Tác giả-tác phẩm
Tản mạn về giải thưởng thơ và thơ giải thưởng
09:30 | 25/02/2020

NGUYỄN TRỌNG TẠO

• Để chọn được những áng thơ hay, những người thơ có tài, người ta thường mở các cuộc thi, và cuối cùng là giải thưởng được trao.

Tản mạn về giải thưởng thơ và thơ giải thưởng
Ảnh: internet

Đối với nước ta, việc thi thơ dường như có truyền thống lâu đời. Ngay trong chế độ Khoa cử (thi hương, thi hội, thi đình) để chọn nhân tài (Cử nhân, tú tài, phó bảng, tiến sĩ) ngót một nghìn năm (từ năm 1075 đến đầu thế kỷ XX) ở nước ta, khi mà chữ nho vẫn được coi là chữ của Nhà nước, thì món thi thơ phú vẫn được coi là môn quan trọng thuộc vào bậc nhất. Từ những năm hai mươi trở lại nay, việc thi thơ, tặng giải thưởng thơ hầu như chỉ còn dành riêng cho ngành văn chương mà thôi. Tuy vậy, những giải thưởng thơ trong thế kỷ này vẫn là những cái mốc không chỉ ghi nhận sự phát triển riêng của văn chương nước nhà, mà thông qua đó, người ta còn nhận biết được sự phát triển dân trí, xã hội và lịch sử. Sự phát triển rực rỡ của chữ quốc ngữ thể hiện qua phong trào Thơ mới (1930-1945) đã khởi lên giải thưởng thơ do nhóm Tự Lực văn đoàn tổ chức, cho tới nay vẫn còn nguyên những giá trị của nó, nhiều nhà thơ có tài được phát hiện, nhiều bài thơ hay được giới thiệu còn tồn tại với thời gian. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều cuộc thi thơ của báo Văn Nghệ đã giới thiệu được hàng nghìn bài thơ dự thi, và đã phát hiện được cả một đội ngũ đông đảo các nhà thơ trẻ của thời kỳ này. Tuy có nhiều người nhanh chóng mai một, và cũng có người không hẳn là có tài thơ đã lọt vào giải thưởng, nhưng nhìn chung, những tác giả đoạt giải cao trong những cuộc thi đều không mấy phụ bạc với ban giám khảo. Cùng với các cuộc thi thông thường như một số tờ báo, một số tổ chức vẫn làm, người ta còn có những sáng kiến khác để tặng giải thưởng cho thơ. Tổng Công đoàn thì ít năm một lần tặng Giải thưởng Văn học công nhân, Bộ Quốc phòng thì tặng giải thưởng văn học viết về chiến tranh, Trung ương Đoàn Thanh niên thì tặng giải thưởng văn học trẻ v.v.. Đặc biệt, năm 1978, tuần báo Văn Nghệ thay vì cho một cuộc thi thơ, đã mở một cuộc thi chọn những bài thơ hay đăng trên báo Văn Nghệ trong năm dưới sự chủ tọa của ban giám khảo gồm những nhà thơ nổi tiếng; và báo Nhân Dân đã trao giải thưởng cho Trang thơ 1979, gồm những bài hay được tuyển chọn từ những bài thơ được công bố trên các