Tác giả-tác phẩm
Chiếc cầu mưa trong thơ Hải Bằng(1)
14:44 | 23/03/2020

HỒ THẾ HÀ

Mấy mươi năm cầm bút đi kháng chiến, Hải Bằng chỉ vỏn vẹn có 1 tập thơ in chung Hát về ngọn lửa (1980) ra mắt bạn đọc.

Chiếc cầu mưa trong thơ Hải Bằng(1)

Gần 10 năm sau mới có Trăng đợi trước thềm (1988), rồi thơ tình Hải Bằng (1989) và gần đây nhất là Mưa Huế(1991). Quả là con đường nghệ thuật của anh không dễ dàng và thuận lợi. Những gì bạn đọc biết và hiểu về anh hãy còn ít ỏi so với kết quả anh có: Hàng nghìn bài thơ, hằng trăm bức tranh và bức tượng bằng rễ cây. Điều ấy cũng có thể gọi là thiệt thòi đối với Hải Bằng, dẫu biết rằng sức mạnh nghệ thuật có quy luật riêng của nó, không phải ở số lượng mà là ở chất lượng, ở hồn thơ, ở nỗi đau nhân tình thế thái...

Có thể nhận xét một cách khái quát hành trình thơ của Hải Bằng là hành trình đi từ cái riêng đến cái chung và về lại cái riêng; từ ngợi ca hào hùng về với trữ tình đời tư và chiêm nghiệm. Đấy cũng là hành trình chung của nhiều nhà thơ Việt Nam, nhưng ở Hải Bằng lại mang những nét riêng gắn với những thăng trầm của cuộc sống và những vui buồn, khuyết lõm của đời anh nên dễ được người đọc yêu mến, cảm thông.

Anh đi nhiều và nhạy bén trong việc quan sát và nắm bắt hiện thực khách quan. Mọi sự vật và hiện tượng đối với anh đều có chất thơ và có ma lực truyền vào anh sự rung cảm tinh tế để trở thành tiếng thơ sâu nặng. Hiện nay, anh vẫn miệt mài lao động nghệ thuật. Có lẽ, khi anh ý thức về tuổi đời và sức khỏe của mình thì việc sáng tạo đối với anh như một nhu cầu bức thiết, như một cuộc chạy đua với thời gian - và lạ thay - nó như một phép dưỡng sinh, giúp anh quên đi bệnh tật thiếu thốn để sáng tác và hy vọng, để đọc thơ tình trước khán giả sôi nổi như một tráng niên.

Nghĩ về Hải Bằng, tôi cứ nghĩ về điều đó, và tự nhiên, tôi yêu quí anh - một tấm gương lao động nghệ thuật miệt mài.

Mưa Huế ra mắt bạn đọc trong dịp nhà thơ tròn 60 tuổi với lời cảm ơn trân trọng ở đầu sách của tác giả đối với bằng hữu và bạn đọc gần xa đã giúp đỡ anh về vật chất lẫn tinh thần, càng làm cho mọi người xúc động - qua đó - mới biết phần thưởng mà Hải Bằng có được thật là quí giá.

Chọn mưa làm đối tượng để miêu tả, hẳn Hải Bằng đã tâm đắc và gắn bó sâu nặng với nó như thế nào, nhưng ở đây là mưa Huế thì ý nghĩa lại khác. Mưa ở đây không còn là khái niệm mà đã thành mưa cụ thể? Mưa Huế - mưa quê hương - mưa của những vui buồn kỷ niệm ám ảnh suốt đời anh.

100 bài thơ mưa được tái hiện bằng lối thơ 4 câu nhưng không gò bó, gượng ép, không lặp lại mình, trái lại, mỗi bài thơ là mỗi nỗi niềm, mỗi suy tư, chiêm nghiệm. Điều ấy, đủ biết Hải Bằng làm chủ đề tài và làm chủ mình đến mức nào.

Mưa trong thơ Hải Bằng có nhiều cung bậc và tâm trạng. Trước hết, nó gắn bó với suốt tuổi ấu thơ, với Huế - nơi anh cất tiếng khóc chào đời qua lời ru của mẹ

"Thuở sinh con mẹ mong trời tạnh mưa
Nhưng trời chẳng chiều theo ý mẹ
Tờ giấy khai sinh có tên con tên Huế
Ngày lọt lòng con khóc giữa mùa mưa"

Và vì vậy, chẳng thể nào khác được nếu hiểu mưa của anh mà thiếu lời ru của mẹ, thiếu hình ảnh quê hương: Mưa trong lòng rơi giọt thương giọt nhớ. Giọt cất dành cho nơi mẹ sinh ta. Suốt cuộc đời mình, anh đã ấp ủ và cất giữ mưa như hành lý để yêu thương và khát vọng.

Mưa là nhân chứng, là bài học làm người của anh. Có mưa, đời biết buồn vui, hờn giận, và có cuộc sống xanh tươi:

Mưa tuổi thơ hồn nhiên, vô tư lự:

"Tôi đã tắm tuổi thơ vào mùa mưa
Con đò giấy trôi sâu vào tiếng khóc”

Mưa tuổi vào yêu với bao ước ao, rung cảm lặng thầm:

"Mùa thu về dáng em đi thầm lặng
Trong lặng thm ánh la cháy lan xa"

Và rốt cuộc, chỉ có mưa được đi cùng dáng nhỏ sang bến bờ xa cách để riêng anh thành nỗi nhớ phía bên ni.

Đối lập với cảm xúc tinh nhạy, mãnh liệt của tuổi biết yêu của Hải Bằng là một tâm hồn nhút nhát, vụng về, do vậy, từ tình yêu thầm lặng anh chỉ còn biết mơ mộng, tưởng tượng. Nó như 1 âm bản ước mơ của anh.

"Gặp em trong mắt thm xao động
Tóc chảy xuống vai mm ai biết đó là mưa”

Từ mơ mộng, tưởng tượng anh không ngừng đẩy nó đến tận cùng của sự lãng mạn, và cũng chỉ có mưa làm nhân chứng mà thôi.

"Em là ngoại ô của tâm hồn sâu lắng
Sau cơn mưa, nơi đó có trăng về"

Tình yêu tuổi thơ như thế lại đẹp chứ sao. Nhưng đến tuổi trưởng thành mà không có tình yêu thì đó là nỗi đau khó bù đắp, Hải Bằng lại rơi vào trường hợp ấy. Không phải anh ngu ngơ, nhút nhát mãi đâu. Chính cái lý do anh nói ra sau đây là lời tự bạch pha chút xa xót nhưng nó chân thật, mãnh liệt làm sao.

"Tôi không có mối tình đầu nơi cắt rốn chôn nhau
Vì ngày ra đi tuổi còn bé quá
Thuở chia tay, Huế vào mùa tầm tã
Giờ gặp em rồi tôi bỗng hóa cánh thơ mưa"

Hình như cứ mỗi biến động trong đời anh thì cơn mưa lại đến, mưa như duyên nợ để trở thành ám ảnh.

Yêu mà không được yêu, thường tình, con người tự thỏa mãn mình bằng những giấc mơ hoặc có những cảm giác đê mê, đau buồn như trẻ nhỏ. Quả thật, Hải Bằng đã lọc được cảm giác ấy một cách mãnh liệt tuy ở tuổi muộn mằn. Anh được yêu, được hạnh phúc nhưng rồi bỗng chốc tan biến, mỏng manh để mãi mãi, bài hát ấy, tình yêu ấy, giọt mưa ấy thành dư âm không tắt.

"Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi
Lời ca ấy đã trôi đi những điều mơ ước"

Và dẫu biết rằng niềm vui không thể có lần thứ 2, còn nỗi buồn thì dai dẳng, anh vẫn đón từng cơn mưa mang khúc nhạc của riêng mình. Thế mới biết Hải Bằng khát yêu và độ lượng.

Biết mình, hiểu người, không oán trách bởi dù sao Giọt mưa thu vẫn còn mãi dư âm. Dư âm ấy đủ để anh hiểu hết sức mạnh của tình yêu và không ngừng nuôi hy vọng, không ngừng khám phá và giao cảm.

"Hạt mưa dồn vào phía chiếc nón nghiêng
Giữa khuôn mặt ẩn mưa có chấm tròn hy vọng
Trong cơn mưa cái gì cũng bé bỏng
Chỉ còn em và đôi mắt mênh mông"

Có thể nói rằng mưa cũng là anh. Chiếc cầu mưa trong thơ Hải Bằng có lúc hữu hình, có lúc vô hình; có khi thực, có khi mộng nhưng nó đủ sức đưa tâm hồn anh đến mọi bến bờ. Có lúc anh quay về với quê hương tuổi thơ bên mẹ, có lúc anh chan hòa cùng thiên nhiên để thì thào cùng chim muông, cỏ cây hoa trái... Và tất cả những hiện thực ấy đi vào thơ anh đều trở thành tiếng nói đồng cảm, thành sự trở trăn về tình yêu và sự sống. Và không phải một lần, mỗi khi cảm thấy bất lực, anh trở lại với nó để tiếp tục suy tư, chiêm nghiệm. Vì vậy, mưa trong thơ Hải Bằng đa dạng, biến tấu qua nhiều màu sắc, âm thanh, hình ảnh.

"Đi tận đâu cũng trở v bên mẹ để Chở câu hò v giao mùa hạ cho em”. Và cứ thế, anh hiểu mình, anh hiểu đời.

"Tóc trắng đầu mới nhìn rõ mẹ hơn
Trăm bận ướt mới ngấm mùa mưa xứ sở
Đừng hỏi tại sao trời còn nức nở
Vì mẹ thường gạt nước mắt nuôi ta"

Hoặc:

"Ai đã liệm quan tài ngày đưa mẹ ra đi
Giờ bước trong mưa mới hiểu thêm đời mẹ
Nếu không có mùa mưa xứ Huế
Thì mai sau con chẳng biết nắng là gì"

Có thể nói rằng mỗi bài thơ mưa là mỗi hành động nhận thức. Rõ ràng nơi anh ra đi và cái đích phải là nơi anh trở lại nhưng với hành trang tâm hồn giàu có, phong phú hơn xưa. Từ chiếc cầu mưa mà Hải Bằng vẽ lên ta thấy cả hai bờ: Buồn đau và hạnh phúc. Giọt mưa hay giọt nước mắt? Giọt mưa hay giọt nắng? Có cả hai để làm thành bức tranh mưa kỳ lạ: buồn mà vẫn tươi màu nắng, buồn mà vẫn long lanh chấm tròn hy vọng. Đó là mưa Huế của Hải Bằng.

Như lúc đầu tôi đã nói: 100 bài thơ, cùng một thể loại, cùng một đối tượng mà thể hiện được biết bao tâm trạng, quả Hải Bằng là người thật sự nếm trải và giàu cảm xúc. Nhưng như thế không phải trong Mưa Huế không có nhiều bài chưa chín, chưa đều tay cần phải gọt giũa kỹ hơn và lẽ ra không nên đưa vội vào tập này nhưng thiết nghĩ, góp được cho Huế, cho đời bức tranh mưa mang hồn cuộc sống như vậy còn trách và đòi hỏi gì hơn nữa ở Hải Bằng - khi anh đã nhận ra điều ấy.

Tôi đã tham lam nói nhiều, trong khi lẽ ra chỉ thơ mưa Hải Bằng nói thôi là đủ. Nhưng tôi cứ nghĩ rằng những gì anh gửi gắm trong thơ chính là nỗi đau buồn, trăn trở của anh, không nói không đành, sợ anh bảo là không thông cảm. Bao giờ cũng thế; Nỗi buồn thường muốn được sẻ chia. Vì lẽ đó, tôi xin dừng những lời lạm bàn ở đây để cùng lắng nghe tiếng mưa rơi trong từng giọt buồn của thi sĩ Hải Bằng.

Huế, tháng 1 - 1992
H.T.H
(TCSH48/03&4-1992)

----------------
(1) Đọc tập thơ Mưa Huế - Hội Văn học nghệ thuật TT-Huế, 1991.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng