Tác giả-tác phẩm
Một cuốn sách - hai kiếp người
09:11 | 18/06/2019

Việc đọc sách đang bị văn hóa nghe nhìn thu hẹp trước sự phát triển không ngừng của công nghệ, nhất là đối với thế hệ trẻ trước cơn bão của mạng xã hội.

Một cuốn sách - hai kiếp người
Minh họa: Ngô Lan Hương

Điều này khiến nhiều người bị cuốn theo số đông với những thông tin, luồng tư tưởng chưa được kiểm chứng tính chân thật và hơn nữa là chưa theo kịp những khám phá mang tính siêu linh của khoa học hiện đại, theo đó hẳn nhiên họ sẽ sống vội, sống nhạt để “cho ra” một tâm hồn nghèo tính nhân văn cũng như sự sắc bén của trí tuệ.
Mục Tác giả tác phẩm kỳ này giới thiệu đến bạn đọc truyện ngắn hay của em Đinh Thị Thanh Bình, học sinh lớp 11D2, trường THPT Hai Bà Trưng, Huế, đã có một trải nghiệm xoáy sâu vào sự hữu hạn kiếp người cũng như mở ra khung trời hiện thực vô tận từ những trang sách quý. 


                                Ban Biên tập   




ĐINH THỊ THANH BÌNH   

Tôi vừa được chuyển tới phòng bệnh mới, phòng bệnh to hơn, sạch hơn và yên lặng đến đáng sợ. Cả căn phòng là một màu trắng bao phủ, lạnh toát và u buồn. Cạnh giường tôi là một chiếc giường y hệt, xung quanh là các kệ sách nhỏ chất đầy sách. Có lẽ căn phòng này vẫn còn một người đang nằm “chờ chết” cùng tôi, người đó hẳn thích đọc sách lắm, tôi đoán thế. Tổng quan căn phòng không có gì đặc biệt ngoài vẻ u ám tĩnh mịch và đống sách vô dụng. Thật nhàm chán! Phải rồi, chỉ toàn viết về những thứ viễn vong, lý thuyết, thế nên tôi chẳng bao giờ thèm động vào chúng.

Nằm được một lúc, tôi lại liếc nhìn sang phía giường bên cạnh, vẫn không có ai. Hoặc cũng có thể bệnh nhân kia đã ra đi và để lại đống sách đó, tôi chợt nghĩ thế nhưng ngay lập tức gạt phắt đi, thật thất đức! Theo thói quen, tôi lại đưa tay vuốt mái tóc óng ả từng là điều tự hào của tôi mỗi khi ra đường, nhưng chợt khựng lại, à, tôi làm gì còn tóc đâu để vuốt. Họ yêu cầu tôi cạo hết tóc để phục vụ cho việc hóa trị, dù nó chẳng thể giúp tôi sống khỏe mạnh như người bình thường. Tôi cũng chẳng buồn muốn phẫu thuật. Phẫu thuật để làm gì, rồi cũng sẽ chết như bao người từng phẫu thuật khác thôi. Ung thư máu và phẫu thuật ghép tủy thành công, nghe như truyện cổ tích ấy, mà tôi thì chẳng bao giờ thích sách truyện. Nhìn qua nhìn lại vẫn không có gì ngoài sách, giá mà thay đống sách này bằng chiếc TV thì hay phải biết!

Hơn 7 giờ tối, vẫn không có ai ngoài tôi và mẹ. Hình như suy đoán ban đầu của tôi là đúng. Cũng phải thôi, những người phải nằm ở phòng bệnh này ai rồi cũng sẽ ra đi như một quy luật, trước giờ vẫn chưa có ngoại lệ, và có lẽ chủ nhân của đống sách cũng vậy. Đấy, tôi đã nói sách chỉ là những thứ lý thuyết viễn vong, chẳng thể nào cứu sống mình mà. Nếu người kia chơi game xem phim thay vì đọc đống sách đó thì cuộc đời đã bớt tẻ nhạt trước khi mất. Ra đi và để lại đống sách, chẳng để làm gì...

Cạch!

Nhưng không, hình như tôi nhầm rồi. Cảnh cửa phòng bật mở, một cô gái tầm 20 mặc quần áo bệnh nhân được đưa vào. Chị ta không nhìn thấy, chân cũng không được bình thường cho lắm thì phải. Thế nhưng trông mặt chị ta chẳng có gì là tuyệt vọng hay buồn bả. Đôi mắt bị mù nhưng không hiểu sao nhìn rất có hồn. Khuôn mặt nhợt nhạt vì bệnh nhưng đôi môi luôn sẵn sàng cho một nụ cười lại khiến chị ta trở nên tươi tắn. Trông chị ta có vẻ vui, sắp chết cũng có thể cũng vui thế cơ à?

Có lẽ đã được báo trước về sự xuất hiện của tôi, ngồi nghỉ ngơi một lúc chị ta liền chào hỏi, giới thiệu. Hóa ra chị ta tên Hy, 23 tuổi, bị khiếm thị bẩm sinh, lớn lên chút lại phát hiện mắc thêm bệnh máu trắng, rồi trong một lần qua đường bị xe đụng thế là chị ta bị liệt một chân. “Quá đen” - tôi chỉ có thể thốt ra nhiêu đó sau khi nghe chị ta kể. Chị ta cứ luyên thuyên kể, mặc cho tôi chẳng hồi đáp gì. Tôi không thích những người nói nhiều và mọt sách. Và chị ta thuộc cả hai loại người trên. Thế là tôi trùm chăn đi ngủ, mặc kệ chị ta vẫn lải nhải bên tai về những cuốn sách chị ta từng đọc qua.

Sáng hôm sau tôi thức dậy trễ, đã thấy chị ta ngồi đọc sách, sách được viết bằng hệ thống chữ Braile. Vệ sinh cá nhân, ăn sáng xong vẫn thấy chị ta đang đọc sách. “Chán thật” tôi thở dài cảm thán một câu. Thế nhưng chị ta lại chẳng đáp lại gì. Được một lúc chị ta lên tiếng:

- Em đến Mĩ bao giờ chưa?

- Chưa ạ.

- Chị cũng chưa. Giá mà chị được tới tượng Nữ thần Tự do nhỉ, giá mà chị được tới vườn quốc gia Yellowstone rồi cả Disneyland nữa. Chị sẽ băng qua Đại Tây Dương để xem xác tàu Titanic chìm dưới đáy đại dương suốt 1 thế kỷ rồi sẽ đi New York xem tượng Nữ thần Tự do... - Chị ta lại bắt đầu luyên thuyên nữa rồi. Mà lạ thật, chị ta biết rất nhiều, hình như cái gì cũng biết. Biết về những bí ẩn của Titanic, Kim Tự Tháp, “thung lũng chết” ở Siberia hay những món ăn nổi tiếng của các đất nước như vịt quay Bắc Kinh, Thịt nướng Trùng Khánh, Mỳ Ý rồi đến cả những nền văn minh cổ đại, trung đại, hiện đại... Chị ta suốt ngày ở bệnh viện mà lại như đã đi du lịch vòng quanh thế giới.

- “Chị biết nhiều thế? Hay thật” - Tôi buột miệng.

- “À thì sách ấy mà. Chị đọc qua sách thôi. Đã không nhìn thấy thì còn biết làm thế nào...” - Giọng chị ta chợt chùng xuống: “...sách là đôi mắt thứ hai của chị mà”.

Tôi không nói gì, chỉ “à” lên một tiếng tỏ vẻ đã hiểu.

- Em sẽ phẫu thuật chứ? - Chị ta đột nhiên hỏi thế.

- “Không đâu. Phẫu thuật để làm gì, dù gì cũng không tốt lên được. Thà cứ như bây giờ có khi lại tốt, chí ít sống được thêm vài tháng” - Thật sự tôi đã nghĩ như thế, vốn biết phẫu thuật sẽ nắm chắc phần thất bại tôi thà không phẫu thuật. Tôi không hy vọng gì, tôi không tin vào phép màu.

Thế rồi chị ta không nói gì. Chắc bởi vì suy nghĩ của tôi trái ngược hoàn toàn với chị ta. Phải rồi, chị ta quyết tâm phẫu thuật. Chị ta tin vào cái nghị lực và phép màu vớ vẩn trong cuốn “Sống chậm lại, rồi mọi chuyện sẽ ổn thôi” mà chị ta đang đọc. Chị ta bảo rằng nhất định sẽ sống để đi hết những nơi mà chị ta từng đọc qua trong sách vở. Rõ viễn vong, chị ta suy nghĩ quá tốt đẹp, tốt đẹp đến mức ảo tưởng.

Ngày qua ngày, phòng bệnh của chúng tôi chẳng có chuyện gì đáng bận tâm ngoài chuyện chị ta vẫn đọc sách như một cái máy. Điều đáng nói ở đây là chị ta đọc lớn lên như để tôi nghe cùng. Tôi thật sự thấy phiền phức, tôi ghét sách! Vài lần đầu, tôi đã phải phàn nàn với chị ta rằng đọc nhỏ lại. Chị ta cùng gật gù đồng ý, nhưng rồi vài phút sau lại đâu vào đấy, chị ta tiếp tục đọc lớn lên như cách các cô giáo dạy lũ nhóc tiểu học vẫn hay đọc. Tôi chẳng buồn nói nữa. Rồi cứ thế, hằng ngày chị ta vẫn đọc sách cho tôi nghe. Ban đầu chị ta đọc cho tôi nghe cuốn sách về nền văn hóa nước Mỹ, có ngày lại đọc về thần thoại Hy Lạp, rồi bí ẩn Kim Tự Tháp Ai Cập, rồi sách ẩm thực châu Á... Những cuốn sách thiên về văn hóa, chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng nghe mãi tôi lại thấy chúng thú vị, tôi muốn khám phá chúng, muốn được chạm vào chúng. Và rồi đã có lúc tôi ước được sống lâu hơn để đi đến những nơi mà cuốn sách nói đến. Những ngày sau đó, chị ta đọc tôi nghe cuốn “Hành trình trở về từ cõi chết - Lance Armstrong”. Một tay đua huyền thoại mắc bệnh ung thư, và rồi ông ta vẫn sống. “Thế hóa ra phép màu là có thật”, tôi chợt nghĩ thế. Nhưng sau khi nghe hết cuốn sách thì không hẳn. Phép màu sẽ không đến nếu ông ta không kiên cường để giành lại sự sống. Tôi bắt đầu có niềm tin vào phép màu nhưng tôi chẳng thể làm được như ông ta, tôi sợ chết! Dẫu biết không phẫu thuật tôi cũng sẽ chết nhưng nỗi sợ hãi không cho phép tôi có đủ can đảm để phẫu thuật. Trước đây tôi thật sự không muốn phẫu thuật, còn bây giờ, tôi không dám! Ngày nào cũng thế, chị ta vừa đọc sách vừa đọc cho cả tôi nghe. Vẫn là những cuốn sách trên chiếc kệ mà tôi từng cho là “đống sách vô dụng”. Thế mà giờ đây tôi chẳng còn chán ghét chúng như lúc ban đầu nữa. Tôi bắt đầu lắng nghe những cuốn sách chị ta đọc. Quen dần, không được nghe chị ta đọc tôi lại cảm thấy thiếu thiếu. Như những buổi tối mà chị ta dừng việc đọc sách để hí hoáy viết gì đó lên cuốn sổ, chắc là nhật ký. Lạ thật, ngày nào cũng như ngày nào, có gì khác nhau đâu mà mỗi tối chị ta đều lôi cuốn sổ ra viết. Không nhìn thấy gì mà cũng viết, không biết có thành ra con chữ gì không nữa. Nói thế chứ tôi cũng không quan tâm lắm đâu, kệ chị ta. Tiếp tục chuỗi ngày ở viện của tôi là những cuốn “Nếu còn một ngày để sống”, “Dù thế nào cũng phải sống bởi chúng ta chỉ sống một lần”, “Xuyên qua nỗi sợ”... Mỗi cuốn sách mỗi câu chuyện, song tất cả để lại trong tôi nhiều suy nghĩ. Tôi bắt đầu suy nghĩ về căn bệnh của mình như cách Maddeline suy nghĩ về nguồn gốc bi kịch của cô ấy, tôi đấu tranh với nỗi sợ hãi về căn bệnh máu trắng như cách Sungbong Choi đấu tranh với quá khứ anh ta. Tôi đã phải nghĩ về chúng suốt mấy đêm liền. Tôi không muốn chết, nhưng phẫu thuật không phải lựa chọn sống. Hoặc là sống hoặc là chết, tôi chẳng còn lựa chọn nào khác nếu phẫu thuật. Hoặc sống thêm vài tháng nữa và chết đi, hoặc phẫu thuật để sống 1 cuộc đời bình thường và chết đi nếu thất bại. Trong lúc tôi còn đang băn khoăn suy nghĩ, chị ta lại quăng cho tôi một cuốn sách, bảo tôi tự đọc. Dạo này sức khỏe chị ta có vẻ yếu đi, chắc không còn sức để đọc tôi nghe nữa rồi. Tôi cầm cuốn sách lên, có lẽ đây sẽ là cuốn sách đầu tiên tôi đọc không phải sách giáo khoa.

“Bí ẩn Titanic”, sách mới, không giống những cuốn sách mà chị ta đọc cho tôi nghe. Nếu là trước đây, tôi đã vứt nó vào một xó nhưng bây giờ tôi lại lật từng trang ra đọc như một thói quen, một thói quen mà tôi chẳng làm bao giờ. Tôi đọc khá chậm, phải mất hơn 1 tuần mới đọc xong cuốn đấy. Lần đầu tiên tôi tự đọc một cuốn sách, không hiểu sao nhưng tôi thấy lạ lắm. Cuốn sách viết về một thảm kịch, tôi có nghe qua nhưng nó qua sách khác hoàn toàn với suy nghĩ của tôi, một thảm kịch chứa đầy nhân văn. Quá nhiều điều trong một thảm kịch, một cuốn sách. Và rồi, tôi phải dừng lại ở khát vọng sống còn của họ. Trong lúc cận kề cái chết, những người trên tàu vẫn tìm mọi cách để cố gắng sống, không ai bỏ cuộc cho đến giây phút cuối cùng. Họ yêu cuộc sống, họ muốn sống, tôi cảm nhận được điều đó. Giữa sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc, họ một lòng hướng về sự sống dù cho màu của cái chết đang nhấn chìm tất cả. Còn tôi, giữa sự sống và cái chết cách nhau một ca phẫu thuật, tôi chẳng dám lựa chọn, và không lựa chọn đồng nghĩa với việc chọn cái chết. Tôi chẳng hề muốn thế! Rồi cái cảnh những người mẹ không nỡ xa con khi lên tàu cứu hộ, hay những giọt nước mắt, những ánh mắt vô hồn của những người sống sót khi mất đi người thân. Phải rồi, nếu tôi chết đi, gia đình tôi phải làm thế nào, có phải họ sẽ đau khổ như những người sống sót trên thuyền? Rồi ba mẹ tôi sẽ ra sao khi đứa con duy nhất của họ không còn nữa? Đau đớn và tuyệt vọng như lúc Rose tỉnh dậy mà phát hiện ra Jack đã chẳng còn trên đời này nữa chăng? Cái cảm giác mất đi người yêu thương nhất, tôi hiểu, và tôi chẳng muốn ba mẹ tôi phải chịu cảm giác đó. Tự nhiên tôi muốn sống quá...! Tôi muốn sống để khám phá Kim Tự Tháp Ai Cập, thung lũng chết ở “...”, để ăn những món ăn quê hương, thưởng thức cả những món ăn mà cuốn sách “Ẩm thực thế giới” viết đến, tôi còn phải sống để tận hưởng cuộc đời cùng gia đình, cùng bạn bè. Tôi sống chưa đủ, tôi còn quá trẻ để chết, còn quá nhiều ước muốn chưa làm được và tôi chưa muốn chết! Và cái cách họ nghĩ về cái chết cũng nhẹ nhàng hơn tôi tưởng rất nhiều. Cái chết hề không đáng sợ như chúng ta vẫn nghĩ. Nó chỉ đơn giản là sự ra đi về thể xác, về mặt y học. Cái chết đôi khi chỉ là sự giải thoát về linh hồn, chỉ đơn giản là tim ngừng đập, ta ngừng thở, đơn giản và nhẹ nhàng như cuốn “Khi hơi thở hóa thinh không” đã viết. Họ không sợ chết, nhưng vẫn cố gắng để sống, bởi vì họ yêu cuốc sống, trân trọng cuộc sống và hiện tại. Và bởi vì họ có hy vọng... Vậy nếu không phẫu thuật tôi cũng sẽ chết, tại sao không thử một lần hy vọng vào ca phẫu thuật, biết đâu tôi có thể sống. Và nếu có chết đi trong ca phẫu thuật, cũng sẽ không còn là điều gì đó quá đáng sợ...”.

“Mẹ ơi, con muốn sống». Ngay sau đó tôi đã nói với mẹ như thế. Như một cách khác để ra quyết định rằng tôi sẽ phẫu thuật. Mạo hiểm! Nhưng tôi sẽ không hối hận. Không dễ dàng để tôi đưa ra quyết định đó. Gạt bỏ những suy nghĩ tiêu cực, tìm lại niềm tin, xuyên qua nỗi sợ... Cả một quá trình dài để có được phán quyết cho sự sống. Một quá trình hơn 4 tháng, 4 tháng đồng hành cùng đống sách của bà chị giường bên. Chính “đống sách vô dụng” của “chị bệnh nhân mọt sách” đã làm thay đổi con người tôi, ít nhất là trong suy nghĩ. Giờ thì tôi đã hiểu làm thế nào để chị Hy vẫn vui vẻ lạc quan khi phải nằm 10 năm trong bệnh viện đầy mùi chết chóc đau thương này rồi. Có lẽ cũng nhờ vào đống sách này, như một hình thức tự “công tác tư tưởng”.  

Sách cho chúng tôi niềm tin, để rồi chúng tôi mạnh mẽ đưa ra quyết định. Và giờ đây, chúng tôi chuẩn bị bước vào ca phẫu thuật định mịnh mà cả hai đều tin rằng sẽ thành công tốt đẹp. Đừng sợ, “mọi chuyện rồi sẽ ổn”!

Hai ngày sau khi phẫu thuật, tôi được đưa về căn phòng cũ. Phép màu đã xảy ra, ca phẫu thuật của tôi thành công và tôi được cứu sống. Phải rồi, phép màu sẽ đến với những ai có niềm tin, “Hành trình trở về từ cõi chết” đã nói với tôi như thế. Phép màu có lẽ cũng sẽ đến với chị bạn cùng phòng tôi thôi, chị ta vừa là người có niềm tin vừa là người trao niềm tin kia mà. Chắc chắn rồi, chị ta cũng sẽ ổn thôi. Như lần đầu tiên gặp mặt, tôi lại nằm một mình trong căn phòng suốt mấy tiếng đồng hồ. Chắc tối nay chị ta sẽ về phòng thôi, như cái lần đầu chúng tôi gặp nhau ấy. 7 giờ hơn, chị ta vẫn chưa về, lần này chị ta trễ hơn lần trước rồi. Tôi đợi mãi, đợi mãi thì ngủ quên mất. Sáng hôm sau thức dậy, giường bên vẫn trống không. Tôi vẫn chờ, một ngày, hai ngày, và rồi...

Chị ta không qua khỏi!

Tôi chẳng biết nên làm gì. Tôi thậm chí không rơi nổi một giọt nước mắt lại, tất cả dường như đông cứng lại. Người ngày ngày đọc sách cho tôi nghe, người trao niềm tin cho tôi, người cứu sống tôi... Chị tệ lắm! Chúng tôi đã hứa sẽ cùng nhau xây một thư viện của riêng hai đứa... Thế mà giờ đây, chỉ còn mình tôi. Tôi chẳng biết làm gì ngoài việc trơ mắt nhìn người ta mang đống sách của chị đi. Tôi chẳng thể ngăn họ lại. Phút chốc, căn phòng trở nên u buồn và lạnh lẽo hơn bao giờ hết, khi mà đống sách kia và chị không còn. Tôi cố gắng lết sang giường chị với mong muốn tìm kiếm chút hơn ấm chị để lại dù biết rằng điều đó là không thể. Hơi ấm không còn, chỉ còn chiếc giường đơn độc lạnh ngắt. Nhưng, hình như dưới gối chị có gì đó, là cuốn nhật ký chị vẫn hay viết. Đọc nhật ký người khác là không tốt nhưng tôi vẫn muốn biết chị viết gì trong đó, tôi muốn biết thêm về chị, không đơn thuần là một “bệnh nhân mọt sách”.

Tôi mất hơn 2 ngày để đọc xong cuốn “nhật ký”. Và hình như nó không phải “nhật ký”, đúng hơn nó là sách. Cuốn sách viết về ước mơ của một người mù mắc bệnh ung thư. Nó nói về tất cả những khao khát, ước muốn và cả khát vọng được sống của chị. Hành trình đấu tranh với căn bệnh và suy nghĩ về “cái chết” của chị được viết trong sách nhẹ nhàng hơn ta tưởng rất nhiều. Cuốn sách còn có cả hình bóng tôi trong đó nữa, một cô gái đấu tranh giữa sự lựa chọn “sống” hay “chết”. Ngoài nội dung cuốn sách, tôi còn biết được chị ước mơ trở thành một nhà văn, được in ra những cuốn sách của mình để gửi tới các bạn đọc. Có lẽ chị đã ấp ủ ước mơ đó từ rất lâu để rồi tối nào chị cũng lôi ra viết, dù ít dù nhiều. Chị đã cố gắng hoàn thành nó trước ngày phẫu thuật. Và giờ, cuốn sách đã hoàn thành và chị chẳng còn trên đời này nữa...

Cảm ơn chị đã đến bên tôi, ngay lúc tôi dần buông xuôi sự sống. Cảm ơn chị đã thắp lên hy vọng sống để một lần được “sinh ra” và được sống. Tôi đã biết mình nên làm gì rồi. Chị đã dùng sách cứu lấy cuộc sống tôi, giờ đây tôi sẽ dùng sách để viết tiếp giấc mơ của chị. Và dường như tôi vừa nghĩ ra tên cho cuốn sách rồi, chị sẽ đồng ý với cái tên tôi đặt thôi, chắc rồi... “Một cuốn sách - Hai kiếp người”.

Đ.T.T.B  
(TCSH363/05-2019)





 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Xoài xanh (17/05/2019)