báo năm 1978. Cũng từ thời gian này, giải thưởng văn học hàng năm của Ban sáng tác Hội Nhà Văn (nay là Giải thưởng Hội Nhà Văn Việt Nam) được công bố. Đây là giải thưởng cho tác phẩm đã in thành sách của năm trước. Hơn mười năm qua, nhiều nhà thơ có tên tuổi cũng như một vài nhà thơ chưa mấy ai biết tới đã được tặng giải thưởng này. Có thể kể tới Thanh Thảo, Hữu Thỉnh, Nguyễn Duy, Ý Nhi, Chim Trắng, Lâm Thị Mỹ Dạ, Võ Văn Trực, Y Phương, Nguyễn Khoa Điềm và gần đây nhất là Lê Thị Mây và Trương Nam Hương. Có người không biết thật hay giỡn đã gọi giải thưởng này là "Nôbel văn chương của Việt Nam", vì mỗi năm giải thưởng cũng được trao một lần, và các tác phẩm được chọn trong phạm vi cả nước (dĩ nhiên giải Nobel thì mang tính quốc tế rồi). Điều này khiến tôi nghĩ tới sự làm việc cẩn trọng và khoa học của ủy ban giải thưởng Nobel, gồm 5 viện sĩ cứ 3 năm được đổi 1 lần, cùng với người thứ 6 là thư ký ủy ban. Họ gửi đi toàn thế giới 600 bức thư yêu cầu cơ quan và cá nhân có uy tín văn chương đề xuất tác giả và tác phẩm tặng giải. Họ lọc ra khoảng 100 người được đề cử, và sau đó từ tháng 2 trừ kỳ nghỉ hè, mỗi tuần 1 lần ủy Ban giải thưởng đệ trình Viện Hàn lâm để lọc dần chỉ còn 5, 6 người thôi. Những người này được các chuyên gia văn chương (hết sức bí mật) thông báo tỉ mỉ tới ủy ban giải thưởng về bản thân nhà văn và sự nghiệp sáng tác cũng như những ảnh hưởng của họ đối với văn học trong nước và nước ngoài. (Dĩ nhiên những thông báo đó được trả tiền rất hậu). Chỉ các viện sĩ của Viện mới được biết những kết luận đó. Họ tranh luận gay gắt, và cuối cùng là bỏ phiếu vào một ngày thứ năm của tháng 10. Quyết định được thông báo ngay cho người được lựa chọn và trong cuộc họp báo liền đó. Đúng ngày 10 tháng 12, ngày nhà bác học Alfred Nobel từ trần, giải thưởng được chính nhà vua Thụy Điển trao tặng trong một nghi thức vô cùng trang trọng. Ngẫm lại việc chọn giải thưởng ở nước mình, phải chăng vì quá nghèo nên phải làm cho giản tiện đi? Việc thăm dò ý kiến đối với các "chuyên gia" một cách bí mật để bảo đảm tính khách quan của Hội đồng giải thưởng chưa được tiến hành theo qui củ. Đến thành phần trong Hội đồng giải thưởng vừa qua cũng không phải là không có những ý kiến còn băn khoăn lo lắng cho uy tín của giải thưởng, đặc biệt là đối với thơ. Một bài viết trong Văn học và dư luận đã nói khá thẳng thắn về vấn đề này, khiến chúng ta không thể không ngẫm xét.

