Tác giả-tác phẩm
Mộng Sơn
08:27 | 20/10/2021

LÊ THỊ ĐỨC HẠNH

Mộng Sơn là một trong số hiếm hoi những nhà văn nữ xuất hiện từ trước Cách mạng tháng Tám, sau này vẫn tiếp tục bền bỉ đóng góp cho nền văn học mới bằng những tác phẩm vừa phải, khiêm tốn, biểu lộ một tình cảm chân thành, một tấm lòng nhân ái.

 

Mộng Sơn
Báo Phụ nữ thời đàm - Dòng báo phụ nữ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Ảnh: internet

Mới 13 tuổi, chị đã có bút ký Đời Nhật Anh đăng trên Phụ nữ thời đàm (1933). Sau đó, chị sáng tác một số bài thơ, viết truyện ngắn, phóng sự. Chị bắt đầu được chú ý từ bài thơ Viếng mồ lữ khách (đăng báo Văn Học, 1935) và cũng từ đây chị giữ hẳn bút hiệu Mộng Sơn(1). Và tuy đã có một số bài thơ được đăng báo, sau này vẫn tiếp tục, nhưng trong lĩnh vực văn xuôi lúc ấy, phụ nữ sáng tác còn quá hiếm và yếu, nên Mộng Sơn viết được mấy truyện ngắn, rồi có hẳn hai tập truyện có chiều sâu nhất định, nên chị được chú ý đặc biệt, được coi là một cây bút nữ rất tiêu biểu, và là một trong vài người(2) có công đầu trong sáng tác văn xuôi của phụ nữ. Tên tuổi chị gắn liền với hai tập truyện ngắn Vượt cạn (1952) và Làm nũng (1952). Không chỉ sáng tác, chị còn viết những bài đọc sách, sau in thành tập Văn học và triết luận (1944), viết xã luận. Sau hoà bình lập lại (1954), chị viết tương đối đều và nhiều hơn, cả truyện vừa (Gỡ mối - 1959), tiểu thuyết (Giận nhau - 1957), một ít bài thơ, riêng truyện ngắn là hai tập (Một khong trời xanh) -1962. Tuổi mười ba -1982, chưa kể một số bài đăng lẻ trên báo.

Mộng Sơn sinh ra từ một vùng có truyền thống văn học, quê hương của Yên Đổ, Tú Xương... Và hồi nhỏ chị còn hay sống ở quê ngoại, nơi có nhiều cảnh đẹp: Vạn Tùng Thôn (Thái Bình). Chị lại được ông ngoại đỗ cử nhân dạy cho học thuộc lòng những áng thơ hay, và nghỉ hè về nhà thường đọc truyện cho bà nghe. Từ đó, chị sinh ra ham mê đọc sách, thích viết văn và làm thơ. Nhưng cái thời mà tư tưởng phong kiến còn đè nặng lên đầu óc con người thì phụ nữ không phải dễ dàng được theo đuổi nghiệp văn chương. Mộng Sơn có tâm sự rằng: bà cụ thân sinh ra chị không muốn cho con gái làm nghề viết văn. Trong hoàn cảnh ấy, thường đêm khuya, chị phải vặn nhỏ đèn viết trộm, và có cảm giác phải dấu giếm như người đi làm "hội kín". Nhưng, một phụ nữ hay mơ mộng, giàu suy tư, lại sống trong cái xã hội tù túng, đầy sầu khổ thì lòng xót thương của con người, dù còn mơ hồ, cũng mạnh hơn mọi sự ngăn cấm. Và thế là những bài thơ bâng khuâng ngậm ngùi cho thân phận con người như Ai đứng bên sông, Đời phiêu linh, Đá mong chồng... vẫn được ra mắt bạn đọc.

Giữa lúc đó thì một làn gió mới thổi tới: Mặt trận bình dân Pháp lên cầm quyền, Mặt trận dân chủ Đông Dương ra đời. Các báo chí tiến bộ xuất bản nhiều... chưa kể, trước đó mấy năm, khi đang học ở trường Đồng Khánh (Huế), chị còn được đi nghe Phan Bội Châu nói chuyện... Lòng nhà thơ sẵn sàng rộng mở, đón nhận những gì mới mẻ, khỏe khoắn. Chị tham gia làm báo Việt Nữ, hăng hái viết bài về phong trào Mặt trận Bình dân Pháp, Mặt trận Dân chủ Đông Dương. Cũng thời gian này, chị viết phóng sự Vất vưởng nói lên nỗi khổ của những trẻ em lang thang vô thừa nhận...

Một thời gian sau (1940), bước đầu ý thức được về mình, về người phụ nữ nói chung, chị liền giữ mục Đọc sách trong tuần báo Đàn bà. Ở đây, chị muốn đánh đổ một quan niệm coi thường phụ nữ, cho rằng phái yếu không làm được phê bình văn học, bởi họ chỉ giàu tình cảm, trong khi môn này lại đòi hỏi nhiều lý trí. Từ ý nghĩ đó, chị viết liền một số bài đọc sách: Về thơ (Quê ngoại của Hồ Dzếnh - Bức tranh quê của Anh Thơ), về văn (Làm đĩ của Vũ Trọng Phụng, Dung của Lan Khai), về kịch (Không một tiếng vang của Vũ Trọng Phụng), về nghiên cứu (Nam quc nữ lưu của Sở Cuồng)... Tuy những bài viết còn sơ sài, nhưng có nhiều quan niệm đúng đắn, tức thời. Và đứng trên góc độ phụ nữ, hiểu thấu giới mình, chị đòi hỏi những nhà nghiên cứu hãy quan tâm hơn đến chị em nghèo ở thành thị và thôn quê, họ bị "cầm tù", bị là "nạn nhân rất đau khổ của chế độ". Chị cũng có những nhận xét về mặt nghệ thuật khá tinh tế. Trong tình hình phê bình văn học chưa phát triển, những bài viết sâu sắc, lành mạnh còn rất ít, nhất nữa của phụ nữ đang còn quá hiếm, thì cuốn Văn học và triết luận của Mộng Sơn là một đóng góp rất đáng trân trọng, một tiếng nói đáng kể đầu tiên của phụ nữ trong phê bình văn học.

Thời gian này, chị cũng sáng tác một số bài thơ và đến 1945, với niềm phấn khởi tràn đầy, chị viết bài Mừng Cách mạng tháng Tám thành công (3).

Chẳng bao lâu, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Do hoàn cảnh riêng bó buộc, Mộng Sơn phải ở lại Hà Nội, vùng tạm bị Pháp chiếm đóng chị cảm thấy day dứt, thêm vào đó, có những nỗi buồn riêng: con đầu lòng không nuôi được, bản thân bị đau ốm nhiều. Qua những ngày ở nhà Hộ sinh, rồi Bệnh viện Bạch Mai, chị có dịp được gặp gỡ, lắng nghe tâm sự, nỗi lòng của người bạn gái, rồi viết nên hai tập Vượt cạn (4) và Làm nũng (5). Ở đây, chúng ta bắt gặp biết bao nỗi cay đắng, oan khiên của phụ nữ, như có người mẹ vừa đẻ đứa con đầu lòng đã phải đem cho con đi, để đi ở nuôi con người (Một hiệu lệnh), có những người vợ bị chồng phụ bạc (Dương Thị Châu, Tuyệt tình,...), những nàng dâu bị mẹ chồng đối xử cay nghiệt, tàn nhẫn (Che miệng thế, Thlửa), và còn vô vàn những điều ngang trái, bất công đè nặng lên cuộc đời người phụ nữ (Ra đi,... Là con người ta,...). Nếu như ở Vượt cạn, con người còn hoàn toàn chịu ép trước hoàn cảnh thì đến Làm nũng, họ đã bước đầu tìm thấy một chút ánh sáng lóe lên trong cuộc đời. Không phải nhà văn chỉ mỉa mai một anh chàng Phong "làm nũng" với thời đại (Làm nũng), nhằm đả kích vào những trí thức "trùm chăn" lúc ấy, mà đã gợi lên hình ảnh những phụ nữ biết thoát ra khỏi khuôn khổ gia đình, để có một việc làm ngoài xã hội (Thla). Hơn nữa, họ còn "ra đi", tuy chưa biết phải làm gì, nhưng thấy không thể chỉ "sống riêng cái đời tình cảm bên trong" mà phải "sống theo nhịp sống chung bên ngoài" (Ra đi),...

Quả thật, sau những bài thơ đầu tay còn thiên về bâng khuâng, cảm hoài, tiến tới chị viết được một số bài phê bình có chất suy nghĩ và trong sáng tác cũng bám sát cuộc đời thực, đi vào khai thác tâm tư, tình cảm của những phụ nữ đang đau khổ, quằn quại trong nhiều tình huống éo le của cuộc sống dưới chế độ thống trị của thực dân Pháp lúc bấy giờ.

Hòa bình được lập lại (1954), thấy mình được giải phóng, chị mừng vui khôn xiết, vừa hăng hái đi thực tế để sáng tác, vừa tham gia các hoạt động văn học. Chị cố gắng nắm bắt những con người mới, đặc biệt đi sâu vào phụ nữ. Chị viết tiểu thuyết, bút ký, phóng sự, người thật việc thật, nhiều hơn cả là truyện ngắn. Những truyện ngắn sau hoà bình của chị phần lớn in trong Một khong trời xanh (6)Tuổi mười ba (7). Hai tập này gồm nhiều đề tài khác nhau, nhưng nổi bật nhất trong Một khong trời xanh là tình cảm mẹ con, còn trong Tuổi mười ba là sự phấn đấu vươn lên của người phụ nữ mới. Với tình cảm chân thành, chị ngợi ca việc làm, tâm tư, tình cảm của những con người tưởng như bình thường, nhưng thật đáng quý. Qua đó, ta thấy nổi đậm lên sự chịu đựng, hy sinh thầm lặng, yêu chồng, thương con, giàu lòng vị tha của người phụ nữ Việt Nam. Nhiều truyện giản dị, nhưng xúc động như Đi bỏ phiếu, Đêm tháng bảy (trong Một khoảng trời xanh), Nhà hướng Nam, Tuổi mười ba (trong Tuổi mười ba)...

Năm 1957, Mộng Sơn cho in cuốn tiểu thuyết Giận nhau (8) chuyện về một phụ nữ chung thủy, thực thà, chẳng may sa vào tay giặc, lại bị kẻ xấu đặt điều vu khống, sau thông qua những hoạt động xã hội mà xóa dần được sự hiểu lầm, bảo vệ được hạnh phúc gia đình. Truyện có nhiều chi tiết sinh động, chân thực về những mối quan hệ rất phức tạp trong nông thôn còn nặng chất phong kiến, mà lớp trẻ ngày nay khó có thể tưởng tượng được.

Chị cũng viết một truyện vừa về nhà máy dệt của tỉnh nhà: Gỡ mi (9). Truyện nói lên một cách mộc mạc, chân thực sự vướng mắc trong quan hệ một cô thợ trẻ và một bác thợ già đã từng dạy nghề cô. Ngoài ra, thời kỳ này chị cũng sáng tác được mấy bài thơ đáng chú ý: Ngày v, Ca đêm (10)...

Là người cầm bút từ năm mười ba tuổi, từ khi văn học chưa có ánh sáng cách mạng soi đường, đất trời còn tối tăm oi ngột, còn nhiều thứ lộn xộn, thậm chí rác rưởi, thế mà một người phụ nữ làm thơ, viết văn như chị không bị hẫng hụt đã là quý, nhưng đáng quí hơn là những gì chị viết ra đều lành mạnh, trong trẻo, có tính nhân bản cao. Nếu như trong thơ, chị có phần bâng khuâng, mơ mộng thì trong văn, chị luôn phản ánh cuộc đời rất thực, nhiều khi còn quá mộc mạc, chân chất là khác. Chị viết văn xuất phát từ một tình cảm chân thành, thực sự thông cảm, xót xa trước những cảnh khổ đau của phụ nữ, hoặc của những trẻ em nghèo khó, lang thang, vất vưởng... đồng thời cũng vui mừng trước những bước tiến của giới mình...

Người đọc thấy bao trùm lên trên các tác phẩm của chị là một tình thương, thứ tình thương lặng lẽ, không sôi nổi, ồn ào, nhưng có chiều sâu và lắng đọng bên trong...

Chị không có sở trường về cách nhằm đặt ra và giải quyết những vấn đề dữ dội, gay cấn trong đời sống chị em, mà thiên về lối rủ rỉ, tâm tình, thuật chuyện, tả người, tả việc hơn là tạo dựng những tính cách sắc nhọn. Truyện của chị có vẻ hiền, nhưng không vì thế mà thiếu đi những trang sinh động. Dưới bút chị, những đức tính truyền thống của phụ nữ Việt Nam nổi lên rất rõ, cả những nét có vẻ xưa cũ cũng in đậm, đôi khi có chiều hướng lấn át cả phần hiện đại. Chị thường muốn gửi gắm quá nhiều vào mỗi tác phẩm, thành ra một số truyện ngắn có dung lượng hơi quá tải, có sự dồn nén, làm giảm đi phần nào chiều sâu của nó.

Tuy còn có điểm này, điểm khác chưa thỏa mãn người đọc, nhưng Mộng Sơn vẫn là một cây bút nữ được nhiều người yêu mến. Chị viết nhiều loại, nhưng nổi nhất ở thể loại truyện ngắn, và trong việc thể hiện một số mặt về cuộc sống của người phụ nữ, nhất là những khổ đau, dằn vặt của họ khi cuộc đời còn bị "cầm tù" dưới chế độ cũ, hoặc tư tưởng cũ. Chị là một tấm gương bền bỉ trong lao động nghệ thuật, là một nhà văn của phụ nữ. Những tác phẩm của chị như những trái ngọt đầu mùa của phái đẹp góp vào vườn văn nghệ chung của dân tộc.

L.T.Đ.H
(TCSH50/07&8-1992)

----------------------

(1) Trước đó, chị lấy bút hiệu Hải Đông thôn nữ.
(2) Anh Thơ cũng có một số truyện ngắn và cuốn Răng đen (1942), nhưng chị nổi bật hơn ở thơ nên vẫn thường xem chị là nhà thơ.
(3) Được giải thưởng thi thơ của UBND cách mạng huyện Thuận Thành.
(4) (Bắc Ninh) Nhà XB. T.giới - 1952.
(5) Nhà XB. Vỡ đất - 1952.
(6) Nhà XB. Văn học - 1962.
(7) Nhà XB. Tác phẩm mới - 1982.
(8) Nhà XB. Phụ nữ. Được giải thưởng thơ Văn nghệ do TƯ Hội LHPN tổ chức. Báo Campuchia đăng.
(9) Nhà XB. Lao động.
(10) Được đưa vào giảng dạy trong phần phụ văn lớp 8 (cũ).

 

Các bài mới
Các bài đã đăng