Tác giả-tác phẩm
Những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của tập "Đường Hồ Chí Minh qua Bình Trị Thiên"(*)
15:10 | 19/01/2022

NGUYỄN KHẮC PHÊ

Chưa có ai thống kê và so sánh, nhưng hẳn là trong công cuộc kháng chiến giữ nước của dân tộc ta, không có đề tài nào được sách báo nói đến nhiều như cuộc chiến đấu trên đường Hồ Chí Minh.

Những yếu tố làm nên sức hấp dẫn của tập "Đường Hồ Chí Minh qua Bình Trị Thiên"(*)

Biết bao nhiêu là cán bộ chiến sĩ và tướng lĩnh, nhà văn và nhà báo trong, ngoài nước đã viết về kỳ tích này. Cuộc chiến đấu đã qua gần 20 năm. Chuyện cũ, sách ra đời muộn màng, hơn 50 tác giả - ngoại trừ hai nhà văn, đều là "tay ngang", vậy mà cuốn "Đường Hồ Chí Minh qua Bình Trị Thiên" (ĐHCMQBTT) vẫn lôi cuốn người đọc, có chỗ đứng đáng kể trên thị trường sách báo phong phú mà cũng rất hỗn loạn hiện nay.

Có nhiều yếu tố đã tạo nên nét riêng và sức hấp dẫn của ĐHCMQBTT - một cuốn sách thuộc loại khô khan, "khó đọc" và cũng khó làm cho hay vì là công trình tổng hợp của nhiều người, cách viết lại không nhất quán (có bài là hồi ký, có bài là tư liệu, cũng có bài chỉ là mẩu chuyện kể hoặc gần như là bản báo cáo tổng kết...) đề tài thì lại đã "bị" nhiều cây bút có nghề khai thác.

Điều khác biệt trước hết chính ở nội dung cuốn sách, ở khái niệm "Đường Hồ Chí Minh". Đây cũng là vấn đề có nhiều ý kiến tranh cãi khi nhóm chủ biên tổ chức cuộc trao đổi tại Huế về dự tính làm cuốn sách từ ngày Bình Trị Thiên còn là một tỉnh. Lâu nay, nói đến "đường Hồ Chí Minh", người ta thường chỉ nghĩ đến hệ thống đường trên Trường Sơn trong cuộc chống Mỹ. "Đường Hồ Chí Minh" trong ĐHCMQBTT được mở rộng cả về không gian và thời gian, bao gồm hầu như toàn bộ sự nghiệp giao thông - vận tải - liên tục trên dải đất Bình Trị Thiên suốt từ đầu cuộc kháng chiến chống Pháp đến năm 1975. Vì thế, cuốn sách đã đem đến cho người đọc nhiều tư liệu mới như những bản chụp từ năm 1948 trên đường U Bò, Ba Rèn, hoặc như các diễn biến chi tiết cùng các số liệu chưa từng được công bố trong cuộc chiến đấu độc đáo tiếp chuyển gạo từ tàu Hồng Kỳ (Trung Quốc) ở Hòn La năm 1972...

Cuốn sách "xuất xứ" từ một địa phương, viết về một vùng đất hẹp, nhưng do vị thế đặc biệt của dải đất Bình Trị Thiên về địa lý và trong lịch sử hai cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc ta, nên ĐHCMQBTT đã thể hiện một cách tập trung những sự kiện, những hình ảnh có tính chất tiêu biểu cho cuộc chiến đấu cực kỳ gay go quyết liệt của đất nước ta trong suốt 30 năm (45-75). Dải đất hẹp này là nơi "hội tụ" hầu hết thủ đoạn tàn bạo của kẻ thù và là nơi hội tụ các anh hùng - những anh hùng đã được phong tặng và ngàn vạn tấm gương anh hùng xuất hiện ngày ngày trên mỗi bước đường, mỗi dòng sông.

Ở một số trường hợp khác, loại công trình tổng hợp nhiều người viết với phong cách bút pháp khác nhau thường làm cho cuốn sách trở nên tản mạn, nhợt nhạt và có khi mâu thuẫn, nhưng ở ĐHCMQBTT, chính đặc điểm trên đã tạo ra sự phong phú về nhiều mặt. Những bài viết của các tướng lĩnh (như của các thiếu tướng Lê Nam Thắng, Dương Bá Nuôi, Võ Sở...) các cán bộ lãnh đạo địa phương và ngành giao thông (như của các đồng chí Lê Minh, Phùng Vạn, Hoàng Lanh, Võ Văn Ấn, Lại Văn Ly, Lê Văn Giai...) phác họa các bức tranh có tính toàn cảnh rộng lớn, thì những mẩu chuyện của các chiến sĩ giao liên, của người giữ kho, của bà con dân tộc Vân Kiều là những điểm sáng gây ấn tượng thật sâu sắc. Cũng từ đó, cuộc chiến đấu đã được nhìn với nhiều góc độ khác nhau, sự khác nhau không chống nhau, triệt tiêu lẫn nhau mà ngược lại, giúp cho người đọc hiểu được mọi khía cạnh, hiểu rõ sự thật của cuộc chiến đấu với những hy sinh, những đóng góp to lớn không chỉ của các đơn vị bộ đội, công nhân, thanh niên xung phong mà của toàn dân trên dải đất hẹp nối hai miền đất nước. Những góc nhìn khác nhau của các tác giả đã tạo nên hiệu quả cao, có sức thuyết phục người đọc, chính vì các tác giả đều là người trong cuộc. Rất nhiều câu chuyện, chi tiết sinh động như cách trải ni lông vượt đường 9 để xoá vết chân qua cùng đất đỏ ngày mưa (trong chuyện kể của người giao liên) hay tấm gương người giữ kho Hoàng Hải Sơn bị "bỏ quên" một mình suốt 3 năm trong rừng với nỗi sợ hàng đầu không phải là cọp beo hay bom đạn mà là sợ mất cái máy lửa!... (trong hồi ký của Lê Bá Tạo). Những chi tiết như thế đã làm nên máu thịt của cuốn sách, người ngoài cuộc - dù là cây bút có nghề, cũng khó mà tưởng tượng ra. Mặt khác, chỉ với 3 năm sống đơn độc giữa rừng sâu của người giữ kho ấy, hoặc chỉ với tư liệu quanh một chiến dịch Hòn La, một nhà văn có tài có thể xây dựng nên những tác phẩm văn học có giá trị. (Chúng ta có thể liên hệ với tiểu thuyết "Ông già và biển cả" của Hemingway). Trong ĐHCMQBTT có vô vàn chất liệu quý như thế.

Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc ta, hẳn là có đến hàng triệu người đã in dấu chân mình, từng có những kỷ niệm không thể quên trên những chặng đường qua hành lang Bình Trị Thiên. Dọc ĐHCMQBTT, những "cựu chiến binh" từng khoác quân phục hay chỉ là áo xanh công nhân - thậm chí có người chỉ vận độc chiếc quần đùi hay cái khố của dân tộc Vân Kiều, sẽ được gặp lại chính mình và đồng đội với những năm tháng sống oanh liệt và đẹp đẽ. Phải, chính là nét sống đẹp thấm đượm trên mỗi dòng chữ, sáng ngời trên mỗi trang sách đã tạo nên sức hút đối với người đọc. Dù cho cuộc sống còn đầy những thứ nhố nhăng làm ta không bằng lòng và cũng đầy những trò "hấp dẫn" dễ dãi, rẻ tiền, con người có nhân cách vẫn luôn hướng về những gì là Chân, Thiện, Mỹ.

ĐHCMQBTT chưa phải là một cuốn sách toàn bích. Cũng có thể nói, với một đề tài có sức ôm trùm rộng lớn như thế sẽ không bao giờ có một cuốn sách làm thoả mãn mọi người. ĐHCMQBTT chỉ là một trong trăm ngàn viên đá dựng nên tượng đài "Đường Hồ Chí Minh" hùng vĩ. Chắc là sẽ có không ít người trách ban biên soạn đã bỏ sót gương mặt anh hùng này hay cuộc chiến đấu ở cung đường nọ. Đó là điều khó tránh khỏi và chính điều đó đặt trách nhiệm cho tất cả những ai từng gắn bó với kỳ tích độc đáo này của dân tộc ta phải viết tiếp những cuốn sách mới, thu nhập những "hạt ngọc" còn sót lại trên các nẻo đường chiến trận, không để nó bị vùi lấp trong hoang dại và quên lãng. Cũng có thể chỉ ra một số thiếu sót khác của ĐHCMQBTT: Sách viết về sự nghiệp giao thông mà lại thiếu bản đồ những con đường, cách sắp xếp bài vở trước sau hình như không tìm được căn cứ nào hợp lý nên có vẻ thiếu khoa học, một số bài có chỗ trùng lặp đáng lẽ nên gọt bớt, hoặc một số chi tiết chưa thật chính xác... Những sai sót này, ban biên soạn hoàn toàn có khả năng khắc phục, nếu cuốn sách được tái bản.

Rất mong các nhà xuất bản, với trách nhiệm cao trước bạn đọc và lịch sử đất nước, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho những cuốn sách như ĐHCMQBTT được tiếp tục ra đời.

9-1992
N.K.P
(TCSH52/11&12-1992)

----------------------
(*) Nhà xuất bản Quân Đội Nhân Dân, 1992; 500 trang khổ 13x19.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Mộng Sơn (20/10/2021)