Tác giả-tác phẩm
Thơ Đặng Bá Tiến - Từ góc nhìn sinh thái
10:16 | 07/06/2019

PHẠM PHÚ PHONG

Rừng sâu có trước các dân tộc,
sa mạc đến sau con người

            (F.R.de Chateaubriand)

Thơ Đặng Bá Tiến - Từ góc nhìn sinh thái

Sinh thái học là bộ môn khoa học sinh học, nhằm nghiên cứu mối quan hệ giữa các quần thể sinh vật và giữa chúng với môi trường tự nhiên. Sau đó, người ta vận dụng để nghiên cứu mối quan hệ giữa người và người, người và môi trường xã hội, hình thành nên sinh thái học nhân văn, rồi sinh thái học tinh thần và sinh thái học văn hóa. Văn hóa là những thành tựu về vật chất và tinh thần do con người làm ra, chủ yếu được hình thành từ các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội. Bản sắc các nền văn hóa khác nhau bởi vì sự hình thành và phát triển các mối quan hệ ấy khác nhau. Đối tượng của văn học nghệ thuật cũng chính là nhằm thể hiện các mối quan hệ ấy. Nói “văn học là nhân học”, là khoa học nghiên cứu về con người, lấy con người làm đối tượng trung tâm, nhưng không phải con người cá thể mà là đặt con người trong tổng hòa các mối quan hệ với xã hội và tự nhiên. Có lẽ văn học sinh thái được ý thức đầu tiên bởi các nhà lãng mạn chủ nghĩa thế kỷ XIX (Mary Shelly, Henry David Thoreau, Aldo Leopold…) trong ý thức phản ứng nhằm thức tỉnh con người đừng cuốn theo sự phát triển kinh tế và choáng ngợp bởi những thành tựu văn minh công nghiệp, mà tước đoạt một cách tàn nhẫn môi trường sinh thái của con người.

Ở Việt Nam, văn học sinh thái có trong sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Trần Duy Phiên, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Ngọc Tư…, trong đó có thơ viết về Tây Nguyên của Đặng Bá Tiến: Lời chân thành với cỏ (2008), Rừng cổ tích (trường ca, 2012), Hồn cẩm hương (2017). Hình như sông suối, cây rừng, hoa cỏ, nắng mưa thường về trú ngụ choáng chật tâm hồn anh, nặng đầy tới mức dù muốn hay không/vô tình hay cố ý, khi sinh sôi thành câu chữ, bỗng dậy lên, quẫy đạp thành sinh khí/thể, thành hình tượng nghệ thuật, cứ lặp đi lặp lại như điệp khúc miên viễn của tâm hồn. Về thi pháp hình thức, chỉ cần đọc tên các tập thơ trên đây, hoặc tên các bài thơ của anh (Sê-rê-pốc mơ và thực, Dòng sông mồ côi, Lời con voi Bản Đôn, Trở lại rừng xưa, Cúc quỳ, Mùa khô, Tháng ba hoa gạo, Viết trong vườn cây Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột, Biên giới mùa khô, Hương cà phê…), cũng có thể dễ nhận ra cái mùi vị môi trường sinh thái không thể trộn lẫn với bất kỳ ai. Khi nói Đôi điều về thơ Đặng Bá Tiến, nhà thơ thời danh Vũ Quần Phương đã đánh giá cao về trường ca Rừng cổ tích: “Tập trường ca anh dự giải cuộc vận động viết của Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giai đoạn 2010 - 2014 chụm trong một đề tài về rừng, đúng hơn về bảo vệ rừng. Một chủ đề không còn mới và cũng khó tìm ra chất liệu thơ khác lạ. Ấy thế mà thơ Đặng Bá Tiến đã làm cả ban chung khảo ngạc nhiên thích thú. Rừng của anh là đại ngàn Tây Nguyên phong phú kỳ vĩ với cây cỏ, với muông thú, và nhất là với bản sắc văn hóa sâu dày độc đáo. Đó cũng là nơi anh đã sống cuộc sống người viết báo liền ba chục năm sung sức nhất của đời mình. Sống kỹ lưỡng, thấm đẫm từng ngày những sự kiện, những vui buồn lo lắng, những khổ ải và hy vọng của bà con dân tộc. Phong vị Tây Nguyên thấm vào hồn câu, hồn chữ của thơ anh thanh thoát, hồn nhiên lắm lắm, nếu so với Lửa sáng rừng của Thái Giang hay Bài ca chim chơ rao của Thu Bồn từ già nửa, non nửa thế kỷ trước kia” [2, tr.18]. So sánh của nhà thơ kiêm nhà phê bình thơ, người đã từng ngồi “cầm cân nẩy mực” trong nhiều hội đồng thơ, là so với các tác phẩm cùng thể loại trường ca, cùng viết về một đề tài và cũng đã từng đạt giải cao (Lửa sáng rừng đạt giải nhất cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1961, Bài ca chim chơ rao đạt giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu của Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam năm 1965 và giải thưởng văn học quốc tế Lotus của Hội Nhà văn Á-Phi năm 1973), nhưng thời điểm ra đời và chủ đề hoàn toàn khác nhau. Rừng của Thái Giang là núi rừng đang được hồi sinh, trồng lại trong công cuộc tái thiết đất nước sau chiến tranh, còn của Thu Bồn là “những đỉnh núi xưa bừng ngọn lửa/ khói lên ngùn ngụt cháy trời mây/ lửa ta bay đốt loài dơi sắt/ đã rắc đau thương lên đất này” [3, tr.21]. Cũng nói về lửa rừng, nhưng không phải để “sáng rừng”; cũng nói về “trận lửa rừng dữ dội” nhưng không phải nhằm thiêu đốt kẻ thù, mà Đặng Bá Tiến cảnh tỉnh và lên án, tố cáo nạn phá rừng, tàn phá môi trường sống của tự nhiên và của chính con người ngày càng lan rộng như một đám cháy không thể nào dập tắt nổi. Nếu nói trường ca là thể loại “kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố tự sự và trữ tình, có tính hoàng tráng về cả phương diện nội dung, tư tưởng và cấu trúc nghệ thuật tác phẩm, được nhà thơ viết nên bằng một dung lượng cảm hứng mạnh mẽ, cảm xúc tuôn trào” [4, tr.29], thì Rừng cổ tích của anh là tiếng kêu đồng vọng của nỗi đau trước sự tổn thất, mất mát của rừng cây sông suối, khiến con người không thể lãng tránh, thờ ơ. Thiên nhiên chỉ lặng yên chịu trận. Thiên nhiên không kêu cứu được, nên mũi dao đã đâm xoáy vào tâm hồn con người, buộc nhà thơ phải lên tiếng kêu thay. Vì lợi ích trước mắt, người ta đào vàng, khai thác các quặn mỏ, ngăn đập thủy điện tràn lan,… nhất là nạn phá rừng, đã trở thành quốc nạn, nhưng tập trung nhiều nhất vẫn là rừng núi Tây Nguyên. Đúng là cuộc chiến không cân sức. Một bên, nào cưa máy, cần cẩu, xe kéo, xe tải, thậm chí có cả vũ khí, tiền bạc với hợp đồng và những quyết định có khuôn dấu đỏ… với một bên là những cánh rừng căm giận đứng lặng im chờ chết, còn nhà thơ, dẫu có được người dân đồng tình cùng ủng hộ đấu tranh, thì cũng chỉ có tiếng nói từ trái tim và lẽ phải ở đời. Nhưng lẽ phải thời buổi bây giờ chưa phải là chân lý, bởi “đất nước đang thời bình/ nhưng đời thì rất loạn” (Nguyễn Thanh Huế). Nhà thơ đã đẩy cảm xúc lên đến cao trào, những yếu tố tự sự, thông qua các sự kiện, chỉ là cái cớ, tấm phông màn, để nhà thơ cài lên những cảm xúc về nỗi đau xót, niềm căm giận và cả những âu lo, bất an, thậm chí cả những phi lý trong cuộc đời. Khác với trường ca của các tác giả trưởng bối như Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo viết về cuộc chiến đấu chống kẻ thù xâm lược, Đặng Bá Tiến đứng trong hàng ngũ những chiến binh bảo vệ núi rừng, sông suối, chống lại “cái loạn” của thời bình cũng còn lắm gian nan. Nhờ vậy, nhà thơ có được sự đồng cảm, sẻ chia, thậm chí có cả sự âu lo từ trái tim người đọc, trong thời buổi không dễ gì thu hút nhiều người quan tâm đến đời sống thơ ca.

Ở tập thơ thứ ba, Hồn cẩm hương là sự kiên trì bám đuổi cuộc chiến một cách bền bỉ của Đặng Bá Tiến, vẫn trong tư thế cầm trên tay ngòi bút và máu nóng từ trái tim. Đề tài về tiếng kêu cứu của rừng tập trung ở phần 1 là Nỗi rừng, về số lượng so với những bài thơ viết về các đề tài khác trong đời sống ở phần 2 là Nỗi đời ít hơn rất nhiều (tỷ lệ 20/61 bài), nhưng cảm hứng chủ đạo về “nỗi đau” vẫn là chủ đề tập trung, nhất là nỗi đau về rừng, về môi trường sinh thái tiếp tục bị con người nhẫn tâm tàn phá một cách cố ý, có ý thức và tàn ác, không hề thương xót. Trong thơ Đặng Bá Tiến, dường như chủ thể cuộc sống không còn là con người mà là môi trường sinh thái tự nhiên và không dừng lại ở cuộc sống của nó, mà cao hơn, bức thiết hơn là lẽ tồn vong của nó trong quần thể ngày càng nóng lên của vũ trụ. Trong tâm thức sáng tạo của văn nghệ sĩ, thi nhân là người đầu tiên hay hoài niệm về quá khứ và mơ ước đến tương lai. Xót xa trước sự lụi tàn của đời sống văn hóa đã tồn tại hàng nghìn năm, với những tượng nhà mồ, âm thanh của cồng chiêng, tù và, óng ánh sắc màu thổ cẩm với cúc quỳ (Tiếng tù và Ma- Kông, Lời chiêng từ đất, Nước mắt tượng nhà mồ, Chị ngồi dệt trong đêm, người đàn bà mang gùi, Cúc quỳ…), trong thế giới hổn mang của cuộc sống hiện đại, tuổi trẻ ngày nay hầu như không biết gì đến quá khứ, chỉ có những người già mới quay đầu nhìn lại “Ôi ngày xưa… hoang dã huy hoàng” (Chuyện của Ma-Té). Với hơn ba mươi năm lăn lộn với những cách rừng, chứng kiến và dõi theo trong đau đớn trước những đổi thay của những cánh rừng chảy máu, nhà thơ nghĩ theo cách nghĩ của người bản địa, nói theo tiếng nói của đất đai sông núi cây rừng:

Người Bản Đôn
đã thấm mỗi chiều rơi
những nỗi niềm lênh đênh chìm nổi
trong tiếng tù và
phải đâu từ buồng phổi
mà từ trái tim khắc khoải nỗi thương rừng

 
Còn đâu những tháng ba trời đất thơm lừng
trăm thứ hoa rừng đua nhau khoe sắc
ong đập cánh cho ngập trời phấn rắc
mật ngọt như mưa dưới tán biếc ròng ròng

 
Còn đâu điệu múa xòe của những bầy công
cánh rừng bên sông chỉ còn là đất trống
lau phất phơ một màu tang trắng
hồn cẩm hương… cũng hết gốc nương nhờ

                        (Tiếng tù và Ma-Kông)

Nhà thơ lấy ba từ của câu thơ cuối khổ làm nhan đề cho cả tập thơ, bởi đó là ba từ khóa của bài thơ. Nó thể hiện hồn đất, hồn rừng, hồn sông, hồn suối; hồn của bản làng hun đúc mấy ngàn năm, nay không còn đâu để trú ngụ nương nhờ. Cái nguy hiểm nhất của đời sống con người là chỉ có hiện tại, mà không có quá khứ, dường như trống trơn không có gì trước đó, chỉ còn lại nỗi hoang mang cúi xuống tầng sâu và ngước tận trời cao, hỏi “ông bà dưới đất sâu còn nghe ta nói/ thần linh ngụ trên cao có nhìn xuống dưới/ có biết rừng, biết suối…/ biết lòng ta…?”. Vũ trụ nhân sinh vốn có mối quan hệ tương hỗ và bổ sung có tính biện chứng với nhau. Có cái này phải có cái kia. Vì sự sống của con người mà phải tôn trọng sự sống của cỏ cây. Nên đã có nỗi đau của con người, thì cũng có nỗi đau của thế giới tự nhiên, mà đôi khi con người không tri giác được. Có sự sống, có cái chết, thì dường như phải có tâm hồn, phải có nỗi đau, nhưng khó cảm nhận ra bởi vì thế giới đó được coi là vô tri vô giác. Chỉ có nhà thơ, trong sâu thẳm tận cùng của tiềm thức, và cả đôi khi, như ngọn gió lang thang bay qua sa mạc quạnh hiu của vô thức, thi nhân bỗng lắng nghe, cảm nhận được nỗi đau của cây rừng, sông suối, các loài vật đẹp vô ngần vô hại như con chim, con công, con hươu, con nai và vô số những loài thú khác, nên khi có dịp Trở lại rừng xưa, nhà thơ đã đau niềm đau thấu cảm:

Tôi ngồi thương cội hương già
Ngỡ cưa còn siết trên da thịt mình


Không chỉ sự lụi tàn của đời sống văn hóa, của cây cỏ chim muôn, đàn voi cắm bản hay đàn chim quen tổ, mà sự hủy diệt còn đến tận cùng khi vắt kiệt cả suối, sông. Không chỉ dừng lại ở cơn thịnh nộ bật thành những câu hỏi không dễ trả lời: “Hỡi ông bà tổ tiên, hởi Giàng trên cao xa kia, ai đã lấy cắp cánh rừng của tổ tiên ta/ ai đã hút máu cánh rừng của ta/ để bây giờ giọt nước mắt của rừng khô thành đá ngỗn ngang lòng suối” (Nước mắt tượng mồ), mà rừng chết đi đã trơ lại thành đá, cũng bởi con người đã bức tử những dòng sông, chính là giết chết cả đời rừng:

Bây giờ ngồi bên sông
ta nghe mùi lửa cháy
gió thở than trên những gốc cây cụt đầu
sóng đã về địa đàng biệt tăm lời thủ thỉ
mặt sông giờ - những mặt đá lạnh căm
những bờ lau chập chờn phơi khăn tang trắng
Sê-rê-pốc ơi
ta khóc cho dòng sông khúc đời lận đận
ai đã khiến Mẹ Rừng hiu hắt
ai đã vắt khô những giọt tình của rễ cây để đầu nguồn bỏng rát
để sông không sóng xanh không còn chở trăng vàng

                                                (Dòng sông mồ côi)

Ở phần thơ viết về Nỗi đời, tuy nhà thơ vẫn không dứt ra khỏi nỗi ám ảnh của môi trường sinh thái đang bị tàn phá một cách nặng nề, nhưng không phải là tiếng kêu cứu mà chủ yếu là nói đến sự vận động đổi thay, khi nhìn thấy những gì khách quan diễn ra trước mắt” “Bây giờ đã khác cỏ cây/ còn đâu công múa với bầy hưu sao/ còn đâu vàng tựa chiêm bao/ cơn mưa lá nhuộm chiều xao xuyến chiều” (Viết trong vườn cây Bảo Đại ở Buôn Ma Thuột). Cũng chính vì sự vận động đổi thay của cuộc sống mà rút ra quy luật, qua công việc của một nhà báo, đi nhiều, gặp gỡ tiếp xúc nhiều, với bao điều eo sèo, so đo, được mất, bao chiêm nghiệm chất chứa trong lòng đã ủ men, định hình thành những sinh thể nghệ thuật, thành nỗi nghiệm sinh ghi tạc vào tâm can khi tuổi đời đã “nhi nhĩ thuận”, tóc đã trắng quá nửa mái đầu:

Giờ lau trắng còn phất phơ cùng gió
ôm gối đau: biết trời đất chuyển mùa
ta mới hiểu những hơn thua, danh vọng
cũng chỉ là bong bóng phù du…

                        (Viết cho mình)

Điểm mạnh dễ nhận ra ở Đặng Bá Tiến là anh đã tạo ra được một thế giới hình tượng sống động, một giọng điệu tâm hồn nồng ấm, với cái nhìn ấm áp về con người và cỏ cây hoa lá. Thơ anh chủ yếu theo thể tự do, nhưng vẫn giàu nhịp điệu. Anh đi nhiều, biết nhiều, và sống cũng nhiều, đến đâu đều có thơ để lại (Nỗi niềm Kô Sia, Tản mạn Tây Bắc, Lên Sa Pa, Nghe ở Nà Nưa, Viết ở Pú Đồn, Thăm động Thiên Đường, Núi Chùa, Mỹ Sơn, Gia Nghĩa,…). Như một người thợ thủ công, dường như anh luôn dụng công trong việc ủ mầm những cảm xúc đau đớn, hoang mang trước những tổn thất mất mát của tầng tầng lớp lớp hệ sinh thái, rồi tách ra đem ép vào từng con chữ, đưa ra hong phơi dưới ánh nắng mặt trời, khi chói chang, khi dịu mát, nhưng bao giờ cũng ấm áp tình người. Cách nói của anh thường hay thác lời cho sông, cho suối, cho rừng sâu, cho con voi, con sóc, lặn sâu vào bên trong nhưng ta vẫn nhận ra giọng điệu mang hơi ấm của con người. Chỉ mới ba tập thơ chưa phải là nhiều và không phải bài thơ nào của Đặng Bá Tiến cũng hay, cũng lay động người đọc. Cũng còn có bài giản đơn về cảm xúc và ngôn từ, hoặc đôi khi ý tưởng còn khiên cưỡng (Ban mai, Ama Kông, Gửi một người cầm bút…), nhưng đóng góp lớn lao của anh là đã tạo ra được một vệt sáng lung linh của những vần thơ viết về môi trường sinh thái. Thật lòng, đọc thơ Đặng Bá Tiến, là cảm xúc chủ quan của cá nhân thôi, nhưng tự nhiên tôi ác cảm với chủ nhân của những tòa biệt thự bằng gỗ. Ở nước ta, dù từ nguồn nào, vô tình hay cố ý, họ cũng gián tiếp tiếp tay cho tội ác phá rừng, bởi vì gỗ không phải bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống! Nhiều tác gia tên tuổi trước anh cũng đã có văn chương về môi trường sinh thái, nhưng đôi khi coi đó chỉ là một mảng đề tài như bao nhiêu đề tài văn chương khác; hoặc dựa vào đề tài này để lên án chiến tranh và kẻ thù (Bài ca chim chơ rao của Thu Bồn, Rừng xà nu của Nguyên Ngọc…), nhưng Đặng Bá Tiến là người ý thức rất rõ và luôn sáng tác với một tâm thức đầy đủ trách nhiệm của người cầm bút là phải chiến đấu để bảo vệ môi trường sinh thái, vì đó chính là môi trường sống của con người, như giáo sư tiến sĩ Huỳnh Như Phương đã từng lên tiếng cảnh báo rằng: “Sự suy thoái hệ sinh thái của một quốc gia không chỉ quy trách nhiệm cho những người quản lý đất nước mà cả cho sự thờ ơ của từng công dân, trong đó có những nhà văn…”. [5, tr.422]. Ý thức được điều đó, Đặng Bá Tiến chắc chắn sẽ còn đồng hành cùng văn chương sinh thái.

P.P.P
(TCSH363/05-2019)

.................................................................
[1] Nguyễn Đăng Điệp (2018), “Thời đại khủng hoảng môi trường và vai trò, vị thế của phê bình  sinh thái”, tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1 năm 2018.
[2] Vũ Quần Phương (2017), “Đôi điều về thơ Đặng Bá Tiến”, báo Văn nghệ, số 50, ngày  16/12/2017.
[3] Thu Bồn (2003), Bài ca chim chơ rao, in trong Thu Bồn - thơ và trường ca, Nxb. Đà Nẵng.  
[4] Mai Bá Ấn (2009), Đặc trưng trường ca - Thu Bồn, Nguyễn Khoa Điềm, Thanh Thảo, Nxb.  Hội Nhà văn, Hà Nội.
[5] Dẫn theo Nguyễn Thị Tịnh Thy (2017), Rừng khô, suối cạn, biển độc… và văn chương, Nxb.  Khoa học xã hội, Hà Nội.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Xoài xanh (17/05/2019)