VƯƠNG HỒNG HOAN
Vài năm gần đây truyện ngắn của Triều Nguyên xuất hiện trên Sông Hương. "Tháng bảy không mưa" là tập truyện ngắn đầu tay tập hợp một số những sáng tác chưa được công bố của anh. Đề tài chủ yếu trong tập truyện là viết về nông thôn.
Phát huy thế mạnh của một cây bút gần gũi trăn trở với nông thôn, Triều Nguyên đã đưa vào trong tác phẩm hình ảnh của người nông dân chất phác, những người lao động bình thường, giản dị với những nét đẹp trong phẩm chất đạo đức và cả những hạn chế khiếm khuyết của họ. Xuất hiện vào những năm cuối thập kỷ 80 giữa lúc truyện ngắn nước ta đang có những biến đổi lớn cả nội dung lẫn hình thức nghệ thuật độc đáo và đa dạng, truyện ngắn Triều Nguyên thật khó tạo nên một dấu ấn sâu đậm, một bản sắc riêng ngay từ đầu trong tâm trí người đọc. Tuy vậy, như những bức tranh nho nhỏ, như những nét phác thảo ký họa, tập truyện gợi cho người đọc những suy nghĩ khó quên. Với lối dẫn dắt câu chuyện giản dị, tác giả biết phát hiện những vẻ đẹp vẹn nguyên của người lao động bình thường. Đó là bà mẹ hơn bảy mươi tuổi đã già yếu vẫn cùng cháu con đi đạp nước chống hạn cho lúa trong một đêm trăng huyền ảo và câu chuyện mẹ kể trong một đêm trăng ấy vừa thực vừa mộng vừa gần gũi vừa xa xôi được đúc kết từ bao nỗi đắng cay chua xót và hạnh phúc của một đời người (Trăng hạ tuần). Lòng yêu nghề gắn bó với nghề nghiệp một cách máu thịt khiến cho ông già lái xe suốt hơn năm mươi năm cầm lái đã luôn nghĩ đến hạnh phúc cho mọi người và vì mọi người mà làm nhiều việc tốt hơn (Ông già). Ở truyện ngắn "Tháng bảy không mưa" tác giả xoáy sâu vào lòng yêu đất đai và sự gắn bó khăng khít của người nông dân với quê hương, bản quán. Thiên nhiên khắc nghiệt, cuộc sống bế tắc khiến cho người nông dân chân trần, cần cù chất phác phải bỏ nhà đi tha phương cầu thực. Thế nhưng dù sống ở "đất khách quê người" họ vẫn luôn hướng về nơi chôn rau cắt rốn trước đây với tình cảm sâu lắng da diết. Hình ảnh ông Huyến - trung tá về hưu, sớm chiều khuya khoắt vẫn gắn bó với rừng dương một cách âm thầm, trước sự biến động phức tạp của dòng đời ngay trong làng xóm ông, có tính chất cụ thể và cũng có ý nghĩa tượng trưng (Khoảng trống phía sau). Ở những truyện ngắn vừa kể trên, nhân vật có tên hoặc không có tên đều được tác giả dựng lên với dụng ý để khắc họa một vẻ đẹp của người lao động bình thường trong xã hội chúng ta. Ở các truyện "Vợ chồng chị Diệu", "Hôn lễ", "Tôi là người sung sướng", Triều Nguyên cũng vẫn đề cập đến thân phận những người lao động nghèo đói với những đau khổ, đắng cay và hạnh phúc của họ. Hạnh phúc như trái ngọt nhưng thật khó thay đối với "những người dưới đáy", "phó thường dân" như Loan như Tiệp. Họ phải lên rừng đi tìm trầm, đào vàng và phải đánh đổi cả tính mạng của mình để cuối cùng chỉ là được chết bên nhau (Hôn lễ). Vợ chồng chị Diệu tìm hạnh phúc như hai kẻ giành nhau một tấm chăn hẹp trong đêm đông giá rét. Họ đều phải trả giá, cái giá quá đắt đối với hạnh phúc mà họ có được (Vợ chồng chị Diệu). Ở truyện ngắn "Tôi là người sung sướng", tác giả viết theo dạng như tự thuật làm cho người đọc càng cảm thông với những cây bút trẻ hiện nay. Để có những giờ phút hạnh phúc trong sáng tạo văn chương, nhân vật tôi - cây bút trẻ - phải lăn lộn, trăn trở, vất vả biết bao trước sự thử thách nghiệt ngã của cuộc sống đời thường. Và điều đáng quý là người viết vẫn biết vượt lên để có những tác phẩm có ích cho đời.
Ở tập truyện ngắn "Tháng bảy không mưa", Triều Nguyên không có ý định thể hiện những xung đột gay cấn, những tình tiết giật gân mà chỉ tập trung khắc họa những chân dung người lao động bình thường, giản dị ở một vùng đất mà anh thông thuộc, gắn bó. Ở trong nhiều truyện ngắn của mình, Triều Nguyên tỏ ra am hiểu sâu sắc hành động ngôn ngữ của nhân vật. Điều đáng tiếc là nếu như tác giả kết hợp nhuần nhuyễn việc thể hiện tính cách nhân vật qua việc mô tả tâm lý với việc khắc họa bằng hành động, ngoại hình - điều mà trong vài truyện ngắn trước đây Triều Nguyên đã thành công ít nhiều thì tác phẩm của anh sẽ thuyết phục bạn đọc hơn.
Qua tập truyện ngắn đầu tay của Triều Nguyên - dù không có những truyện thật đặc sắc, nổi bật - người đọc có cơ sở để tin rằng: Với lòng say mê sáng tạo và với một quan niệm đầy tâm huyết gửi gắm "Tôi vốn coi chuyện văn chương là thiêng liêng nhất đời. Dù biết chắc chắn trước mắt cũng như lâu dài, nó không mang lại cơm áo cho mình tôi vẫn căm ghét kẻ chà đạp, phỉ báng nó" (Tôi là người sung sướng) Triều Nguyên sẽ đáp ứng được điều mong đợi của bạn đọc.
V.H.H
(TCSH49/05&6-1992)
------------------------
(*) “Tháng bảy không mưa”, tập truyện ngắn của Triều Nguyên, Hội VHNT Thừa Thiên- Huế. 1991