Tác giả-tác phẩm
Chân dung người đàn bà khóc khi đang nhóm bếp
09:14 | 13/01/2022

YẾN THANH   

Có nhiều thứ
Không thể chùi được bằng nước mắt
Như ánh sáng kia trên bầu trời hoàng hôn và bình minh của biển
Như sự nín lặng bất lực của cát.
Như bàn tay bên cạnh một bàn tay

                        (Bạch Diệp)

Chân dung người đàn bà khóc khi đang nhóm bếp

Bạch Diệp là một người đến trễ trong ngôi đền của thi ca. Mãi đến năm 2011, sau rất nhiều đắn đo chị mới cho in tập thơ đầu tay của mình với tựa đề Vũ điệu lam và rồi Tùng Gai những ba năm sau đó.

Ám ảnh của tôi về Bạch Diệp đó là vẻ khói sương bảng lảng, sự mong manh ma mị của con người chị. Chị ở gần đây nhưng dường như tồn tại ở chốn khác, rất xa chúng ta. Bạch Diệp thích màu trắng, nghiện màu trắng, hay có thể nói nàng ám ảnh về nó. Cái màu trắng như những chiếc lá trắng (Bạch Diệp), điều mà chúng ta rất hiếm gặp trong tự nhiên.

Thơ Bạch Diệp là một tự sự buồn về thân phận người phụ nữ, song chị không rơi câu chữ vào những tâm sự than thân trách phận thường tình, cũng không nương vào cảm xúc để đẩy đi ngôn ngữ của thi ca. Bạch Diệp cũng chối từ sự tân kì, đánh đố, làm ra những bài toán ngôn từ khó giải, những cấu trúc câu đố trong thơ. Thơ chị như một con thuyền nhỏ, lặng lẽ trôi men theo ranh giới của những dòng hải lưu lý thuyết, tuyên ngôn, tư trào thi ca lớn, đang là mốt tân kì trên thi giới. Ngay cả tiếng khóc trong thơ, Bạch Diệp cũng gần như tiết chế đến mức im lặng. Sức mạnh và sự quyến rũ trong thơ chị là sự tiết chế, để đạt được cảnh giới đó, trong cuộc đời phải là người chấp nhận những hi sinh. “Thời gian như chiếc lưới - Vớt nhầm hạnh phúc khổ đau - Dấu vết này là vĩnh cửu - Những lời đã thốt hôm qua - Em đốt ngọn lửa nhỏ - Run rẩy góc phòng tối - Một tồn tại nơi đây - Như chậu hoa trên ban công - Biết chắc - Mùa đang xa dần...” [Thầm thì].

Cảm xúc, thân phận, ý nghĩ của chị đặt chìm dưới hệ thống hình tượng ẩn dụ, lời lẽ cũng giản dị hết sức có thể. “ai cũng có thể chạy - ra cánh đồng một mình - Sao cứ phải đau buồn đến thế - Sao cứ mãi - đau buồn đến thế” [Mở mắt tràn bóng tối]. Những câu hỏi giản dị mà khắc khoải, cứ ám riết vào đầu óc của người đọc như một sự thổn thức, một nỗi đau ám thị bất khả giải. Chúng ta có thể chạy đi để tìm những cánh đồng mới, vượt qua thung lũng của đau thương, nhưng tại sao trong suốt cuộc đời mình, ai cũng ở lại mãi trong một/nhiều nỗi đau như thế? Bởi vì, đó chính là tình yêu. Tôi không là người chủ trương khổ hạnh trong tình yêu, nhưng tôi vẫn tin rằng Chúa vĩ đại bởi vì người trao tình yêu cho chúng ta từ nỗi đau và cái chết đầy tính hi sinh trên thập giá. Nếu Chúa không chứng nghiệm cái chết và nỗi đau ấy, người vẫn sống hạnh phúc bên gia đình, liệu tình yêu của người có còn thiêng liêng như thế hay không? Nếu anh và em yêu nhau, chúng ta vẹn toàn trong hôn nhân và hạnh phúc vĩnh viễn, đó là một tình yêu khuyết tật hay tình yêu viên mãn? Sự dang dở, đớn đau trong tình yêu, đôi khi là một giá trị. Chúng ta yêu nhau không phải để trốn chạy và minh giải nỗi cô đơn, ta yêu nhau là để hiểu hơn về nỗi cô đơn, làm sâu sắc hơn nỗi cô đơn của đời mình. Bạch Diệp hiểu và tin vào điều đó. “Chúng ta cô đơn giữa khu rừng đời mình - Chúng ta cô đơn trong vòng ôm của mình...” [Đừng hát khi lên đồi].

Những khoảng trống và hình ảnh thường tình trong thơ chị là một sức mạnh, một thứ quyền uy của cái vắng mặt, cái không được (phép) nói ra. “thứ này nghẹn - không thể nuốt - nó sẽ bấn loạn thành màu gì - chẳng phải đông không phải hè - Tôi bỗng ghen với sự rạch ròi của cỏ” [Cocktail]. Thơ Bạch Diệp có thế mạnh trong việc gợi ra sự mơ hồ, chúng ta tưởng như là nó ở đó, nhưng nó không hiện hữu hình hài. Thứ ma mị này không rạch ròi như cỏ, không bao giờ như thế, mà nó là những tâm sự thầm kín, là nỗi đau của riêng mình. Phàm là đàn bà, trong tình yêu, ai chẳng rơi vào trạng huống tinh thần như thế một vài lần trong đời.

Bạch Diệp chưa bao giờ, không bao giờ là một nhà thơ theo chủ nghĩa nữ quyền (feminism), chị là một nhà thơ nữ tính (feminility). Thiên tính nữ trong thơ chị là điểm mạnh mà cũng là điểm yếu. Mạnh về cảm xúc, yếu về tư tưởng. Nhưng phàm là kẻ yếu đuối, thất bại trong tình cảm, người ta mới tìm đến thi ca. Những kẻ hùng mạnh, thành công ngoài kia, đã đi theo những con đường khác, con đường của vương quyền, của thụ hưởng hay của sự thống ngự về giới. Nỗi đau khổ nữ giới trong thi ca là một nỗi đau đớn có tính chất thanh tẩy (catharsis), nó cứu rỗi được nhân vị đàn bà. Suy cho cùng, đàn bà luôn là phe nước mắt: “Em mang những sẹo trên ngực - Đứng bên bờ sâu - Anh bao nhiêu trăng không đầy - Em bao nhiêu mưa không trôi” [Sắp hết thì giờ rồi]. “Vệt mascara trên chiếc khăn màu trắng - Em không thể vò sạch, bằng nước mắt - Anh hiểu không” [Dấu vết]. Bạch Diệp có lẽ đến muộn trong thi giới, bởi vì chị cần có thời gian tích tụ đủ nỗi đau nhân sinh, nỗi đau tình yêu, nỗi đau làm người (đàn bà).

Đọc thơ chị, ta thấy rõ chân dung của một người đàn bà cô độc. Người đàn bà ấy khao khát yêu thương, tận hiến, hạnh phúc và người đàn ông là có thật, song không được trọn vẹn bao giờ. “Em muốn khóc lúc anh ngồi lặng - Cô độc xoay lưng như con sói trong chiều - Muốn ôm anh khi nghe anh hát - Muốn chạm tay thật khẽ viền môi - Mưa che sân khấu cho người - Em hết nằm nghiêng lại nằm co - Anh như chiếc phao ai cất trên trần nhà - Mưa ngập em - Em chới với nhìn - anh ngập trong người khác...” [Điên]. Bạch Diệp thích hội họa, có sự am hiểu và chuyên môn về hội họa, vì thế thơ chị kiệm lời mà mạnh về hình ảnh và cảm giác. “Cô độc xoay lưng như con sói trong chiều” là một hình tượng đậm hình ảnh của hội họa siêu thực.

Khi đọc tập thơ của chị, để viết những dòng rời rạc này, bất chợt tôi nhớ đến Phạm Phú Phong với lời tựa đầy trăng/tài hoa trong một quyển phê bình của ông: “Ta đến với văn chương như một cuộc ngoại tình”. Suy cho cùng, chẳng ai sống nhờ thơ và kiếm tìm vinh quang với thơ ca. Thời đại ấy, nếu có tồn tại thì đã trôi qua từ rất lâu rồi. Làm thơ là tâm sự với mình, nói với mình, để hiểu mình mà thôi. Mọi cuộc tình với thơ ca đều là cuộc ngoại tình giữa cuộc đời này. Nơi ta được sống riêng, sống trong bí mật, sống vượt những thường nhật áo cơm của cuộc đời ô trọc. Bạch Diệp dường như yêu tha thiết trong thơ chị, một tình yêu lý tưởng, phi thực. Anh ở đó mà không cần hiện diện. “Em muốn chạm vào ngày - chỉ để biết - anh vẫn luôn ở đó - tồn tại - mà không cần hiện diện...” [Một ngày trôi không từ biệt]. Dùng cái không để vẽ nên cái có là một năng lực phi thường của thi ca, phương cách duy nhất để họa nên cảm giác mà lý trí dường như bất lực. Người đàn ông nam tính lý tưởng này, chàng hiện hữu trong sự nam tính bí mật: “Gió mê muội như đêm - như em - nhận biết khuôn mặt anh trước khi trời sáng - sự đụng chạm mềm mại - phủ tấm chăn cho hai người cô độc - em sẽ nhớ cho đến chết - vĩnh cửu những dấu vết” [Lúc năm giờ chiều]. Những “dấu vết” và “sự đụng chạm” ấy là vật chứng cho tình yêu, và là vật chứng cho sự tồn tại đàn bà của chị. “Anh” hiện hữu trong sự không hiện hữu, mà cũng bởi vì không hiện hữu (trong đời thực) nên anh luôn hiện trong thơ của chị) như một sự phóng chiếu những khát khao, ẩn ức (refoulement). Anh hiện diện chói nhòa, mặc khải trong thơ chị. “em sẽ không nhắm mắt - khi ngủ - sẽ không thể nhìn - khi thức - bất kì ánh sáng nào - ngoài khuôn mặt anh” [Hay là chúng ta ra biển]. Hình tượng anh có hào quang của những thiên thần. Bạch Diệp chỉ thực sự mạnh mẽ khi nàng được sống trong tình yêu, một tình yêu trong mơ mà chị hằng khát khao được sống trải: “Em đã bắt đầu câu chuyện này vào một đêm tháng tư - giọng nói của anh tan cùng đất nâu với tiếng rì rầm của trái cây mùa lên men nhẫn nại trong vườn - đừng thức tỉnh em - em luôn mất ngủ vì nỗi ám ảnh nhớ anh - mưa đã đến đây rồi - trốn vào đâu cũng ướt” [Hạt sương]. Tôi nghĩ đây không chỉ là một trong những câu thơ hay nhất của tập thơ này, của sự nghiệp thi ca Bạch Diệp nói chung, mà còn là của thi đàn mươi năm đầu thế kỉ XXI này. Những câu thơ hay trong sự giản dị, nói những điều thường tình mà không phải ai cũng có thể nói ra, dù ít nhiều trong cuộc đời chúng ta đều nghiệm trải những trạng huống tinh thần như thế, những tình yêu như thế.

Nỗi niềm tưởng rất riêng Bạch Diệp cũng là của đàn bà, ấy là không thể đi hết con đường mộng tưởng. Những trì níu thường tình, những cương tỏa trách nhiệm, sẽ kéo chị về với thực tại. Chị đã viết như một lời thú tội với chính mình. “Khi những chiếc ly đã úp lên giá - Người đàn bà kì cọ bàn tay - Bằng một thứ nước tẩy - Của sự ám ảnh gột rửa - Cho đến tận bình minh”, bấy nhiêu ấy cũng chỉ để dặn lòng: “Khi nhóm bếp đừng nên khóc”.

Hiểu thông điệp của những câu thơ trên như thế nào là cả một sự nghiệp trải trong cuộc đời. Xinh dành riêng cho bạn đọc thưởng lãm điều bí mật ấy.

Y.T  
(TCSH394/12-2021)



 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mộng Sơn (20/10/2021)