Tuy nhiên, việc tặng thưởng giải dù khách quan đến đâu cũng chỉ là tương đối mà thôi. Nó vừa phụ thuộc vào Ban giám khảo lẫn cả người dự giải. Có những bài thơ hay lại không rơi vào một giải thưởng nào cả, vì tác giả không dự giải, vì nó xuất hiện giữa hai cuộc thi, vì ngoài yêu cầu mà cuộc thi nhấn mạnh hoặc cũng có thể vì ban giám khảo đau mắt đột ngột. Đấy là chưa nói chính mỗi tác giả cũng bài hay bài không, lúc hay lúc dở. Tỷ dụ như ở giải thưởng thơ báo Văn nghệ 1990-1991, có những tác giả được người ta liệt vào "giải thưởng lưu ban", hoặc có những bài thơ được chọn từ giải này vào một tuyển tập thơ lại thấy khá dễ dãi non kém so với nhiều bài khác trong tập v.v.. Dù sao thì việc tổ chức các giải thưởng thơ vẫn là những hành động đáng trân trọng đối với sự phát triển của thơ ca nói chung cũng như việc phát hiện khích lệ những bài thơ nói riêng.

• Dư luận về Giải thưởng Hội Nhà Văn 1991 vừa qua ngã về những tác phẩm văn xuôi nhiều hơn, mà ngay trong 3 tiểu thuyết được giải thưởng, người ta lại ngã về cuốn Thân phận của tình yêu (tên gốc là Nỗi buồn chiến tranh) hơn cả. Đó là điều đáng mừng cho văn xuôi hôm nay. Đối với 2 tập thơ được giải thưởng hầu như người ta quá tiết kiệm lời khen, thậm chí có tờ báo nói nhiều tới giải văn xuôi, ngẫm tủi thân cho giải thơ quá mới dè dặt cho đăng một vài lời bình về thơ được giải, không ra khen cũng chẳng ra chê. Có hai nguyên do dẫn tới tình trạng này: Hai tập thơ được giải chưa thật nổi trội, chưa thật đại diện cho sự bung mở phong phú đa dạng của thơ ta trong giai đoạn mà nó xuất hiện? Sau nữa là sự thiếu tính thuyết phục của những nhận định đánh giá về nó khi công bố giải thưởng, (phải chăng ngành phê bình văn học của ta đang thiếu hụt những cây bút chuyên tâm cho thơ với "con mắt xanh" như Hoài Thanh?). Chính vì thế mà theo thói quen (!), người ta có cảm giác là giải thưởng thơ có vẻ như giải "chiếu cố" cho phụ nữ (Lê Thị Mây) và giới trẻ mầm non văn nghệ (Trương Nam Hương). Điều này thật là oan cho cả hai nhà thơ có tài này.

Trong khi thơ ta vừa có chiều hướng cũ đi (một cách dễ chịu); vừa có chiều hướng đi tìm cái tân kỳ, thì ở thơ Lê Thị Mây xuất hiện cái kỳ-lạ. Nếu như 15 năm trước đây, Lê Thị Mây thấy mình cần giản dị như "Con kiến nâu cần cù tha đất - Giản dị trong ta tình yêu vững bền", thì chỉ vài năm sau đó chị đã không làm như vậy chính vì chị là một con người ẩn chứa tâm trạng phức tạp hơn nhiều: "Anh khoác ba lô về - Đất trời dồn chật lại - Em tái nhợt niềm vui - Như trăng mọc ban ngày”. Cái kỳ-lạ của tái-nhợt- niềm-vui-trăng-mọc-ban-ngày đã khởi đầu cho hồn thơ trắc ẩn cuồng nhiệt của Lê Thị Mây sau này. Cái kỳ-lạ trong thơ chị khiến tôi nhớ tới Hàn Mặc Tử (cũng sinh ở Đồng Hới), Tử thì bị bệnh hiểm nghèo phải cách ly người đời, còn Mây thì độc thân hơn bốn chục năm nay. Những khắc khoải cuồng loạn bị ý thức nhấn chìm chứa đựng một sức mạnh đòi giải thoát, và lối thoát duy nhất ấy chính là thơ. Cái kỳ-lạ xuất hiện chính là ở đấy. Trong tập thơ Một Mình của Lê Thị Mây (Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên - Huế, 1990) không ít những câu thơ kỳ-lạ kiểu như "Trăng ướt sũng - Boong tàu hây hây sướng", hoặc "Em biết mình yêu vừa phóng túng xanh xao - Khi ra chợ một mình mua một giá". Nhiều câu thơ của chị đọc lên nghe kinh ngạc đến thất sắc, thấy câu thơ như có cả máu huyết của tác giả ẩn chứa trong đó. Những từ như tái nhợt, xanh xao, xanh tái, hết máu, trẫm mình... xuất hiện trong thơ Lê Thị Mây như là một mô-típ xuyên suốt tâm trạng thi sĩ, cái tâm trạng hẫng hụt thất thường khao khát hiếm thấy ở những người thơ khác. Tính kỳ-lạ này trong giọng điệu thơ Lê Thị Mây đã khiến cho thơ chị không dễ đọc, cũng như trong hội họa trừu tượng, xem có thể không hiểu nhưng vẫn thấy đẹp, thơ Mây có lúc ta cảm thấy haykhông hiểu rành rọt những nghĩa lý của nó. Có thể coi bài thơ Đám mây trên sông Hương (tập Tặng riêng một người) là tiêu biểu cho giọng điệu kỳ-lạ của thơ chị. Có lẽ bài thơ được viết ra bởi ám ảnh đến cùng cực. Tôi cũng không dám lạm bình bài thơ này, vì đọc thì thấy hay chứ biết mình không hiểu được mấy so với nó vốn có. Vậy đó, có bài thơ cái hay ở ý hội chứ không thể ngôn truyền. Lại bởi nó ngắn, nên tôi xin chép lại cả bài:

Chiếc áo, tấm khăn quàng, nhưng có thể
Là mái tóc của cô gái trẫm mình
Sông Hương nhợt giữa hai bờ rưng lệ

Họ đã yêu đã hy vọng đã tin
Cái chết ấy như vũ khúc hẫng hụt
Và Sông Hương phút ấy cũng thất tình

Tôi lội xuống dù có ngần ngại chút
Để vớt lên đám cháy có linh hồn
Nước từng vốc cạn cả trời trong đục


Có người cho thơ chị Lê Thị Mây xộc xệch, ít những bài toàn bích. Tôi nghĩ, con người ta lớn lên không phụ thuộc vào cái thước. Thơ Lê Thị Mây, thơ Dư Thị Hoàn mấy năm gần đây há chẳng chứng minh được điều ấy hay sao?

Cùng một giải thưởng, tập thơ Khúc hát người xa xứ của Trương Nam Hương phải nói là dễ đọc hơn nhờ sự uyển chuyển nhịp điệu, sự tươi tắn ngôn từ, sự trọn vẹn của toàn bài cũng như cái tình thật dễ chịu của toàn tập. Nếu cùng bỏ phiếu cho cả hai tập vào giải, tôi dám chắc người ta dễ dàng bỏ phiếu cho Trương Nam Hương hơn là Lê Thị Mây. Thực ra tập thơ Trương Nam Hương đã mang tới cho tôi những cảm nhận vừa đẹp vừa dễ thương, mà chỉ ở những tâm hồn thật trẻ, giàu mộng mơ mới có được: "Câu thơ viết tan vào mây ngũ sắc" hoặc "Em như đá trước lời thương cảm ấy - Nên có cây si nặng bốn lăm cân". Nhưng đâu chỉ có vậy, thơ Trương Nam Hương khắc khoải niềm day dứt buồn đau xứ sở đang vặn mình để vươn lên. Có thể nói, anh có tài làm mới lên những điều tưởng như đã cũ. Vẫn là thương mẹ thôi, nhưng với anh: "Phải lo mẹ rét nên bao lá - Gom hết mùa đông bếp lửa chiều", "Ta đâu biết có một ngày buồn thế - Mẹ chờ ta thiếp mãi với trăng rằm". Vẫn là người cha nông dân khắc khổ bao đời, thơ anh đau đớn dưới bề sâu của cách nói tài hoa: "Cha trắng tay câu hát lỡ đem cầm - Về chống cuốc lên cánh đồng lỡ vận". Nhờ vậy mà người đọc dễ cảm thông với lời tự thú bộc bạch của anh:

Cha mẹ lỡ nghèo, anh lỡ dại, buồn không!
Em túng chữ cầm bằng đi đổi sức
Thơ anh đặt hàng của núi của sông
Đem rao bán cho tháng ngày cầu thực


Nếu biết được Trương Nam Hương 28 tuổi đã có vợ, có con, cả hai vợ chồng cùng tốt nghiệp đại học, vợ không có việc làm, chồng làm hợp đồng cho một tờ tin của phường vừa bị giải thể... ta sẽ thấy hồn thơ của anh đã vượt lên đến mức nào trước thực tại nghiệt ngã ấy. Có thể chúng ta chưa hài lòng với tập thơ của anh vừa được giải thưởng vì giọng điệu của nó còn lai tạp những giọng điệu đã thành công trước đây của thơ ta, nhưng tôi có thể tin rằng, cái người thơ tài hoa này với những trăn trở sâu sắc về thời cuộc bầm dập, về nỗi đau lớn của thân phận con người thời đại, sẽ không phụ cái giải thưởng lớn khi vừa bước vào ngưỡng cửa thơ ca đầy vẻ vang nhưng cũng đầy khắc nghiệt này.

Viết tới đây, tôi chợt nhớ câu nói của nhà thơ vĩ đại Pablô Nêruđa sau lần ông được giải thưởng: "Giải thưởng tựa phấn trang điểm trên cánh bướm. Con bướm bay, phấn sẽ rơi rụng dần đi". Còn Đặng Thái Sơn thì nói với tôi: "Giải thưởng không phải là mục đích của tôi. Nhưng giải thưởng giúp tôi làm quen với công chúng, và giúp tôi ý chí để vươn lên".

Huế, cuối năm Tân Mùi 1991.
N.T.T.
(TCSH47/01&2-1992)
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng