Tác giả-tác phẩm
Những vọng âm từ biển
09:26 | 09/07/2021

ĐỖ THU THỦY  

1.
Trường ca Ngang qua bình minh là ấn phẩm thứ ba của nhà thơ Lữ Mai, sau hai tập tản văn và ký sự: Nơi đầu sóng, Mắt trùng khơi viết về đề tài biển đảo.

Những vọng âm từ biển
Nhà thơ Lữ Mai và tác phẩm của chị

Đây là kết quả từ chuyến đi Trường Sa năm 2019 của chị và các đồng nghiệp, một hải trình với đầy ắp những ấn tượng và xúc cảm mãnh liệt như chính tác giả từng chia sẻ: “Câu chuyện về biển đảo mênh mông quá, tinh thần hy sinh của biết bao người lính cùng thân nhân của họ và vô số con người đau đáu lặng thầm bảo vệ cột mốc chủ quyền Tổ quốc không giấy mực nào tả xiết”. Tâm thế của người “đứng trước biển” với bao mới lạ, kỳ thú, ngỡ ngàng xen lẫn sự cảm phục, biết ơn những chiến sĩ hải quân “nơi đầu sóng” ngày đêm canh giữ biển trời Tổ quốc đã tạo nên điểm nhìn nghệ thuật mới, có sự mở rộng của phạm vi hiện thực, chiều sâu của cảm xúc, suy tưởng và sự linh hoạt trong hình thức biểu đạt ở các tác phẩm về biển đảo của Lữ Mai so với một số sáng tác trước đây của chị. Xét trên phương diện này, có thể xem Ngang qua bình minh là một dấu mốc cho thấy sự trưởng thành trong trải nghiệm đời sống và tư duy nghệ thuật, một trưởng thành đầy ý thức, đáng trân trọng ở những người viết trẻ như Lữ Mai.

Sinh năm 1988, Lữ Mai thuộc thế hệ những người viết văn trẻ được đào tạo một cách bài bản, có niềm đam mê, kiên trì theo đuổi con đường viết văn chuyên nghiệp và bước đầu đã gặt hái những thành công nhất định với 3 tập thơ: Giấc (2010), Mở mắt rồi mơ (2015), Thời cách ngăn trống rỗng (2019); 1 tập truyện ngắn: Linh hồ (2019), 4 tập tản văn và ký sự: Hà Nội không vội được đâu (2014), Những mùa hoa còn lại, Nơi đầu sóng, Mắt trùng khơi (2019) trước khi tiếp tục có thêm trường ca Ngang qua bình minh. Dẫu vậy thì với người viết trẻ, trường ca vẫn luôn là một hấp dẫn đầy thách đố bởi sự “vạm vỡ” của thể loại, xét ở cả hai đặc tính: khả năng biểu đạt những cảm xúc lớn, tư tưởng lớn về cộng đồng, dân tộc, đời sống nói chung và khả năng thể nghiệm phong phú các hình thức nghệ thuật: thể thơ, ngôn ngữ, thi tứ, hình ảnh… Lựa chọn viết trường ca sau khi đã có ít nhiều thành công ở thơ, truyện ngắn, tản văn, ký sự, vì thế, dường như là một “liều lĩnh” dấn thân của Lữ Mai. Thêm nữa, nhìn ở “lãnh địa” trường ca về biển đảo, Lữ Mai cũng không phải trường hợp đầu tiên và duy nhất. Trước chị, từng có những trường ca của các cây bút dày dặn kinh nghiệm trên thi đàn thơ Việt: Những người trên cửa biển (Văn Cao); Trường ca biển (Hữu Thỉnh), Hạ thủy những giấc mơ (Nguyễn Hữu Quý), Biển mặn (Nguyễn Trọng Tạo), Lòng hải lý (Đỗ Quyên), Tổ quốc - Đường chân trời (Nguyễn Trọng Văn); Người sau chân sóng (Lê Thị Mây)… và gần đây là Sóng trầm biển dựng (Đoàn Văn Mật). Đó là chưa kể hàng loạt những bài thơ từng gây sóng thi đàn ngay khi xuất hiện ở những thời điểm “nước sôi lửa bỏng”, chủ quyền biển đảo bị đe dọa: Trường Sa hành (Tô Thùy Yên), Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến), Mộ gió (Trịnh Công Lộc), Tổ quốc ba nghìn cây số biển (Nguyễn Ngọc Phú)… Là một người viết chuyên nghiệp, Lữ Mai hẳn nhiên ý thức về những cái bóng trường ca đã phủ xuống thơ Việt cũng như hiểu rõ cả áp lực mà một người viết trẻ như chị phải đối diện trước đòi hỏi thể loại cần nhiều trải nghiệm sống, trải nghiệm viết. Vì thế trong trường ca này, thấy rõ những nỗ lực, gắng gỏi để tạo nên cái riêng khác của tác giả, dựa trên chính việc khai thác tối đa ưu thế của thể loại và “vốn liếng” thực tế quí giá của những ngày ra với biển, với người lính cũng như trải nghiệm sống và tạng riêng của chị.  

2.
Ở góc nhìn khái quát mang tính chỉnh thể, có thể thấy trong Ngang qua bình minh, Lữ Mai đã lựa chọn bố cục chương đoạn thường thấy của trường ca với 8 chương theo thứ tự: Khởi tại Điêu Lương, Linh thoại, Ảo giác, Vẽ lại bình minh, Giấc mơ trổ vào thân sóng, Chuỗi ngày sao biển, Miền trong suốt, Trở về. Mỗi chương tựa như một câu chuyện nhỏ lồng trong câu chuyện lớn, được nối kết qua/ bằng hình thức những “đối thoại biển” với chủ âm là “linh thoại” giữa người lính và đồng đội, người thân. Những người lính đến từ mọi miền đất nước nhưng có chung một sứ mệnh thiêng liêng: bảo vệ bình yên biển đảo Tổ quốc. “Chiến chinh ở tận đáy sâu”! Rất nhiều người trong số họ, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, đã mãi mãi nằm lại giữa lòng biển cả, lỡ hẹn chuyến tàu về… Ngang qua bình minh là khúc ca bi tráng về những người lính kiên trung, bất khuất ấy ở cả chiều kích rộng lớn, hào sảng: tình yêu Tổ quốc, biển cả, tinh thần quyết tử bảo vệ chủ quyền đất nước lẫn những xúc cảm riêng tư, sâu lắng cắt cứa thịt da với mẹ, em và người thân yêu nơi quê nhà… Nhờ đặc trưng bao quát và “ôm chứa” thể loại, bố cục này tạo cơ hội cho tác giả triển khai mạch tư tưởng, cảm xúc và hình tượng trữ tình trong sự phong phú, linh hoạt, uyển chuyển, đan xen giữa chất sử thi và thế sự, hùng ca và bi ca, giữa câu chuyện “thời sự” có tính thời điểm liên quan tới những tranh chấp chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa thời gian gần đây và suy tư liên tưởng rộng dài về dân tộc, nhân dân trong dòng chảy thăng trầm của lịch sử, về những gian khó khổ đau, hy sinh mất mát vừa lặng thầm vừa kiêu hãnh của những người lính và nhân dân nói chung trong sứ mệnh gìn giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc: “Nơi biển cả đang dềnh ngơ ngác/ có gì rất sắc và sâu/ rất ngọt và đau/ phiêu bạt giữa trùng khơi muối mặn”; “Mỗi chúng tôi hóa một lá cờ/ bay vụt lên giữa biển/ dẫu cắn răng đau, dẫu lặng im tan nát/ vẫn mãi đứng đây và hát/ lời nhân dân non nước của mình”; “Mẹ ơi! Nếu mẹ ra tới biển/ có những ngày biển bỗng sáng lên/ ánh sáng ấy từ nghìn năm mở cõi/ từ những ngọn đèn vời vợi trước gian lao/ từ những kiếp người chưa bao giờ yên ngủ nổi/ từ những cuộc đời như mẹ mòn trông”… Trên nền mạch tự sự được tạo bởi tính kết nối của các chi tiết, sự kiện về hành trình sống - chiến đấu - hy sinh của những người lính đất Điêu Lương, người lính trên mọi miền đất nước nói chung, những ý tưởng, cảm xúc được triển khai và tự do tuôn chảy, nhiều khi lấn át mạch tự sự. Đây là một trong những đặc điểm thuộc về “hiện đại tính” của trường ca sau 1975 so với các giai đoạn trước, từng được thể hiện trong một số trường ca về biển đảo: Trường ca biển (Hữu Thỉnh), Hạ thủy những giấc mơ (Nguyễn Hữu Quý), Tổ quốc - Đường chân trời (Nguyễn Trọng Văn),… Điều này khiến cho việc phản ánh và biểu đạt nội dung trữ tình trong các trường ca giai đoạn này được mở rộng chiều kích trong sự kết hợp linh hoạt của ngôi kể, giọng điệu, ngôn ngữ, thủ pháp… giúp phát huy tối đa năng lực sáng tạo và sở trường của mỗi người viết. Tuy nhiên, sự mở rộng những chiều kích này trong trường ca cũng là thử thách không nhỏ với những người viết trẻ như Lữ Mai. Bởi lẽ ở dạng đề tài mang “hơi hướng” sử thi, có khả năng ôm chứa cả những vấn đề lớn của lịch sử dân tộc lẫn thân phận con người như đề tài biển đảo, nếu không đủ độ đằm chín của suy tư, cảm xúc, sự chắc chắn vững vàng về bút lực thì dễ rơi vào tình trạng “hô khẩu hiệu” hoặc các diễn đạt đã trở nên sáo mòn, công thức, đi ngược với nguyên tắc có tính sinh tử của thơ ca. Lữ Mai hẳn cũng ý thức một cách nghiêm túc, đầy cẩn trọng về điều này. Vì thế trong việc triển khai cấu trúc bên trong của trường ca, đã thấy những dụng công đầy chủ ý với nỗ lực đem tới cách thức biểu đạt có nhiều riêng khác ở đề tài dường như đã quen thuộc. Điều này thể hiện qua cách tác giả xử lý, kết hợp một cách khéo léo chất liệu đời sống hiện thực gắn với không gian, con người, câu chuyện, sự kiện về biển đảo và chất liệu văn hóa, tín ngưỡng dân gian, từ đó mở rộng phạm vi và trường liên tưởng về hiện thực, sự cộng hưởng của những cảm xúc suy tư, sự linh hoạt trong các thể nghiệm ngôn từ, thi ảnh, giọng điệu… giúp việc thể hiện thông điệp nghệ thuật trở nên rộng mở, sâu sắc hơn.

3.
Nhìn từ liên kết bề sâu, cấu trúc của Ngang qua bình minh được tạo dựng bởi sự gắn kết giữa cái thực: rừng núi, biển cả, trận mạc, người lính…, các tình tiết, câu chuyện về con người, sự việc diễn ra trong thời gian, không gian cụ thể, xác định với cái huyền bí, hư ảo của những linh thoại, ảo giác, giấc mơ… gắn với không gian tâm tưởng, được tạo dựng từ huyền tích về những “vùng đất thiêng”, từ ý niệm và niềm tin về sự tồn tại của thế giới tâm linh bên ngoài thế giới thực tại đầy hữu hạn của con người. Cái thiêng như một biểu đạt nghệ thuật đầy dụng ý ngầm diễn giải, cắt nghĩa về những gì diễn ra trong thực tại, một thực tại vừa kỳ vĩ, lớn lao, rộng dài liên quan tới vận mệnh dân tộc, vừa riêng tư cá nhân liên quan tới số phận mỗi con người. Sự trưng dụng các lớp ý nghĩa của trầm tích văn hóa trong trường ca này, do thế, thường nương theo mạch cảm xúc, góp phần thể hiện thông điệp nghệ thuật của tác giả. Câu chuyện về “bùa ngải”, “bùa yêu” nơi đồng rừng Điêu Lương là một ví dụ. Từ lời truyền tụng đầy bí ẩn, ma mị, đôi lúc nhuốm vẻ rùng rợn về một thứ phép thuật mang “yêu lực” khiến người ta vừa tò mò vừa sợ hãi, trong Ngang qua bình minh, chỉ dấu văn hóa đậm màu sắc tín ngưỡng vùng miền này được tác giả khai thác ở ý nghĩa khởi nguyên đầy tích cực và nhân bản: niềm khao khát hạnh phúc lứa đôi, mong ước được gắn bó “trọn đời trọn kiếp” bên người mình yêu thương. Vì thế những người đàn bà Điêu Lương khi sở hữu (hay cố gắng để sở hữu) bùa ngải, bùa yêu là đã “đặt cược” số mệnh mình vào đó với niềm tin vào sức mạnh đầy linh nghiệm có thể “dẫn dụ”, “chỉ lối đưa đường” linh hồn những người chồng, người con, người đàn ông của mình từ thăm thẳm trùng khơi trở về đất mẹ: “Bếp lạnh. Nhà lạnh. Chiếu chăn lạnh. Chiếc áo bạc màu run rẩy tái xanh. Mây đổ xuống Điêu Lương như biển trắng. Những linh hồn sóng sánh ngả vào nhau/ Người càng đớn đau, ngải càng linh nghiệm. Tình yêu từ tiền kiếp sẽ sinh sôi”; “Cùng khi đó những người đàn bà trở dậy nhóm bếp. Rót rượu hạ thổ từ chum sành, gọi ngải. Bùa yêu ơi, xin mở lại con đường”… Hình ảnh những người đàn bà Điêu Lương “ngậm ngùi nuôi những mùa ngải đắng/ gửi kẻ tha hương hình bóng một vầng trăng” trở thành một day dứt, ám ảnh, gợi ý niệm về sự cô đơn, mất mát, bi kịch: “Vùng Điêu Lương nổi tiếng bùa yêu. Nhưng chỉ để trao cho những vùng đất khác. Còn xứ này, đàn bà tóc xanh hay tóc bạc, đều cô đơn”. Từ trầm tích văn hóa, câu chuyện bùa ngải, bùa yêu trở thành một tín hiệu thẩm mĩ mang thông điệp về thân phận con người, thân phận phụ nữ trong dòng chảy thăng trầm của lịch sử: “rồi chợt ta thấy mẹ/ người suốt đời trồng ngải gọi bùa yêu/ vườn ngải già thành nơi trông cậy/ sau cuối chỉ còn đắng đót giọt đau”; “Những kiếp đàn bà nuôi ngải đắng gọi bùa/ trò thiêng cũ phiêu linh theo đời lính/ hạnh phúc hình hài hoa bão táp/ năm cánh trắng mong manh một phía xếp về”… Trong thơ Lữ Mai từng xuất hiện những bài thơ, câu thơ đầy ám ảnh về “phận đàn bà” với nỗi đau hậu chiến, “nỗi đau nhang khói”: “Người đàn bà tháng bảy/ theo hồi chuông mang ký ức quay về/ âm dương tìm nhau khói nhang cách biệt/ trong cơn khóc trẻ thơ/ hương huệ trắng vẫn còn thảng thốt” (Những hồi chuông cỏ dại). Dường như trái tim phụ nữ với sự yếu mềm cố hữu khiến những vần thơ của chị ở trường ca này, dù trong hào sảng ngân vang vẫn có những quãng lắng sâu da diết, buốt nhói một niềm xót đau, thương cảm: “mẹ chôn chiếc ba lô đắp thành mộ gió/ chôn tuổi xuân mình/ chôn mái tóc xanh”; “tóc mẹ buốt sương khuya/ lạnh từng mũi kim suốt đời vá víu/ chạm mặt vải thêu nhóng nhánh trăng vàng/ hoang mang kéo vào ngày rạng”; “nước mắt em chôn vội rặng tóc tiên/ chẳng tiễn kẻ đi chỉ đăm đăm theo đường mòn lũ kiến/ tưởng tượng ta bé mọn đủ để em nhìn”… Đó là những quãng lặng quý giá, chạm tới giá trị cốt tủy và vĩnh hằng của thi ca.

Huyền tích đồng rừng về bùa ngải, bùa yêu bên cạnh linh thoại, ảo giác, giấc mơ trong cõi tâm linh vô thức, nơi trùng khơi thăm thẳm “tiếng chuyện trò lẫn lời sóng gió”, “người đã khuất thức cùng người sống” đã tạo nên một không gian nghệ thuật đậm chất huyền hoặc, ở đó diễn ra câu chuyện vừa thiêng liêng hào sảng, vừa “bình dị từ tâm” về những người lính và cuộc chiến giữ gìn, bảo vệ, khẳng định chủ quyền đất nước. Ở đó, “mỗi số phận chứa một phần lịch sử” giúp ta thức nhận rõ hơn ý nghĩa của những nỗi đau, sự hy sinh, dâng hiến, để thêm gắn bó, tha thiết hơn với con người, với cuộc đời này.

Chia sẻ về sứ mệnh của thơ ca, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý cho rằng: “Dù chiến tranh hay hòa bình, thơ cũng phải có trách nhiệm với Tổ quốc và nhân dân, đó vừa là nghĩa vụ, vừa là tình cảm của người cầm bút. Nhưng để chuyển tải được tư tưởng, nội dung lớn, thơ cần có chất lượng nghệ thuật cao”. Trong một tương quan và đòi hỏi như vậy, việc lựa chọn những thể loại “nặng ký” như trường ca để biểu đạt tư tưởng, cảm xúc lớn về dân tộc, nhân dân ở các tác giả trẻ như Lữ Mai, tuy có chút “liều lĩnh” song thật đáng quý, đáng trân trọng. Chúng ta mong chờ và tin tưởng sự “liều lĩnh” ấy, cùng nội lực và khát vọng dấn thân sẽ tạo nên nguồn năng lượng và sinh khí mới cho những bứt phá sáng tạo trong tương lai của chị.

Đ.T.T  
(SHSDB41/06-2021)




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Ngày hội thơ (19/03/2021)