Tác giả-tác phẩm
Nguyễn Thị Xuân Phượng, một “kỳ nữ” Huế
15:40 | 15/01/2021

NGUYỄN KHẮC PHÊ    

(Đọc “Gánh gánh… gồng gồng…”, Hồi ký của Xuân Phượng, Nxb. Văn hóa - Văn nghệ, 2020; Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2020)

Nguyễn Thị Xuân Phượng, một “kỳ nữ” Huế

Rất khó tìm một danh hiệu hay chức vị nào để gọi chị Xuân Phượng mà bao gồm được những công việc chủ yếu trong cuộc đời 90 năm của cô gái quê làng Nham Biều bên dòng Hương. Chiến sĩ quân giới - Nhà báo - Nhà làm phim - Bác sĩ - Nhà sưu tập tranh… Công việc nào chị cũng có những kỷ niệm kỳ lạ, cũng lập được kỳ tích. Vậy nên tôi gọi chị là “Kỳ nữ Huế”, mặc dù tác giả hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng…” từng là một phụ nữ sống thầm lặng trong hàng chục năm như Xuân Phượng không hẳn đã thích được tôn vinh như thế. Cái tên sách lấy từ một bài đồng dao dân giã đã gửi gắm ý tứ sâu xa của tác giả, đồng thời khái quát vẻ đẹp và chức phận của người phụ nữ Việt Nam. Khi cần, họ “Gánh sông gánh núi”, nhưng khi gia đình lên tiếng gọi, thì lập tức “Ta chạy cho nhanh/ Về xây nhà bếp/ Nấu nồi cơm nếp/ Chia ra năm phần…”. Nói vui một chút, nhìn 4 chữ “G” viết tắt tên sách, xin tặng chị Xuân Phượng một danh hiệu nữa: “Người phụ nữ Bốn Giỏi!” Sợ chị Xuân Phượng khiêm tốn, chứ số 4 chưa đủ; ở trên, tôi “điểm” 5 công việc chị đều có kỳ tích mà chưa tính vai trò làm vợ, làm mẹ của chị; cũng chưa tính “thành tích” quảng bá cho văn hóa và lịch sử cách mạng Việt Nam với “tiền thân” của “Gánh gánh… gồng gồng…” là cuốn “Áo Dài” viết bằng tiếng Pháp do Nxb. Plon in và phát hành tại Paris năm 2001; sau đó được dịch sang tiếng Anh, tiếng Ba Lan và Xuân Phượng được mời đi diễn thuyết nhiều nơi ở Pháp và Mỹ, liền mấy năm là đầu sách bestsellers trên kênh Amazon!

Đọc những dòng ở trên, có thể sẽ có bạn nghĩ rằng tác phẩm của Xuân Phượng thuộc dòng hồi ký thiên về “kể công”. Không! Chẳng qua cuộc đời chị đã có những sự kiện như thế, chẳng lẽ lại “giấu” bớt đi! “Gánh gánh… gồng gồng…” là một hồi ký chân thực đến tận cùng, tác giả không hề né tránh những tình tiết mà “thuật ngữ” phê bình thường gọi là “nhạy cảm”, cả trong việc chung lẫn tình riêng, do đó giúp bạn đọc hiểu thêm chiều sâu lịch sử đất nước qua số phận độc đáo của một người phụ nữ Huế.

“Gánh gánh… gồng gồng…” cuốn hút độc giả không chỉ nhờ cách viết chân thực của tác giả. Thật bất ngờ khi một bà cụ trên “cửu tuần” lại có bút pháp trẻ trung và hiện đại như thế. Các chương sách vẫn chủ yếu theo dòng thời gian, nhưng tác giả không kể lể dông dài, mà được “nén chặt” như một thời Xuân Phượng còn là chiến sĩ quân giới nhồi thuốc nổ; đặc biệt, độc giả đang mải theo câu chuyện “ngày xưa” thì thật thú vị khi được chị bất ngờ và khéo léo “dẫn” tới những cảnh gặp gỡ xúc động đầy ý nghĩa, có khi hơn nửa thế kỷ sau. Ví như chương mở đầu, Xuân Phượng kể lại chuyến lỡ đò lên chiến khu năm 16 tuổi, trốn gia đình theo tổ chức “Học sinh Cứu quốc Huế” tháng 6/1945 trong tiếng súng lính Pháp đóng ở Võ Miếu mở trận càn: “Tôi vất vội chiếc xe đạp, lao xuống bến và nhảy lên đò… Con đò Huế của buổi sáng hôm ấy đã đưa tôi ra xa, xa mãi cái bến đò Chợ Mai của tuổi trẻ…”. Thế rồi chỉ ngay mấy dòng sau, tác giả viết: “Nửa thế kỷ sau tôi mới được biết ba tôi đã từ trần năm 1981 tại San Diego. Em trai thứ hai là đại tá không quân của quân đội Cộng hòa tại Đà Nẵng, đã cùng gia đình vội vã rời Sài Gòn chỉ ba ngày trước khi tôi - lúc bấy giờ là một phóng viên chiến trường - đang cùng đồng nghiệp vào quay phim Dinh Độc Lập sau ngày 30/4/1975…”. Và trang sau là cuộc gặp gỡ mẹ con sau 40 năm xa nhau: “Tháng 7 năm 1989, tôi gặp mẹ mình và các em tại sân bay Charles de Gaulle Paris. Gia đình đã bay từ Mỹ sang thăm vì tôi chưa có thị thực vào Mỹ. Chúng tôi cười cười khóc khóc trong niềm vui đoàn viên. Trong một bữa cơm trưa, bỗng mẹ tôi chống đũa nhìn tôi: “Con ơi, sao con theo họ làm chi, để gia đình ly tán, phải rời quê cha đất tổ, con ơi!” Tiếng kêu thảng thốt tự đáy lòng của một người già ly hương làm mọi người chết lặng…”.

Những ngày ở Paris, Xuân Phượng cố tình không đả động đến vấn đề tế nhị trên; nhưng từ đấy, chị “nảy ra ý định phải kể lại đời mình.”

Đọc những trang viết như thế, hẳn là ai cũng muốn mở tiếp cuốn sách. Trong nhiều chương của tác phẩm, tác giả đã đưa bạn đọc cùng vượt qua trùng trùng không-thời gian, cũng có nghĩa là mở rộng cánh cửa nhìn thấu được những biến thiên của thời cuộc và số phận đời người. Trong một chương kể lại chuyến đi năm 1967 làm phim “Vĩ tuyến 17 - chiến tranh nhân dân” với cảnh quay bé Đức 9 tuổi tháo lắp thành thạo một khẩu súng AK, tác giả dẫn chúng ta “qua” Pháp năm 1968, nghe đạo diễn Ivens trả lời một khán giả vì sao lại có cảnh đó; và tiếp liền là chuyện năm 2007, khi Xuân Phượng làm bộ phim “Trở lại Vĩnh Linh - 40 năm sau”, giữa cái nắng chang chang hầm hập, chị “lùng” khắp đất Quảng Trị để tìm gặp cậu bé năm xưa. 40 năm trước, chị cũng đã đỡ đẻ cứu sống sản phụ và thai nhi trong địa đạo, “người cha đem biếu đoàn mấy củ khoai mì. Anh cầm tay tôi: “Tui cảm ơn O không kể xiết. Xin O đặt tên cho con trai tui” - “Tôi xin đặt tên cháu là Nguyễn Xuân Phượng, là tên của tôi”; tình nghĩa như vậy, nên 40 năm sau trở lại, chị đã nhờ tất cả các cơ quan báo chí Quảng Trị, lần mò ra tận Quảng Bình, nhưng không sao tìm được cháu Phượng năm xưa! Thật may là với bé Đức, cũng có thể nói ông Trời không phụ tấm lòng của bà lão Xuân Phượng tuổi gần tám chục, đã bỏ công đi hết xã này đến xã khác, rút cuộc, người quay phim của Đài Truyền hình Quảng Trị chợt nhớ ra mình có học với một thầy giáo tên Đức, nay ở Dốc Miếu. Cuộc hội ngộ “O Phượng và bé Đức” cũng đáng gọi là lịch sử:

“Đâu, O Phượng đâu, trời đất ơi, O Phượng đâu?” Tôi quay lại. Đây, bé Đức của tôi đây rồi… Vẫn đôi mắt ấy, vẫn nụ cười có hai chiếc răng khểnh ấy. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, tưởng chừng như không hề có gần nửa thế kỷ đã qua…”.

Thú thật là tôi đã rơi nước mắt vì xúc động khi chép lại đoạn văn trên. Vẫn chưa hết! 5 năm sau - năm 2012, Xuân Phượng sang Paris, đến thăm vợ chồng đạo diễn Ivens Joris, nay chỉ còn bà Marceline, mang theo gói quà của Đức là một ki-lô tiêu đen hái từ khu vườn trên Dốc Miếu của Đức.

“… Chúng tôi đem một gói nhỏ hạt tiêu và đặt trên mộ Ivens… Ánh nến nhỏ lung lay trước mộ. Trời chiều Paris trong nghĩa trang Mont Parnasse trở gió, Joris đang ở cùng chúng tôi…”.

Còn nhiều, rất nhiều những cuộc gặp gỡ kỳ lạ và xúc động như thế nữa! Nhưng ở đây, tôi chủ yếu bàn về “thi pháp hồi ký” của chị Xuân Phượng. Có thể nói, chỉ với lối viết ấy, một cuộc đời 90 năm phong phú như của Xuân Phượng mới có thể hiện lên với từng chi tiết đắt giá nhất chỉ trong một cuốn sách 300 trang. Nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn đã nhận xét: “Có một cảm giác đặc biệt khi đọc “Gánh gánh… gồng gồng…” là thấy trước mắt không phải là những dòng chữ, mà là lời nói, là hơi thở, là máu và nước mắt của chị đang chảy.”

*
Chính vì ấn tượng sâu đậm sau khi đọc mấy chương sách kể lại chuyện quay phim ở Vĩnh Linh, tôi đã “sáng tạo” ra danh hiệu “Bốn Giỏi” tặng chị Xuân Phượng cho vui! Vĩnh Linh - Quảng Bình, là địa phương một thời có phong trào bình bầu chiến sĩ “Hai giỏi” - vùng đất không phải quê hương Xuân Phượng, nhưng lại là nơi chị “bén duyên” với nghiệp làm phim, để từ vai trò một bác sĩ kiêm phiên dịch cho đoàn làm phim Pháp với vị đạo diễn lừng danh Joris Ivens năm 1967, Xuân Phượng trở nên tác giả 5 phim tài liệu đoạt giải thưởng cao tại Liên hoan phim quốc tế Leipzig (Đức) liên tục từ năm 1974 đến 1981 và nhiều tác phẩm đạt giải tại Liên hoan phim Việt Nam!

Hơn hai tháng sống chết cùng đoàn làm phim bên cạnh quân dân Quảng Bình - Vĩnh Linh giữa thời kỳ bom đạn khốc liệt nhất, mới vào đến Thanh Hóa cả 3 chiếc xe bị bom, một quay phim bị thương, phải chờ Hà Nội cấp 3 xe khác; vào đến Hà Tĩnh, bà Marceline lại bị thương phải nằm lại, đi vào sau, 5 ngày nằm ở hang động Quảng Bình vì tắc đường, nhai lương khô mất 3 thùng trong 15 ngày… bao phen thót tim vì cái chết cận kề… Chị Xuân Phượng kể:

“Ngày 16 tháng 6 năm 1967. Như mọi sáng khác, đoàn làm phim đã từ địa đạo trườn lên mặt đất. Ánh sáng chói lòa đập vào mắt cay xè… Suốt đêm qua, Ivens lên cơn hen. Hầm ngột ngạt, ông phải dựa lưng vào vách đất ẩm ướt, hơi thở khò khè, đứt quãng. Tôi rất lo. Trước khi lên đường vào giới tuyến, Bác Hồ căn dặn: “Đồng chí Ivens là bạn của Bác, là một chiến sĩ điện ảnh cách mạng quốc tế rất có uy tín trên thế giới. Bằng mọi giá phải bảo vệ đồng chí ấy…”.

Vì thế, nhân viên Cục bảo vệ cùng đi, luôn nhắc: “Đoàn chỉ được phép ở mặt đất 15 phút, 5 phút một lần phải xuống hầm…”. Nhưng ông Ivens không hiểu gì cứ “C’est bon! C’est bon!” (Được rồi!) và hô các tay quay bấm máy, mặc máy bay gầm rú…

Kể về gian khổ, hy sinh thì nhiều chuyến đi của các nhà quay phim, nhà báo Việt Nam có khi còn nguy nan hơn, nhưng với Xuân Phượng thì đây là sự kiện đặc biệt, nhớ đời. Một số nhà làm phim hàng đầu Việt Nam được Bác Hồ gọi đến giao nhiệm vụ cùng đi với đạo diễn Ivens thì đã đành, nhưng thật bất ngờ khi Xuân Phượng được ông Phạm Ngọc Thuần, Chủ nhiệm Ủy ban Liên lạc văn hóa với nước ngoài bảo: “Em ngưng mọi công việc, lên ngay Dinh Chủ tịch, nhận lệnh của Bác Hồ!” Chỉ có thể nói là “duyên may”. Lúc đó, hầu như chưa mấy ai biết đến cô bác sĩ nhờ có vốn tiếng Pháp được điều làm nhân viên cơ quan ông Phạm Ngọc Thuần để lo chăm sóc sức khỏe những nhân vật hoạt động văn hóa nước ngoài đến thăm Việt Nam. Nhờ thế mà Xuân Phượng không chỉ được đạo diễn Ivens gợi ý chuyển nghề làm phim, dạy cho chị những bài học vỡ lòng về điện ảnh, trở thành bạn thân thiết với vợ chồng nhà đạo diễn nổi danh này mà còn được quen biết với nhiều, rất nhiều những tên tuổi văn nghệ sĩ được cả thế giới ngưỡng mộ như nhà báo Pháp Madeleine Riffaud, nữ diễn viên Jane Fonda, nhà thơ Bulgarie Blaga Dimitrova… và cả chủ tịch Fiel Castro, anh hùng vũ trụ Titov…

Cuộc đời Xuân Phượng có nhiều “duyên may” như thế. Mà đã nói đến “duyên” thì đi liền đến “phận”. Trong chương “Quê ngoại” kể lại chuyến trở lại Huế ngày 27/3/1975, sau gần 30 năm xa làng Nham Biều, với “thi pháp” đan xen ký ức từ không-thời gian khác nhau, Xuân Phượng hồi tưởng thời còn ở Đà Lạt năm 1941, một thầy tử vi nói: “Cô cả này lạ quá. Số không có êm đềm, luôn dậy sóng như biển vào cơn bão, vào sinh ra tử nhiều lần. Khổ nhất là không nuôi dưỡng được cha mẹ ngày nào, không được nhìn mặt cha mẹ lúc cuối đời…”. Mẹ Xuân Phượng trả tiền và bảo người nhà từ nay không được mời ông thầy nói năng hồ đồ này nữa! Vậy mà những điều ông ấy nói đều đúng, nên Xuân Phượng viết: “Mỗi con người phải chăng là có một số phận?” Hơn 60 năm sau, khi mẹ qua đời, Xuân Phượng mới có điều kiện báo hiếu cha mẹ, đưa di hài song thân thờ sau nhà Đại Lễ chùa Huyền Không - ngôi chùa được xây dựng trên cả khu vườn của gia đình bà ngoại Xuân Phượng hiến tặng.

Nói đến số phận, Xuân Phượng đặt một dấu hỏi, nhưng quả là cuộc đời chị như đã được “lập trình” đâu đó, luôn gặp bão giông. Từ thuở ấu thơ sống tại Đà Lạt (do thân phụ Xuân Phượng là ông Đốc Cán được bổ nhiệm làm Thanh tra Học chính kiêm Hiệu trưởng trường Tiểu học duy nhất lúc bấy giờ ở Đà Lạt), đang học hành “ngon lành” tại trường Tây (thường gọi theo tiếng Việt là “Trường Bồ Câu Trắng”) theo hình mẫu ngôi trường mà Nguyễn Hữu Thị Lan (sau này là Nam Phương hoàng hậu) học tại Pháp, thì Nhật đảo chính Pháp, trường phải đóng cửa, Xuân Phượng một mình lên tàu về Huế vào học trường Khải Định (tức Quốc học); chẳng bao lâu, không khí “xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” cuốn Xuân Phượng lên đường. Hai cậu cháu cùng trốn nhà ra đi, nhưng đến bến đò chợ Mai, cậu quay lại lấy chiếc bơm xe đạp, rồi súng Pháp nổ, con đò đưa Xuân Phượng vào cuộc chiến đấu chống giặc xâm lược cho đến tận Điện Biên 5/1954 rồi đến Dinh Độc Lập 5/1975, trong khi người cậu “lỡ đò”, sau đó được ông bà ngọai cho sang Pháp học để trốn lính, rồi trở thành nhà báo!...

Bỗng chợt nghĩ: nếu Xuân Phượng cũng “lỡ đò” sáng tháng 6/1945 ấy thì sao? Con người quả có số phận, nhưng còn bị lệ thuộc, bị giằng xé vì thời cuộc. Xuân Phượng giúp ông cậu là Việt Minh chuyển truyền đơn, cờ, hoạt động trong Đoàn tuyên truyền mặt trận khu C suýt chết khi cùng nhóm bò vào Trường Kỹ thuật thực hành Huế giúp bộ đội rút khỏi vị trí đang bị quân Pháp bao vây (bạn cô, Lê Khắc Thìn, 16 tuổi, đã trúng đạn chết!); mẹ tìm đến, kéo về: “Chao ôi, sao con sống khổ cực thế này!...”; Xuân Phượng ôm mẹ khóc nhưng nhất quyết không lùi bước; cũng có những ngày vui tập luyện văn nghệ với những Tăng Hích (tức Trần Hoàn), Lê Khánh Căn, Hoàng Thi Thơ… Nhưng rồi mặt trận Huế vỡ, theo lệnh rút ra Nghệ An. “Đi xuyên rừng trong đêm… Con đường đi bộ 200 cây số dài vô tận… Tôi đau đến nỗi nhiều lúc vừa đi vừa thét lên…”. Sau đó, cũng đã có những người bỏ cuộc, trong đó có em gái một cựu sinh viên Thanh niên tiền tuyến, bạn thân với phu quân XP - “công tử” Tôn Thất Hoàng, con một vị Thượng thư triều Khải Định, về sau là PGS. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Riêng với Xuân Phượng, chính trong những năm tháng gian khổ đó, cô cán bộ tuyên truyền chưa đầy 20 tuổi đã bén duyên với một chàng trai rất tài hoa, mối tình đầu khá đặc biệt; cũng có thể nói, lần đầu, cô “bén duyên” với hoạt động văn nghệ, cả với ngành y, khi Xuân Phượng đầu quân vào Quân Y vụ Liên khu Bốn tại làng Bạch Ngọc (gần Đô Lương - Nghệ An). Mặc dù gặp phải viên bác sĩ trưởng Quân y vụ xấu chơi, khiến Xuân Phượng và một bạn gái đồng nghiệp trên chuyến đò về cơ quan, phải liều mình nhảy xuống sông trong đêm để bảo toàn trinh tiết, nghề y như là nhịp cầu đã đưa Xuân Phượng gặp gỡ, học hỏi rất nhiều văn nghệ sĩ hàng đầu của đất nước và thế giới. Trước khi được gặp đạo diễn Ivens, trong thời gian làm Trưởng Phòng khám Nhi khu Ba Đình (Hà Nội), trên đường Nguyễn Thái Học, Xuân Phượng đã có dịp lui tới, quen biết, săn sóc các cháu của những văn nghệ sĩ tài danh trong một chung cư đặc biệt gần đó, như nhạc sĩ Đỗ Nhuận, các họa sĩ Mai Văn Hiến, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Văn Giáo, nhà văn Vú Tú Nam, giáo sư Hoàng Tuệ (thân phụ nhà văn Bảo Ninh)…

Phải có “duyên may” này, trên những chặng đường sau của cuộc đời mình, Xuân Phượng luôn được “quý nhân” phù trợ. Năm 1969, khi Xuân Phượng đã 40 tuổi và có 3 con, nghe lời khuyên của đạo diễn Ivens: “Tôi thấy Xuân Phượng có những năng khiếu của một người làm phim… Nghề bác sĩ hay nghề phiên dịch rất cần thiết, nhưng tìm được một nữ làm phim chiến trường ở Việt Nam thật không phải dễ dàng. Tôi hết lòng mong muốn Xuân Phượng mạnh dạn làm cuộc cách mạng cho chính đời mình”, chị quyết định rời chỗ làm yên ấm trong cơ quan đối ngoại, thường được ăn nghỉ tại khách sạn sang nhất Hà Nội, về nhận công tác tại Xưởng phim Vô tuyến truyền hình (thuộc Bộ Thông tin). Người nữ phóng viên mới tập tành vào nghề đó đã được nhạc sĩ lừng danh Hoàng Vân bỏ nhiều công sức viết nhạc cho hàng chục phim, trong đó, anh đã đồng hành đến những miền xa xôi như Tây Nguyên viết nhạc cho bộ phim “Giọt nước cao nguyên” với lời bình của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn; rồi nhạc sĩ Hồng Đăng với nhà văn Vũ Hạnh viết nhạc và lời bình cho phim “Việt Nam và chiếc xe đạp” (Giải Bồ Câu Bạc tại Liên hoan phim Quốc tế Leipzig 1978); nhà thơ Chế Lan Viên là “người quen” với Xuân Phượng thời Khu Bốn kháng chiến 1947 đã thức thâu đêm viết lời bình cho phim “Khi những nụ cười trở lại” và phim “Tôi viết bài ca hồi sinh”

“Tôi không bao giờ có thể quên được những người đã đồng hành cùng tôi… Biết bao là kỷ niệm. Một lời cảm ơn không đủ… Thương mến mãi mãi những tấm lòng bè bạn chí thiết ấy…”. Xuân Phượng đã viết như thế trong chương “Đi một ngày đàng… học một sàng khôn”.

Chuyện “duyên may” trong cuộc đời Xuân Phượng kể không hết. Tất nhiên là từ đó, phải có nghị lực và bản lĩnh như Xuân Phượng mới đi đến những thành tựu. Ở đây, chúng ta còn thấm thía bài học nhân - quả “gieo gì gặt nấy”. Sau chiến thắng Điện Biên (7/5/1954), trung tá Tôn Thất Hoàng, người thầy của nhiều lớp chiến sĩ pháo binh Việt Nam, người tham gia trận đánh quyết định tại đồi A1, bận rộn với quá nhiều quân vụ, trong đó có việc chuẩn bị công phu cho lễ diễu binh mừng chiến thắng tại Thủ đô, nên gần như đã “bỏ quên” ba mẹ con Xuân Phượng trong căn lều ở Tuyên Quang! Chiến thắng rồi, hòa bình rồi, tờ báo “Công tác Thóc gạo” chủ yếu tuyên truyền việc huy động lương thực cho các mặt trận (nơi Xuân Phượng làm việc) hết nhiệm vụ; xung quanh “thiên hạ” lần lượt về xuôi, không còn ai để nhờ cậy, cũng không còn gì ăn, không một xu dính túi, ba mẹ con buộc phải liều mình làm cuộc “trường chinh” ngược chiều mặt trận kỳ lạ, cực khổ mà cũng may mắn cực kỳ!

“…Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi rời Gò Gai. Một bên đòn gánh là cái thúng với 3 con gà nhốt trong lồng và một cái xoong khuấy bột. Đầu bên kia Phước ngồi… Tôi địu cháu Phương sau lưng… Nhiều đêm mấy mẹ con lạc trong rừng mịt mùng. Đom đóm bay đầy trời. Phước khóc thét lên. Tìm một gốc cây to, tôi leo lên buộc dây chằng xuống giữ hai con tôi với cái lồng gà… Trời về sáng càng buốt lạnh, áo quần ướt đẫm sương, tôi lại thất thểu ra đi, không biết bao giờ mình có thể đến được Hà Nội…”.

Rồi mẹ con cũng ra đến những nơi có hàng quán, được bà con cho gạo nấu cháo, cho ngủ nhờ. Có chị chủ quán còn xin Phước làm con nuôi. Và điều kỳ diệu đã đến khi ba mẹ con “ra được con đường trải nhựa. Chân tôi đã rớm máu. Tôi nhìn lên thấy một ngôi chùa… Tôi quỳ xuống chắp tay: “Cầu Trời Phật giúp đỡ cho con”, rồi ngất đi… Tiếng xì xào: “Tội nghiệp đứa ăn mày với hai con”… Những người vây quanh là những chủ hiệu vải giàu có ở Hàng Đào, Hàng Ngang (Hà Nội) đi lễ chùa, trong đó có bà Tùng Hiên. Họ cho ba mẹ con lên xe và khi biết Xuân Phượng là con ông Đốc Cán, bà thốt lên: “Trời Phật ơi!... Tôi cũng đã lên Đà Lạt ở nhà ông bà vài lần…”.

Về đến Hà Nội, bà Tùng Hiên đã cho ba mẹ con ở một gian phòng rộng. Vẫn chưa hết chuyện về cuộc gặp gỡ hiếm hoi này. Nhưng đang nói đến “duyên may” và “nhân - quả”, có lẽ cũng nên dẫn thêm chuyện Xuân Phượng “bỗng nhiên” trở thành nhà sưu tập tranh và… cả gan đem tranh Việt Nam đi triển lãm ở nhiều nước trên thế giới. Quen biết Xuân Phượng cũng đã lâu, cũng biết chị mở phòng tranh Lotus tại một phố thuộc khu “đất vàng” tại Tp. HCM, nhưng tôi chưa ghé thăm địa chỉ này lần nào. Học theo tinh thần “viết thật” mọi chuyện của chị, tôi nói điều này, xin chị Xuân Phượng đừng giận: Tôi thú nhận là người dốt trong lĩnh vực rất khó diễn giải “xấu - đẹp” hay “đúng - sai” này, mặc dù đã được các cố họa sĩ Vĩnh Phối, Trương Bé… giảng giải mấy lần và đã “cả gan” viết sách về danh họa Lê Văn Miến, nên đến phòng tranh của chị thì biết bình phẩm thế nào? Tôi ngại, còn vì có chút… nghi ngờ: Cũng biết chị giỏi nhiều việc, nhưng chị học vẽ ở đâu, trình độ nào để thẩm định tác phẩm mỹ thuật? Đọc “Gánh gánh… gồng gồng…”, tôi mới “ngộ” ra, hình như Xuân Phượng chưa học vẽ với ai, nhưng hơn tất cả mọi người, chị có may mắn quen thân, tức là được sống trong thế giới màu sắc, hình ảnh cùng các nghệ sĩ bậc thầy, thì đôi mắt của Xuân Phượng cũng tinh tường lắm trong thẩm định nghệ thuật. Đó là chưa nói đến cái vốn văn hóa Pháp mà Xuân Phượng được thẩm thấu từ tuổi thơ và năng khiếu Trời cho. Hẳn là Xuân Phượng cũng tự tin như thế nên ngay sau khi có giấy phép mở phòng tranh Lotus cuối năm 1991, chị bay ra Hà Nội, “cả gan” mua “chịu” cả phòng tranh 72 bức của một họa sĩ hầu như chưa mấy ai biết tại “Triển lãm tranh của họa sĩ Trương Đình Hào” tại Nhà Triển lãm Tràng Tiền, mặc dù phòng tranh không có người xem và tác giả thì ngủ gật phía sau! Hào tốt nghiệp loại ưu Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1978, khi được phân công lên Bắc Giang chỉ lo phần màu sắc y phục cho đoàn chèo; tranh của anh thường vẽ theo “kiểu Tây”, thời đó chưa mấy người hiểu và chấp nhận, đến nỗi anh đã suýt uống thuốc sâu tự tử và đốt hết tranh vẽ trước năm 1986! Chỉ nhìn qua “những bức tranh vẽ một nét trên giấy, mạnh mẽ, táo bạo, màu sắc dữ dội”, Xuân Phượng thích cả 72 bức, nhưng không đủ tiền nên quyết định mua 36 bức để mở triển lãm khai trương phòng tranh Lotus. Nghe vậy, Hào nói ngay: “Nếu chị mua 36 bức thì em biếu chị 36 bức kia!” Hương, vợ Hào thì thầm: “Ở nhà em còn khối, chị có muốn đi xem tranh của anh ấy không?” Ngay lập tức, Hào đóng cửa phòng tranh đưa Xuân Phượng vượt 120 km đường sá còn gập ghềnh thời đó lên Bắc Giang trong đêm với giá thuê xe đắt gấp đôi. Căn nhà ọp ẹp của Hào còn 300 bức và Xuân Phượng hứa mua hết. Không kể cuộc triển lãm khai trương Lotus thành công quá mong đợi (mặc cho một họa sĩ nổi tiếng mỉa mai: “Mười Hào chưa được một đồng, sao chị dám mạo hiểm như vậy?”), để khỏi dài dòng, chỉ xin đưa con số thống kê có sức mạnh hơn mọi lý lẽ và đáng gọi là kỳ tích: Từ năm 1991 đến 2003, Xuân Phượng đã mua 4.200 tranh của Hào và đã đưa họa sĩ đem tranh triển lãm ở rất nhiều nước, nhiều lần như ở Pháp, Singapor, Manila, Bỉ, Mỹ… và đã bán được 3.000 tranh, giúp vợ chồng Hào mua được nhà ở Hà Nội…

“Tháng 11 năm 2018, nghe tin Hào bị đột quỵ, tôi bay ra thăm… Đã trên 80 tuổi, Hào cử động khó khăn, không nói được nữa… Vẫn biết đời người không quá trăm năm, nhưng tài năng, nghị lực, và ý chí bất khuất của người họa sĩ này là một tấm gương sáng cho tôi noi theo.”

Câu chuyện quanh họa sĩ Trương Đình Hào hẳn cũng để lại những điều đáng gọi là bài học cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Còn bàn đến “duyên may” thì không biết Xuân Phượng và Hào, ai có diễm phúc hơn? Thú thực tôi là người chưa tin (hoặc chưa hiểu thấu) luật “nhân - quả” - làm sao cắt nghĩa cho thấu đáo việc bao nhiêu người tốt đã bị hãm hại và vô số kẻ xấu cứ nhởn nhơ? Tuy vậy, từ mối quan hệ Xuân Phượng và Hào, tôi “ngộ” ra rằng “nhân - quả” là một chuỗi nối tiếp lặng lẽ chuyển dịch qua các thế hệ, qua người khác nữa…

*
“Gánh gánh… gồng gồng…” thuộc dòng văn học phi hư cấu, nên phẩm chất đầu tiên và quan trọng nhất của tác phẩm là tính chân thực. Ở hai phần trên, bạn đọc cũng đã thấy phần nào tác giả đã can đảm viết lên sự thật như thế nào, nhưng ngại dài dòng và lạc “chủ đề” đang bàn luận, nên tôi chưa nói hết. Như cuộc “trường chinh ngược dòng” ngay sau chiến thắng Điện Biên thì có lẽ Xuân Phượng là người đầu tiên miêu tả “cận cảnh” sự thảm thương đến thế. Còn chuyện tái ngộ với bà Tùng Hiên, phần sau toàn cảnh không vui, tác giả cũng không hề né tránh. Mấy mẹ con đang được săn sóc chu đáo, được tắm nước nóng với xà phòng thơm thì sau lễ duyệt binh, anh Tôn Thất Hoàng ghé thăm. “Đứng trước gian hàng vải vóc, tơ lụa chất đầy đến ngọn của hiệu Tùng Hiên, anh không bước vào và gọi tôi ra… “Sao em lại ở trong nhà một gia đình tư sản? Thế chúng ta đấu tranh lâu nay để làm gì?...” (Lúc ấy, anh Hoàng nào đã biết chính cụ Hồ cũng đã ngồi viết Tuyên ngôn Độc lập tại ngôi nhà của gia đình nhà tư sản Trịnh Văn Bô và Hoàng Thị Minh Hồ ở 48 Hàng Ngang!) Mặc Xuân Phượng giải thích, mấy ngày sau, ba mẹ con phải rời nhà tư sản đến ở một gian phòng chật chội, ban ngày cũng phải thắp đèn tại khu tập thể số 1 Lê Phụng Hiểu. Và đến tháng 8 năm 1959, Xuân Phượng được cấp báo chạy đến thì cửa hàng Tùng Hiên bị niêm phong, vải vóc vứt bừa bãi, một người lạ đã chiếm căn phòng từng là tổ ấm của mẹ con Xuân Phượng, còn bà chủ đầm đìa nước mắt...

Một cảnh đời riêng không chỉ đã tái hiện được không khí cuộc cách mạng mới ở Thủ đô mà còn cho chúng ta hiểu sâu hơn tâm tư lớp người trí thức một thời trung thành với lý tưởng, chí công vô tư một cách tuyệt đối có khi đến khô cứng và cả ngây thơ nữa! “Cứng nhắc” đến mức khi ngồi trên xe hàng đầu trong cuộc diễu binh mừng chiến thắng Điện Biên, thấy vợ con đứng bên phố gọi “Cha! Cha!” người hùng đánh Đồi A1 “mắt nhìn thẳng, nghiêm nghị, không một nụ cười… ngồi nghiêm như một pho tượng”, trong khi lữ đoàn trưởng xe tăng ngồi cạnh quay lại vẫy tay, mỉm cười. Cả chuyện anh Hoàng lo theo quân vụ, mặc kệ vợ con nheo nhóc về xuôi và trước nữa, khi Xuân Phượng sinh con đầu lòng, anh khiêng vợ đến thuyền rồi chạy ngay theo công việc, bỏ mặc chị vượt cạn trong đêm khuya trên con đò không người quen; rồi việc anh muốn giáo dục con chịu khổ như mọi trẻ em thời bao cấp, rất khó chịu khi vợ xin 1 đồng mua kẹo cho con… Xuân Phượng đều kể hết, mặc dù chị biết sẽ có không ít bạn đọc chê trách anh. Nhưng sự thật là thế và Xuân Phượng đã yêu con người ngay thẳng, trong trẻo và… ngây thơ như thế! Con người ấy rồi cũng có lúc “mềm lòng”, khi biết bà Tùng Hiên “tán gia bại sản”, “anh Hoàng từ đơn vị pháo binh về mang theo một túi gạo nhỏ và một gói đường, một chai nước mắm. Anh bảo tôi: “Em đưa đến biếu bà Tùng Hiên. Tội quá!”

Mấy dòng “Tạm biệt” cuối sách, Xuân Phượng viết: “Chỉ mong các bạn khi đọc một chương nào đó bỗng xao xuyến thấy lại tuổi trẻ của mình, sẽ mỉm cười, sẽ xót thương, hay sẽ yêu mến số phận một Con Người - hơn nữa, số phận một Người Đàn Bà…”. Tác giả quả đã tinh tường đoán nhận được những trạng thái tình cảm của bạn đọc đối với “Gánh gánh… gồng gồng…”. Nhắc đến “số phận một Người Đàn Bà”, có lẽ cũng nên để bạn đọc biết thêm chuyện tình duyên mà Xuân Phượng cũng đã bộc bạch một cách không thể chân thực hơn. Mối tình đầu của Xuân Phượng không thành, do chàng trai là con một, bà mẹ không thể để con dâu ở xa, mà Xuân Phượng thì nhất quyết không rời đội ngũ. Chàng trai đó là Nguyễn Đức Nam, người bà con với nhà phê bình Hoài Thanh, về sau trở thành một giáo sư dạy văn học phương Tây, một nhà quản lý giáo dục được nhiều người mến mộ. Điều đặc biệt là tuy không nên duyên chồng vợ, nhưng hai người vẫn… thương nhau, luôn quan tâm đến nhau, cả khi Xuân Phượng đã thành hôn với anh Hoàng tại Việt Bắc năm 1949. Xuân Phượng là “lính” dưới quyền anh Hoàng từ khi về chế thuốc nổ tại Nha Nghiên cứu kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng, cho đến ngày xảy ra vụ tai nạn, hai đồng nghiệp bị thương, Xuân Phượng ngất đi, khi tỉnh dậy, thấy anh Hoàng bên cạnh. “Anh vuốt nhẹ mái tóc tôi, cúi xuống thầm thì: “Nín đi em! Nín đi em!” Và tôi ngủ thiếp đi trong vòng tay anh. Tai nạn kinh hoàng này làm anh Hoàng và tôi thêm gần nhau. Tôi cần một bờ vai để nương tựa…”. Chỉ ít lâu sau, nghe tin Xuân Phượng lấy chồng, anh Nam từ Nghệ An, vượt qua bao hiểm nguy trên chặng đường 500 km tìm thăm “mối tình đầu”! Anh Hoàng đã biết “tình sử” hai người từ trước, “nên khi anh Nam đến, anh tiếp đãi rất đàng hoàng. Anh Nam và tôi chuyện trò cho đến tận mờ sáng hôm sau… Tôi tiễn anh… nhìn mãi cho đến khi anh bước xuống bến đò sông Lô. Anh Hoàng chờ tôi trước cửa nhà. Tôi thầm biết ơn anh rất thấu hiểu và độ lượng.” Gần 40 năm sau, năm 1988, anh Nam mắc bệnh hiểm nghèo, phải vào chữa tại Tp. HCM. Nhận mấy chữ của anh Nam: “Anh muốn những ngày cuối cùng của đời mình được gặp em”, Xuân Phượng liền vào thăm. “Giờ phút hấp hối, anh đưa mắt nhìn tôi… nói đứt quãng: “Anh đi đây. Cảm ơn em!”… May mắn là anh Hoàng ít nói nhưng vô cùng tế nhị, anh đã cảm thông cho tôi trong những giờ phút ấy…”.

Do có chút liên hệ với các cựu học sinh Trường Thanh niên tiền tuyến Huế 1945, tôi có may mắn gặp anh Tôn Thất Hoàng rồi chị Xuân Phượng từ nhiều năm trước, từng vài lần cùng chị mang quà lên tặng học sinh ở Nham Biều, nhưng đọc Hồi ký “Gánh gánh… gồng gồng…” mới thật hiểu chị, thấy hết tầm mức những gian khổ cùng cực và những thành công cũng cực kỳ vẻ vang của chị. Thì phụ nữ Việt Nam có mấy người được tặng Huân chương cao quý nhất của nước Pháp - Huân chương Hiệp sĩ Bắc Đẩu Bội Tinh, do những “công lao mà bà đã đóng góp cho chiếc cầu hữu nghị Việt Nam - Pháp trong hơn nửa thế kỷ qua.” Thật là đặc biệt, tại buổi lễ trao Huân chương có ba trăm khách dự với rất nhiều bạn bè từ hai cuộc kháng chiến và văn nghệ sĩ, Xuân Phượng xúc động nói: “Năm 16 tuổi, tôi đã tham gia chống cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp. Năm 82 tuổi, tôi nhận được huân chương cao quý này…”.

Hai “cột mốc” chị Xuân Phượng nhắc tới vừa là cách thể hiện sự cảm kích trước phần thưởng đến quá bất ngờ, vừa tỏ ý trân trọng cách ứng xử văn hóa tốt đẹp của chính phủ Pháp đối với một người từng dành cả gần chục năm tuổi trẻ chiến đấu trong đội quân đã buộc tướng De Castri giương cờ trắng tại Điện Biên Phủ. Vị đại sứ Pháp hiểu ngay ý tứ của Xuân Phượng và đáp từ cũng một cách rất có văn hóa: “Tất cả những điều đã qua thuộc về lịch sử”.

Còn với bạn đọc “Gánh gánh… gồng gồng…” thì cuộc đời của chị Xuân Phượng, giúp chúng ta hiểu sâu thêm và nhớ mãi lịch sử đất nước trong gần một thế kỷ qua, với những nhân chứng sinh động, trong đó nổi bật là một người Đàn bà xứng danh “Kỳ Nữ Huế”.

Trường An-Huế, 11/2020
N.K.P  
(TCSH382/12-2020)




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng