NGỌC BÍCH
(Đọc "Thơ Ngô Kha"*)
Bây giờ là năm 1992. Anh hy sinh đã gần 20 năm. Tập thơ của anh đã xuất bản được một năm nhờ những bạn bè thân quen và những người yêu mến thơ anh. Tôi là người đến muộn. Nhưng như người ta vẫn nói "dẫu muộn còn hơn không". Nhất là ở đây lại đến với MỘT CON NGƯỜI.
Tôi nhận ra anh, chàng trai 30 tuổi, thanh cao, nghiêm nghị, ít nói nhưng trong lòng chất chứa bão giông. Con người ấy, vào một đêm ba mươi giã từ tháng chạp, trong mưa ngâu rơi rơi, trong đêm đen, đen bằng chất đêm, bằng ám ảnh của ngày tận thế đã nhận ra nỗi cô đơn của mình trong cuộc đời, trong vũ trụ, trong thời gian.
Anh hình dung một trận mưa bất tận làm nước dâng lên cửa sổ, ngập đường phố. Và anh, đôi tay bơ vơ cố níu vào quả địa cầu. Đó là vào những năm 60. Ở miền Nam, Ngô Đình Diệm kéo lê máy chém, diệt trừ những người kháng chiến cũ. Cái cô đơn của Ngô Kha lúc này là lúc cô đơn của một con người bé nhỏ trước vũ trụ, một mình chống lại cơn mưa, đêm đen. Tràn ngập trong anh, đêm ấy, hình ảnh người con gái tinh khiết, yêu thương. Đó chính là thứ ánh sáng, lấp lánh, thứ hương thơm phảng phất quyến rũ anh trở về cuộc đời từ lối thoát vũ trụ. Và anh lại là mình, thao thức về cuộc đời "Ở trong và ngoài cửa sổ”.
THAO THỨC, trăn trở trước cuộc đời có lẽ là bản tính của anh. Ở tập thơ đầu anh viết những vần thơ hơi lạ. Nhiều than khóc, nhiều màu đen. Mưa khóc, mặt trời cũng vật mình than khóc. Khói vương những hình đốm đen, đêm đen, đại lộ đen. Giữa những màu đen ấy tôi chợt hiểu tại sao cơn mưa ngập tràn đường phố của anh lại có màu nâu.
HY VỌNG cũng là bản tính của anh. Con người ấy không bằng lòng với mình, luôn khao khát lên cao:
Xe lên triền núi mỏi mòn
Qua truông bạc tóc hãy còn bơ vơ
Lên cao gió lộng nào ngờ
Càng xe đổ chợt, tình cờ cô đơn.
Cô đơn, theo anh, không phải là lẻ loi. Cô đơn là phút tâm hồn vụt sáng, ở đó nhà thơ chợt nhận ra mình. Đạt đến "cô đơn", theo nghĩa đó, là một cuộc kiếm tìm. Con người có thể gặp "cô đơn" cả trong nỗi đau khôn cùng và cả trong vinh quang tột đỉnh. Phải chăng Ngô Kha đã có những phút giây gặp được chính mình.
Từ tập thơ đầu "Hoa cô độc" (1961) anh mang theo THAO THỨC và HY VỌNG đến những bản trường ca của đời mình: Sáng tác và hoạt động cách mạng trong phong trào học sinh sinh viên. Trong sáng tác của anh tôi chú ý đến hai bản trường ca đều được viết vào năm 1968. NGỤ NGÔN CỦA NGƯỜI ĐÃNG TRÍ xuất hiện sớm hơn. Còn sau đó là TRƯỜNG CA HÒA BÌNH. Hai bản trường ca xuất hiện trong một năm. Không là người THAO THỨC trước dân tộc không thể viết những vần thơ rút kiệt tâm lực như thế. "NGỤ NGÔN CỦA NGƯỜI ĐÃNG TRÍ" hơi khó đọc. Tên của trường ca đã nói trước điều đó. Ngụ ngôn là ám chỉ, là ẩn dụ. Ngụ ngôn của anh là những ẩn dụ vừa bí ẩn, vừa ghê rợn được hình thành trong tưởng tượng của người đãng trí, giữa cơn say rượu và những đêm dài mộng du. Người đãng trí thì có nhớ, có quên. Cho nên thực và hư lẫn lộn. Nhưng có một điều mà người đọc nhận ra trong câu chuyện ngụ ngôn của người đãng trí là hình ảnh một nhà thơ hoàn toàn tỉnh táo, đang đau đớn quằn quại trước những gì mắt thấy, tai nghe. Hỏa mù, trái sáng, cơn mưa hồng trên da thịt người, vành khăn tang, lời cầu nguyện, những vết thương chiến tranh trên mặt đất, trong buổi hoàng hôn, trên cỏ non và cả trong trái tim người... Con người có hai giác quan để làm người là thị giác và thính giác. Trong bản trường ca không phải một lần nhà thơ nói đến "cái mùi". Người con gái mang hình ma quỷ đêm nào dẫn người đãng trí đi trong cuộc mộng du đã đâm mù mắt anh ta bằng hai quả trứng vàng mộng mị. Năm người mù ngồi dựa góc cây nhận ân sủng của thần linh là ổ mì và nắm xôi trên vùng quê chiến tranh; hỏa châu đâm mù mắt nhà thơ... Và sau khi đã thấy những đẹp đẽ đến thiên thần của thiên nhiên và cuộc sống, đã chứng kiến những hủy diệt tận cùng chúng bởi chiến tranh, đã nghe những âm thanh thiêng liêng của cuộc đời những âm thanh rùng rợn từ loài ma quỷ, nhà thơ đề nghị :
Thôi
Em hãy châm lửa đâm mù mắt tôi
Em đừng căng dây đàn trái đất
Tôi vẫn là người chỉ còn một giác quan đơn độc
để nghe dây đàn chùng
cũng như em
chỉ còn một nụ cười
để xua đuổi già nua.
Không muốn nhìn, không muốn nghe, đó cũng là một lời từ chối.
Từ chối chiến tranh nhưng không từ chối cuộc đời. Anh giả làm người đãng trí viết chuyện ngụ ngôn, nhưng trái tim anh lại rung lên không ngừng trước những âm thanh sự sống. Chẳng thể nào khác được, anh phải là anh :
Tôi vốn mang trong người muôn quả tim
Như cây trên rừng nhiều lá
Sự sống từng giờ lay động bằng tiếng khóc trẻ thơ
Ôi thế trần...
Trong ngụ ngôn của anh ta nghe thấy bao lần những từ luyến tiếc, xót xa : "Thôi còn gì", "thôi chẳng còn gì", "còn gì, còn gì"...
- Thôi còn gì những buổi trời mưa cây lá xanh
Đứa con trai khoác áo chim hồng bay qua đỉnh núi
- Cỏ úa khô và rừng cũng chiều
Với một loài xanh xao
Ta đốt cháy bầu trời để chun ra ngoài thành phố
Thôi chẳng còn gì
biển trôi đi trong ánh mắt hoe của người hoa tiêu
với loài tảo biển.
Hoàng Phủ Ngọc Tường nói anh là người thơ siêu thực. Vâng, anh siêu thực trong bút pháp, còn hiện thực trong cảm xúc. Anh có dùng hình thức người đãng trí, người say, giấc mơ, cơn mộng du... siêu thực để diễn tả tư tưởng cảm xúc của mình. Nhưng cảm xúc của anh, nỗi đau vò xé trái tim anh trước những cái đẹp của cuộc sống bình yên bị phá hủy một cách tàn bạo thuộc về đạo lý nhân bản, nhân dân, dân tộc. Siêu thực trong anh là đau thương chiến tranh trên thân phận con người đã đem vào máu thịt, thành nỗi xót xa, thương cảm, thành khát vọng hòa bình.
Trong quan niệm ấy, việc anh viết bản trường ca thứ hai, trong cùng một năm: TRƯỜNG CA HÒA BÌNH là tất yếu.
Trường ca hòa bình là một trăn trở mới. Mặc dù dùng cảm xúc trong trường ca chảy liền mạch, tuôn trào, trước gọi sau cho đến tận câu cuối. Khung cảnh cuộc sống hòa bình của đất nước ta sau chiến tranh được anh tưởng tượng trong một niềm tin yêu, hy vọng. Trái tim anh đã một lần tan nát bởi chiến tranh nay hồi sinh, trỗi dậy với sức sống mãnh liệt nhất nhờ có hòa bình :
Hòa bình về trong trái tim người
Như sự sống một lần trở lại
Hòa bình khởi công
Hòa bình vùng dậy
Hòa bình ấm no độc lập
Hòa bình thống nhất muôn nơi
Ta bỗng nghe xao xuyến trên thân người
Muôn vó ngựa dập dồn trong thớ thịt
Nghe máu dựng ngọn cờ hy vọng
Như mặt trời chói rạng giữa mùa đông
Hòa bình về đây huyền diệu vô cùng
Như mẹ hóa thân vì lời con khấn nguyện
Cây nở trái trong vườn chim thường đến
...
Hòa bình về đây
Như sóng dâng cờ
Nghe lụa mát trong hồn khi chiến tranh vừa tẩm liệm..
"Trường ca hòa bình” mang không khí của một anh hùng ca, mà chiến công được ca ngợi là công cuộc xây dựng hòa bình sau chiến tranh, Ngô Kha vẽ nên một bức tranh xây dựng đất nước hoành tráng, ở đó mọi sức lực của dân tộc được huy động. Ba mươi triệu đồng bào (lúc đó, dân số của Việt Nam là 30 triệu người) kết liền một khối, đồng hành tiến bước, từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi miền ngược, mọi tài nguyên, mọi tiềm năng tinh thần từng được kết tinh trong lịch sử... đều tham gia vào công cuộc xây dựng vĩ đại này. Con người Việt Nam bây giờ tràn đầy sinh lực "chướng ngại nào cũng vượt như tên", còn thành quả đạt được thì vô cùng to lớn:
Khắp mọi nhà lúa trổ đầy sân
Thôn quê cơ giới
Ngũ cốc đầy miền
Đây phố cũ
Đêm ta nằm mộng
Nhà máy cao ngất ngưỡng trời xanh...
Anh dùng nhiều hình ảnh có tính khoa trương. Phảng phất âm hưởng của trường ca Đam San với những của cải vô tận của người tù trưởng giàu mạnh. Cả dân tộc rùng rùng tiến bước đến hạnh phúc:
Ta nghe dậy trong lòng đất mới
Tình đồng hương xây lại xóm làng
Từ ngọn đồi tuổi trẻ cao nguyên
Ta mơ thấy Trường Sơn văn hóa Việt
Đây con đường ngoại ô ngọc bích
Hàng cau tươi ngỏ ý hôn nhân
Nắng hanh vàng sửa soạn đến mùa cam
Em cũng lớn lên vừa trang sử đẹp
Đây đường thôn ta
dân rộn ràng như thóc
Những hạt giống mơ màng nói chuyện mùa sau...
Đó là nhờ chiến tranh đã chấm dứt, là nhờ tình yêu lớn lao đối với con người :
Chiến tranh phi nhân một ngày kiệt sức
Hạnh phúc một ngày tiến tới muôn nơi
Hội trường cất cao trưng bày nghệ thuật
Nhà tù khép kín thành bãi rêu hoang
là nhờ biết tìm trong đau thương những gì cần thiết cho sự sống :
Từ em đường cửa ngõ chiến tranh
Ta mở cổng cho ngựa thồ qua biên giới
Anh hùng ca thường viết về những sự kiện đã xảy ra trong lịch sử một dân tộc. Bản trường ca này viết về điều sẽ đến. Nó là anh hùng ca của khát vọng hòa bình, của niềm tin vào nhân dân, dân tộc được đốt sáng từ nỗi đau chiến tranh đang từng ngày rình rập người dân vô tội.
Hai bản trường ca được viết bởi hai bút pháp khác nhau nhưng đều xuất phát từ cùng một khát vọng: HÒA BÌNH, HẠNH PHÚC. Lặp lại trong trường ca của anh, trong thơ anh, hình ảnh những người dân Việt Nam tự do, ấm no đang lao động hết mình vì phồn vinh của đất nước sau chiến tranh.
Khi hy sinh, Ngô Kha đã gần bốn mươi tuổi. Và cho đến hôm nay tính theo năm tháng, anh đã gần tuổi sáu mươi. Nhưng đọc thơ anh tôi luôn hình dung anh là chàng trai ba mươi tuổi, mạnh mẽ trong ưu tư, chưa một phút giây ngừng băn khoăn tự hỏi về số phận những người dân bình thường trong chiến tranh, và hy vọng MAI CÓ HÒA BÌNH:
Nguyện làm loài chim mang quá khứ đau thương
trở về tấu khúc hòa bình lên hoa đồng thảo
Ở đó
Việt Nam vĩnh cửu
Việt Nam không còn chiến tranh.
Anh đã viết bài thơ CHO NHỮNG NGƯỜI NẰM XUỐNG với những câu kết như vậy. Tôi nghĩ anh đã thực hiện được ý nguyện của mình.
Huế tháng giêng 1992
N.B
(TCSH48/03&4-1992)
---------------
(*) Thơ Ngô Kha. Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên-Huế-1991.