Tác giả-tác phẩm
Huế trong thơ Phạm Phú Thứ
09:41 | 07/01/2022

VĂN TOÀN - TUẤN VŨ  

Trong cuộc đời đầy sôi nổi của mình, nhất là những tháng năm làm quan, Giá Viên Phạm Phú Thứ từng đến nhiều địa phương trong nước và nhiều nước trên thế giới.

Huế trong thơ Phạm Phú Thứ
Ảnh: internet

Thế nhưng hiếm có nơi nào để lại nhiều tình cảm sâu đậm trong ông như quê nhà Quảng Nam và kinh đô Huế. Trong đó, Huế là nơi mà ông thường xuyên nhắc đến trong thơ với tình yêu da diết. Đọc thơ Giá Viên, ta có thể nhận ra dòng chảy văn hóa Huế với cội nguồn sâu thẳm của bản sắc vùng đất thần kinh văn hiến.
 

Ảnh: wikipedia

1. Phạm Phú Thứ (1821 - 1882) là vị đại thần triều Nguyễn, danh nhân văn hóa, tác giả văn học lớn của nước ta trong thế kỷ XIX. Ông quê ở làng Đông Bàn, huyện Diên Phước (nay là xã Điện Trung, thị xã Điện Bàn) tỉnh Quảng Nam. Tuy nhiên, Huế lại là nơi để lại nhiều dấu ấn trong sự nghiệp quan lộ của ông. Huế là nơi Giá Viên bắt đầu hoạn lộ với chức Hành tẩu tại Nội các với hàm Biên tu được bổ năm 1844 sau khi đỗ Tiến sĩ cập đệ. Đây cũng là nơi Giá Viên lần đầu nếm trải sóng gió chốn quan trường với việc bị đày làm thừa nông dịch tại Trạm bưu chính Thừa Nông (phía Nam Huế) vì dám dâng sớ can gián vua ham chơi, lơ là triều chính. Trong cuộc đời làm quan “kinh lịch nhiều nơi khó nhọc” (lời dụ của vua Tự Đức), Phạm Phú Thứ từng đến nhiều nơi trong và ngoài nước nhưng Huế vẫn là nơi ông gắn bó nhất. Giá Viên sống, làm việc ở Huế cho đến cuối đời. Năm Tự Đức 33 (1880), ông cáo bệnh về lại Quảng Nam và mất tại quê nhà đầu năm 1882.

2. Huế cũng để lại nhiều ấn tượng khó phai trong sự nghiệp văn chương đồ sộ của Trúc Đường Phạm Phú Thứ. Trong bộ Giá Viên thi thảo gồm 13 quyển thơ, ông ghi lại rất nhiều địa danh mà mình từng đặt chân đến trên những chặng đường công cán. Trong đó, Quảng Nam và Huế là hai địa phương mà ông thường xuyên nhắc đến với những tình cảm sâu lắng nhất. Thiên nhiên, con người, “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được” đi vào trang thơ Phạm Phú Thứ một cách tự nhiên, lắng đọng. “Các quyển Kinh hương thi lục Tĩnh hậu thi lục còn lại đề cập đến nhiều địa danh ở Kinh đô và quê nhà”. Trong thơ, ông nhắc đến nhiều địa danh của Huế như sông Hương, sông Lợi Nông, núi Ngự, phá Tam Giang, chùa Thiên Mụ, chùa Thúy Vân, cầu Đông Ba, chợ An Cựu, chợ Lương Văn, cảng Dương Xuân, cửa Hải Nhi, bến Cẩm Giang, đồng Vỹ Dạ, thôn Dã Lê… Đây đều là những vần thơ hay, mang nhiều tình cảm tốt đẹp mà Giá Viên dành cho đất thần kinh. Nơi mỗi thắng cảnh, mỗi miền quê đi qua đều để thương để nhớ trong cõi lòng nặng sâu của con người yêu lắm chốn thần kinh. Huế trong thơ Giá Viên là tiếng chuông chùa vang vọng, là điệu hò mái nhì mái đẩy man mác, dịu dàng; là sông Hương,núi Ngự lung linh soi bóng; là nếp sống chốn kinh kỳ…Tất cả hiện lên xinh xắn, duyên dáng, nhẹ nhàng, thanh lịch, khoan thai. Nét văn hóa Huế ấy trở thành dòng chảy trong thế giới tâm hồn của người yêu quý kinh đô để rồi chưng cất thành những vần thơ tha thiết.

3. Trước hết, Huế trong thơ Giá Viên hiện lên với nhiều cảnh đẹp. Trong bài thơ viết tặng Lại bộ Thị lang Lê Xuân Đình nhân dịp cùng đi thăm chùa Thiên Mụ trở về bằng thuyền, ông khẳng định: Giang sơn tú củng thần kinh thắng (Núi sông đẹp đẽ và những thắng cảnh vây quanh kinh thành Huế - Bài Đồng Lại bộ Lê Xuân Đình Thị lang vãn đăng Thiên Mụ hồi chu thư tặng). Bằng tấm lòng yêu mến đất kinh đô và tâm hồn nghệ sĩ tinh tế, Trúc Đường nhìn thấy ở Huế những vẻ đẹp trong nhiều sắc thái khác nhau. Trong thơ ông, có một Huế lãng mạn, nên thơ với cảnh sông Hương, núi Ngự rạng ngời trong ngày xuân nắng đẹp:

Hương giang ái nhật trừng thanh huy
Bình sơn mai hoa hương chính phi


(Sông Hương ưu ái một ngày nắng trong sáng rỡ/ Núi Ngự Bình gửi hương hoa mai bay xa - Tống Thị giảng học sĩ Hoàng Tĩnh Trai quy tỉnh).

Có một Huế bình yên, thi vị trong tiếng sáo Vỹ Dạ, hương sen Dương Xuân dễ khiến lòng người thư thái, quên hết muộn phiền:

Vỹ thự thực trúc xuy
Dương cảng chiêu hà hương
Lâm lưu địch phiền khâm
Nhất tẩy bạ thư mang


(Trúc Vỹ Dạ cho nghe tiếng sáo/ Cảng Dương Xuân thoảng tỏa hương sen/ Trôi phiền não trong lòng/ Rửa cái bận bụi sổ sách - Vũ Hội thí vi trung đối nguyệt ký Trần Thủy sư Hiệp lý Tử Mẫn).

Cũng có một Huế thanh u, tịch mịch trong sương mờ vẳng tiếng chuông chùa Linh Mụ:

Linh tự chung thanh tế tế văn
Phong yên liễu nhiễu tân thị hoàn


(Chuông chùa Linh Mụ nghe văng vẳng/ Khói sương gió thổi bao quanh ngôi chợ mới - Trường trung án kỳ yết hiểu phả. Đắc nhất nhật chi hạ, hồi ức lại sự mang nhũng thời tắc thử nhất nhật giả, bất khả bất thư dã tịnh giản đồng sự).

Ngay cả phá Tam Giang nổi tiếng hiểm trở, dữ dội trong cái nhìn của thi sĩ cũng hiện lên thật hữu tình:

Vân yên túc thiện Tam Giang thắng

(Mây khói sớm đã tự ý làm đẹp cho vùng Tam Giang - Hà Trung đạo trung).

Cảnh vật thiên nhiên xứ Huế vào trang thơ của thi nhân mĩ miều và diễm lệ. Thiên nhiên là một phần của tâm hồn Huế. Trong cuộc dạo chơi ấy, Phạm Phú Thứ say sưa thả hồn mình. Nét tinh tế của đất trời Huế góp phần kiến tạo nên những bản sắc văn hóa vùng miền. Huế sâu lắng bởi mây vương khói chiều, bởi hoàng hôn bảng lảng nơi cuối phố. Cảm giác từ tốn, chậm rãi, nhà thơ cứ thế nắm bắt, ghi lại cái cốt cách, cái tinh túy nhất của xứ sở hoàng cung bằng những câu thơ không khoa trương, cách điệu. Đọc thơ ông, ngỡ như thi nhân đang lạc vào những trầm tích thời gian để lãng du cùng dòng văn hóa miên man… Cảnh và người hài hòa, quyến rũ. Thơ Phạm Phú Thứ đã làm nổi bật nét đặc trưng ấy của xứ Huế, của miền đất Thuận Hóa kinh kỳ.

4. Không chỉ ưu ái cho các thắng cảnh, Phạm Phú Thứ còn viết về nhiều phương diện khác như phong tục, tập quán, cuộc sống, sinh hoạt đời thường và cả sự đổi thay của xứ Huế. Trong bài Lạo trướng dĩ thi vấn Nại Am, ông nhắc đến mưa lụt ở Huế: Vị vấn Nại Am Ngô các lão/ Gia kiều thu trướng kỷ ngân cao (Xin hỏi lão Ngô Nại Am ở Nội các/ Cầu Đông Gia mưa lụt mùa thu dâng lên đã mất ngấn cao). Trong bài Hỗ tòng hạnh Thuận An tấn duyệt luyện cung ký, ông nói đến khí hậu mát mẻ, ôn hòa của Huế nhờ gió từ sông Hương thổi lên: Ôn phong Hương chử lộ (Bên sông Hương ôn hòa gió mát). Ở bài Hỗ tòng ký sự, cảnh nông thôn xứ Huế hiện lên thật thanh bình:

Thần Phù đông hạ Lương Văn thị
Tả công cừ lý miêu châu bạn
Thủy điền bạch lộ quần phi xứ
Nông phụ huyền cao do lực quán


(Mé đông Thần Phù đi xuống là chợ Lương Văn/ Bên trong “Kênh ông Tả” lúa bãi sát bờ/ Trên ruộng nước từng đàn cò trắng lượn/ Người đàn bà làm nông ra sức buộc gàu tát nước).

Ở bài Ký kiến 2, Giá Viên miêu tả một cách ấn tượng khung cảnh phố phường đông đúc chốn đô thành:

Đông Gia kiều ký kinh thành đông
Chiếu thủy ngư lân phố kỷ trùng


(Phía đông kinh thành, bên trong cầu Đông Gia/ Phố xá mấy lớp liền nhau như vảy cá chiếu long lanh ở mặt nước).

Cuộc sống sinh hoạt, giao thương chốn kinh kì cũng được ghi lại trong bài Ký kiến 1:

Hương giang thông thị tích doanh cù
[…] Đồ khố chỉ kim do Việt cổ

(Sông Hương ăn thông với chợ búa, ngày xưa hàng hóa đầy cả đường đi/ Những kho dọc đường nay có rất nhiều nhà buôn Quảng Đông).

Đặc biệt, hơn nửa đời gắn bó với Huế, Giá Viên chứng kiến những đổi thay của mảnh đất này:

Nguyên đầu Cam phủ biệt thành xuyên
[…] An Cựu kiều thông Hải Nhi áp

(Đầu nguồn ở Phủ Cam đã thành con sông riêng/ Cầu An Cựu đã thông và Hải Nhi đã có đập - Lợi Nông hà trúc chi từ).

Có thể thấy, những cảnh, những sinh hoạt đời thường của Huế đi vào trang thơ Phạm Phú Thứ không chỉ đẹp, nên thơ mà còn phong phú, sống động. Nếu không yêu quý, không xem nơi đây như quê nhà, có lẽ nhà thơ đã không viết nhiều và hay về Huế như vậy.

5. Trong thơ Phạm Phú Thứ, cảnh Huế còn gắn với tình Huế. Huế trong sáng tác của ông không phải là những thực thể tách biệt, vô hồn. Tất cả đều hiện lên qua cái nhìn, cách cảm của Giá Viên; gắn liền với cuộc sống, kỷ niệm cùng nhiều cung bậc cảm xúc của thi nhân.

Trước hết, kinh đô Huế trong thơ Giá Viên gắn liền với nhiều công vụ của một vị đại thần được giao nhiều trọng trách. Ông có nhiều bài thơ nói đến công việc triều chính. Ứng chế thi thảo (quyển đầu tiên của bộ Giá Viên thi thảo, tập hợp các bài ứng chế của ông dưới thời Thiệu Trị và Tự Đức) ghi lại một cách sinh động nhiều sinh hoạt cung đình. Bài Sơ xuân giá hạnh Lợi Nông, Thuận Trực hỗ tòng cung kỷ ghi lại việc Phạm Phú Thứ theo vua đi tuần du Lợi Nông, Thuận Trực. Bài Hỗ tòng hạnh Thuận An tấn duyệt luyện cung ký ghi lại việc ông phò giá vua đi cửa biển Thuận An duyệt luyện quân. Hoặc như, ở bài Tống Đình nguyên Vũ Nhự Hoàng giáp, nhà thơ nhắc lại việc bàn bạc về các thí sinh thi Đình: Nam cung đồng luận tú (Nơi Nam cung cùng bạn luận về thí sinh ưu tú). Thơ Phạm Phú Thứ thể hiện rõ ở ông con người nhà nho hành đạo với ý thức ra sức “trí quân trạch dân”. Những vần thơ viết về công vụ tại Huế, gắn liền với Huế cho thấy rõ điều này.

Huế trong thơ Giá Viên gắn với những kỷ niệm cùng đồng liêu, bạn bè của nhà thơ. Sông Hương là nơi bao lần thi nhân cùng tri âm thưởng nguyệt:

Hô bằng Hương giang thượng
Cộng thưởng minh nguyệt quang


(Gọi bạn trên sông Hương/ Cùng thưởng thức ánh trăng sáng - Vũ Hội thí vi trung đối nguyệt ký Trần Thủy sư Hiệp lý Tử Mẫn).

Cầu Đông Ba là nơi nhà thơ cùng tri kỷ quan sát thiên văn, luận bàn thế cuộc:

Ác thủ luận văn địa
Đông kiều kỷ duyệt tinh


(Cầm tay bàn luận thế cục những vùng đất/ Bao lần tìm xem sao ở cầu Đông - Tống Bình Định Hoàng Phó bảng Văn Học chi Nam Định Nghĩa Hưng phân phủ).

Vầng trăng tròn trên động cát sông Lợi Nông là nơi thi nhân gửi niềm thương nhớ bạn:

Thiên lý nhược vi thông ức mộng
Nông giang sa động nguyệt đoàn đoàn


(Ngàn dặm nhớ nhau cảm thông trong giấc mộng/ Trên động cát sông Nông, trăng tròn vành vạnh - Hòa Đa huyện Trần minh phủ phó lỵ uổng phỏng thư tiễn).

Trong thơ Phạm Phú Thứ, tình bằng hữu được thể hiện một cách chân thành, sâu lắng. Ta có thể thấy được điều này qua những bài ông viết về, viết gửi, viết hỏi thăm, viết tặng bạn bè, đồng liêu, trong đó có không ít bài gắn liền với Huế. Bên dòng sông thơm đó, tính cách Huế hình thành. Có lẽ người Huế vẫn vương đa cảm như chính Con sông dùng dằng con sông không chảy/ Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu (Thu Bồn). Có lẽ vì thế, đến Huế, dạo chơi cùng Huế bao giờ cũng khiến lòng người ngân nga, rưng rưng cả một miền nhớ. Phạm Phú Thứ có rất nhiều vần thơ mà các động từ nhớ, thương, yêu… cứ trở đi trở lại. Đó phải chăng là tình Huế đã trở thành một phần tâm hồn thi nhân. Nặng nghĩa, nặng tình, nhớ mãi không thôi… đã trở thành nét văn hóa ứng xử của người Huế từ bao đời mà ta có thể bắt gặp trong thơ Phạm Phú Thứ.

Huế trong thơ Giá Viên còn gắn với nhiều tâm trạng, cảm xúc của nhà thơ. Trong chuyên khảo Phạm Phú Thứ với Giá Viên toàn tập, Dị Cổ Nguyễn Hoàng Thân nhận định: “Dòng sông Hương thơ mộng được tác giả nhắc đến nhiều lần nhất với nhiều dáng vẻ, trạng thái, cung bậc tình cảm khác nhau”3. Nhận định này cũng đúng với hầu hết các địa danh khác của Huế được Giá Viên nhắc đến trong thơ mình.

Nhiều địa danh của đất kinh đô là nơi Giá Viên gửi gắm tấc lòng của bề tôi trung, của vị trọng thần luôn hết lòng với vua, với triều đình và đất nước. Ông đến phá Tam Giang để định ngày họp quân chống giặc: Tam Giang phục đính hội sư kỳ (Ở Tam Giang lại đính ước thời kỳ họp quân để đánh giặc - Bắc biên 7). Lênh đênh giữa biển khơi, ở nơi công cán cách xa hai vạn dặm, nhà thơ ngồi ngắm sao Bắc Đẩu, nhớ về kinh đô mà ngỡ như tàu đã về đến cửa sông Hương:

Hải trình vu viễn nhị vạn lý
Vân nhàn dạ dạ thường chiêm Đẩu

[…] Hốt nghi chu cận Hương hà khẩu

(Đường biển xa xôi hai vạn dặm/ Đêm đêm thường xem sao Bắc Đẩu ở giữa khoảng mây/ Chợt nghĩ rằng tàu đã đến gần cửa sông Hương - Quan Đẩu).

Đón mưa xuân trên nước bạn, nhà thơ mong ngóng ngày về để lại thấy cảnh khói sương đầu xuân chốn kinh kỳ:

Trướng hải phong ba quy quốc hậu
Thần kinh yên cảnh hựu xuân sơ


(Sau khi vượt sóng biển khơi về nước/ Lại thấy cảnh sương khói ở đất Thần kinh buổi đầu xuân - Xuân vũ khách trung ký hữu).

Thậm chí, bị đày làm khổ sai ở trạm Thừa Nông, nhà thơ vẫn không hề oán trách. Bởi ông biết: Thánh chủ ân do trọng/ Vi thần tội cố khinh (Ơn của thánh chúa còn rất nặng/ Tội của vi thần là cố ý coi thường); và luôn giữ niềm tin một ngày nơi cửu ngũ chí tôn sẽ thấu hiểu cho tấc lòng ngay thẳng, trong sạch của mình, như mây trắng trên núi Ngự Bình, như mưa trên sông Lợi Nông trước sau gì cũng tạnh: Bình lãnh vân thường cận/ Nông giang vũ sạ tình (Núi Ngự Bình mây thường gần/ Nông giang mưa chợt tạnh rồi - Đắc phát Thừa Nông trạm chu hành ký sự). Giá Viên gửi vào những vần thơ về Huế nhiều cảm xúc, tâm sự. Và dù ở cung bậc, trạng huống tình cảm nào thì tấm lòng vì triều đình và đất nước của ông vẫn sáng trong tròn vẹn, như vầng trăng vằng vặc trên Hương giang thi nhân vẫn thường ngắm thuở nào, như văn hóa Huế thủy chung son sắt một lòng.

6. Có thể nói, hơn cả một địa danh, một kinh đô của đất nước, Huế trong tấm lòng Phạm Phú Thứ như quê hương thứ hai. Ông gắn bó, yêu quý và viết nhiều, viết cảm động về đất thần kinh. Ông gửi vào đây bao tình cảm tốt đẹp. Bởi đó, Huế trong thơ ông sâu hơn, để lại nhiều dư ba trong lòng người đọc hơn. Đọc thơ Giá Viên, ta hiểu thêm về Huế, về văn hóa chốn kinh kì, đồng thời hiểu thêm về tài năng, nhân cách của ông, một danh thần của triều Nguyễn, một danh nhân văn hóa có nhiều đóng góp to lớn cho lịch sử tư tưởng, văn hóa, văn học dân tộc.

Bên cạnh Ô Châu cận lục hay các công trình nghiên cứu về cố đô qua các thời kì, có lẽ những người yêu Huế không thể không tìm đến thơ của Phạm Phú Thứ. Đọc thơ Giá Viên chính là một cách làm giàu tình yêu về cảnh sắc, con người và văn hóa Huế vậy.

V.T - T.V  
(TCSH43SDB/12-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mộng Sơn (20/10/2021)