Gồm một phần các loại ngôn ngữ ấy, hoặc trộn lẫn chúng với nhau, cọng thêm với hư vô, bội lý, mộng thực, ẩn mật, hoang vu, dặt dìu, đa tầng đa nghĩa... là ngôn ngữ của thi ca.
Và, thi ca vốn quý phái, sang trọng; nó chắt lọc tinh tuý của ngôn ngữ, hình tượng nghệ thuật; chắt lọc chất hồn, chất tâm, chất tình... để làm nên thế giới kiến trúc thượng tầng của mỹ học. Do vậy, thi ca bao giờ cũng riêng tư, thầm mật. Là hơi thở của đá. Là niềm đau của cát. Là sự xao xuyến của mây trời. Là sự thao thức của trăng sao. Là sự tĩnh lắng của cô phong kiêu hãnh. Ngôn ngữ của thi ca luôn là cái gì chưa nói hết; nó có khoảng trống, khoảng lặng, khoảng chìm, mà, phần hiển ngữ chỉ là tảng băng nổi luôn giấu kín phần ẩn ngữ dưới đáy đại dương.
Quả thật, tôi không rõ lắm những điều ấy.
Đọc “Lục bát bồng bềnh” của Lê Ngã Lễ, tôi không đọc bằng trí mà đọc bằng tâm; đôi khi phải đọc giữa hai hàng chữ. Thỉnh thoảng, tôi thả hồn giữa khoảng lặng để lắng nghe ngữ điệu âm thanh cùng sự va động của lòng mình. Nhờ đọc như vậy, tôi nghe được những câu thơ hay và rất hay.
Có những câu khá mới mẻ trong việc tìm kiếm hình tượng nghệ thuật: “Tình yêu theo vết lăn tròn, cuộc đời mấy tuổi mình còn lăn theo”. Rất thân phận, rất cụ thể với ước mơ hiu hắt, vừa vô vọng, vừa hy vọng giữa đời: “Giá như vá được phận người, thì hoa kết nụ bên đời chờ xuân”. Hoặc, có cái gì đó rất hư vô ở cuối chân trời: “Bóng dài đọng vết chân chim, thả từng cọng nắng đi tìm hoang sơ”.
Dường như định mệnh của Nhà Thơ là sự ra đi miên viễn, là kẻ luôn trên đường tìm kiếm, mà, mỗi người, một cuộc tìm kiếm chân dung ảo, chân dung ước lệ của riêng mình. Ai cũng bị đày ải, sự đày - ải - tự - nguyện, mà, niềm vui hay nỗi buồn, hy vọng hay tuyệt vọng đều tuyệt vời và bi tráng như nhau. Giống loài được gọi là thi nhân ấy họ không có quê hương đích thực. Trần gian chỉ là cõi tạm. Mọi cuộc tình dù đẹp, dù đau, nụ cười nước mắt khổ lạc hay bi hoan chỉ là cái cớ để nương - nhờ - ký - gởi, làm cho đôi cánh thơ tang bồng, phiêu hốt vào chốn ước mơ khinh linh vô trụ xứ. Trên cõi về ấy, dẫu là “Lục bát bồng bênh”, Nhà Thơ của chúng ta vẫn có một không gian tâm linh để trực thức:
“Chợt nghe hơi thở cội nguồn, mà sao xao xuyến con đường đi hoang”. Đôi khi là để đối diện với cái gì không tên gọi, lớn rộng quá:
“Lặng yên giữa cõi vô biên, khoảng không in dấu triền miên bến bờ”. Rồi thảng thốt, ngạc nhiên gọi lên: “Bỗng nghe tiếng gọi ngẩn ngơ, chào nhau một tiếng giữa bờ tầng không”.
Cánh Thơ đã vỗ. Sơn hà, trăng sao, sum la vạn tượng dưới cánh lướt phù du, nhẹ nhàng, chưa mỏi. Hồn thơ của Lễ còn đi xa, đẹp, và lôi cuốn ở chỗ vô tăm tích, chỗ ý tại ngôn ngoại. Ôi! Vậy là quá tốt rồi. Nếu anh chịu khó dụng công hơn, kỹ thuật hơn; nhặt ra vài sạn sỏi, cỏ rác đìu hiu... như “Ngâm vào cuộc sống men ngân một thời”; nhảy cà tưng điệu múa chiều gió no”, “lúa vàng trĩu hạt mải mê chưa về”... thì “Lục bát bồng bềnh” sẽ mềm mại và dễ thương biết chừng nào.
Là tu sĩ, làm thơ nghiệp dư, không một kiến thức chuyên môn mà giới thiệu một tập thơ của một Nhà giáo Thi sĩ... là một việc làm quá sức mình. Tôi chỉ nghe và cảm nhận rứa thôi. Không - gian - thơ của “Lục bát bồng bềnh” còn lớn rộng hơn thế nhiều, xin trân trọng mời chư quân thưởng lãm.
Núi Hòn Vượn, Am Mây Tía - Thu 2003 M.Đ.T.T.A (181/03-04) |