Tác giả-tác phẩm
“Phù sa biển” của Ngô Minh
17:07 | 02/06/2008
Trước tình hình số tập thơ được xuất bản với tốc độ chóng mặt, người ta bỗng nhiên cảm thấy e ngại mỗi khi cầm một tập thơ trên tay. E ngại, không phải vì người ta sợ nhọc sức; mà e ngại vì người ta nghĩ rằng sẽ phải đọc một tập thơ dở! Cảm giác ấy xem ra thật là bất công, nhưng thật tình nó quả là như vậy.

Nhưng với Phù sa biển của Ngô Minh vấn đề lại là khác. Ngô Minh sinh trưởng ở một làng biển ở Quảng Bình, đó là điều rất quan trọng để hiểu tính cách của tác giả, để hiểu được những khát vọng và những kỷ niệm mặn mà thời tuổi dại. Ngô Minh đã theo đuổi việc học từ một ngôi trường ở làng quê, điều ấy giúp anh có một cái nhìn chân thật về bạn bè. Cuối cùng, cũng như các thanh niên cùng lứa tuổi, Ngô Minh đã đi bộ đội và tham gia giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến tranh; điều giúp tác giả có một cái nhìn tổng kết thẳng thắn về cuộc đời, và những tình cảm lớn khác trong thơ. Xuất ngũ, anh lại làm thơ và chỉ làm thơ (đây là tập thơ thứ 9 đã xuất bản của anh). Ngô Minh là một con người biết chí tình với thơ trong cuộc sống.
Phù sa biển” vì thế đảm bảo được tính chất sang trọng của một tập thơ; của sự tinh tế về tâm hồn và sự chín muồi của ngôn ngữ.
Những người dân nghèo quê tôi thường đi đãi vàng dọc những dòng sông, tìm đến tận nơi nước chảy đá mòn. Phải nhiều tấn cát đãi trong dòng nước mới may ra nhặt được một chút vàng nhỏ bằng hạt tấm, cất vào trong chiếc ống lông ngỗng nhỏ xíu. Một thi nhân đời Trần còn để lại cái tên một tập thơ, gọi là “Phi sa tập”, nghĩa là đãi cát (tìm vàng). Dĩ nhiên thôi, vì thơ hay ngày càng hiếm. Nhưng không thể nào phụ bạc thơ được. Ôi, người đời Trần còn thế!
Tập thơ Phù sa biển đến tay tôi như một lời an ủi. Thêm một lần nữa tôi nhận ra sự đãi cát tìm vàng của người dân nghèo quê tôi là một điều thận trọng đáng giá; cho tôi gửi đến tác giả một lời chào biết ơn.

Thơ Ngô Minh hay vì đủ bản lĩnh nghề nghiệp để tìm thấy cái hay từ những chuyện nho nhỏ thường ngày. Thật sự thì không cái nào là nhỏ; mỗi một kinh nghiệm sống đạt đạo đều đáng quý cho thơ. Và nhà thơ là người có “con mắt xanh”, nghĩa là con mắt biết cách phân biệt to nhỏ khác với thường tình. Ngô Minh có một tuổi thơ lớn lên từ một ngôi làng cát ven biển, hàng ngày say mê ngắm hiện tượng biển sinh. Cứ một tháng hai lần, biển tự nhiên rạo rực, sôi động hẳn lên, những con sóng cứ cồn cào ném những vật lạ trong lòng biển lên bờ, sau đó nước biển đục ngầu vì chất biển mới. Ngô Minh tuyên bố:
                        Đây tuổi trẻ của ta
                        đây tình yêu của ta
                        kia nhánh san hô tận cùng đáy cát
                        lắc lư sắc biển chói loà
Lớn lên, khi đủ tuổi chiêm nghiệm, Ngô Minh gọi đó là Phù sa biển!
Phù sa biển
đã nuôi trồng tâm hồn tác giả không phải bằng nhung lụa, mà bằng những hình ảnh thân thuộc như những người thân yêu, những gương mặt bạn bè đã gặp, và những miền đất đã đi qua. Những người thân, trước hết là mạ, là một niềm yêu dấu khôn nguôi trong đời chàng: “Biển đêm là nỗi buồn của mạ/ Sóng xao giấc ngủ chập chờn/ Nhưng miếng trầu thì mãi đỏ thơm...”; là cái dáng thi sĩ của chính mình thời thơ ấu: Cây san hô ngời ngời sắc lửa/ Nơi tận cùng lòng biển thẳm sâu; là người anh của chàng: anh tôi là vết chém của sóng... Và chị nữa: Chị tôi khuất nẻo lâu rồi/ Đêm qua trong giấc mơ tôi chị về... Phải thừa nhận rằng, hình như từ thời Nguyễn Bính trở đi, hình tượng người chị đã bị lãng quên trong văn học Việt . Vì nét tâm hồn của người chị rất giống với người mẹ. Hình ảnh và số phận của người chị đầy ắp trong các làng quê Việt , và may sao có một thế hệ em trai đi xa (như Ngô Minh đây, và như nhạc sĩ Trần Tiến chẳng hạn) bỗng chợt nhớ và nhắc đến. Đằng sau những khuôn mặt thân thiết ấy là một ngôi làng biển, ngôi làng hàm chứa một cách vô tận những ý nghĩa mới của sự vật, khiến cho một cánh chuồn chuồn đậu trên ngọn cỏ ven đường cũng óng ánh hẳn lên như một giọt nước mắt tuổi thơ bị thời gian bỏ quên: cành khô con chuồn đậu - như giọt thời gian quên. Và nhiều khi giữa những biến động xô bồ của cuộc sống, Ngô Minh lại tìm về ngôi làng ấy, để nghe tiếng gọi tha thiết của mình chợt trở thành một tiếng ve đêm âm vang từ thế giới tâm tưởng: Em em em em... tiếng ve màu trắng... tiếng ve màu tro... Ở trung tâm của thế giới thần thoại ấy, luôn cư ngụ một “cái tôi” nhân hậu và khẳng khái; vẫn mãi mãi đem lại cho thế giới tính chất phong phú, và nhiều vẻ, và tưởng như có thể nuôi sống được thân xác; Cái tôi ấy quan trọng đến nỗi, nếu nó mất đi sẽ kéo theo sự sụp đổ của toàn bộ thế giới đang tồn tại bên nó!
                        lung linh ấy chẳng là gì cả
                        trước bao điều đang lay động trùng khơi

Có những phút mềm yếu, tôi không còn kỳ vọng vào thơ, tôi định đi tìm nguồn an ủi ở một chỗ khác. Nhưng tôi chợt nhớ lại câu thơ này của anh Phùng Quán:
                        Có những phút ngã lòng
                        Tôi vịn câu thơ đứng dậy
thì tâm hồn tôi chợt tìm thấy một sức quật khởi mới mẻ, và tôi lại cất bước.

Phù sa biển là một tập thơ hiếm hoi đã mang lại cho tôi cái quyền hạn được ban bố ý nghĩa cho những vật tầm thường quanh ta; tập thơ đã vẽ nên một chân dung con người biết sống đôn hậu và đầy sức mạnh.
Huế 30 - 8 - 2001

HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
(nguồn: TCSH số 152 - 10 - 2001)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Thơ Linh (16/05/2008)