PHONG LÊ
Một sự nghiệp viết chẵn năm mươi năm, tính từ Yêu sách của nhân dân An Nam (1919) đến Di chúc (1969).
Một sự nghiệp viết với mục tiêu cao nhất như được đúc kết trong bài Trả lời các nhà báo, tháng 9/1946:
“Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Chính cái “ham muốn tột bậc” vì độc lập cho dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân đã quy định sự nhất quán, sự chung đúc của “một đề tài” trong văn thơ Hồ Chí Minh. Nhưng “một đề tài” qua một tâm hồn thơ nhạy cảm và một kinh nghiệm đời chất chứa, mà cho thấy tất cả chiều rộng và chiều sâu muôn vẻ của cuộc sống nhân loại trong hơn nửa thế kỷ. Con người luôn đứng đầu sóng ngọn gió, lái con thuyền cách mạng vượt qua bao phong ba bão táp cũng là con người biết chăm chút đến từng việc nhỏ của đời sống thường ngày. Con người toàn tâm toàn ý trong một sự nghiệp cao cả nhất, luôn quan tâm đến những vấn đề lớn của dân tộc và thời đại, cũng là con người luôn xúc động trước một tiếng trẻ “oa oa”, không quên giấu một quả táo, để chia cho trẻ nghèo, dặn cháu bé, con người bạn luật sư B, mình thường qua lại, đừng đánh con chó nhỏ Mariuýt(1). Có thể nói đó là phép biện chứng khăng khít giữa trí tuệ và tâm hồn, giữa chất thép và chất thơ trong con người và văn thơ Hồ Chí Minh.
Rõ ràng có con người ấy mới có văn thơ ấy. Con người “đi dép cao su”(2) cũng là con người đã làm nên những chuyện thần kỳ của thế kỷ XX. Con người tạo ra cuộc sống ấy, thêm một điều may mắn lại là con người dường như ngẫu nhiên và đôi khi bất đắc dĩ nữa, có văn thơ để ghi chép, tái tạo lại cuộc sống ấy. Văn thơ ấy, như chính tác giả nói, chỉ có một “đề tài” duy nhất mà vẫn cho ta thấy cả một bức tranh rộng rãi của đời sống, với bao nhiêu dáng vẻ, bao nhiêu vấn đề…
Thế kỷ XX chúng ta tự hào nói đến nền văn học cách mạng hiện đại Việt Nam như một nền văn học mang tinh thần chống đế quốc kiên quyết và triệt để nhất, chúng ta càng thấm thía vai trò mở đầu, ý nghĩa đặt nền móng của nó được Nguyễn Ái Quốc xây nên ngay từ những năm 1920 trên địa bàn Paris là sào huyệt của chủ nghĩa tư bản hiện đại, cũng là trung tâm của phong trào vô sản - cách mạng thế giới. Vòi vọi trong thời gian, những truyện và ký của Nguyễn Ái Quốc lên án chủ nghĩa thực dân, dựng lại những nỗi thống khổ vô hạn của các dân tộc thuộc địa, chỉ rõ con đường đấu tranh giải phóng cho họ ra khỏi thân phận của người nô lệ… vẫn là ánh sáng soi rọi, xuyên suốt toàn bộ nền văn học hiện đại Việt Nam thế kỷ XX. Bên hình tượng “con quỷ vàng” trong văn chính luận của Gorki có tên thực dân đi “khai hóa” thuộc địa trong văn tiểu phẩm của Nguyễn Ái Quốc. Bên bức tranh cuộc sống của công nhân trong các nước tư bản công nghiệp ở phương Tây mà ta đã quen thuộc, có hình ảnh người nông dân ở châu Á, châu Phi với nỗi thống khổ vô tận và tiềm năng cách mạng lớn lao ở họ.
Có một văn phong Hồ Chí Minh - đó là hiện tượng nổi lên khi ta tiếp xúc, thâm nhập vào thế giới văn thơ của Bác Hồ. Một văn phong đa dạng. Đa dạng nhưng nhất quán trong “đề tài”, trong mục tiêu phục vụ cách mạng. Nhất quán trong giọng điệu. Một văn phong là sản phẩm của riêng Hồ Chí Minh nhưng cũng là sản phẩm của dân tộc và thời đại. Một văn phong hòa nhuyễn, gắn nối dân tộc với nhân loại, truyền thống và hiện đại, Đông và Tây, tính nhân văn và tính Đảng. Một văn phong đáp ứng và thỏa mãn được nhu cầu rất đa dạng của mọi tầng lớp công chúng trong suốt hành trình cách mạng, hơn một thế kỷ tính từ thập niên 1920 - từ công chúng thế giới trở về công chúng dân tộc, từ công chúng chọn lọc đến công chúng phổ cập, từ các tầng lớp trí thức uyên bác đến quảng đại quần chúng nhân dân còn trong tình cảnh tối tăm.
Có một văn phong Hồ Chí Minh - làm nên dấu ấn đặc sắc trong văn học hiện đại Việt Nam, không phải bằng sự mài giũa hoặc trau chuốt về ngôn từ, bằng sự cả tiếng hoặc lên giọng. Thế mà ở bất cứ giai đoạn nào, hoặc thời điểm nào của lịch sử, tiếng nói ấy cũng cứ nổi lên như một sự cuốn hút hoặc lan tỏa, như một nguồn sáng hoặc sức lay gọi. Hãy nhớ lại những năm 1920 với Người cùng khổ và Bản án chế độ thực dân Pháp, và thời điểm những năm 1930 với Nhật ký chìm tàu. Hãy nhớ lại những năm 1940 với loạt thơ tuyên truyền cổ động, và Nhật ký trong tù xuất hiện như một sự ngẫu nhiên; và thời điểm 1945 với Tuyên ngôn độc lập. Rồi những năm tháng cả dân tộc đi trong khói lửa của hai cuộc chiến tranh, có lúc nào mà người dân Việt Nam nào không khát khao ngóng đợi từng tiếng nói của Bác Hồ. Tiếng của lịch sử và của cha ông trong các bài thơ Xuân chúc Tết và Lời kêu gọi. Tiếng của nhân dân, của người ruột thịt trong các bài nói, bài viết hàng ngày. Lịch sử dân tộc và lịch sử văn học hiện đại sẽ nhận vào mình tiếng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một âm điệu riêng không lẫn, ai nghe cũng có thể nhận biết; dẫu với bất cứ khoảng cách nào của không gian và thời gian.
Có một quy mô riêng, kích thước riêng ở văn thơ Hồ Chí Minh như ta thấy không phải bằng lượng đắp dày của số trang, bằng độ dày của quyển, bằng sự đồ sộ của vóc dáng, hoặc bề bộn của lời chữ. Chỉ có sự gọn nhẹ, linh hoạt của những tiểu phẩm vài trăm hoặc nghìn chữ; những chuyện kể theo lối chương đoạn với các tình huống truyện không gây căng thẳng; với những khổ thơ 4 hoặc 8 câu, dài lắm không quá vài chục dòng; với những truyện ngắn vài ba nhân vật mà hình trạng và hoạt động của họ bao chiếm không quá dăm trang; với những khổ văn ngắn mà vẫn có điểm xuyết thơ cho dễ nhớ, dễ thuộc… Ngắn gọn, linh hoạt, uyển chuyển, không cần những kích thước lớn, không phải vì người viết không có khả năng bao quát, mà vì người viết thấy không cần làm khác, thấy có như vậy mới thích hợp… Thích hợp với nhiều thế hệ và tầng lớp công chúng đang rất cần tìm đến văn thơ như một vũ khí nhằm giải phóng và biến cải cuộc đời mình. Luôn luôn người biết đứng về phía nhu cầu của người đọc, cũng chính là người làm chủ được mọi vũ khí hoặc phương tiện có trong tay.
*
Có nhà nghiên cứu ca ngợi văn tiếng Pháp của Nguyễn Ái Quốc là rất Pháp(3) hoặc thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh để lẫn vào thơ Đường - Tống cũng khó mà phân biệt được(4). Đó là một nhận xét hay. Nhưng một hướng khai thác khác cũng nên đặt ra, như là một bổ sung cần thiết, là khi viết bằng tiếng nước ngoài nào, tác giả vẫn là người Việt Nam, hơn nữa, vẫn là Nguyễn Ái Quốc và Hồ Chí Minh - người mà bất cứ hoàn cảnh nào, giờ khắc nào, tâm trí cũng như chiếc kim địa bàn, nhạy bén và kiên định, quay trở về dân tộc. Có phải vì thế mà Ô-xíp Mandenxtam, nhà văn Xô viết đầu thập niên 1920 đã có nhận xét rất tinh: “Đồng chí nói tiếng Pháp, tiếng của những kẻ bóc lột đồng chí, nhưng mà những chữ Pháp từ miệng đồng chí Nguyễn Ái Quốc nghe trầm lắng xuống như tiếng vọng bị nén lại của tiếng mẹ đẻ quê hương đồng chí”(5).
Nếu chú ý ngôn ngữ như là công cụ thứ nhất của thơ văn thì việc viết lịch sử văn học, hoặc làm hợp tuyển văn thơ phải chú ý đến tác giả Hồ Chí Minh - là người viết bằng nhiều ngôn ngữ, trong đó ở khu vực tiếng Pháp và tiếng Hán, tác giả đã để lại nhiều áng thơ văn có giá trị. Nhưng mặt khác, điều hợp lẽ và tất yếu là các bộ phận ấy của văn thơ Hồ Chí Minh vẫn là một khu vực gắn bó hữu cơ của văn học cách mạng hiện đại Việt Nam, trong thời đại đế quốc chủ nghĩa và cách mạng vô sản - khi các mối giao lưu quốc tế đã là phổ biến, và trở thành đặc điểm mới của thời đại.
Hành trình tìm đường của Nguyễn Ái Quốc là từ Đông sang Tây, từ dân tộc mà ra nhân loại. Nhưng đích cuối cùng của Nguyễn Ái Quốc là trở về phương Đông, về với dân tộc. Văn thơ Nguyễn Ái Quốc là sản phẩm của một người sử dụng sành sỏi nhiều thứ tiếng, nhưng luôn luôn không nguôi niềm khao khát viết tiếng Việt, và nói với đồng bào. Người đi khắp năm châu bốn biển, nhưng trong ngôn ngữ thường ngày vẫn quen thuộc với tiếng nói dân tộc và ngay đến ngôn ngữ địa phương Nghệ - Tĩnh, vẫn cứ không quên. Người về nước, trực tiếp làm báo tiếng Việt cho đồng bào xem, nhưng vẫn biết dùng cả tiếng Tày, Nùng, Dao - tiếng của các dân tộc thiểu số, để cùng sống, sinh hoạt với nhân dân nơi căn cứ địa.
*
Nhiều người đã nói đến sự kết hợp giữa một “cốt cách cổ điển” với những “sáng tạo hiện đại”, giữa truyền thống và cách tân, giữa phương Đông và phương Tây”(6), như một đặc sắc trong văn thơ Hồ Chí Minh. Dẫu vậy điều mới mẻ không phải chỉ ở chỗ phát hiện cho thấy trong văn thơ Hồ Chí Minh có nhiều âm điệu. Vấn đề còn là ở chỗ: từ sự tổng hòa, sự kết hợp của những âm điệu ấy vẫn có một nét gì riêng, được chung đúc, làm nên phong cách văn thơ Hồ Chí Minh, để có riêng một văn phong Hồ Chí Minh. Viết Bản án chế độ thực dân Pháp trong phong cách hiện đại sắc sảo cho công chúng phương Tây, hay viết bằng chữ Hán trong phong cách trang trọng của cổ thi cho một nhật ký thơ, tưởng như chỉ để riêng cho mình đọc, hoặc lưu lại một kỷ niệm, với tất cả hiệu quả có được, dường như vẫn chưa phải là điều Nguyễn Ái Quốc muốn đạt đến. Cái tác giả muốn đạt đến là sao cho văn thơ viết ra, được chính đồng bào mình, tức những người nghèo khổ nhất, những người bị thiệt thòi nhiều nhất trong xã hội, đọc và hiểu được, tức là với một phong cách thơ sao cho đạt được sự giản dị nhất - một sự giản dị bắt nguồn sâu trong truyền thống cảm nghĩ của dân tộc, và gắn bó mật thiết với những nguyện vọng thiết cốt nhất của quần chúng nhân dân. Phải chăng đó mới chính là phần lắng sâu nhất, ổn định nhất của văn phong Hồ Chí Minh, cái phần làm rung động mạnh mẽ nhất con tim khối óc của hàng chục triệu nhân dân Việt Nam suốt hơn một thế kỷ qua. Con người đã bôn ba khắp năm châu bốn biển, sử dụng sành sỏi bao nhiêu thứ tiếng, con người ấy vẫn là một mẫu mực tuyệt vời của văn phong dân tộc. Con người có đủ mọi chìa khóa ngôn ngữ để đến với mọi lớp người, thuộc mọi lứa tuổi, mọi trình độ khác nhau, bất cứ ở phương trời nào, nhưng trên tất cả, vẫn là nhằm nói và viết cho chính đồng bào mình. Con người giàu có bao nhiêu kiến thức, tiếp nhận và tiêu hóa bao nhiêu tinh hoa của nhân loại, nhưng thấm sâu vào tất cả vẫn là một cái gì rất Việt Nam, và rất “Hồ Chí Minh”, không bắt chước ai và cũng không ai bắt chước được.
Cuối cùng, trên hành trình 50 năm viết không phải lúc nào Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có mặt như một người viết chuyên nghiệp; nhưng thơ văn Hồ Chí Minh luôn luôn có mặt ở những thời điểm trọng đại. Thơ văn Hồ Chí Minh cùng đồng hành với cách mạng Việt Nam. Nhân dân Việt Nam tìm thấy ở thơ văn Hồ Chí Minh tiếng nói của chính mình. Một tiếng nói tiêu biểu và kết tinh cho mọi suy tư và nguyện vọng thẳm sâu của mọi lớp người lao khổ. Một tiếng nói cho hiện tại và cho cả tương lai.
Có phải là từ văn thơ Hồ Chí Minh, văn học Việt Nam hiện đại đã tìm thấy một văn phong kiểu mẫu, một tiếng nói đại diện, và một quy mô thích hợp cho sự phát triển trên chặng đường hơn một thế kỷ qua?
P.L
(TCSH384/02-2021)
----------------------
1. Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch; Sdd; tr.54.
2. Katep Yaxin (Kateb Yacine); để nói về Bác Hồ, trong một vở kịch cùng tên viết về Việt Nam, năm 1970.
3. Phạm Huy Thông: “Lời nói đầu” - bản dịch Truyện và ký Nguyễn Ái Quốc. Nxb. Văn học, H; 1971.
4. Quách Mạt Nhược: Tập san Nghiên cứu văn học; số 5/1960.
5. Báo Lửa nhỏ, số 39 (23/12/1923); sách Văn hóa - Nghệ thuật cũng là một mặt trận. Nxb. Văn học, H; 1981; tr.176.
6. Budaren: Nghiên cứu văn học; số 7/1960.