Trong nghiên cứu phê bình, Phan Ngọc là người có cá tính rõ nét. Ông thường tự nói về mình: “Tôi là thằng duy lý, nhìn nghệ thuật qua một hệ thống thao tác” (tr. 216) tự nhận là người có tính “gàn” (tr. 394). Ông biết mình cực đoan nhưng “nghệ thuật là cực đoan, không phải là nơi dĩ hòa vi quý” (tr. 227) biết có sai lầm “Nhưng khoa học tiến lên qua những sai lầm” (tr. 267). Với tư cách là chủ thể nghiên cứu, Phan Ngọc thích dùng chữ “Tôi” hơn là “Ta”, “Chúng ta”, “Chúng tôi”, “Người viết”. Văn phong nghiên cứu của Phan Ngọc không theo lối quy củ mà chịu sự bó buộc theo kiểu của riêng ông. Những hồi ức, liên tưởng, những mối quan hệ đời thường gắn sát với cá nhân ông cùng bao trải nghiệm thực tế trong đời được ông vận dụng để minh chứng, biện thuyết thêm cho những vấn đề về học thuật. Cũng vậy, trong các bài viết khi thì ông tự nhận mình là nhà Hán học, khi thì là nhà văn hóa học khi thì nhà thao tác luận... Theo chúng tôi, cách nhìn nhận như vậy là phù hợp với xuất phát điểm trong mỗi lĩnh vực nghiên cứu. Mang khát vọng tìm hiểu cội nguồn văn hóa cha ông và chỉ ra cái hay cái dở ở các nền văn hóa bên ngoài, ông luôn tìm cách cắt nghĩa tại sao mà nó (đối tượng được đề cập) lại như thế này chứ không phải như thế khác. Ông không đồng tình với lối nghiên cứu lấy Châu Âu hay Trung Quốc làm trung tâm để nghiên cứu về văn hóa - văn học Việt Nam và ngược lại. Bằng con đường của riêng mình với xuất phát điểm “văn hóa là một sự lựa chọn” và đặt đối tượng trong tính đối lập, ông đã chỉ ra những nét riêng của những nhà văn hóa, những giá trị mà các nền văn hóa văn học tiêu biểu đóng góp vào cái kho chung của văn hóa nhân loại. Ông thường lặp đi lặp lại luận điểm: nghiên cứu văn hóa phải đặt trong môi trường văn hóa chung, “chỗ yếu của nghiên cứu văn học chính là chỗ xét văn học tách khỏi mọi hình thức nghệ thuật khác” (tr. 280) Trong nghiên cứu, Phan Ngọc có nhiều cực đoan mhư đã đề cập. Tiếp đây tôi xin nói rõ hơn. Vì cực đoan mà ta bắt gặp không ít những cụm từ “độc nhất vô nhị”, “chẳng thua kém ai”, “sáng tạo đặc biệt”, “không thể tìm thấy ở đâu khác” “chỉ có ở Việt Nam”. Sự cực đoan ấy do từ hai phía, do từ cá tính của ông và do cách nhìn phong cách học của ông mang lại. Cái nhìn phong cách học luôn đi tìm những nét riêng biệt, nó có thể dẫn đến cực đoan một khi người viết không đủ điều kiện đối chiếu, kiểm chứng, thống kê. Điều hay là sự cực đoan của ông được điều dẫn bởi lý trí, bởi những câu văn giàu tính đối thoại, gợi mở. Có bạn văn nói cùng tôi, khi đọc tác phẩm của Phan Ngọc, lòng không thể bình yên được. Tôi cho đó là một ý kiến chí lý. Đồng ý hay bác lại những luận điểm của Phan Ngọc, người đọc phải vận não, phải đối sánh... nghĩa là phải tiếp tục hành trình đối thoại, hành trình “giải mã, tự tìm kết luận trong một cuộc đua tài trí tuệ” (mượn chữ dùng của tác giả - tr. 148). Người ta có thể tìm thấy một con đường hoàn toàn khác ông trong cuộc đua tài đó. Tôi tạm hình dung về Phan Ngọc là vậy, có thể đúng, có thể sai nhưng mục đích chính là để dễ tiếp cận cuốn sách.
Công trình “Thử xét văn hóa - văn học bằng ngôn ngữ học” dày 516 trang, được NXB Thanh Niên ấn hành vào tháng 7 năm 2000, gồm có tất cả 16 chương với nhiều lĩnh vực khác nhau. Mục đích chính của nó như lời của tác giả “trình bày những suy nghĩ của tôi về mối quan hệ giữa văn học và văn hóa Việt Nam” (tr. 7). Để tiện cho việc theo dõi, tôi xin sắp xếp lại các chương theo các phần sau: Phần 1 : Gồm các chương I, IV, XIII, XV, XVI: Bàn về văn hóa. Ở chương I “Truyền thống văn hóa và cách xây dựng văn hóa dân tộc”, sau khi nêu cách nhìn hiện đại về truyền thống văn hóa của UNESCO, Phan Ngọc đã đi thẳng vào những vấn đề của văn hóa Việt Nam và chỉ ra rằng “văn hóa Việt Nam là văn hóa nhân cách luận” (tr.20). Nhân cách đó được thể hiện ra bên ngoài là khác nhau trong quá trình diễn biến, nhân cách đó được thể hiện thông qua các mối quan hệ (quan hệ dựa trên ứng xử tình nghĩa). Nó khác với: văn hóa Phương Tây là văn hóa cá nhân luận (Mỹ: cá nhân luận kinh tế, Pháp: các nhân luận cố khẳng định tính duy lý), văn hóa Trung Hoa là văn hóa nhân cách luận nhưng dựa trên tôn ty, văn hóa Ấn Độ, trong đó để đạt đến cái thanh thản nội tâm nó phủ định thực tại. Ông cũng đã đưa văn hóa Việt Nam vào một cái khung, gọi là “văn hóa 4F” trong đó các thành tố lần lượt là Tổ quốc - Gia đình - Thân phận - Diện mạo. Chương IV “Văn hóa gia đình Việt Nam” là sự phát triển thành tố thứ hai trong “văn hóa Việt Nam - văn hóa 4F” ở chương 1. Cách triển khai vấn đề theo tiến trình thời gian của đời người (khi đứa trẻ ra đời - khi đứa trẻ biết đi biết nói - giáo dục gia đình - cưới hỏi - thờ cúng tổ tiên). Ở chương này, Phan Ngọc có một nhận xét đáng lưu ý: Gia đình Việt Nam là một gia đình văn hóa, xây dựng trên tôn ti (mang hình thức Trung Quốc nhưng nội dung Việt Nam). Xuất phát điểm từ khái niệm về văn hóa: “văn hóa là một sự lựa chọn”, ở chương XVI khi trình bày về văn hóa Hy Lạp, tác giả đã cho rằng văn hóa Hy Lạp lấy thương nghiệp làm nền tảng cho sự tồn tại và phát triển. Vào thời cổ đại, văn hóa Hy Lạp có 2 tính ưu việt: một là, sự lựa chọn về tôn giáo và hai là, một ngôn ngữ chung có văn tự phiên âm triệt để đầu tiên trong lịch sử loài người. Phan Ngọc đã trình bày hàng loạt những dẫn chứng sinh động để cuối cùng chỉ ra 7 đặc điểm có tính thống nhất của văn hóa Hy Lạp. Theo tôi, có thể gộp lại thành 6 bởi hai đặc điểm thần thoại, sử thi và bi kịch có thể gộp thành một là: văn học - những thành tựu nổi trội. Tác giả công trình cũng tán dương việc Trần Đình Hượu nghiên cứu văn học đặt trong môi trường văn hóa chung ở chương XIII. Ông chỉ ra thế mạnh của Trần Đình Hượu là “am hiểu Nho giáo trong đời sống thực tế” để từ đó mà nhìn vào tư tưởng và văn học, nhưng cũng tiếc “Một là anh (Trần Đình Hượu - N.Đ.V) chưa dựa hẳn vào khoa học Phương Tây, hai là anh chưa khái niệm hóa chu đáo các kết quả tìm tòi đã rất đúng của mình” (tr. 403). Khi trình bày sự gặp gỡ giữa hai nền văn hóa Pháp - Việt (chương XV), Phan Ngọc đã chỉ những nguyên tắc chính của văn hóa Pháp: tính toàn nhân loại - chủ nghĩa duy lý - cá nhân và tự do cá nhân. Nó khác với những nguyên tắc của văn hóa Việt Nam: Tổ quốc - Gia đình - Thân phận - Diện mạo. Hơn nữa, người Việt Nam luôn tích cực bảo vệ nhân cách mình và cố gắng tiếp thu tinh hoa văn hóa bên ngoài trong bất cứ điều kiện nào. Cụ thể hơn, xét về mặt văn học, dù cuối thế kỷ XIX đầu XX, văn hóa Việt chúng ta phải giao lưu trong sự cưỡng bức, nhưng chúng ta đã học được những nhân tố về ngôn ngữ học, về báo chí, về tư duy lý luận... để từng bước chuyển mạch văn học và tiến nhanh trên con đường hiện đại hóa. Phần 2 : Các chương III, V, VI, IX, X, XI, XII, XIV. Đây là những chương bàn về tác giả; tác phẩm các giai đoạn văn học cụ thể. Ở chương V, trên cơ sở hệ thống ứng xử vật chất của Việt Nam và những đặc điểm cơ bản của văn hóa Việt Nam, Phan Ngọc đã chỉ ra “Điều độc đáo ta thấy ở Nguyễn Trãi không ở chỗ ông đã tạo ra những khái niệm mới mà chính là ở chỗ ông sử dụng những khái niệm có sẵn để tạo nên những quan hệ mới độc đáo...” (tr. 177). Từ cuộc đời và thơ văn, Phan Ngọc phân tích khá thuyết phục về những khái niệm “Hiếu”, “Trung”, “Ở ẩn”, “Dân”. Xung quanh chỗ “Hiếu”, “Trung”, trước Phan Ngọc, nhiều người đã nghĩ. Phan Ngọc mới hơn ở “Ở ẩn”, “Dân”. Chỗ “ở ẩn”, ông đối lập giữa Việt Nam với Trung Quốc và nhận xét: “Họ - các nhà nho Việt Nam (N.Đ.V) - không tham dự chính trị vì có những thắc mắc họ biết là không thể giải quyết được với chính trị hiện tại chứ không phải họ sợ đau khổ. Họ tìm một nơi ẩn náu để tránh xung đột với chính trị, ngày xưa chỗ ẩn náu ấy dứt khoát là công xã, bởi vì công xã có quyền tự trị, có khả năng che chở cho họ. Trong công xã này họ là những người tích cực nhất trong việc dạy học, chữa bệnh, viết sách để lại cho đời sau chứ không phải là độc thiện kỳ thân, cũng không tự cày lấy mà ăn như các ẩn sĩ Trung Quốc” (tr. 191 - 192). Ở khái niệm “Dân”, Phan Ngọc đã tìm ra tính thống nhất về lòng yêu thương người dân lao động vô hạn của Nguyễn Trãi, trong thơ văn lẫn trong cuộc đời thực. Viết về nhà báo Nguyễn Ái Quốc, ngoài việc dựng lại mấy nét về chân dung như có học vấn công phu, giỏi nhiều ngoại ngữ, ... Phan Ngọc có hai đóng góp mới. Một là tìm thấy cái riêng giữa việc ký tên Hồ Chí Minh và các tên khác. “Chỉ khi nào Bác nói với tính cách một Chủ tịch tức là với cương vị không phải của nhà báo, thì Bác mới ký tên Hồ Chí Minh, còn khi đóng vai một nhà báo không bao giờ Bác ký tên này” (tr. 130). Hai là thấy được Nguyễn Ái Quốc đã hiểu và vận dụng cách viết kiểu Pháp để thu hút sự chú ý của độc giả Pháp. Một cách viết khác nhiều với kiểu Á Đông. Đòi hỏi người viết phải vừa lạnh lùng, khách quan vừa dí dỏm, phải đưa ra nhiều con số chính xác, sự kiện cụ thể, bằng chứng dẫn xuất có thể kiểm chứng được. Phan Ngọc đưa ra nhiều dẫn chứng để chứng minh luận điểm này. Sang đến chương bàn về Nguyễn Tuân thì quả có nhiều người cảm phục. Dù đã đọc những công trình viết về Nguyễn Tuân trước đây, kể cả công trình khá xuất sắc của Nguyễn Đăng Mạnh in ở phần đầu “Tuyển tập Nguyễn Tuân”, người ta cũng dễ tìm thấy những đóng góp của Phan Ngọc khi ông, bằng cái nhìn phong cách, đã khảo sát và chỉ ra rằng “sau Nguyễn Tuân không có bóng dáng nhà văn nước ngoài nào”; trung tâm bài viết (có lẽ dùng từ “tác phẩm” hợp hơn - N.Đ.V) của Nguyễn Tuân là đồ vật, đồ vật ấy có giá trị ở chỗ chỉ có những người đặc biệt mới hiểu được nó. “Cái nhìn kỹ thuật, mỹ hóa kỹ thuật để văn học tạo nên ở bạn đọc lòng khao khát chế tạo đồ vật hoàn mỹ, đó là giai điệu mới lôi cuốn những ai đọc văn anh” (tr. 204). Phan Ngọc cũng chỉ ra giá trị “khinh bạc” ở Nguyễn Tuân: “Cậu khinh bạc đối với mọi cái gì người ta chạy theo: tiền tài, địa vị, chức tước. Cậu khinh loại độc giả tìm ở văn học cái gì giật gân, để thỏa mãn giác quan. Nhưng ở trong văn cậu, ta thấy nguyên vẹn cái nhìn ngây thơ, khao khát tìm hiểu, lòng tôn trọng mọi giá trị đạo đức đã giúp cho dân tộc tồn tại: tình chung thủy vợ chồng, nghĩa bạn bè, lòng chân thực của những người lao động” (tr. 209). Hướng phát hiện của Phan Ngọc về “Hoàng Trung Thông - nhà thơ của những con người nhỏ bé” là đáng lưu tâm. Chương viết về tiểu thuyết “Lõm” vận dụng nhiều cái nhìn để tiếp cận văn chương (mạnh hơn cả là cái nhìn ngôn ngữ học và văn hóa học) và có phát hiện ra vài điểm đáng lưu ý: Tiểu thuyết “Lõm” đã chứng minh được nhân cách luận cách mạng của Việt Nam đã đánh bại cá nhân luận kinh tế của Mỹ, chứng minh được tính bất đắc dĩ của cuộc chiến đấu vừa qua. Những chương IX, X, XI, tác giả viết về các giai đoạn của văn học Việt Nam, nhìn nhận bằng những lát cắt ngang. Có thể bây giờ hơi thở “thời sự” của bài viết đã không còn nguyên giá trị nữa nhưng vẫn còn vài ý kiến, nhận xét đáng để chúng ta suy nghĩ. Chẳng hạn, Phan Ngọc cho rằng cần hiểu văn học Việt Nam trong tâm thức người Việt Nam, trong văn hóa Việt Nam. Cần hiểu văn học Việt Nam là nền văn học nhân cách luận, vì vậy nếu dùng cá nhân luận phương Tây để đánh giá, tìm hiểu là sai lầm (tr. 368, 370). Hay như ông nhìn nhận về sự đổi mới: “Mọi sự biến đổi, đổi mới, muốn thành công phải xuất phát từ cái bất biến, bỏ cái bất biến sẽ chẳng có đổi mới gì hết...” (tr. 378). Mấy ý kiến khác của ông về việc lãnh đạo văn nghệ cũng đáng để chúng ta lưu tâm. Phần cuối: Các chương II, VII, VIII : bàn về thể loại văn học Ở các chương bàn về thể loại văn học này, nhà phong cách học Phan Ngọc đã có điều kiện để thể hiện thế mạnh của mình. Bằng cách xâu chuỗi, đối chiếu văn bản một cách công phu và trên phạm vi rộng, đồng thời biết kế thừa những thành quả từ các ngành nghiên cứu khác về tín ngưỡng, phong tục, nghi lễ, khảo cổ học, dân tộc học..., ông đã chỉ ra những mô típ chính của hệ thống huyền thoại Việt - Mường nguyên thủy, tiến hành phân loại các mảng của hệ thống huyền thoại này. Cũng vậy, ở chương VII, Phan Ngọc chỉ ra nội dung của thơ song thất lục bát, nội dung của hình thức trong cái nhìn mang tính lịch sử và hệ thống, thông qua các thao tác đối lập. Cách làm của ông khá công phu, tỉ mỉ. Ông chọn 35 tác phẩm tiêu biểu của thể thơ song thất lục bát trong một khoảng thời gian hơn 200 năm để khảo sát. Và rồi, ông chỉ ra bốn đặc điểm có tính cơ bản của thể thơ song thất lục bát là: là thơ nội tâm, bao giờ cùng thể hiện một sự đối lập, có tính chất kêu gọi, thôi thúc, tác giả đóng vai một người lữ khách. Sau đó ông trở lại phân tích cấu trúc, dựng lại quá trình hình thành, đưa ra mô hình song thất lục bát cổ điển. Phần bàn về tác giả “Chinh phụ ngâm” như một sự kiểm chứng cụ thể với lý thuyết mà ông nêu ra. Người đọc cũng khá thích thú khi đọc chương “Vài mẹo về tiểu thuyết dài”. Chương này tác giả đi thẳng vào vấn đề “Tại sao tiểu thuyết Việt Nam lại yếu?” đồng thời chỉ ra 8 mẹo mà theo ông có thể khắc phục được (Bỏ lối phân đôi, xét con người trong cả quá trình, con người Việt Nam, biết sử dụng ngẫu nhiên, chuyển từ chê sang trách, phát huy tính hiện đại, nắm lấy cái bất biến, xây dựng một nền tiểu thuyết tầm cỡ thế giới). Chẳng phải các “mẹo” ông đưa ra đều đúng (Thử xem, “mẹo” thứ tám đã bao trùm các “mẹo” còn lại rồi vậy) nhưng phải công nhận nó có nhiều gợi mở. Ai cũng biết, từ lý thuyết đến sáng tác là cả một quá trình. Nhưng biết nhiều để mà lựa chọn thì thường là hay. Hy vọng các nhà tiểu thuyết trẻ cũng nghĩ vậy. Cái lạ ở việc chỉ ra các “mẹo” là Phan Ngọc không đứng ở góc độ nhà nghiên cứu để nói về tiểu thuyết. Ông biết mình không thể đi xa hơn Phạm Quỳnh, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Văn Trung, Phan Cự Đệ. Ông cũng không đứng ở góc độ nhà văn. Làm sao qua được Nhất Linh, Thạch Lam, Vũ Bằng. Ông đã đứng ở góc độ người đọc, người tiếp nhận và bằng các kinh nghiệm đọc, tiếp xúc nhiều của mình mà tâm sự, gởi trao đổi với các nhà tiểu thuyết trẻ. Tấm lòng chân thành và đầy nhiệt huyết như thế với tiền đồ văn học nước nhà là rất đáng trân trọng.
Theo chỗ tôi biết, mấy năm qua sách bàn về văn hóa xuất bản khá nhiều (riêng cùng nhan đề “Cơ sở văn hóa Việt Nam” đã có tới 3 cuốn của Trần Ngọc Thêm, Trần Quốc Vượng, Lê Văn Chưởng). Cũng có cuốn hay, cũng có cuốn dở, âu đó là sự thường. Nhưng tôi tin cuốn sách này của Phan Ngọc (cùng với hai cuốn khác nữa cũng bàn về văn hóa là: “Bản sắc văn hóa Việt Nam” và “Một cách tiếp cận văn hóa”) sẽ có một vị trí riêng trong lòng độc giả. Phan Ngọc đã dấn thân, mải miết đi tìm một con đường mới trong việc tiếp cận văn hóa, văn học. Hành trình ông đi, nhiều lúc cô độc. Nhưng hình như sau ông, một lớp người mới, trẻ hơn, đang cất bước. Huế, 5/10/2000
NGUYỄN ĐÌNH VĨNH (nguồn: TCSH số 153 - 11 - 2001) |