Tác giả-tác phẩm
Xem bút tích Quang Dũng nói thêm về “Tây Tiến”
15:07 | 04/06/2021

NGUYỄN PHƯỚC HẢI TRUNG     

Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu nhất của nhà thơ Quang Dũng (1921 - 1988).

Xem bút tích Quang Dũng nói thêm về “Tây Tiến”
Ảnh: internet

Lúc đầu bài thơ này được tác giả đặt là Nhớ Tây Tiến, đến khi in lần đầu tiên ở tập Mây đầu ô1 mới được đổi thành Tây Tiến. Nhiều tài liệu đều xác định Tây Tiến là một đơn vị quân đội thành lập năm 1947 nhằm phối hợp với quân đội Lào bảo vệ biên giới Việt - Lào, hoạt động tại Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Sầm Nưa (Lào). Nhan đề Nhớ Tây Tiến có lý do của nó, vì bài thơ được sáng tác vào năm 1948 khi Quang Dũng đã không còn ở đơn vị cũ (Tây Tiến), chuyển đến đơn vị mới tại Phù Lưu Chanh (Hà Tây). Tình cờ, tôi đọc được bài thơ này qua bút tích của chính tác giả Quang Dũng chép trong một cuốn sổ tay cũ của cha tôi - nhà thơ Hải Bằng; (Cuốn sổ tay ấy còn có nhiều bút tích của các tác giả khác như Phùng Quán, Phạm Khoa Văn, Phạm Tiến Duật, Vương Trọng, Cảnh Trà, Thanh Hải, v.v). Ở bản bút tích của Quang Dũng, bài thơ có nhan đề là “Nhớ Tây Tiến - 1947”2.

Bút tích bài thơ “Nhớ Tây Tiến - 1947” của Quang Dũng


Xưa nay, chúng ta đều tiếp nhận bài thơ theo nội dung ở bản in lần đầu như đã nói, ở các công trình nghiên cứu được xuất bản. Từ năm 1990 bài thơ này đã được đưa chương trình giáo dục. Hiện nay, học sinh lớp 12 học và phân tích ngữ văn bài thơ này trong sách Ngữ văn3.

Tất cả các bản in lại bài thơ dường như đều có một sự thống nhất chung về câu cú, từ ngữ, chính tả, không có sự khác biệt nào. Tuy vậy, ở bản chép tay này có một số chi tiết khác biệt so với các bản in đó. Một số chi tiết khác biệt ấy cũng không có gì để bàn luận vì so với bản bút tích, các bản in ấy đã thể hiện một quy tắc chuẩn chính tả mà thôi. Ví như “Anh bạn rãi rầu” (bản bút tích) thành “Anh bạn dãi dầu” (bản in); “Nàng E ấp” thành “nàng e ấp”, “Nhạc về Viên Chiên” thành “Nhạc về Viên Chăn”, v.v.

Điều đáng nói là giữa hai bản này có 03 chữ khác biệt rất quan trọng vì liên quan đến ngữ nghĩa câu thơ và ý tứ tác giả. Dưới đây là so sánh và phân tích qua các câu có từ khác biệt:

- Khác biệt 1: Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu ngươi (bản bút tích) sẽ hoàn toàn khác với Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người (bản in). Ở đây có sự khác biệt giữa trêu ngươi trêu người.

Dẫn lại dòng thơ: Chiều chiều oai linh thác gầm thét/ Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu ngươi. Dòng thơ miêu tả cảnh núi rừng hùng vĩ, uy linh của đại ngàn gắn với không gian và thời gian tâm trạng của con người. Theo bản in là “cọp trêu người” (đùa giỡn với người) là có gì đó chưa đúng. Cọp vốn dĩ hung dữ, là nỗi kinh sợ của con người và đại ngàn. Hơn nữa, trên thực tế làm gì có chuyện cọp trêu đùa với người, mà chỉ có thể trở thành nỗi khiếp đảm kinh hoàng của con người mà thôi. Trong khi đó, bản bút tích là “cọp trêu ngươi” (khiêu khích chọc tức), do đó, “trêu ngươi” ở đây hợp lý không chỉ về ngữ nghĩa mà còn hợp lý về cả thanh điệu câu thơ.

- Khác biệt 2: Mai Châu mùa em thơm nếp sôi (bản bút tích) sẽ hoàn toàn khác với Mai Châu mùa em thơm nếp xôi (bản in). Ở đây có sự khác biệt giữa sôi xôi.

Dẫn lại dòng thơ: Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói / Mai Châu mùa em thơm nếp sôi. Rõ ràng ở bản bút tích chữ “sôi” là hợp với tình ý với mạch câu thơ hơn là “xôi”. “Thơm nếp sôi” sẽ bắt cùng hình ảnh trên là “cơm lên khói”. Sôi là vừa một động từ vừa là một tính từ chỉ trạng thái (đang sôi lên) mới khiến dậy lên được cái mùi nồng nàn của “thơm nếp”. Còn “thơm nếp xôi” thì “xôi” là một danh từ, vô hình trung tạo nên nét dư không cần thiết trong thơ. Tập quán định danh sự vật ở đây thường có các cách gọi: cơm nếp, hoặc xôi mà thôi. Chữ “sôi” trong ngữ cảnh này, Quang Dũng sử dụng là đúng như nghĩa của nó, không phải nhầm lẫn về ngữ âm kiểu dãi dầu - rãi rầu (trong bài) hay kiểu trăng - giăng, nhảy nhót - nhẩy nhót, v.v. trong tập quán chính tả của phương ngữ Bắc bộ. Hơn nữa, trên thực tế, tập quán chính tả của người miền Bắc chỉ có thể nhầm từ sum họp thành xum họp, chia sẻ thành chia xẻ khi viết, nghĩa là /s/ bị nhầm thành /x/, không có trường hợp ngược lại (/x/ bị nhầm thành /s/). Do đó, thơm nếp sôi, trong đó “sôi” là một động từ và là tính từ với một hiển ngôn rõ ràng của Quang Dũng hướng đến.

Do vậy, cả 4 dòng thơ trên thiết tưởng cũng cần đính chính lại để diễn trúng ý của tác giả và tình ý của bài thơ:

Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu ngươi
(không phải người)
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp sôi
(không phải xôi)

- Khác biệt 3: Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm (bản bút tích) sẽ hoàn toàn khác với Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm (bản in). Ở đây có sự khác biệt giữa Kiều viết hoa và kiều không viết hoa.

Dẫn lại dòng thơ: Mắt trừng gửi mộng qua biên giới / Đêm mơ Hà Nội dáng Kiều thơm. Ở đây, bản bút tích Quang Dũng đã ghi một chữ Kiều viết hoa. Mà sau đó, trong bản in vì chữ kiều được nhận thức là không viết hoa nên sách giáo khoa đã giải thích như sau: “Dáng kiều thơm: dáng vẻ xinh đẹp, đáng yêu của người con gái4. Rõ ràng sự khác biệt giữa Kiều viết hoa và kiều không viết hoa đã khiến ngữ nghĩa câu thơ khác biệt hoàn toàn.

Tây Tiến là một đơn vị quân đội với thành phần chủ yếu là thanh niên, sinh viên, học sinh Hà Nội. Chiến đấu xa nhà, trong muôn ngàn gian khổ, nhất là trong cơn sốt rét dày vò đến nỗi da “xanh màu lá” ấy vẫn kiêu bạt, phóng mắt từ bên kia biên giới Lào để “trừng gửi mộng” về một Hà Nội hào hoa; để mơ một “dáng Kiều thơm” hư tan trong ký ức. Đó là một nàng Kiều bước ra từ sách vở, một giai nhân qua chữ nghĩa, một hư ảnh đẹp đẽ của thuở thiếu thời, một mộng tưởng dậy thì đằm sâu, chợt gợi thức từ chiêm cảm. Vậy nên, “dáng Kiều thơm” đó là chỉ hiện thân của cái đẹp tượng trưng, chỉ gọi tên mà không định được danh5 mà thôi. Đó chính là sự lãng mạn “tìm quên” để nguôi ngoai khốn khó, nguôi ngoai bệnh tật dày vò từ cảnh huống. Lại nữa, cái gọi là thơm trong “dáng Kiều thơm” không còn là mùi vị được cảm nhận qua khứu giác mà đó là dư vị từ cảm thức của tri giác, dư hương được rút ra từ câu chữ: Cảo thơm lần dở trước đèn chăng? Vậy nên chỉ một chữ Kiều viết hoa mà tình ý thi ca đã cách biệt nhường nào!

Đọc và cảm nhận Tây Tiến không khó để nhận ra ảnh tượng chinh nhân, tha hương bước từ huyền thoại. Không khí cổ trang được gợi nhắc toàn bộ bài thơ “gập ghềnh, khúc khuỷu, heo hút” theo mạch cảm xúc. Sự kết dính thấy được của hàng loạt từ ngữ do thi sĩ cố ý dựng lên để thành huyền thoại: hội đuốc hoa - xiêm áo - nàng - chiều sương - hồn lau - đoàn binh - dữ oai hùm - gửi mộng - dáng Kiều - mồ viễn xứ - áo bào - hen ước, v.v. Đó là sự trải nghiệm chữ nghĩa thuở đèn sách, phải chăng trải nghiệm đó bắt nguồn hình ảnh chinh nhân?

- Những người chinh chiến bấy lâu
Nhẹ xem tính mệnh như màu cỏ cây;

 
- Ngập ngừng gió thổi áo bào,
Bãi hôm tuôn dẫy nước trào mênh mông;
- Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca,
v.v.
                        (Chinh Phụ ngâm)

Hình ảnh Mồ viễn xứ nói tỉnh như không trong Tây Tiến khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh Nhẹ xem tính mệnh trong Chinh Phụ ngâm; hình ảnh Áo bào thay chiếu khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh Gió thổi áo bào; hình ảnh Người đi không hẹn ước khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh Hỏi ngày về, ước nẻo quyên ca. Dường như đó là sự đồng vọng của cảm thức. Rõ ràng, từ ngữ đó gần gũi, dan díu với cảm thức thẩm mỹ trung đại bắt rễ từ những “Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt / Xếp bút nghiên theo việc đao cung” (Chinh phụ ngâm) đồng vọng bóng chinh nhân.

Vẻ đẹp của bài thơ rốt cục là cái tình thật của người lính, lãng mạn trước hiện thực khắc nghiệt, chất chứa khúc tráng ca từ ký ức chợt phút chốc dậy lên, xô lệch cả không gian và thời gian tuyến tính.

Hy vọng, những chữ khác biệt và phân tích trên sẽ được người yêu thơ, đặc biệt là các nhà soạn sách giáo khoa quan tâm để nếu có thể “đính chính” lại văn bản bài thơ “Tây Tiến”, góp phần minh định nội dung tác phẩm.

Huế, vào hạ 2021
N.P.H.T
(TCSH387/05-2021)

----------------
1. Quang Dũng, Mây đầu ô, tập thơ, Nxb. Tác phẩm mới, Hà Nội, 1986  
2. Ngoài bài “Nhớ Tây Tiến - 1947”, trong cuốn sổ này Quang Dũng còn có chép bài “Trưa hè” đề năm sáng tác là 1960.
3. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 12, tập một, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 2020, tr. 87-89.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn 12, sách đã dẫn, tr.88.
5. Cũng có thể định được danh ở đây. Trong bài viết “Con gái nhà thơ Quang Dũng và những hồi ức về cha” đăng trên Tiền Phong (27/02/2017), có đoạn nói rằng chữ Kiều trong bài Tây Tiến chính là “mượn” từ tên nghệ sĩ diễn kịch Giáng Kiều (tên thật là Kiều Dinh), một trong 4 chị em đẹp nhất ở phố Hàng Bông (Hà Nội) vào những năm 1940.   




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngày hội thơ (19/03/2021)