Tác giả-tác phẩm
Bác Hồ trong lòng người dân Bình Trị Thiên
14:09 | 24/01/2022


TRẦN NGUYỄN KHÁNH PHONG

Bác Hồ trong lòng người dân Bình Trị Thiên
Ảnh: internet

1. Bác Hồ với Bình Trị Thiên

Bình Trị Thiên là nơi nhận được sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây cũng là nơi mà trong thời Pháp thuộc đã có nhiều người thân trong gia đình của Bác như cụ Nguyễn Sinh Khiêm, cụ Nguyễn Thị Thanh đã sống, học tập, làm việc và hoạt động cách mạng. Bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Bác Hồ cũng đã yên nghỉ trên vùng đất Cố đô Huế.

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Bác Hồ luôn hướng về Huế về Bình Trị Thiên. Trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp, tuy bận trăm công nghìn việc nhưng Người vẫn dành thì giờ chăm lo bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảng viên Bình Trị Thiên. Bác luôn quan tâm đến đồng bào, dõi theo những chiến công của đồng bào. Mỗi lần có chiến công Bác thường xuyên kịp thời động viên. Vì thế, quân và dân Bình Trị Thiên đã phát huy sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân, chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, đánh tan âm mưu bình định, chia cắt của địch.

Năm 1954, hòa bình lập lại nhưng Tổ quốc ta tạm thời chia cắt hai miền Nam - Bắc. Miền Bắc hoàn toàn được giải phóng, trở thành căn cứ địa cách mạng của cả nước, lời Bác trìu mến lại truyền đến với đồng bào miền Nam, đồng bào Bình Trị Thiên. Cuối năm 1955, Bác gửi một số quà tặng cho đồng bào miền núi thuộc xã Húc, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Việc này đã trở thành niềm tin sức mạnh cho nhân dân xã Húc và Quảng Trị vượt qua bao thử thách ác liệt trong những ngày giáp mặt với quân thù.

Ngày 16 tháng 6 năm 1957, một vinh dự vô cùng lớn lao là Đảng bộ và nhân dân Quảng Bình đặc biệt là cán bộ khu vực Vĩnh Linh vui mừng đón Bác về thăm, được Bác ân cần căn dặn nhiều điều về đoàn kết dân tộc, đánh giặc cứu nước. Sau khi Bác về đến Hà Nội, đảng viên và nhân dân Quảng Bình, Vĩnh Linh bồi hồi xúc động trước những cử chỉ thân mật, lời dạy ân cần của Người. Từ đó trở đi, một phong trào thi đua lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, hàn gắn vết thương chiến tranh, củng cố quốc phòng, đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève diễn ra sôi nổi và hào hứng khắp nơi.

Kể từ ngày Bác về với “thế giới người hiền”, đồng bào Bình Trị Thiên đã không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, đó là quyết tâm đánh giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.

Sau ngày đất nước thống nhất, nhân dân Bình Trị Thiên bắt tay vào công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa, đổi mới để tiến lên. Năm 1989, trước yêu cầu của tình hình phát triển kinh tế xã hội, tỉnh Bình Trị Thiên lại tách thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Cho dù nhập tỉnh rồi lại tách tỉnh nhưng đồng bào Bình Trị Thiên vẫn luôn hướng về cách mạng và Bác Hồ. Trong đó hình thức diễn xướng thơ ca dân gian là dễ đi sâu vào lòng người dân nhất. Hình tượng Bác Hồ lại càng được tỏa sáng soi đường cho nhân dân Bình Trị Thiên tiếp bước dưới lá cờ cách mạng, lá cờ chiến thắng.

2. Hình tượng Bác Hồ trong thơ ca dân gian Bình Trị Thiên

“Bác Hồ với nhân dân, nhân dân với Bác Hồ, mối quan hệ ấy là mối quan hệ vô cùng bền vững, sâu sắc và mặn nồng. Cũng như nhân dân cả nước, nhân dân Bình Trị Thiên biết ơn và kính yêu Bác Hồ vô hạn”(1). Tình cảm chân thành và thắm thiết ấy một phần được thể hiện, được phản ánh qua các vần thơ ca dân gian mộc mạc mà rất đằm thắm, thiết tha.

Tác giả của những bài thơ ca về Bác Hồ đủ các thành phần trong xã hội như nông dân, công nhân, nhân sĩ trí thức, đội ngũ văn nghệ sĩ, các cựu chiến binh, được họ sáng tác từ kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ và trong những năm từ sau ngày đất nước hoàn toàn được giải phóng. Thơ ca dân gian Bình Trị Thiên viết về Bác Hồ gắn liền với công việc lao động, sản xuất, bảo vệ quê hương đất nước, giãi bày những tâm tư, tình cảm nguyện vọng của nhân dân. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc, mỗi hành động, lời nói của người dân luôn khắc sâu lòng biết ơn vô hạn đối với Bác:

Bác mong dân được ấm no,
Bác mong đất nước tự do hòa bình.
Suốt Trung, Nam, Bắc chúng mình,
Người bao nhiêu đó, nặng tình bấy nhiêu.


Với sự sáng tạo về ngôn ngữ và thể loại thơ ca dân gian, đồng bào đã nói lên được những ý nguyện của mình:

Ai đếm được cát?
Ai tát được bể?
Ai kể được sao?
Đố ai tính được công lao Bác Hồ.


Bác Hồ đã dành cho nhân dân Bình Trị Thiên nhiều tình cảm hết sức mộc mạc chân thành mà lại rất đỗi thiêng liêng. Đã có lần nhân dân ở chợ Sam, xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế quyết đấu tranh để bảo vệ giữ gìn đồng bạc Cụ Hồ. Trong chiến đấu chống quân xâm lược, người Bình Trị Thiên vẫn tin ở thế chiến thắng cuối cùng. Sự quyết tâm đó được thể hiện qua câu hò nhắn nhủ đồng bào.

Núi Mâu Sơn cao bao nhiêu trượng,
Sông Nhật Lệ sâu biết mấy nhiêu tầng.
Dừng chèo ta dặn bạn đồng tâm,
Lời Cụ Hồ nắm vững khăng khăng.
Dù có mưa nguồn chớp biển,
Cũng không đến nỗi mần răng mô đồng bào.


Ước nguyện lớn nhất của người dân là mong đất nước được độc lập và đón Bác vào thăm:

Ai ra muôn dặm trùng dương,
Cũng thường nhận được tình thương Cụ Hồ.
Mừng ngày Độc lập Cụ vô,
Thỏa lòng mong đợi ước mơ đêm ngày.


Xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nằm dưới chân đồi 74, nơi có các trận địa phòng không và dân quân xã đã chiến đấu ngoan cường, bắn rơi nhiều máy bay, được Bác Hồ gửi thư khen ngợi. Đồng bào đã lấy cảm hứng từ chiến công đó mà sáng tác nên câu ca:

Vĩnh Thủy quê ta vang trời dậy đất,
Năm châu bốn biển tới tấp chào mừng.
Nghe lời Bác dạy dốc lòng,
Chiến công nối tiếp chiến công rộn ràng.


Thực hiện lời Bác, người dân Bình Trị Thiên cùng cả nước hưởng ứng phong trào bình dân học vụ. Người dân khuyên nhau đi học để khỏi hổ thẹn với dân, học để yêu quê hương, đất nước:

Bấm tay, mạ nhớ ngọn ngành,
Hai mùa lúa chín, con mình về đây.
Đêm đêm, mạ nhớ tỏ tường,
Ngàn năm, mạ nhớ công ơn Bác Hồ.
Tuổi cao, mắt mạ có mờ,
Dằn lòng son sắt, mạ chờ Bác vô.
Đêm đêm, nhẩm đọc i tờ,
Bình dân học vụ ngày càng tấn tới,
Dù cho giặc khủng bố, ruộng ngoài đồng không bỏ hóa nơi mô.
Toàn dân đoàn kết theo lời dạy của Cụ Hồ,
Đánh tan quân cướp nước, giữ cơ đồ Việt Nam.


Đồng bào Tà Ôi, Pa Cô, Bru - Vân Kiều luôn làm theo những lời căn dặn của Bác, vì thế mà trong thơ ca dân gian hình ảnh Bác được đồng bào các dân tộc thiểu số nơi đây nhắc đến nhiều. Những bài ca cách mạng cũng theo đó mà ngân vang vào trong vùng dân tộc, con gái, con trai, trẻ nhỏ đều náo nức hát trong những buổi hội hè, hát lúc lên rẫy ra nương.

Trâu từng đàn quay sừng chống hổ, hổ bỏ chạy,
Dao nhiều cây cùng chặt về một hướng, hạ ngã trăn rừng.
Một bờ cây dày chắn ngang cơn gió xoáy,
Ta bện thừng lòng dân mọi bản về với Bác Hồ.


Được giải phóng khỏi ách nô lệ, dân ca chuyển thành lời ca, tiếng hát ca ngợi cách mạng, ca ngợi Bác Hồ, động viên bộ đội, nhân dân đi chiến đấu, quyết tâm kháng chiến đến cùng, xây dựng căn cứ cách mạng ở A Lưới:

Chim Acrot nhớ thương bay về quê mẹ,
Cho con hươu, con nai tìm lại cỏ non.
Mở đường 12 cho xe ngược xuôi qua lại,
Mở rộng sân bay để đón Cụ Hồ,
Và A Lưới quê mình cả một bài thơ.


Đại thắng mùa xuân năm 1975 thống nhất đất nước, hòa bình, độc lập, tự do cho nhân dân cả nước. Nhân dân Bình Trị Thiên đã vui cái vui chung của dân tộc mà trong lòng vẫn luôn nhớ công ơn của Bác Hồ, tự nguyện đứng ở mũi nhọn của cuộc chiến đấu, luôn luôn cảnh giác trước mọi thủ đoạn của kẻ thù.

Nay lúa tốt khoai tươi cũng nhờ sức người vun xới,
Cách mạng giải phóng rồi cũng nhờ Bác Hồ tranh đấu dẻo dai.
Các bạn đồng chí ơi gắng công chống giặc, chống mãi, chống hoài,
Chống răng chừ chúng ra khỏi nước mới đem lại tương lai hòa bình.


Thật không thể nói hết được tình cảm của người dân Bình Trị Thiên với Bác Hồ. Những lời lẽ chân thành mộc mạc qua thơ ca dân gian nêu thể hiện được tấm lòng của người dân Bình Trị Thiên đối với Bác Hồ và Bác Hồ với người dân Bình Trị Thiên.

T.N.K.P
(TCSH395/01-2022)

------------------------------
(1). Lê Tiến Dũng, Trần Hoàng: Cụ Hồ ở giữa lòng dân. Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2000, tr 5.  




 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng