Cuốn tiểu thuyết của nhà văn Pháp từng có một thời gian dài sinh ra và lớn lên ở Apghanistan (từ 1962 đến 1984), mới được Nhà xuất bản Hội Nhà văn liên kết cùng Nhã Nam phát hành ở nước ta, thực sự là một trong những tác phẩm gây nhiều chú ý trong đời sống văn học đương đại. Với một giọng văn mang đậm mùi thuốc súng khốc liệt mà bạn đọc có thể cảm nhận ngay về một thế giới còn xa lạ với chúng ta, thậm chí với toàn thể phần còn lại của thế giới, trừ Apghanistan, Atiq Rahimi đã kể lại câu chuyện của mình với những góc nhìn điện ảnh đầy tính khách quan và trang nghiêm, nhưng cũng đầy hóa thân vào nội tâm nhân vật chính.
Không hề có một nhẫn thạch nào trong tác phẩm, như huyền thoại của người Hồi giáo về một viên đá tại thánh địa Mecca, nơi bạn có thể kể lại mọi nỗi đau khổ, muộn phiền, rồi chờ một ngày nó vỡ tung ra, để đưa bạn vào một thế giới khác, nơi không còn nước mắt. Không gian câu chuyện chỉ là một căn phòng nhỏ, đổ nát với một người phụ nữ khắc khoải bên người chồng đang sống đời sống thực vật với một viên đạn trong gáy. Thông qua không gian ấy, một thế giới Hồi giáo được dựng nên với đầy đủ những khắc nghiệt và tàn bạo của nó. Quan trọng hơn, thế giới tinh thần người phụ nữ Hồi giáo, với nhân sinh quan và những trải nghiệm về hạnh phúc, hôn nhân, tình yêu, tính dục... đã được phác họa. Chồng chị, từng là một chiến binh Hồi giáo, giờ chỉ đóng vai trò như một chiếc nhẫn thạch cho chị tâm sự mọi muộn phiền, những bí mật và những nỗi đau mà chị vốn từng buộc phải giữ yên khi anh ta “còn sống”. Thời gian chỉ kéo dài trong vài tuần, nhưng thời gian nghệ thuật trong tác phẩm chỉ được tính bằng sự tuần hoàn của chuỗi hạt trên tay người vợ, hoặc 99 tên khác nhau của thánh Allad. Tất cả sự tuần hoàn đó, được đo bằng một cái đồng hồ chính xác nhất giữa người đàn ông và chị, đó là nhịp thở của anh. Nghệ thuật kể của Atiq Rahimi là mượn lời của người vợ, vừa nhằm thâm nhập khách thể thế giới Hồi giáo với đầy đủ sự bạo tàn của nó, vừa nhằm bóc tách chủ thể tinh thần của người phụ nữ từ bên trong, với đầy đủ những bí mật “tội lỗi” nhất như: không còn trinh khi cưới chồng, đau đớn trong đêm tân hôn, yêu cha của chồng, giết con chim cút, thường xuyên thủ dâm, nhờ người đàn ông khác mới có con do chồng vô sinh... Người nghe chuyện thực tế là một cái xác không hồn, nhẫn thạch của chị, nhưng người nghe chuyện tiềm ẩn lại là tất cả chúng ta, một thế giới vốn dĩ thống ngự bởi nam quyền, nhưng chưa bao giờ bạo tàn đến như thế. Mỗi lần kể là một diễn ngôn khác nhau, mang tính tư tưởng và cảm xúc khác nhau của người phụ nữ Hồi giáo.
Mặc dù kết thúc còn mang nhiều tính khiên cưỡng, nhưng một bản nhạc vĩ đại bao giờ cũng có thể tìm ra một vài nốt nhạc sai, song chính bản thân sự khiếm khuyết ấy, đôi khi lại tạo nên một tác phẩm vĩ đại về cuộc đời, vì mọi logich, qui luật, không phải bao giờ cũng đúng với tất cả, nhất là ở một nơi nào đó như Apghanistan. Do đó, Nhẫn thạch đối với những ai muốn hiểu về thế giới này, không phải là tác phẩm nên đọc, mà là tác phẩm phải đọc. Một tác phẩm đã được Hội đồng thẩm định giải Goncourt tặng khen: “Nhẫn thạch được chọn vì chất văn học tuyệt vời, tính hiện đại, khắc nghiệt, độ chính xác và lối viết không chút cường điệu của nó”.
F.A (245/07-09) |