TRẦN HỒ
Lần đầu tiên Công an tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức trại sáng tác văn học nghệ thuật, với chủ đề “Công an Thừa Thiên Huế - Vì bình yên cuộc sống” chào mừng kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Ngày truyền thống lực lương CAND Việt Nam (19/8/1945 - 19/8/2019).
21 văn nghệ sĩ thuộc các chuyên ngành: nhà văn, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh, sân khấu tham dự trại viết và kết quả đạt được nằm ngoài mong đợi với lượng tác phẩm đầy đặn, chất lượng.
Trại viết đã tạo nên một không khí cởi mở giữa văn nghệ sĩ và các cán bộ chiến sĩ công an. Sẽ không thể quên những lần gặp gỡ các nhân vật những đồng chí điển hình, trao đổi chia sẻ tài liệu trong các phòng ban của ngành công an, những lần thăm phòng Truyền thống; chuyến trại viết về đơn vị công an Phú Lộc tìm hiểu công tác bảo vệ an ninh chính trị, đấu tranh phòng chống tội phạm cả ngày lẫn đêm đầy gian khó. Những cuộc đối thoại chân tình giữa các tác giả và chiến sĩ công an cũng như với người lầm lỡ đang lãnh án, đã phần nào giải mã nhiều nút thắt công việc và cả nơi bề sâu tâm hồn. Hay đó là khoảng thời gian trại viết tham dự các cuộc thao diễn lớn; sau nữa là cuộc chung vui bên bờ biển Vinh Hiền đầy nắng gió; cuộc giao lưu với cán bộ chiến sĩ ở bãi biển Lăng Cô và cả ngọn lửa trại đêm ấm áp, góp niềm cảm hứng cho ra đời những tác phẩm chân thực, nhân văn. Có thể nói đây là cuộc tương giao nghĩa tình để mỗi bên cùng tạo nên những nghĩa cử đẹp cho đời. Như lời của đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bùi Thanh Hà: “Mảng đề tài về lực lượng công an phong phú nhưng khó tiếp cận. Tuy nhiên, không vì thế mà ngăn được sức sáng tạo của văn nghệ sĩ để tạo nên những tác phẩm phản ánh chân thực người chiến sĩ công an”. Kết quả thể hiện rất rõ trong tập sách tuyển chọn tác phẩm từ trại viết: “Vì bình yên cuộc sống” (320 trang, khổ 16x24cm, Nxb. Thuận Hóa, 2019).
Các tác phẩm không những thể hiện rõ tinh thần phụng sự nhân dân của người chiến sĩ, mà còn là công việc thầm lặng trên trang giấy ở công sở hay những kế hoạch từng là bí mật của ban chỉ đạo trong thời khắc mà người dân đã đi vào giấc ngủ. Có một điểm đặc biệt là rất nhiều bài viết nhắc đến yếu tố đạo đức tư tưởng và sự gần dân, gắn bó với nhân dân từ chính sách tuyên truyền cho đến người chiến sĩ trực tiếp thực thi nhiệm vụ trước tội phạm. Nhiều tác phẩm vượt khỏi tính tuyên truyền, được chắt lọc chi tiết, suy ngẫm về mối quan hệ giữa bên bảo vệ pháp luật và bên phạm luật, và gạch nối đó là nhân dân. Nhà văn Nguyễn Quang Hà, tác giả của các tiểu thuyết về chiến tranh cách mạng ở Huế, trong bài viết mở đầu cho tập sách, có đưa hình ảnh tiếng chuông Thiên Mụ với nhiều ý nghĩa, mà trước hết là tiếng ngân vang trong sự thanh vắng của không gian yên bình có sự góp sức lớn lao của người chiến sĩ công an, và nó cũng mang ẩn nghĩa của sự cảnh tỉnh nếu niềm tin từ phía nhân dân bị rạn nứt.
Có sự trùng hợp thú vị ở nhiều bài viết là trong đời, tác giả từng tiếp xúc với những anh chị em làm công tác an ninh, đều là người nhiệt huyết với tinh thần cống hiến, hy sinh đáng trọng. Một số tác giả thường viết tiểu thuyết, truyện ngắn và bài về ngành công an đã có dịp góp mặt trong Trại viết lần này, như nhà văn Hà Khánh Linh (với các tiểu thuyết Thúy, Chiến tranh và sau chiến tranh), nhà văn Nguyễn Nguyên An (với những tập sách do Nxb Công an Nhân dân ấn hành như Trường đại học của tôi, Ngọn đèn vẫn tỏ, v.v). Nhà văn Tô Nhuận Vỹ (với bộ tiểu thuyết Dòng sông phẳng lặng được chuyển thể thành phim cùng tên) có dòng tâm sự về “những chiến sĩ an ninh chân chính” gặp trong đời, làm nền cho những nhân vật trong các tiểu thuyết khác (như Phía ấy là chân trời, Ngoại ô). Những con người thực bước vào trang sách rồi tỏa sáng đến lớp chiến sĩ sau. Những nhân vật điển hình trong các tác phẩm xưa nay và trong trại viết lần này, không gian và câu chuyện luôn hiển hiện trong cuộc sống quanh ta và điều này khiến cho mỗi họ cùng với độc giả như được soi vào tấm gương chung của xã hội để nhận diện ý nghĩ và hành vi ứng xử của mình.
Những cây viết văn học trẻ tham gia trại viết đã có cách nhìn khá định tĩnh và chính chắn, thể hiện được nội lực sáng tạo và tính độc lập trong tư duy về “lá chắn thép” của sự bình an. Trang viết của họ bám sát diễn tình vụ án, trách nhiệm người chiến sĩ trước hiểm nguy và bên cạnh đó là niềm ước về nỗi hoàn lương trở lại nhịp sống thường tình của thành phần lầm lỡ. Một kịch bản duy nhất trong trại viết, qua phần thể hiện trích đoạn khá thành công trong buổi bế mạc, xúc động, thắp lên ánh sáng từ bóng tối tâm thức của lỗi lầm và sự ngộ nhận vượt ngoài khuôn thước của pháp luật và nhân quả. Bên cạnh những bài viết lấy cảm hứng từ thực tế trại viết, là dòng hồi ức về những lần tác giả gặp nạn, có công an; rồi trong đời thường họ gặp người công an, trong những lần tuần tra, cùng theo dấu tội phạm; cũng có tác giả từng đặt chân đến các đơn vị công an với nhiều lý do khác nhau trong đó có công việc viết nhọc nhằn... tất cả dường như tạo nên một cuộc sống riêng lấp lánh sắc màu.
Mảng ca khúc, dòng nhạc vang lên thanh thoát, gợi về niềm yêu nghề từ trong gian khó, trong sự khắc nghiệt của lửa và tính cấp bách của niềm sống. Nhiều ca khúc chạm đến nơi sâu xa nỗi lòng của người chiến sĩ để lại dấu chân trong bóng tối mênh mang và trong vùng mờ của cái ác hoành hành. Âm hưởng trần hùng, lời ca trong sáng gần gũi, làm bật lên ý chí gần như là niềm đam mê phụng hiến cho yên bình. Nét đẹp của âm nhạc và lời ca khiến người nghe tưởng về cuộc sống tươi sáng của người công an nhân dân trong sự hòa quyện với gia đình, xã hội. Không những họ tự hào khi được người dân tin yêu, mà chính người thân, và tình yêu cũng trở nên thiện lành trong mỗi khoảnh khắc của sự sống trôi nhanh. Những bức ảnh ánh lên niềm tin trong mắt người chiến sĩ, là tính kỷ luật, nền nếp, sức mạnh và sự nhanh nhạy ứng phó tác chiến; là những khoảnh khắc họ hòa vào thiên nhiên thơ mộng với những chiếc xuồng vặn sóng. Có tác phẩm điêu khắc lột tả tinh thần đoàn kết đứng canh gác bên nhau nhìn về nhiều hướng song đó là cũng là nhìn về một hướng vì Tổ quốc thân yêu. Hay đó là không gian bức tranh phóng hiện một sớm nắng trài dài trên tàng cây cổ thụ và con đường xanh in thêm bóng dáng của người chiến sĩ nhẹ nhàng trên chuyến xe tuần tra trong ngày mới đang lên.
Trại viết “Công an Thừa Thiên Huế - Vì bình yên cuộc sống” khai mạc ngày 31/5, đã được bế mạc đầy ấn tượng vào ngày 24/8/2019. Một điều rất tuyệt, là lòng nhiệt huyết của Ban Tổ chức đối với các thành viên trại viết, tạo nên không khí ân tình. Dẫu rằng phần tư liệu và thời gian địa điểm thực tế chưa thật sự phong phú một phần do đặc thù của ngành, song chừng ấy đủ cho ra đời những tác phẩm phản ánh được trách nhiệm và tấm lòng của người chiến sĩ công an Thừa Thiên Huế trong mối tương quan mật thiết với cuộc sống nhân dân. Điều này một mặt thể hiện sức mạnh của ngành công an, một mặt khẳng định tầm vóc của nghệ thuật vốn đã được ghi nhận từ hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta.
T.H
(SHSDB34/09-2019)