NGUYỄN QUANG THIỀU
Khi đọc xong bản thảo trường ca Nàng, quả thực trước đó tôi không hình dung có một trường ca như vậy được viết trong thời đại hiện nay.
Lý do thật đơn gian bởi vì: đó là một trường ca viết theo thể lục bát, một thể thơ quá quen thuộc nhưng lại rất ít nhà thơ đương đại sử dụng với một mật độ nhiều trong sáng tác của mình và đặc biệt viết cả một trường ca với thể loại này. Hơn nữa, chính vì sự quen thuộc của thể loại mà nó luôn luôn đặt ra thách thức quá lớn cho tất cả các nhà thơ đương đại. Và bởi vì: trường ca đó viết lại về những vẻ phong tục, tập quán từng vùng miền, về ca dao dân ca, truyền thuyết, địa danh lịch sử và văn hóa, về những điển tích, điển cố, về cả những món ăn ngon, những sản vật muôn đời, rồi về chuyện người nay gợi chuyện người xưa, chuyện vui lại nhớ chuyện buồn, chuyện hợp mà lòng lại man mác chuyện tan, chuyện của cái hữu hạn để nói về cái vô hạn, chuyện của một người để nói chuyện muôn người… Nhiều nội dung mà tôi đề cập dễ làm cho những câu thơ mang tính kể chuyện này rơi vào đơn giản thậm chí nôm na. Nhưng nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã vượt qua được những thách thức ấy và mang đến thêm một sắc thái của lục bát đương đại.
Tôi thực sự nghĩ rằng, trường ca Nàng là một cuộc hành hương thơ trở về những vùng “đất thánh văn hóa Việt”. Đó là những vùng đất mà không ít những vẻ đẹp và sự thiêng liêng của đời sống trên xứ sở này đã làm nên văn hóa Việt giờ đang biến mất hoặc chìm khuất đâu đấy. Và cuộc hành hương văn hóa này đã góp phần đánh thức một phần những vẻ đẹp và thiêng liêng ấy. Mỗi dòng thơ tôi đọc và thấy hiện dần lên hình ảnh Người hát rong Nguyễn Thụy Kha vừa giang hồ vừa mê đắm. Người hát rong ấy đã đi bằng những bước chân của ngôn từ thi ca từ những ngọn núi cao phía bắc về tận vùng sông nước miền tây. Mỗi bước chân Người hát rong bước đi là mỗi câu chuyện, là mỗi lời ca vang lên giản dị và đẹp đẽ.
Hình thức hát rong đã có từ xa xưa và đó là hình thức kể chuyện thơ của nhiều thi sĩ ở hầu hết các dân tộc trên thế giới. Và trong trường hợp cụ thể mang tên Nguyễn Thụy Kha thì thể thơ lục bát có lẽ là sự lựa chọn chính xác nhất cho cuộc hành hương văn hóa này. Một điều quan trọng mà tôi cảm thấy và nhận thấy là trong những câu thơ lục bát hiện đại của Người hát rong này lại chứa đựng các yếu tố của hát xẩm, của ca trù, của chèo, của hát dặm, của hò miền trung, của các điệu lý… Người ta có thể hát những câu thơ trong trường ca này theo các làn điệu dân ca của các vùng miền trên đất nước Việt Nam:
Ví như:
lặng câm đá nói từng câu
cô đơn giữa những bạc đầu triều dâng
Ví như:
khói bay nghiêng ngả nhà sàn
ai mang ống nước đổ tràn hoang sơ
Ví như:
ngẩng đầu trước biển mênh mông
bao thời vua vẫn một sông Bạch Đằng
Ví như:
ai về Vĩ Dạ đợi thuyền
ta về dưới mái chùa thiêng đợi nàng
Ví như:
... .... ...
Những câu lục bát như thế vang lên thực sự là những câu lục bát hay, mới mẻ, đầy sáng tạo với sức khái quát và gợi mở rộng lớn. Nhưng lại cuốn tôi vào những xênh phách, những đàn sáo, những áo khăn mớ ba mớ bảy, những gốc đa, quán nước, sân đình, những chợ phiên, những ngựa xe dập dìu, những hội những hè, những sông sông nước nước... Tất cả những điều ấy đã làm lên hồn cốt của mảnh đất này. Và Người hát rong Nguyễn Thụy Kha đã và đang đi trên con đường hành hương trở về nguồn cội văn hóa của mình. Với trường ca Nàng, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha thực sự trở thành Người hát rong của thời đại mình.
N.Q.T
(TCSH368/10-2019)
NGUYỄN THỤY KHA
“Nàng”
(Trích trường ca lục bát)
“Đường vô xứ Huế quanh quanh
non xanh nước biếc như tranh họa đồ”
nghe ca dao dạ ngẩn ngơ
dạ thưa giọng Huế nên thơ đa tình
tóc Hương Giang, ngực Ngự Bình
ai thở than những Nam Bình, Nam Ai
tuổi nàng bay trắng áo dài
con đò khuya khoắt ban mai chuông chùa
ngón tay ướt át mùa mưa
hàng mi ướt át thẫn thờ vào đâu
ngập ngừng chân bước qua cầu
nón nghiêng nghiêng giấu mái đầu đôi mươi
nép vào ta ấm nồng môi
tan vào nhau những lả lơi yêu kiều
sông Bồ buông tím ban chiều
ta bơi trong sóng liêu xiêu men tình
bồng bềnh thân xác bồng bềnh
chông chênh Bạch Mã chông chênh nụ cười
Phú Cam rượu đã rót mời
cạn ly lại rót rượu Truồi ngà say
nàng mười bảy sắc thơ ngây
cuốn ta vào giữa trời mây lững lờ
xui ta mê mẩn lú mờ
như lao vào lửa thành tro lụi tàn
theo ta ra tận Hà Thành
thầm thì những tiếng vô thanh xiết ghì
mải mê quên cả mùa thi
ta không xóa nổi bước đi vô tình
nàng tươi thắm một đóa quỳnh
rót vào ta giọng thần linh đêm nào
nở thơm cả giấc chiêm bao
những cơn mộng mị cồn cào nhớ nhung
dáng sao quyến rũ lạ lùng
ta rơi xuống tận mông lung ảo huyền
ai về Vĩ Dạ đợi thuyền
ta về dưới mái chùa thiêng đợi nàng
qua Lăng Cô biển xanh tràn
dắt nhau vào tận ngút ngàn Hải Vân