TRẦN THÙY MAI
(Nghĩ về tập nhạc mới của Trần Ngọc Tuấn)
Từ khi xa Huế, trong tôi thỉnh thoảng vẫn hiện ra những góc phố quen ở đó. Một trong những góc thường về trong tâm tư nhất là ngôi chợ nhỏ ven cầu Bến Ngự, nơi có nấm tràm, có hạt sen, có bắp non be bé xinh xinh bày la liệt vào cuối hè…Và cạnh đó, có ngôi nhà vườn yên tĩnh nên thơ của Trần Ngọc Tuấn.
Ngôi nhà ấy đối với tôi là hình ảnh của an bình và hạnh phúc, bởi đôi vợ chồng Tuấn - Thủy dễ thương như đôi chim câu, làm cho tôi nhớ cái hình ảnh lứa đôi trong thơ Nguyễn Bính:
Em lo gì trời gió,
Em sợ gì trời mưa,
Em buồn gì mùa hạ,
Em tiếc gì mùa thu.
Em cứ yêu đời đi!
Yêu đời như thưở nhỏ.
Rồi để anh làm thơ
Và để em dệt lụa.
Hai bạn tôi dễ thương như vậy đó, chỉ có khác một chút là hàng ngày Thủy không dệt lụa mà dành thời giờ nấu những món chay thật tinh tế, còn Tuấn thì không làm thơ mà lại viết nhạc. Ngày ấy Tuấn và Thủy thường rủ bạn hữu về đó cùng ăn ngon và ca hát với nhau. Chúng tôi hát - và nghe - tất cả những bài hát mình yêu thích, trong đó có nhạc của Tuấn. Âm nhạc và tình bạn đã làm cho cuộc sống ở một xứ sở thanh bạch lại có những giây phút đẹp như ở thiên đường.
Nhạc của Tuấn lãng mạn và trong sáng, đẹp như trời mây trên sông Bến Ngự. “Ngày ấy ngỡ vừa sang, xuân thì duyên dáng…” “Ngỡ ngàng mùa thu đến hay là trời thu đón em sang…”. Trong phần lớn tác phẩm, Tuấn chọn tiết tấu Vừa - Tha thiết, hoặc Andantino - Bâng khuâng. “Về đây mà chi? Ngày xuân đã xa…”. Thỉnh thoảng cũng có gợn lên hình ảnh của bão tố, nhưng là những cơn bão nhân từ. Nét nhạc đôi khi có thoáng buồn, nhưng là nỗi buồn xa xôi của hoài niệm, không làm loãng đi âm hưởng êm đềm của tình yêu và hạnh phúc.
Rồi ngày tháng qua đi. “Cuộc đời như sông kia còn khi nổi sóng bất ngờ…”.
Tôi đi xa, Tuấn và Thủy cũng đi xa. Bây giờ đôi chim câu của Huế đang ở thành phố Denver, làm chủ một shop hoa tươi ở đó. Đúng như tôi đã nghĩ: Nếu phải chọn một công việc mới để mưu sinh, hai bạn của tôi chắc chắn sẽ chọn một công việc liên quan đến cái đẹp. Tuấn vẫn mang theo những bản nhạc đã viết thời ở Huế, và còn tiếp tục viết thêm những dòng nhạc mới.
Tôi chưa gặp Tuấn và Thủy ở Denver, nhưng tôi tin, ở bất cứ nơi đâu bạn tôi đến, sẽ lại có một không gian dễ thương, hiền hòa, tin yêu, như ngôi nhà xưa cùng với bạn bè xưa, bên sông Bến Ngự. Trải qua những thăng trầm của cuộc đời, đi qua nhiều không gian quen lạ, giờ đây những “người sông Ngự” đã biết được một điều giản dị mà lớn lao nhất: Thiên đường ở ngay trong tim mỗi người. Vì vậy, bất cứ nơi đâu ta đến, dù thời tiết ra sao ta đều có thể mang theo ánh mặt trời ấm áp tỏa ra từ chính mình. Với Tuấn, ánh sáng đó là âm nhạc, một thứ âm nhạc dung dị, trong trẻo, sâu lắng. Những bản nhạc của Tuấn giống như tiếng chim hót trong lành giữa một sớm mai yên tĩnh, gợi lại trong tôi những giờ phút hạnh phúc nhất, những khuôn mặt thân thương nhất, những giấc mơ êm đềm nhất trong đời.
Trong một thế giới càng ngày càng hung bạo, cái cảm giác dịu dàng và an bình đó quả là một món quà quý nhất, với tôi.
T.T.M
(TCSH364/06-2019)