NGÔ THỜI ĐÔN
Trước tác của Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-1870) lâu nay mới được dịch thuật, giới thiệu ít nhiều ở phần thơ.
Miên Thẩm cũng có văn xuôi. Tập Thương Sơn Văn Di do người con trai nhà thơ là Hồng Phì, tự Sĩ Thắng sưu tầm và khắc in có 34 bài, thuộc các thể quen thuộc của cổ văn. So với các nhà thơ lớn của nước ta thời Nguyễn thì hơn ba mươi bài văn xuôi không phải là ít! Từ trước, có lẽ do ảnh hưởng của hai câu Văn như Siêu, Quát vô Tiền Hán; Thi đáo Tùng, Tuy, thất Thịnh Đường mà người nghiên cứu chỉ nghĩ đến thơ của Tùng Thiện chăng? Hai ông Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát tuy có làm văn song hai ông thực sự nổi tiếng về thơ. Cho nên, hai câu ấy là nói chung thơ-văn, chứ không có ý tách bạch ông Siêu, ông Quát giỏi văn (văn xuôi); ông Tùng, ông Tuy hay thơ (văn vần). Ở ta, có nhiều nhà thơ chỉ làm thơ, không làm văn hoặc ngược lại; Miên Thẩm là loại tác giả vừa có thơ, vừa có văn. Thực tế thì Miên Thẩm làm thơ nhiều hơn văn, nên vì thế mà giới nghiên cứu chú trọng dịch thuật, giới thiệu về thơ? Sự thật không hẳn thế. Công việc dịch thuật vốn rất gian nan nên khó đáp ứng kịp thời mọi nhu cầu của người nghiên cứu muốn có tất cả thơ văn của một nhà.
Đọc kỹ tập Thương Sơn Văn Di, người viết cũng rất mong giới thiệu tất cả, song thấy không thể chu tất được. Vì thế, trong bài viết này, người viết chỉ xin dịch và giới thiệu qua về mảng ký của Miên Thẩm, mong sao cung cấp được một vài nét về tâm hồn tế nhị, chân thành của Miên Thẩm, một nhà thơ lớn của xứ Huế thời Nguyễn.
Miên Thẩm đã viết các bài ký: Con ngựa trắng xám chất phác; Am An Dưỡng; Đề tên vào núi Ngũ Phong; Biệt hiệu Thương Sơn; Đình Sở Tụng; Ruộng tự điền Thanh Lam; Trại ruộng Cầu Hậu. Nhìn chung, đây là những bài viết về Huế và các vùng phụ cận. Ký của Miên Thẩm xinh xắn, gọn gàng, không nhiều chi tiết, hình ảnh rực rỡ; nói như bây giờ, chúng không "đầy ắp" "ngồn ngộn" hiện thực. Chúng chỉ là những nét vẽ nhẹ nhàng, thanh thoát, những ý gợi hơn là tả. Chúng đơn sơ, im ắng như con đường vào núi Ngũ Phong. “Từ Dương Xuân, đi thuyền đến An cựu, lên bộ, theo đường thiên lý vào Nam, chưa đầy ba dặm, rẽ phải là đến núi Ngũ Phong". Cảnh sắc thiên nhiên trong bài ký cũng vậy, nó có vẻ tiêu sơ, thoáng ẩn thoáng hiện nhưng lại đậm đà phong vị cảnh Huế xưa: "Phía Tây chùa có mái nhà tranh, dưới nhà là khe suối, chảy từ đá trúc ra, đưa cao tiếng đàn, tiếng sáo quanh chùa. Nước rửa được, trúc cho bóng râm, khóm cao, khóm thấp mọc theo suối quanh co, tạo nên cái thế như nghỉ ngơi, như ngửng lên, như đứt rồi nối, như để dành cho thi nhân chỗ ngồi" (Ngũ Phong sơn đề danh ký)
Miên Thẩm rất yêu cảnh sắc quê hương. Huế đi vào thơ ông đã đẹp, Huế trong ký của ông cũng xinh lạ. Ngọn Thương Sơn, bến nước Thiên Mụ, Am An Dưỡng, núi Ngũ Phong... đều để lại cái vẻ riêng của chúng - trong ký của ông, từ thuở ấy. Ông muốn phả vào cảnh sắc thanh lịch của quê nhà cái tình đằm thắm của mình. Ngồi với vị sư già ở am An Dưỡng, trong một khoảng nhỏ vừa đủ thờ một pho tượng Di Đà, kê một chiếc giường, mà hai người nói chuyện say sưa quên cả trời chiều. "Giờ này, trời chiều sắp tắt, bốn mặt núi non mây phủ, mưa lạnh theo gió đến, nước suối róc rách thành dòng, cùng ngồi ở giường chùa, đun trà núi, nghe suối reo, lòng tự dưng phát sinh ý tưởng ngoại trần. Tôi hỏi Thượng Nhân: " trong chỗ ấy, "đắc" là thế nào ? Sư cười không đáp. Tôi xót xa, sư vừa già vừa bệnh, có mang quà tặng nhưng sư không nhận, tự nói là có hai người hầu hạ trồng rau đậu sớm tối đủ ăn, không mong cầu nhiều. Ôi, Thượng Nhân cũng rất kỳ lạ, đặc biệt đó chứ?" (Du An Dưỡng Am ký).
Đọc ký của Miên Thẩm, cùng ông đi lại, nhìn ngắm, cảm thông vẻ đẹp cảnh sắc quê nhà, không khỏi phát sinh ý tưởng muốn so sánh với hiện thực. Những gì Miên Thẩm ghi hồi ấy, hơn một trăm năm đã trôi qua mà hình như không thay đổi bao nhiêu (?) Trên mỏm đá trước bến Thiên Mụ, Miên Thẩm đã cùng bạn ngồi đó, nhìn lên một dải chập chùng ở phía Tây Nam mà "định vị" ngọn Thương Sơn. Thật rất lâu, người đọc văn cổ mới gặp một đoạn ký tha thiết về một ngọn núi quê hương như thế:
"Thương Sơn là núi của Phú Xuân; các ngọn Tây Nam kinh thành kết liền nhau, kéo dài quanh co, họp vẻ xanh, đua tranh vẻ đẹp, chẳng biết trong mấy ngọn tuấn tú, nổi lên chỉ có ngọn này chăng ? Một hôm, tôi lên chùa Thiên Mụ, ngồi sóng đôi với khách ở mỏm đá nổi trên sông nói chuyện thời thế. Mặt trời lặn, khói núi chốc lát biến thành mưa nhỏ ướt áo, nhìn bạn bảo: kết nhau kéo dài quanh co, họp vẻ xanh, đua tranh vẻ đẹp, mờ ảo không rõ, như có như không, trong mây mù nổi lên mà Thương Sơn vẫn sừng sững đứng đó! Tôi bèn vịnh rằng:
Giang thượng quần phong đạm dục vô,
Thiều thiều nhận vọng trung cô.
Nhược vi khất đắc Duy Ma bút
Trích thủ Thương Sơn tác họa đồ
(Muôn núi trên sông như nhạt mờ,
Xa xa ngàn dặm vẻ đơn cô
Nếu xin được bút người Thi Phật,
Vẽ lấy Thương Sơn, nét họa thơ !)
Thấy núi đẹp, Miên Thẩm muốn vẽ, nhưng tiếc là không có tài của Vương Duy, hiệu Duy Ma, nhà thơ kiêm họa sĩ tài hoa đời Đường, được người đời xưng là Thi Phật. Dù chưa vẽ, nhưng trong lòng ông, ngọn Thương Sơn đã hiện hình. Gọi là Thương Sơn vì núi ấy xa xanh lắm, tươi đẹp lắm, gọi như thế cũng là cách tỏ lòng ngưỡng mộ Viên Tử Tài, người đời Thanh. Khi về ở Giang Ninh, dưới chân núi Tiểu Thương, Tử Tài lấy hiệu là Thương Sơn. Tử Tài thuở trẻ tuấn kiệt, nhưng bước vào đời gặp toàn chuyện bất như ý, nên từ tuổi trung niên về sau, Tử Tài quay về vườn Tùy, làm thơ, viết văn kêu gọi khách giang hồ anh tuấn và thủy chung với vườn Tùy gần bốn mươi năm. Ý chí của Miên Thẩm thì có gì chưa giống với Tử Tài, nhưng tấm lòng Miên Thẩm đối với quê nhà thì như hòa được với Tử Tài. Tôi và Tử Tài, phong cách đến một nửa là không gặp nhau, lại sinh không cùng thời, đáng tiếc vậy. Giả sử cùng thời thì cũng cùng nhau viết ký đề truyền về sau...
Chọn Huế làm đất ở vĩnh viễn, vì ông sinh ra ở Huế, lớn lên ở Huế. Ông vốn có lòng yêu quý núi non, đồng bằng của Huế. Lòng yêu ấy lại thuận với ý muốn sống chân chất, thánh thiện, nên khi lỡ sinh ra trong cảnh quyền thế sang trọng, Miên Thẩm vẫn mong tự mình đi chân đất trên núi nhà, ruộng nhà, đường quê, Phò mã Phạm Kế không có con trai, Nguyệt Đình đã mua tám ruộng hơn ba mẫu ở Thanh Lam, ông cũng thấy lo và góp phần chăm sóc. Thân mẫu ông là bà Thục Tân, khi mất mọi thứ đều được chu toàn nhờ ơn vua lộc nước. Miên Thẩm không thấy yên lòng, vì mình chưa thể hiện đạo hiếu sau khi mẹ mất. Ông muốn tự mình làm thửa ruộng, vừa để bỏ thói "ngồi ăn không" vừa dâng lên mẹ tấm hình của người con thảo. Trại ruộng Cầu Hậu ra đời, ông gian nan vất vả tròn bốn năm, tốn kém mười mấy lượt, mất một vạn quan tiền. Khổ nổi gạch vụn ngổn ngang, đường cày va vấp, ruộng lại xa nước ngọt, mùa hè nước mặn dẫy lên... Miên Thẩm thường về đây đốc thúc con cháu người nhà dựng trại, đào mương, cấy cày... Ông tham dự cả những cuộc họp của phụ lão ba ấp Lễ Khê, Thế Lại, Bao Vinh, mừng rỡ khi họ chung lòng lo thủy lợi, khai mở chỗ tắc, đào lấp chỗ ngập. Kết quả bốn năm làm lụng, tiền hết, sức suy, nhưng ông tỏ ra lạc quan. Mỗi khi rỗi việc công, đến ruộng xem con trẻ, người nhà, cháu chắt cày bừa, nghĩ đến ngày lúa tốt dưa chín, cúng tổ tiên yến tiệc tân khách, một tiếng nói cười, ý xưa hòa mục (Hậu Kiều trang điền bi ký). Ông tự giác cái điều mà một kẻ sĩ chân chính thường tâm niệm "Cùng vui, cùng khổ với nông dân" Hạt thóc, bát cơm là mồ hôi nước mắt, không phải là của dễ dàng mà có. Ý chí tốt đẹp ấy đã tắm gội làm cho bản thân ông đã trong trẻo, thanh sạch nay lại thêm gần, thêm quí đối với người dân quê chân lấm tay bùn.
Dù sao, Miên Thẩm vẫn là một hoàng tử quyền quí, cho nên khi cúi mình trên khoảnh ruộng, ngập chân trong luống cày, không phải không băn khoăn trước dư luận thông thường. Miên Thẩm đã có lần soát xét lòng mình - một cách tự giác. May thay, vẻ sang trọng của ngựa xe, uy quyền của con vua cháu chúa không xóa nổi bản chất hồn hậu của ông! Phác thông ký (bài ký về ngựa trắng xám chất phác) là một câu chuyện tưởng tượng hơn là sự thật và rất đỗi cảm động về bản chất của chính ông! Miên Thẩm cho rằng trước khi Bá Nhạc - một người sành ngựa ở Trung Quốc - ra đời, ngựa rất chân chất, không hề biết gò bó, vinh nhục, roi ngọc, đàm ngà, yên báu ràng buộc, ông tưởng tượng chú ngựa ấy nói rằng: "Kẻ tôi tớ này sinh ra từ bờ cát lạnh, để cỏ xanh. Tai gần, mắt bao, mũi lớn, đầu gối tròn, con ngươi tía, miệng đỏ, tài vượt hơn bầy..." Rồi, Bá Nhạc ra đời, ngựa hết chất phác. "Bỗng nhiên bờm rối, lông dơ, tối tăm ơn sáng, cúi đầu hí gió, ngoái bóng tiếc thương !... Ăn thức ăn của người, mặc áo quần của người, thân thể thấm ơn, râu lông cạo gọt, sự thờ chủ còn hơn thế này..."
Phác thông ký là nét bút nhọn và sắc Miên Thẩm ngầm tự họa chân dung mình. Bản chất của ông rất ghê sợ sự pha tạp, uốn nắn, sửa sang, cạo gọt, để rồi cung phụng suốt đời, xa hẳn tính tự nhiên.
Miên Thẩm yêu đường cày, hạt thóc bao nhiêu thì ông càng quí giọt mồ hôi của người dân lam lũ bấy nhiêu, càng muốn xây dựng nếp nhà thanh bạch, cần lao bội phần. Mái đình Sở Tụng dựng trong khoảnh vườn nhà ông thể hiện ước mơ mà thời Tống, nhà văn lớn Tô Đông Pha rất tha thiết. Ông Pha chỉ mong dựng đình Sở Tụng, trồng một trăm gốc quít, đến khi mất, ước mơ vẫn chỉ là ước mơ! Miên Thẩm đã dựng đình ấy, gọi là "nên ý ông Pha". "Đình thật bé, chứa được một chiếc giường một án thư mà thôi... Khi quất chưa chín, sau kỳ sương giáng, mặt trời lặn phía trước, vẻ lung linh cao thấp trong chén rượu..." Đây là một "giang sơn thu gọn" đầy vẻ cảm thông, trân trọng. Những con người xưa đáng yêu đáng quí như Khuất Nguyên, Tô Đông Pha cũng có ở đâu đây "...Hoặc khi gặp bạn hiền, mang rượu vào đình, khiến tiêu đồng mang giỏ theo giúp. Uống được một nửa rượu, hơi nóng phả trong gió thu, hát bài "ca cây quít” của Linh Quân, trông về phương Bắc, rót rượu xuống đất, cảm khái tương liên ! Bình rượu vang lanh canh như muốn vỡ, tiểu đồng, gia nhân kinh hãi ngoái lại cho là say ! Hoặc bảo: Đây là em của Linh Quân! Hoặc cho là em của Đông Pha. Không ngớt luận bàn..."
(Sở Tụng đình ký)
Không, Miên Thẩm không say, ông còn tỉnh lắm. Đây chỉ là phút giây giũ hốt chút bụi còn vướng trong tâm của một nhà thơ hoàng tộc đáng yêu của Huế. Ngoài chốn triều đình phức tạp, ngoài mái gia đình còn bề bộn, hai nơi yên ổn, vỗ về được tâm hồn Miên Thẩm là núi rừng và ruộng đồng xứ Huế. Một nơi gieo mồ hôi để gặt hạt thơm, một nơi lắng lòng nghe mưa thấm áo, mắt nhòa đi vì sương khói tiêu sơ. Tất cả gom vào thơ ông, văn ông, vút cánh thơ ông, bay khỏi mái Sở Tụng đình, đưa hồn thơ Miên Thẩm chấp chới trong khoảng Hương Giang - Lợi Nông - Thương Sơn và kinh thành Phú Xuân thanh lịch và cần lao...
N.T.Đ
(TCSH50/07&8-1992)