NGUYỄN THÙY TRANG
1. Có người giấu nỗi buồn trong những giọt nước mắt đắng cay, có người giấu khổ đau qua muôn vạn tiếng cười. Có người lại đằng đẵng khắc khoải thế sự buốt giá bằng cách vo tròn trong câu chữ - như nhà thơ Nguyễn Lãm Thắng. Đi từ Điệp ngữ tình, qua Họng đêm, đến Đầu non cuối bãi, tưởng đã chạm đến tận đáy khổ hạnh kiếp người, vậy mà Thương hoài thương hủy tiếp tục ám thị người đọc bằng sương khói điêu linh, rớm máu, tàn tro của một tâm hồn đầy thương tích… Tiếng thơ ấy, lần này, không chỉ là sự gào thét trong rã rời thân xác, mà còn lắng đọng một cõi tâm tư “bên góc trời đã xước”.
2. Với ba phần: “buồn vui chi cũng tím bầm nhớ thương”, “thương dân ca, nhớ hò khoan quê mình” và “những điều không nói là thường rất đau”… tập thơ đã mang đến cho người đọc dư âm miên man trong cung bậc trữ tình trầm buồn. Thi thoảng có những note nhạc huyền mơ, đượm yêu, đượm thương, thể hiện cái nhìn đa tình của người nghệ sĩ trước cuộc sống: “ta cắn mùa xuân thơm nức môi em/ Giêng non lắm đất trời non nả lắm/ mai vàng áo, má hồng đào thắm/ tuổi hồn nhiên biêng biếc cỏ xanh đồi” (Giêng non); “ngày ngoan hiền như cỏ/ xanh lối mòn không tên/ lang thang trong chiều nhớ/ môi bật thành tên em” (Viết trong ngày lễ tình nhân). Tuy nhiên, tone điệu ấy lại mỏng mảnh như một làn sương vương vất giữa bình minh, như tia nắng le lói qua mây đen tịch mịch, chưa đủ sưởi ấm đã giãy giụa trong hoang liêu, chưa đủ hy vọng đã vụt thành ảo ảnh. Bởi, sau cùng, điều mà nhà thơ muốn phô diễn trong thi tập này đâu đơn thuần chỉ là chuyện lứa đôi yêu nhau, gùng ghinh cảm xúc giữa đất trời. Ở một tầng siêu linh, nhà thơ đi tìm con người trong ý nghĩa con người, giải mã cái trúc trắc trong hiện tồn nghiệt ngã. Đâu đó S. Freud từng nói, “sống là sự tịnh tiến đến cái chết”, Nguyễn Lãm Thắng ý thức rất rõ về cái chết này. Thậm chí là ám ảnh! Tiệm cận đến lãnh địa của “thế giới bên kia” cũng là tiệm cận đến chân lý, truy nguyên mục đích sống trong hành trình thi ca của họ Nguyễn.
Chủ thể trữ tình vì thế cũng đổi danh xưng. Trước đây, Nguyễn Lãm Thắng từng hay đối thoại với người đọc bằng tín hiệu “anh”: “Anh gom cô đơn nối lại những giọt buồn/ Trong đôi mắt chiêm bao của từng đêm giông bão”, rồi “Anh nằm nghe xanh mùa lên tiếng thở/ Từ trong hồn phố nhỏ thân quen”, hay“Mùa đổi dạ lá run cành hối hả/ Anh khai sinh cho đá giọt thơ mềm”… Nhưng bây giờ, hiếm lắm trong Thương hoài thương hủy mới tìm được một tự tình xưng “anh”. Chỉ có “tôi” hoặc có “ta”. “Ta hóa vàng xuân trong gió thưa/ Lòng ta sót lại hột tro thừa” (Nguyên Tiêu); “tôi mất đó, tôi còn đây/ giữa hư vô của ngàn cây tôi về” (Hũng Huyện); “tôi thấy người đang chảy ra/ mặt trời tụ máu trên da thịt mình” (dưới rặng tre); “ta nghe cuống họng vô cùng đắng/ nuốt bóng hoàng hôn lạnh thấu xương”, “ta nghe thân thể tan trăm mảnh/ Vất vưởng khe sâu phố thị buồn” (Bao La Lạnh)… Sự đổi ngôi này, theo tôi, là một điều đặc biệt, khiến Thương hoài thương hủy lắng đọng hơn trong chiều sâu chiêm nghiệm, triết lý. Cái ồn ào, sôi nổi, rạo rực của những năm tháng tuổi trẻ như đã gạn lọc qua lớp bụi thời gian; nhường lại góc phòng thinh côi, nơi cái “tôi” và cái “ta” luân phiên minh biện lẽ nhân sinh.
Nhà thơ cũng không ngừng định nghĩa về mình. Tôi là ai? “Tôi như là một bóng ma/ Trượt trên phố vắng thế là tôi trôi” (đường về và lạnh); “Tôi như con dế trong hang/ ngó ra ngoài thấy mưa đang chuyền cành” (mưa vô tư). Tôi từ đâu tới? “Tôi cũng đã trở thành người ở đậu/ trên nẻo buồn với máu lạnh xương khô” (ngó ngang mùa cũ). Tôi đang làm gì? “Tôi ngồi sờ những đốt xương/ đốt xương ngắn mà dài hơn tuổi mình/ lặng ngồi sờ khói tâm linh/ thấy yêu thương hiện nguyên hình khổ đau” (mắt hoài hương rụng); “Ta uống như chưa từng biết rượu/ một mình vốc cạn cả mùa ngâu/ ngoài kia bạt cánh chim trời lạ/ nỗi nhớ nằm nghe điệu hát nhàu” (vọng phương Nam). Tôi như thế nào? “Lòng tôi như dép đứt quai/ Tim tôi một miếng mẻ chai găm vào” (mưa Quan Âm)); “sông tự tách mình thành nhiều nhánh rẽ/ để buồn vui năm tháng chảy quanh co/ ta cũng thấy đời ta như dòng lệ/ nóng vô thường và lạnh lẽo hư vô” (đời sông). Tôi cảm giác sao? “Tôi buồn xo, cỏ buồn xo/ giọt mồ hôi lạnh trên gò má tôi/ triền lau đã nhuốm sương mù/ tôi nghe tôi cũng từ từ tan ra” (chiều trên khư mộ); “tôi ngồi ngó khói nhang bay/ …và tôi chắc chắn lưu vong lâu rồi/ tôi rờ từng đốt xương tôi/ càng thêm cảm kích từng hơi thở dài” (một mình ngồi nghe mùi nhang rất thơm trong đêm).
Xâu chuỗi những “cái tôi” và “cái ta” rạn vỡ qua từng câu thơ, sẽ nhận thấy, Nguyễn Lãm Thắng đã làm một cuộc phẫu thuật tự hủy hoại xác thân. “Tôi ngồi đốt những ngón tay/ mười dòng máu đỏ vụt bay lên trời”, “Tôi ngồi mài lưỡi thành dao/ đâm vào tôi máu ào ào tuôn rơi” (tôi ngồi); “tôi về ngồi với phận tôi/ lấy chưn nhang xỉa rối bời tim gan” (tôi ngồi xỉa cái phận tôi). Phải chăng, làm đau mình là cách thức để cảm nhận bản thân còn tồn tại? Còn nhói buốt, biết giận, biết buồn, là còn sinh thể phập phồng trái tim trong ngực. Dẫu cho, sau mỗi lần “hành hạ” mình, người thơ lại thổn thức “em như con thú hoang gặm nhấm vết thương đọa đày”.
Riết róng trong thi tập còn là nỗi đọa đày giữa sự sống và cái chết. Định lượng thời gian trở thành một dấu mốc để xác minh ranh giới này, nên được lặp lại thường xuyên. “Bốn chục năm tròn gom nước mắt/ ngậm ngùi mẹ khóc cuộc tang thương/ môi khô máu thấm cau trầu đỏ/ tiếng thở nào buông cũng đoạn trường” (Khuya trắng); “bốn mươi năm lẻ thâm quầng mắt/ ngó bóng quê nhà ôi xác xơ/ hoa gạo cháy màu tràn ngập đất/ nỗi đau quặn thắt đến bao giờ” (chiều trên con nước cũ). Khi đã ngoại tứ tuần, Nguyễn Lãm Thắng chầm chậm bước sang cái dốc đời người trong tâm thế thành thực tự nhận mình là “một thằng lơ láo giữa bãi đời lênh đênh”, “đem nỗi buồn quảng cáo, bán nhớ và mua quên”. Phải, bởi với nhà thơ, cuộc đời là một chuyến đi về nơi huyệt mộ. Thành ra, sống như phiêu bồng giữa miền thực - mộng, đôi lúc lại “thả nhẹ xuống đời một ngày vô ưu”. “An nhiên như vầng trăng/ sáng ngần trong gió bụi/ mênh mang cõi vĩnh hằng/ là đức tin không tuổi/ Vượt trên đỉnh hư không/ giữ tâm mình tự tại/ giới thuyết như dòng sông/ gập ghềnh và chảy mãi” (Chứng ngộ).
Trong “cuộc rong chơi khép bước đời lãng du ấy”, ý niệm “sắc - không” như một chứng ngộ. “Ta mới đó, mới đây, ta ẩn hiện/ tà dương rơi mái úa chiều ơi chiều” (mộng ảo). Hơi hướng thiền thấm sâu vào tâm tưởng, thể hiện độ chín trong trải nghiệm nhân sinh. Nhà thơ không hề sợ hãi trước quy luật “sinh trụ dị diệt”, trái lại sẵn sàng đón nhận bằng tâm thế tự tại, sống “một kiếp đòng đưa với sắc không”, “sanh ra là để chết/ có ai sống mãi đâu/ đã chết thì chấm hết/ khói nhang chung một màu” (tự nói với mình). Dường như, ý thức sự hữu hạn của kiếp người, nhà thơ thường có xu hướng dịch chuyển thời gian lên phía trước, đẩy đưa vào cõi phận hủy diệt. Vì thế, một miền tang thương, đổ nát, điêu linh giăng mắc trong thơ Nguyễn Lãm Thắng là điều dễ hiểu. “Tôi ngồi giữa cõi u minh/ thấy xương chưa rục thấy hình chưa tan/ thấy đời muôn nỗi ngổn ngang/ khói nhang này với nghĩa trang lạnh lùng” (đêm nóng). Vấy lên thơ một màu tang tóc; nhiều hình ảnh huyệt mộ, huyết lệ, mồ hoang, nghĩa trang… xuất hiện tần suất dày, khiến gam màu trong tập thơ khúc xạ khí lạnh, u uẩn. Ít nhiều sẽ khiến chúng ta gợi nhớ tới Điêu tàn của Chế Lan Viên. Nhưng nếu Điêu tàn ảo não trong lời than vong quốc, hoài về quá khứ với niềm bất lực đọa đày; thì Thương hoài thương hủy lại như bản hợp âm của ngàn ngàn lớp lớp nỗi đau khởi sinh từ sự tàn phá của thời gian, sự bạc bẽo của lòng người, sự thức nhận lẽ vô thường vũ trụ, vọng đến tương lai bằng buốt nhói xác thân tự hủy.
Dẫu biết, lá xanh rồi sẽ về cội, nhưng vẫn có gì đó bâng khuâng khi nghe “ta về”: “Ta về giữa bãi tha ma/ tru ba bảy tiếng gọi ta dưới mồ” (em non em nước, ta về), “ta về vui với cỏ cây thôi/ gió thành sông biển, mây thành núi/ thì tiếc nhau chi một tiếng cười” (ngồi chơi với cỏ). Dùng dằng chiều đi và chiều về, luôn ẩn hiện bóng hình tha nhân. Một lần nữa, cảm thức lưu vong trở thành sợi chỉ đỏ xuyên qua các tập thơ, để độc giả thức nhận hơn về sự nổi nênh của thế nhân. “Mười lăm năm lữ thứ/ trong cơn say ta về” (mười lăm năm mất ngủ); “hồn xơ xác mướp quặn đau/ cố hương chừ đã ngả màu tha hương” (xơ xác mướp); “Tóc còm cõi phận lênh đênh/ đã đôm đốm bạc nỗi mình xanh xao” (dọn vườn cuối năm); “Chiều qua phố mưa gầy rơi tí tách/ buồn miên man anh bước giữa quê người/ lòng chạnh nhớ câu hò khoan quê Mẹ/ như giọt máu hồng trong máu thịt em ơi” (nhớ Quảng Nam). Bỗng nhớ những ca từ của Trịnh - “chiều hôm thức dậy/ ngồi ôm tóc dài/ chập chờn lau trắng trong tay” (Chiếc lá thu phai).
Rã rời qua các chiều không gian, ở đâu, Nguyễn Lãm Thắng cũng thấy mình lạc lõng, bơ vơ, “thiếu quê hương”.“Đứng ngả mô rồi anh cũng thấy chơi vơi” (mưa bão Huế). Hình như, cô đơn cũng thuộc về bản năng của con người, giống như sống phải hít thở, ăn uống, ngủ nghỉ. Con người cảm thấy cô đơn nghĩa là vẫn đang nung nấu khát vọng được thấu cảm, giao tiếp, sẻ san. Và Nguyễn Lãm Thắng không ngừng mỏi mong được đối thoại, phân minh cùng tất cả mọi người. “Anh tan loãng với vi trùng/ và ôm trái đất vào trong xương mình” (lời một bài thơ sắp chết); “thèm người nói có người nghe/ thèm tưng tửng rượu, thèm lè nhè bia” (ừ thì em cứ đi). Trạng thái nửa tỉnh nửa mê, nửa say nửa ngà xác tín chân dung Nguyễn Lãm Thắng: Chối bỏ thực thể “bình thường” để đến với góc cạnh đa sự đa đoan của thế thời.
Đẩy mình vào vô biên, tưởng đâu sẽ khánh kiệt cả tình thân, nhưng không, những lúc tha nhân, hình bóng mẹ dãi dầu, chị tảo tần, vợ hiền thảo hiện lên như một điểm tựa để nhà thơ bấu víu, nương nhờ, trú ngụ. Chính vì thế, dù chẳng phải là người mộ đạo, nhưng theo Nguyễn Lãm Thắng, tôn giáo lớn nhất là đức nhân của con người. Không ai có thể định cư vĩnh viễn ở trần gian, tất cả chỉ là ở trọ. Cái còn lại sau khi trả hết cho hư không cát bụi là tình yêu thương - “người yêu người để biết trái tim đau” (trả lời giấc mộng).
3. Tinh thần chung của tập thơ là bất tuân quy luật, nó đúng với con người của Nguyễn Lãm Thắng, không muốn bị gò bó, ràng buộc, đóng khuôn trong mô phạm nào. Ngay từ bố cục thi phẩm, giữa các phần đã không có sự đồng đều (về số bài, số trang). Đến quy cách chính tả cũng bị nhà thơ gỡ bỏ, tiêu đề hay chữ cái đầu tiên của dòng nhiều khi không viết hoa. Rồi niêm luật, thể thơ phá cách, xen giữa những câu lục bát, lại lùi lũi đâu đó câu thất ngôn, tạo nên sự gập ghềnh khó tả. Sử dụng từ địa phương nhiều cũng dệt thành một mã ngôn ngữ riêng, giọng điệu rặt xứ Quảng, in ít lần pha thêm “tiếng Huế”, thể hiện lằn ranh của văn hóa vùng miền bằng một thái độ “phi trung tâm”. Có những bài rất ngắn, hai câu thơ đủ viên thành một bài. Có những bài dài dằng dặc, hai mươi câu rong ruổi qua hai trang, không một dấu chấm, không một nút enter xuống hàng, chỉ có nhịp phẩy đuổi bắt nhau qua từng con chữ, chan chát giọt mồ hôi, nghèn nghẹn miếng cơm của “thương ca ngày mùa”.
Hẳn nhiên thế mà thơ của Nguyễn Lãm có những khía cạnh rất đặc biệt, đó không phải là điệu valse mùa xuân hay sonate mùa thu, mà là lời tự tình thống thiết, khi hờn dỗi đời, khi nỉ non than. Đó là“trái tim còn bão lũ/ vỡ ra từng câu thơ”. Trong quá trình tư biện để tìm ra căn cốt chính mình giữa cuộc hiện sinh nhọc nhằn, Nguyễn Lãm Thắng đã “cho ta gặp nhau trong nghĩa loài người”…
N.T.T
(TCSH383/01-2021)