Tác giả-tác phẩm
Bùi Giáng - Một vô thường chữ
15:53 | 03/07/2020

THÁI HẠO    

     Tặng Mẹ và Em!
     Bờ bến lạ chút tự tình với bóng
- Tuệ Sỹ

Bùi Giáng - Một vô thường chữ
Ảnh: internet

1.
Bùi Giáng là một ma lực nguyên sinh, mang tới trần gian này lời mời gọi như mật giữa trời hoa hương gió bụi. Nhưng con bướm cứ “lượn vọng lại bay”, bởi cõi thơ ấy trinh nguyên mà kì dị, giản đơn mà thẳm sâu vô bờ. Người ta đã dùng Phân tâm học, dùng Văn hóa học, dùng Thuyết trò chơi, dùng Thi pháp học v.v [2] để đọc Bùi Giáng, như bóc cánh hoa để tìm hoa…

Ngôn ngữ là một “hiện thực của tinh thần” [1, tr.185], là “ngôi nhà của hữu thể”, là khung cửa của ánh mắt, là cấu trúc của vô thức (dẫn ý Lacan)… Như thế, phá vỡ một ngôn ngữ là phá vỡ một linh hồn. Kiến tạo một ngôn ngữ là tạc một cõi giới. Ngôn ngữ không phải chỉ là công cụ của tư duy [4]. Ngôn ngữ vừa là sản phẩm, vừa là “người nhắc vở”, vừa là ông chủ cay nghiệt của tinh thần. Chỉ hai chữ anh - em mà làm thành cả một khí quyển văn hóa với yêu đương ngọt ngào, với tôn ti cao thấp, với cho nhận mang mang…

Ngôn ngữ tổ chức và hướng dẫn thế giới quan người nói [1, tr.185]. Như vậy, làm thơ không phải là diễn đạt một tư tưởng mà là kiến tạo một cấu trúc ngữ ngôn. Cấu trúc ấy tự nó là một tư tưởng và là một bản hữu. Thơ Bùi Giáng là một công trình như thế của Ngôi Lời.

2.
Thi giới Bùi Giáng là cõi Lá hoa cồn, là một say dậy của chữ miên man, là một hớp thiên thu trong khoảnh khắc, là một cợt đùa giữa phận người rã riêng, là một hí trường trên hồ thu xanh ngắt, là một thở than rong chơi ngày tháng, là một du côn phiêu bồng dễ thương, là một bình thường tâm áo diệu, là một dân ca triết học phi thường, là đời thô vụng của chân như, là ngữ ngôn quê mùa ủ chân kinh, là một… Bùi Giáng Cõi Nguyên Xuân.

Thơ Bùi Giáng dễ đọc nhưng không dễ hiểu. Dễ đọc bởi chữ quen, vần quen, ý quen… Khó đọc bởi “vô sở trụ”. Đọc xong bài thơ với tuôn trào bát nháo anh hoa sung sướng thì người ta bỗng giật mình tự hỏi “Bùi Giáng muốn nói gì?” Và câu trả lời thật không đơn giản. Nhưng có thể trả lời không? Những ai tin rằng “có” thì kẻ ấy đích thị mê lầm, đi kiếm hoa đốm giữa hư không thì làm sao hội ngộ!

“Vớt hương dưới đất” (Nguyễn Du) vốn là cách đọc truyền thống, cách đọc ấy đã ăn sâu vào não trạng khiến kẻ gặp thơ liền hỏi ý, và thơ cũng hào phóng mà ban cho chí tình trung trinh. Nhưng vớt trăng đáy nước thì chỉ gặp những kẽ tay, trăng đã theo nước mà chảy tan thành hư không vô tình. Cõi thơ Bùi Giáng phải chăng là cõi trăng đáy nước nơi mặt hồ lúc lặng lúc xao để hằng nga khi vẹn khi vỡ?

Có người hỏi thi sĩ Mallarmé, “ông muốn nói gì trong bài thơ này?” Mallarmé trả lời, “Muốn nói gì thì nói chứ cần gì phải làm thơ”. Khi nào mọi loại ngôn ngữ từ đời thường, khoa học đến triết học... đã bất lực trước một hiện hữu tinh thần, khi ấy người ta phải dùng tới một thứ “ngôn ngữ của cõi trời” mà ta gọi là thi ca. Thi ca sinh ra không phải để biểu đạt một ý tưởng mà là để kiến tạo một hữu thể. “Thế giới không phải được tạo lập một lần, mà mỗi lần người nghệ sĩ độc đáo xuất hiện thì thế giới lại một lần được tạo lập” - Marcell Proust. Như thế, thơ ca cách mạng, cái mà Nguyễn Minh Châu gọi là “văn nghệ minh họa” đã không phải được sinh ra cho sứ mạng cao cả là kiến tạo những cõi giới linh hồn trong chốn mông lung vô định hình để đưa con người vượt thoát những đường lối cũ kĩ mà ngược lại, chôn thân trong vũng tư tưởng đã sẵn bày. Đó là một “hình thức” thơ, mượn những vần, những điệu để nói cho du dương một ý nghĩ mà đáng ra người ta hoàn toàn có thể diễn đạt bằng một thứ ngôn ngữ thông thường. Thơ đã mất giá như thế. Cả nhiều thập kỉ qua. Ảm đạm và khô cằn, nhựa hồn cạn dần theo ngày tháng... Nhưng ở một phương trời khác, Bùi Giáng tới như một Hoàng tử bé tới từ tinh cầu xa lắc, trả lại vinh quang cho Ngôi Lời.

Hãy nghe Bùi Giáng chào ta:

Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía sau
Tóc xanh dù có phai màu
Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng

 
Xin chào nhau giữa lúc này
Có ngàn năm đứng ngó cây cối và
Có trời mây xuống lân la
Bên bờ nước có bóng ta bên người

            (Chào nguyên xuân) [3]

Bùi Giáng nói gì? Có một thế giới lạ kì đăng trình: giữa - trước - sau; giữa - ngàn năm; xuống - bên; ta - người; chào - (không đối tượng); câu 1, 2 đứt lìa khỏi 3, 4; rằng - (không phát ngôn); - (không đẳng ngữ); khổ 1 - khổ 2 đứt lìa ý v.v. Chào nhau nhưng rồi lại bỏ quên “người đối diện” để chỉ miên man về những con đường, những lúc này. Một miền chữ của “sa mạc phát tiết”, vô định say dậy trong dập dìu nô nức chữ. Đó dường như không phải là một nỗ lực kiến tạo mà là một hủy - tạo. Bùi Giáng xóa đi những “bước đường tư tưởng” mòn nhẵn, “buồn nôn” ở những sự chờ đợi của biếng lười. Thi sĩ rải hoa ưu đàm trên cõi đất cằn khô, mỗi cánh hoa chữ theo gió mà đậu vào một phiến đá, một nhành cỏ, một cát bụi... để hiện ra một thế giới tươi tắn, một họa phẩm xuất thần lần đầu khai sinh. Cứ như thế, Trung Niên thi sĩ ném chữ lên trang, và trang hiện nên đời - một đời “rã riêng”. Nhưng Bùi Giáng không hoàn thành bức tranh của mình, những cánh hoa vừa đậu xuống, ngự trên ngai vàng thì gió nổi lên thổi tung và lại rụng xuống; những chữ cứ tuôn rơi xô lệch, những chữ đã yên vị để lại kiến tạo một hữu thể mới. Mỗi bài thơ của Bùi Giáng là một “lá hoa cồn”, là một “lễ hội tháng ba” của chữ, nô nức trẩy trên trang đời để làm một lễ hội mới, bất tận, không bao giờ viên thành sau dấu chấm hết.

Hỏi rằng: người ở quê đâu
Thưa rằng: tôi ở rất lâu quê nhà
Hỏi rằng: từ bước chân ra
Vì sao thấy gió dàn xa dặm dài
Thưa rằng: nói nữa là sai
Mùa xuân đương đợi bước ai đi vào


Hỏi - đáp như người mộng du! Cứ như những kẻ chiêm bao chuyện trò, như tháp Babel trêu chọc, như đời cô độc tự thuở xưa, như một “hận sự thiên nan vấn”. Cái “dã tâm” cố ý của Bùi Giáng đã rõ, ông chặn đứng tư duy, xô lệch lối nghĩ. Nó làm ta nhớ tới những công án thiền đại loại: hỏi “Phật là gì?”, đáp “rửa chén đi” hay “Tâm con không an. Xin thầy an tâm cho con”, đáp “Tâm của người đâu? Mang tâm ra đây ta an cho”. Cái đường lối thiền ngôn này trong thơ Bùi Giáng không phải chỉ được thể hiện trong những hỏi - đáp, nó gần như một thi pháp của Đười Ươi thi sĩ khi ông giỡn với chữ, chơi với câu để hiện thực hóa một thi giới Hữu thể - Hư vô - Hữu thể - và...

3.
Tại sao mà làm được như thế? Tất cả diệu tính ấy đã hàm chứa sẵn trong ngôn ngữ loài người. Nhưng từ một công cụ, ngôn ngữ đã quay lại thống trị con người như một kẻ chuyên chế độc tài. Sống qua ngàn năm lủi thủi trong một thứ ngữ pháp đã đóng băng khiến tinh thần con người trở nên héo tàn. Ngôn ngữ là con mắt của người, là gông xiềng của tư tưởng. Và khi phá tung ra những ô cửa vuông oan nghiệt ấy, cả một trời xuân sắc sẽ lên hương.

Nhưng thi pháp Bùi Giáng dù có chỗ gần gũi với lối thơ Trần Dần, Lê Đạt thì trước sau gì cũng không phải Lê Đạt, Trần Dần. Nếu thơ của các nhà Nhân Văn thiên về một lối sắp đặt nặng tính kỹ thuật thì Bùi Giáng phiêu bồng rỡn chỡ mà chơi. Chơi chữ đến Bùi Giáng đã đạt tới một cảnh giới tự nhiên như nhiên, tuyệt không còn dấu vết của “thôi xao”. Như thế nếu Lê Đạt tự nhận mình là một “phu chữ” thì Bùi Giáng không bao giờ được/ bị phong cho cái danh hiệu ấy! Đười Ươi tiên sinh không “làm chữ” mà là vẩy chữ lên trang.

Nếu nhiều nhà thơ “hiện đại” ngày đêm miệt mài trong “xưởng lao động thủ công thơ” thì Bùi Giáng vẫn viết một lối thơ rất cũ với lục bát, bảy chữ, tám chữ, năm chữ... Dường như ông không để tâm tới những thứ “tân hình thức”, thơ ông cứ tự nhiên chảy tràn theo những dòng sông loại thể cũ kĩ. Nhưng dòng sông thơ Bùi Giáng, dù vẫn bờ cũ nhưng chở cả một nguồn phù sa ăm ắp, mỡ màu của một hậu cấu trúc sâu thẳm bên trong.

Mép bờ nước mọc nguyên tiêu
Tờ điên hoa dậy trăng Chiều Dã Man
Đất về sử lịch thênh thang
Cồn Hoa Lá trút cho hàng ngửa nghiêng

                        (Cồn Hoa Lá)

Vẫn thể lục bát quen thuộc từ độ ca dao và giọng Kiều Nguyễn Du, nhưng Bùi Giáng đã xây thành một tòa cõi nao: Từ kết hợp độc đáo mọc nguyên tiêu, tờ điên, hoa dậy, Chiều Dã Man, sử lịch đến Việt Hán đồng hiện, đến cách viết hoa để danh từ hóa những từ thông thường, đến sự chuyển di đứt đoạn giữa các câu thơ v.v đã vẽ lại một bức tranh bằng cách xô dạt một dáng hình âu yếm cũ trong một điệu thơ hồn nhiên như tiếng thở của thiền sâu. Một cõi nước Bùi Giáng hóa hiện đúng như lời kinh rằng “vạn pháp duy tâm tạo”. Tâm tục thì họa áo cơm, tâm buồn vẽ nét hoa thơm rũ buồn. Tâm động lay cảnh ba đào, tâm thiền tịch tĩnh ba đào vắng im. Một tâm Bùi Giáng trung niên, vẽ những chớp bể mưa triền rong chơi.

Cõi ấy không thể gọi tên, chỉ có thể gọi Cõi Bùi Giáng. Một cõi vẽ - xóa “vô sở trụ” mà “sinh kì tâm”.

Cái thi pháp hủy thể này ở Bùi Giáng khiến ta nhớ tới Phật ngôn với vô vàn ví dụ, thử đọc “Bát nhã ba la mật đa Tâm kinh”:

Xá Lợi Tử, sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc, thọ tưởng hành thức diệc phục như thị. Xá Lợi Tử, thị chư pháp không tướng, bất sanh bất diệt, bất cấu bất tịnh, bất tăng bất giảm. Dịch: Nầy Xá Lợi Tử, sắc chẳng khác gì không, không chẳng khác gì sắc, sắc chính là không, không chính là sắc, thọ tưởng hành thức cũng đều như thế. Nầy Xá Lợi Tử, tướng không của các pháp ấy chẳng sinh chẳng diệt, chẳng nhơ chẳng sạch, chẳng thêm chẳng bớt.

Không bàn về nội dung của lời kinh, chỉ nói cái cách phủ định trùng trùng của nó để ta gặp Bùi Giáng. Đó là một lối “phá chấp” mà chân nhân Bùi Giáng đã dùng để làm “một ngàn hoa rớt hột” miên trường của thơ ông. Cái lối phá chấp ấy ta có thể gặp thấy trong nhiều bộ kinh khác của Phật giáo, tỉ như kinh Lăng Nghiêm: sau mỗi lần phủ định cái năng kiến và sở kiến của chúng sanh, Phật lại lặp lại kết luận: Phàm là lời nói đều chẳng phải nghĩa thật [5], để phơi bày dần cái Diệu chân như tánh của Như Lai tạng. Nhìn về hành trình ngôn thuyết của toàn bộ thuyết giảng của Phật ta cũng đồng thấy một sự phá chấp như thế: “Không có mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý. Không có sắc, thanh, hương vị, xúc pháp. Không có nhãn giới cho đến không có ý thức giới. Không có vô minh, mà cũng không có hết vô minh. Không có già chết, mà cũng không có hết già chết. Không có khổ, tập, diệt, đạo. Không có trí cũng không có đắc, vì không có sở đắc” - Bát nhã ba la mật đa Tâm kinh. Lối phá chấp ấy là linh hồn thơ Bùi Giáng tiên sinh:

Mở hai hàng cỏ tháng ba
Nhìn trăng bãi cũ em là biển xanh
Cánh chim về kết tụ nhành
Cho cây cối khẽ nghiêng mình bảo nhau
Rằng hồng nhan tới ngàn sau
Còn du dương hội sang giàu của em
Mở hai hàng cỏ ngó xem
Dòng thiên thu rộng là em bây giờ.

                        (Mở hai hàng)

Câu đầu vừa kịp “gợi tang tình” thì câu 2 đã xóa bằng một hình ảnh lung linh ngọc ngà… cứ như thế tụ - tán bất tận. Cho đến hai câu cuối, cũng vừa vẽ xong một nét đa tình (Mở hai hàng cỏ ngó xem) đã lại vời vợi một dòng thiên thu siêu hình. Nhưng dòng thiên thu chưa ráo mực thì “em” đã hiện như một xuyến xao…

4.
Ông Hoài Thanh nói “Cứ đại thể thì tất cả tinh thần thời xưa - hay thơ cũ - và thời nay - hay thơ mới - có thể gồm lại trong hai chữ tôi ta”. Và người ta trong các công trình lớn nhỏ đã trích dẫn liên miên quan điểm ấy của tác giả Thi nhân Việt Nam suốt gần 100 năm qua. Nó khẳng định tinh thần vô ngã của thơ cũ, và hữu ngã của thơ hiện đại như một dấu mốc cho sự ra đời của cái Tôi trên thi đàn Việt Nam kể từ ngày ấy. Nhưng Bùi Giáng dù luôn tự xưng “anh”, “tôi”, “ta”, “trẫm”... thì lạ thay, lại không có cái dấu vết gì của chữ Tôi ấy. Sự phá hủy trong thơ Bùi Giáng mà Thanh Tâm Tuyền gọi là “tự hủy” [2; tr. 559] ấy đã không neo lại trên bến trần gian cõi tạm này một cái Tôi nào (tôi không chắc Thanh Tâm Tuyền có dùng chữ “tự hủy” theo tinh thần mà bài viết này đang minh định hay không!)

Cái sự hủy thể của Bùi Giáng tiên sinh không phải chỉ ở việc hủy - tạo mà nhiều khi chỉ là việc không động tới hiện hữu!

Dạ thưa xứ Huế bây giờ
Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương


Cái thần mực diệu bút của câu thơ ở đâu? Không ở đâu cả, không có một kiến tạo ngôn ngữ tân kì, cũng không cung cấp 1 thông tin nào có giá trị cả. Nếu đi tìm cái “nội dung tư tưởng” của câu thơ thì thật thất vọng, nó chỉ như một lời nói thường. Nhưng chính cái “thường” ấy đã làm nên cái phi thường bởi nó chặn đứng những kiểu cách tân kì mà người làm thơ và kẻ thưởng thơ luôn bồn chồn không yên để rồi không thể “hiện pháp lạc trú”. Một hiện hữu bị bỏ quên, như ngọc quý trong túi kẻ ăn mày đã được Bùi Giáng nhẹ nhàng lấy ra. Viên ngọc bị vùi trong quên lãng của linh hồn tàn thu bỗng bừng sáng chỉ từ một nét duyên. Sự “ngạc nhiên” theo lối “hiếu tri” hài đồng của Trung Niên thi sĩ như thế, ta có thể đọc thấy nơi nơi: Bởi vì em ạ em ơi ồ em nhìn em đi nhé; em ồ em, anh nói một lời này; em ạ em ơi ồ em em nhỉ; Người con gái hôm nay mặc quần rách/ Vì hôm qua đã mặc chiếc quần lành; v.v…Chính cái lối không tân kì này lại rất tân kì bởi nó làm sống lại những những cảm xúc đã chai mòn cũ kĩ. Điều này làm ta nhớ lại những cuộc cách tân thơ hồi giữa thế trước khi Hữu Loan, Trần Mai Ninh, Nguyễn Đình Thi làm thơ văn xuôi. Lời thơ như lời nói mà gọi dậy cả ngàn năm say ngủ. Đó cũng là một kiến tạo, nhưng là kiến tạo đánh thức.

Thi giới Bùi Giáng là một cõi riêng Bùi Giáng mà chỉ có cảnh giới tinh thần vô ngã của bậc chân nhân không còn vướng lý chấp niệm mới có thể tiêu dao mải miết. Không ý niệm mà thành ý niệm, không giải thoát mà thành giải thoát, không vô ngã mà thành vô ngã, không nói vô thường mà ngộ vô thường, không thuyết sắc - không mà đạt lý sắc - không.

Thi giới Bùi Giáng vì thế là một cõi không bờ cõi, là một hiện hữu không hiện hữu, là một rong chơi đã đời hóa bướm, là một ngôn thuyết vô ngôn.

T.H  
(TCSH376/06-2020)

_____________________  
[1] Trúc Thanh (1984), Những cơ sở triết học trong ngôn ngữ học, Nxb. Giáo dục.
[2] Đoàn Tử Huyến (chủ biên) (2011), Bùi Giáng trong cõi người ta, Nxb. Lao động - TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây.
[3] Bùi Giáng (2012), Đười Ươi chân kinh, tinh tuyển thi văn Bùi Giáng, Nxb. Hội Nhà văn. * Các trích dẫn thơ Bùi Giáng cho bài viết này đều được rút từ [3].
[4] De Saussure F. (2005), Giáo trình ngôn ngữ đại cương (Cao Xuân Hạo dịch), Nxb. Giáo dục.
[5] Thích Duy Lực (dịch), Kinh Lăng nghiêm, https://tosuthien.com/kinh-sach/kinh-lang-nghiem/kinh- thu-lang-nghiem-quyen-ba.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng