đương nhiên, là cái cô đơn cồn cào của người trẻ. “Tôi con thuyền nhỏ bơi trong nỗi niềm”. Hồn nhiên chân tình quá đỗi. Hình ảnh thơ đẹp gợi cho tôi niềm yêu thương muốn khóc. Với câu thơ này, cậu bé đã bắt đầu bước xuống chiếc thuyền định mệnh của đời mình. Để suốt những năm dài tháng rộng, anh chèo chống, vượt thác ghềnh, hay gõ mạn thuyền hát khúc hoan ca… đều trên chiếc thuyền trong con sông ngập tràn nỗi buồn vô tận.
Bây giờ tôi dịu tôi hiền
Biết đâu tôi dại tôi điên bao giờ
Mai sau tôi chết trong thơ
Hay là thơ chết bên bờ hồn tôi?...
Trăng trên ngọn liễu trăng ngồi
Tôi trên ngọn liễu tôi rơi bây giờ!...
Những câu thơ hốt nhiên khiến tôi rợn ngợp. Tôi nhìn thấy trong người thơ ấy, thơ đã ở trong anh tự bao giờ. Dịu hiền, điên cuồng, chết trong nhau. Ngập ngụa trong thơ và thơ đã hóa thành con người ấy.
Mà, đã sống bằng thơ gan ruột như thế, đời có mấy ai vui.
Nên, 20 năm sau, vào lúc 34 tuổi, anh đã tìm về với cái chết.
10 BÀI THƠ VIẾT TRONG ĐÊM TỰ TỬ
Trái tim tôi nếu ai đó đem chôn
Thì nó sẽ mọc lên hoàng hôn!
1.
Chưa phải thế nhưng mà nó thế
Tôi ra đi nào phải không yêu Mẹ
Tôi ra đi nào phải chẳng yêu người
Chưa phải thế nhưng mà nó thế
Chưa phải thế nhưng mà nó thế
Bạn bè tôi còn hy vọng tôi nhiều
Những bài thơ còn mắc nợ mây chiều
Chưa phải thế nhưng mà nó thế
Chưa phải thế nhưng mà nó thế
Tôi ra đi đừng nghĩ vắng tôi rồi
Tôi ra đi vì yêu quá cuộc đời
Chưa phải thế nhưng mà nó thế
2.
Vì sao tôi phải tự giết mình bằng hai viên đạn
Điều băn khoăn không phải chuyện tình cờ
Tôi không phải là người cố chết
Vậy thì lý do gì?
Một viên đạn tự giết tôi cũng đủ
Còn viên kia? Đáng dành cho kẻ khác
Nhưng tôi đã thương kẻ khác hơn mình
Viên đạn kia sẽ giết tôi lần nữa!
3.
Người ta sống thế nào thì chết cũng vậy thôi
Tôi sống không dối lừa tôi chết không lừa dối
Hơn 30 năm trước tôi đến với đời này
Cũng ra đi từ đời này sau hơn 30 năm tuổi
Có khác chăng những ngày tôi đã sống
Gặp người này bằng cái bắt tay người khác
bằng cái hôn
Giờ tôi chết một mình trong phòng kín
Không cái bắt tay. Cái hôn cũng không.
4.
Hoa ơi! Nếu bạn buồn rầu về cái chết của tôi
Tôi không muốn can ngăn sự buồn rầu của bạn
Chúng mình sống cho nhau như cây với cội
Khuyên can để làm gì nếu chẳng ích gì hơn
Và bởi vậy Hoa ơi xin đừng trách
Tôi ra đi không hỏi bạn một lời.
5.
Không ngờ tôi có thể biết rõ ràng bài thơ
cuối cùng tôi viết
Bài thơ nghiêm trang và run rẩy của tôi
Chỉ riêng điều này cũng thấy mình hạnh phúc:
Tôi không còn. Bài thơ tôi còn đây…
6.
Trên thế gian này tôi đến rồi đi như tia chớp mà thôi
Ôi cuộc đời ngắn ngủi
Chia tay tuổi thơ vẫy tung mùa phượng đỏ
Áo lính thời trai chưa kịp cũ
Ngoảnh lại yêu đương như muối xát lòng
Con gái bé bỏng ơi! Con là bài thơ lớn nhất
Mãi hoài thai những câu thơ ba viết
Hoài thai ba những giây phút yếu lòng
Bạn bè đông
Một hai tâm đắc
Suốt cả thời mình sống trên trái đất
Sống thật lòng như tia chớp vậy thôi
Ôi cuộc đời ngắn ngủi
Ghét bỏ làm chi tiếc nuối làm chi
Tia chớp thế nào phát sáng thế ấy
Người đến thế nào người cứ thế ra đi
“trên thế gian này tôi chỉ là người đi qua
em hãy vẫy cho tôi một bàn tay trìu mến”
Tôi đã vẫy cho Ê-xê-nhin cái vẫy tay anh muốn
Giờ đến lượt tôi. Ai sẽ vẫy tôi đây?
7.
Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây
Đối diện với chân trời tuổi nhỏ
Đối diện với bất công đau khổ
Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây
Lòng bộn bề và trời đầy mây
Khao khát tự do thì tự do bị trói
Khao khát yêu thương thì ba chìm bảy nổi
Sự thật thiêng liêng bị đánh tráo dối lừa
Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây
Để được hát bài hát mình lần cuối
Để được hát ngợi ca lẽ phải
Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây
8.
Bạn ơi! Có thể bạn đã ủng hộ tôi mà chưa đạt được
Bạn ơi! Có thể tôi với bạn đã cãi cọ nhau không bằng lời
Bạn ơi! Có thể bạn thờ ơ lãnh đạm với tôi
Bạn ơi! Có thể tôi với bạn đã thỏa thuận
điều này. Điều khác chưa thỏa thuận
Cuộc đời là vậy nó cứ vậy kéo dài
Hôm nay tôi chết ai chết ngày mai
Hôm nay ai thương tôi ngày mai ai thương người
Hôm nay ai ghét tôi ngày mai ai ghét người
Cuộc đời là vậy nó cứ vậy kéo dài
Hôm nay tôi chết ai chết ngày mai
9.
Có thể không phải thế nhưng mà tôi nghĩ thế
Người ta sống với nhau dè dặt đến nghi ngờ
Nụ cười xã giao
Công việc cũng xã giao
Có thể không phải thế nhưng mà tôi nghĩ thế
Có khi vì một cái gì đó
Như lòng ganh tị nhỏ nhen
Sẵn sàng đánh vào kẽ hở của lòng tốt
Trâu bò húc nhau cánh đồng bị dẫm nát
Bố mẹ giận nhau bỏ đói đàn con
Vì sao người ta miễn cưỡng nghe lòng thành thật
Vì sao người ta lại vu cáo anh khi anh đang lâm nạn
Vì sao anh tự tử người ta uống rượu mừng
Vì sao anh không biết tựa lưng
Vào những người trung thực
Có thể không phải thế nhưng mà tôi nghĩ thế
Đời bao nhiêu phe phẩy đứng chắn đường
Bọn phe phẩy ăn diện sang trọng quá
Da dẻ hồng hào
Nụ cười ma giáo
Cũng có khi mang trang phục quân nhân
Có thể không phải thế nhưng mà tôi nghĩ thế
10.
Nếu tim tôi có thể bóp tơi ra thành muôn hạt li ti
Tôi sẽ ném lên trời cho gió mang đi
Nếu tim tôi có thể rung âm nhạc
Thì tôi đã dành nó cho bài hát
Nếu tim tôi có thể viết thành thơ
Nó đã ở trong thơ tôi bao giờ
Nếu tim tôi có thể yêu say đắm
Nó đã ở trong ngực em đằm thắm
Trái tim tôi nếu ai đó đem chôn
Thì nó sẽ mọc lên hoàng hôn!
Vân Hồ 3, đêm 11/11/1981
Về cái chết, là lúc con người ta, hoặc đã hết phần để sống, hoặc cùng quẫn trốn sống. Nhưng tôi còn thấy có một loài, khi đã chán chường với cõi sống, họ tự kết liễu mình, để được trọn vẹn cùng cõi riêng của họ, không ai có thể chạm tới, xâm phạm dù một mảy may. Đó là cái chết kiêu ngạo của một con người biết mình đủ đầy để tách ra khỏi đời sống tẹp nhẹp vô nghĩa lý.
Cái chết đó, họ không cần người khác xót thương.
Và, Nguyễn Trọng Tạo đã có lần kiêu ngạo tự ôm mình đi vào cõi riêng như thế.
Anh đã sắp đặt một đời sống mới cho mình.
Trái tim tôi nếu ai đó đem chôn
Thì nó sẽ mọc lên hoàng hôn!
10 bài thơ viết trong đêm tự tử là lời tự sự. Anh tách mình ra thành hai nửa. Cái tôi và cái Nó. Độc thoại và Đối thoại. Là cái cớ để bật lên những câu nói vang từ tâm thức.
Chính vì vậy, tôi có thể nhìn thấy anh.
1. Chưa phải thế nhưng mà nó thế. Vâng. Chưa đến lúc, chưa phải… là cái nhìn của bạn, của anh, của chị, của em, của loài người… Nhưng, nó thế. Tôi là Thế! Tôi chính là Nó! Không biện luận, không giải thích, không nhiều lời. Những khổ thơ lặp đi lặp lại chỉ cần khẳng định một điều: Nó thế! Tôi nghĩ, có lẽ, lúc ấy, điều mà Nguyễn Trọng Tạo muốn nói nhất, chính là hai từ “Nó thế!”. Nhưng biết làm sao được, thiên hạ vốn nhiễu sự, nên anh phải chịu khó rườm lời. Thì thành một phần của bài thơ. Chưa phải thế nhưng mà nó thế.
2.3. Người ta sống thế nào thì chết cũng vậy thôi. Đơn giản thế thôi. Nên anh đã giành luôn về mình hai viên đạn. Chỉ một mình anh chết là đủ. Anh mang tất cả sự trinh trắng của tâm hồn mình đi. Còn những kẻ khác. Hãy để họ sống, cùng man trá, dối lừa. Một tâm hồn ba mươi tư tuổi, đang độ căng mọng nhất, để sống, để yêu, để cống hiến, để tận tụy cho đời. Giờ đây sau bao nhiêu vỡ lẽ, anh tự mang mình đi. Qua chỗ khác chơi. Sống thế nào thì chết cũng vậy thôi.
4.5.6. Chúng mình sống cho nhau như cây với cội/ Khuyên can để làm gì nếu chẳng ích gì hơn. Đó là lời trần tình dành cho những yêu thương. Nguyễn Trọng Tạo luôn ấm nồng, từ giọng nói, ánh nhìn, lời thốt ra. Nhưng đó là những gì tôi thấy mãi sau này, khi được ngồi nói chuyện cùng anh. Còn trước đó? Chỉ hai câu thơ trên đã đủ nói lên một trìu mến anh. Đời người không nên đo bằng ngắn dài, chỉ cần ân tình trao cho nhau đủ đầy là quá diễm hạnh. Anh nói với hoa, với em, với gia đình bè bạn, hay với Nó? Với chính anh? Suy cho cùng, là anh nói với Thơ. Tấm lòng trìu mến, yêu thương, cô độc. Mà đến cả trong cô độc như vậy, anh vẫn không ngừng được sự yêu thương. Nên cô độc đẹp như một bông hoa. Tôi thấy vậy.
7. Đáng lẽ ra đi rồi sao tôi vẫn còn đây. Trời ơi một trời đơn độc.
8.9.10. Hôm nay tôi chết ai chết ngày mai??? Có phải vì thế, mà anh không đành lòng chết. Và sự sống, phải quay lại sống, là một cách tự làm khổ chính mình.
Thơ anh buồn quá. Buồn từ năm mười bốn tuổi buồn suốt hai mươi năm đến một lần tự tử không thành.
Sau đó, anh thành nhà thơ cho người đời tán tụng, anh thành nghệ sĩ tài danh cho thiên hạ đứng ké tấm hình để anh gọi tên người ta dịu dàng trìu mến lại là một ân sủng ban trao.
Và thơ anh, tất nhiên hay. Và nhạc anh, tất nhiên nổi. Và tranh anh bìa anh, tất nhiên là tự là hào.
Nhưng tất cả đó, chỉ là cái tài năng thiên bẩm, anh đem ra nhào nặn bắt dựng lên, rồi đôi ra giữa chiếu sới. Cho thiên hạ tụng ca.
Còn anh, tôi vẫn thấy, sau cơn vui say, lại về ngồi trong dáng hình đứa bé già nua năm mười bốn tuổi, lên ngọn liễu ngồi chơi trăng.
Huế, 20/1/2019
Đ.H
(SHSDB32/03-2019)