Tác giả-tác phẩm
Những nét khác biệt của thơ Trần Vàng Sao
14:30 | 26/01/2021

MAI VĂN HOAN  

Nhà thơ Trần Vàng Sao, tên thật là Nguyễn Đính, sinh năm 1941 ở thôn Vỹ Dạ, thành phố Huế.

Những nét khác biệt của thơ Trần Vàng Sao
Nhà thơ Mai Văn Hoan tại buổi giới thiệu tập thơ “Bài thơ của một người yêu nước mình”

Ông từng tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên. Từ năm 1965 đến 1970, ông lên chiến khu công tác tại Ban Tuyên huấn Thành ủy Huế và bắt đầu nổi tiếng với “Bài thơ của một người yêu nước mình”. Từ năm 1970 đến 1975, ông ra miền Bắc an dưỡng. Sau ngày thống nhất (1975), Trần Vàng Sao trở về quê, công tác tại Phòng Văn hóa thành phố Huế, rồi làm chân giao liên của xã Hương Lưu (nay là phường Vỹ Dạ) cho đến khi nghỉ hưu năm 1984. Ông mất ngày 9/5/2018 tại thành phố Huế.

“Thơ Trần Vàng Sao chính là cuộc đời ông. Tôi luôn mang cảm giác ông không theo bất cứ một trường phái nào, không dùng bất cứ một kỹ thuật hay phép tu từ nào… Thơ ông hiện ra như chính áo quần ông, tóc tai ông, hơi thở ông, giọng nói ông, cảm giác ông, mồ hôi ông, giận dữ ông, giày vò ông, tuyệt vọng ông, khát vọng ông… và nhịp đập trái tim ông là thứ kỳ diệu nhất gắn kết toàn bộ những gì thuộc về ông để vang lên thành thi ca. Bởi thế, thơ ông chân thực và mãnh liệt như máu chảy trong huyết quản ông (Lời tựa tập “Bài thơ của một người yêu nước mình”, Nxb. Hội Nhà văn, 2020). Với vài dòng ngắn ngủi này, Nguyễn Quang Thiều gần như đã khái quát được những nét khác biệt của thơ Trần Vàng Sao.

Đúng là Trần Vàng Sao rất ít sử dụng các biện pháp tu từ như: nhân hóa, so sánh, ẩn dụ, hoán dụ, tượng trưng… nhưng có một biện pháp mà ông rất ưa dùng là biện pháp điệp từ, điệp ngữ, điệp câu. Chẳng hạn, cụm từ “tôi yêu đất nước này” được tác giả láy đi láy lại khá nhiều lần trong “Bài thơ của một người yêu nước mình”. Cụm từ này xoáy vào tâm can người đọc với bao day dứt, trăn trở, thương cảm: Tôi yêu đất nước này cay đắng, tôi yêu đất nước này xót xa, tôi yêu đất nước này áo rách, tôi yêu đất nước này rau cháo… Tôi dám cam đoan rằng: Trong nền thi ca hiện đại nước ta, đố ai tìm được tác giả nào sử dụng từ “tôi” và điệp từ “tôi” theo nghĩa đại từ nhân xưng mà tần số dày đặc như trong thơ Trần Vàng Sao. Viết về bản thân mình, ông xưng “tôi” đã đành; viết về đồng đội, Chử Đồng Tử, người mất trí, Từ Thức… ông cũng xưng “tôi”. Điều này cũng góp phần làm nên nét khác biệt của thơ ông.

Những người làm thơ viết văn nói chung đều có tài quan sát, phát hiện thế giới chung quanh. Nhưng mỗi tác giả có sở trường quan sát, phát hiện riêng, tùy thuộc vào tính cách, hoàn cảnh, sở thích, thói quen của từng người. Tiên thơ Lý Bạch nổi tiếng là người phóng khoáng, lãng mạn. Ông ưa chiêm ngưỡng cảnh núi cao, biển rộng, sông dài. Dù là cảnh thực hay cảnh do ông tưởng tượng đều được ông cường điệu, phóng đại cho ngang tầm vóc vũ trụ. Đây là hai câu cuối trong bài “Xa ngắm thác núi Lư”: Phi lưu trực há tam thiên xích/ Nghi thị Ngân Hà lạc cửu thiên (Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước/ Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây). Trước Lý Bạch đã có bao thi nhân nhìn ngắm nhưng chưa một ai “tưởng” một cách khác thường như thế cả. Trần Vàng Sao thì ngược lại. Ông thường để ý đến những con người, những sự vật bé nhỏ, tội nghiệp ở nơi làng quê, ruộng đồng nghèo đói, bần hàn. Ông thấy những con ruồi ăn nước mũi khô trên má của những đứa bé chưa đầy hai tuổi buổi chiều không có cơm ăn… (Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình). Ông thấy: những bọt nước đen mắc đầu ngọn cỏ/ khúc củi rều trôi ngang (những ngày tôi còn nhỏ ở Vỹ Dạ). Ông thấy: con rạm chết dưới chân cây lúa ở nơi miệng còn bọt nước (trong cơn sốt đưa chị Miên về Đông Xuyên)… Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, không nhà thơ nào nhìn thấy máu nhiều như Trần Vàng Sao. Nếu Hoàng Cầm chỉ thấy vài ba vệt máu loang chiều mùa đông (Bên kia sông Đuống), nếu Nguyễn Đình Thi chỉ thấy những cánh đồng quê chảy máu… (Đất nước), thì Trần Vàng Sao thấy máu từ trên trời/ máu từ dưới đất và cả máu trên bàn thờ (gọi tìm xác đồng đội). Ông nhìn thấy cả những cái vô hình ít ai nhìn thấy: khoảng vắng mùa thu ngủ trên cỏ may (bài thơ của một người yêu nước mình). Theo tôi, đây là một hình ảnh đẹp, một câu thơ hay viết về mùa thu trong thi ca Việt Nam… Không chỉ thấy, ông còn nghe: chiều chiều con chim chi bay ngang đập cánh (Những bài hát bà ru ba lúc nhỏ bây giờ con ru). Ông ngửi thấy: trong gió có mùi cơm cháy (Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình). Ông còn bắt được cả gió nhốt vào trong túi áo (Những ngày tôi còn nhỏ ở Vỹ Dạ)… Cách thấy, cách nghe, cách ngửi, cách bắt tinh nhạy, lạ lùng như thế cũng góp phần làm nên nét khác biệt của thơ ông. Trần Vàng Sao vẽ cũng không giống ai: tôi vẽ tôi buồn ngủ không gặp chiếu manh/ tôi vẽ tôi và vợ tôi ở lỗ ở trần ôm nhau nằm ngủ (Tôi vẽ tôi năm 1998). Ngay cả chuyện uống rượu cũng rất Trần Vàng Sao. Các thi nhân xưa nay thường uống rượu để quên sự đời: Rượu, rượu nữa và quên, quên hết! (Thơ say - Vũ Hoàng Chương), để chia sẻ: Rót đau lòng ấy vào đau lòng này” (Uống rượu với Tản Đà - Trần Huyền Trân). Còn Trần Vàng Sao thì: nói thật lúc này tôi muốn được say rượu/ họa may thấy một đồng thành ba bốn đồng (Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình). Đó là cách tìm đến rượu của một người thường không có một xu dính túi. Nhưng cái nghèo chưa phải là nỗi bất hạnh lớn nhất của nhà thơ Trần Vàng Sao. Chính mặc cảm lạc lõng, cô độc ngay giữa quê hương mình mới là nỗi bất hạnh lớn nhất của ông. Trong bài “Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình”, ta thấy ông: đi lui, đi tới/ phố phường đông chật/ tiếng cười tiếng la tiếng nói tiếng xe cộ/ chẳng ai quen thử nói chào tôi một tiếng. Từ mặc cảm lạc lõng, cô độc ấy, ông hóa thân vào nhân vật Từ Thức trong ngày chàng giã từ cõi tiên trở về cõi tục. Ông phải mượn lời Từ Thức để khẳng định với những kẻ từng nghi ngờ ông: tôi không phải là ma/ tôi không phải là quỷ. Và ông cay đắng thốt lên: tôi không nhận ra người/ người không nhận ra tôi/ tôi như ở giữa thinh không một mình/ tôi là người không ở được với người. Phần cuối bài thơ, ông không giấu được nỗi tuyệt vọng đau đớn: Từ Thức là tôi/ tôi là người/ ở đây có người không (Từ Thức).

Trần Vàng Sao yêu nước theo cách riêng của mình, yêu quê hương theo cách riêng của mình, yêu mẹ, yêu chị, yêu đồng chí, đồng đội cũng theo cách riêng của mình. Trong những tháng năm đất nước chia cắt, ngoài khát vọng thống nhất, ông còn có khát vọng hòa hợp dân tộc. Ông mong ước: cho bên kia không gọi bên này là người miền Nam/ cho bên này không gọi bên kia là người miền Bắc (Bài thơ của một người yêu nước mình). Biết đến bao giờ chúng ta mới thực hiện được mong ước cháy bỏng ấy của ông?

Trần Vàng Sao làm thơ chủ yếu theo điệu nói. Có cảm giác như ông nói thành thơ chứ không phải viết ra thơ. Giọng thơ ông đặc sệt giọng Huế. Gần như cái gì trong cuộc sống thường nhật của người dân Huế cũng được ông đưa vào thơ một cách hết sức tự nhiên (kể cả tiếng chửi: mả cha cuộc đời vô hậu). Ông đặt tiêu đề cho các bài thơ cũng không giống ai. Chẳng hạn như: “Bài thơ của một người yêu nước mình”, “Người đàn ông bốn mươi ba tuổi nói về mình”, “Trong cơn sốt đưa chị Miên về Đông Xuyên”, “Đưa vợ đi đẻ”… Hình thức trình bày các bài thơ cũng không giống bất kỳ tác giả đương đại nào ở xứ ta. Chỉ trừ tên riêng, tên địa danh là ông viết hoa, còn thì chữ đầu của tiêu đề, chữ đầu mỗi câu, mỗi đoạn ông đều viết thường. Cả bài tuyệt không hề có bất cứ dấu chấm, dấu phẩy, dấu hỏi, dấu chấm than, dấu ba chấm, dấu ngoặc đơn ngoặc kép nào. Tất cả những nét khác biệt ấy làm nên cá tính sáng tạo, bản sắc, phong cách thơ Trần Vàng Sao. Chưa cần đọc, chỉ cần nhìn hình thức trình bày không thôi cũng đủ biết đó là thơ ông. Chẳng phải người làm thơ nào cũng có được những nét khác biệt độc đáo ấy.

Huế, 8/11/2020
M.V.H  
(SHSDB39/12-2020)




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng